Kinh Pháp Cú là tập hợp những lời dạy ngắn gọn đầy ý nghĩa của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong ba trăm trường hợp giáo hóa khác nhau.
Kinh Pháp Cú là một tập hợp những câu dạy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa của Đức Phật Thích Ca trong ba trăm trường hợp giáo hóa khác nhau. Những câu trong Kinh này do chính Đức Phật khi còn tại thế nói ra trong suốt 45 năm thuyết pháp của Ngài.
Dhammapada là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Ðây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới. Nhiều tác giả coi bộ kinh này như là Thánh Thư của Đạo Phật.
Các câu này về sau được các vị đại đệ tử của Đức Phật sắp xếp thành 423 bài “kệ”, chia ra làm 26 “phẩm” và tụng đọc trong Ðại Hội Kết Tập Kinh Ðiển lần đầu tiên sau khi Đức Phật nhập diệt.
“Pháp” có nghĩa là đạo lý, chân lý, giáo lý. “Cú” là lời nói, câu kệ. “Pháp Cú” là những câu nói về chánh pháp, những lời dạy của đức Phật nên Kinh Pháp Cú còn được gọi là “Kinh Lời Vàng” hoặc “Lời Phật Dạy“.
Kinh Pháp Cú tóm thâu tinh hoa giáo lý của Đức Phật. Ðọc những bài kệ trong kinh này người đọc cảm thấy như chính mình được trực tiếp nghe lời Phật dạy từ hơn 2500 năm trước vọng lại. Mỗi bài kệ có thể xem là chứa đựng một cách súc tích và trung thành nhất những lời dạy, những giáo lý căn bản nguyên thủy của đức Phật.
Ý nghĩa của Kinh Pháp Cú
Kinh Pháp Cú là một trong những văn tự cổ xưa nhất của đạo Phật. Kinh được xem là một phương cách trình bày đạo Phật giản dị, ai ai cũng có thể hiểu được, và giúp ích cho sự tu tập hàng ngày nhờ những câu kệ tuyệt diệu này.
Đức Phật đã từng tuyên bố rõ ràng rằng Ngài chỉ là người dẫn đường chỉ nẻo chứ Ngài không thể “cứu rỗi” hay tu thay cho ai được cả, và con người phải tự mình tu để giải thoát cho chính mình.
Hy vọng rằng những lời dạy của đức Phật trong tập Kinh Pháp Cú sẽ là ngọn đuốc rực rỡ soi sáng dẫn đường, là ngón tay chỉ hướng cho mọi hành động, ngôn ngữ, tâm tư của người đọc và do đó đem lại an lạc và hạnh phúc. Tự mình nghe theo lời Phật dạy mà tu sửa, rồi tự mình sẽ giác ngộ và sự giác ngộ đó sẽ giúp cho mình được giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử đầy khổ đau.
Kinh Pháp Cú tóm thâu tinh hoa giáo lý của đức Phật. Đọc những bài kệ trong kinh này người đọc cảm thấy như chính mình được trực tiếp nghe lời Phật dạy từ hơn 2500 năm trước vọng lại. Mỗi bài kệ có thể xem là chứa đựng một cách súc tích và trung thành nhất những lời dạy, những giáo lý căn bản nguyên thủy của đức Phật. Mỗi phẩm trong Kinh Pháp Cú đặt trọng tâm vào một đề tài chính. Mỗi bài kệ trong từng phẩm đều chứa đựng một nội dung tu học rất sâu sắc và phong phú. Nhiều bài đơn giản và dễ hiểu nhưng nhiều bài không thể nào chỉ đọc một lần mà hiểu ngay hết được. Cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc thêm các tích truyện đi kèm và tra cứu thêm các bản chú giải.
Người đọc nếu sẵn nhiệt tâm hướng về đạo pháp nên nghiền ngẫm và thường xuyên suy niệm về những lời vàng ngọc chứa đựng trong kinh rồi đem ra thực hành, áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của mình. Chắc chắn người đọc có thể thâu hoạch được một niềm vui về tinh thần vượt lên cao hơn tất cả những thứ hạnh phúc khác trên thế gian, sẽ gặt hái được nhiều lợi ích cho chính bản thân mình ngay trong hiện tại cũng như trong tương lai. Lời kinh khơi nguồn cảm hứng cao đẹp và mở ra một lối đi đầy hương hoa, tạo ra một sức mạnh diệu kỳ giúp cho người đọc có một niềm tin vững chắc hơn trên con đường tu học để tiến đến bến bờ giác ngộ và nhờ đó mà được giải thoát.
Lời giới thiệu
Bản in dịch bản kinh Pháp cú (Dhammapada) của Hòa thượng Thích Thiện Siêu và Hòa thượng Thích Minh Châu.
Lời giới thiệu kinh Pháp cú của Hòa thượng Thích Thiện Siêu, in năm 1998 và của Hòa thượng Thích Minh Châu, in năm 1989 đã rất đầy đủ, giúp người đọc có một cái nhìn rõ về giá trị phổ biến của bản kinh lưu hành trong các nước Phật giáo Thượng tọa bộ (Theravāda) và Đại thừa qua nhiều thế kỷ. Ngày nay, giá trị phổ biến ấy vẫn còn nguyên vẹn.
Hai bản dịch Việt này: một rất trung thành với bản Hán, một rất trung thành với bản Pāli. Có thể nói rằng, hai bản dịch như ghi lại một cách trung thành những lời dạy của đức Phật phản ảnh qua kinh tạng Phật giáo mà trọn đời chúng tôi đã được học hỏi. Đây là tiếng nói chân thật và trí tuệ của đấng Giác ngộ soi sáng cho cuộc đời này, hàng tu sĩ và cư sĩ. Rất thiết thực và rất lợi lạc.
Chúng tôi trân trọng kính giới thiệu đến quý bạn đọc.
Chùa Tường Vân, Huế,
ngày 27/8/2014
Tỷ-kheo THÍCH CHƠN THIỆN hiệu Viên Giác
Lời nói đầu
Bổn sư của chúng tôi, cố Đại lão Hòa thượng húy thượng Thiện hạ Siêu đã có viễn kiến sâu rộng khi là người đầu tiên, vào năm 1959, khởi dịch toàn bộ kinh Lời vàng (Kinh Pháp cú, Pāli: Dhammapāda) sang Việt ngữ, dựa trên bản Hán văn của Pháp sư Liễu Tham, theo thể văn xuôi.
Tiếp đến, cố Đại lão Hòa thượng húy thượng Minh hạ Châu trùng dịch từ nguyên bản Pāli, theo văn vần, lập thành thi kệ, vào năm 1969.
Là những bậc long tượng trong nền văn hóa và văn học Phật giáo Việt Nam hiện đại, nên công trình dịch thuật kinh Pháp cú của cả hai ngài đều cần phải được trân quý và bảo tồn.
Từ đấy cho đến nay, một loạt nhiều công trình dịch thuật khác (xem phần Thư tịch), hoặc có giá trị như bản của học giả Phạm Kim Khánh đúng sát với chánh văn; hoặc thi hóa như của giáo sư Trần Trọng San, hay khoáng diễn thêm thắt ý tứ của Tỷ-kheo Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh), v.v., đã xuất hiện rộng rãi, cho thấy tầm quan trọng của kinh Pháp cú đã thật sự ảnh hưởng lớn mạnh trong nền văn học của Phật giáo Việt Nam.
Ở Tây phương, người đầu tiên dịch toàn bộ kinh Dhammapāda sang Anh ngữ là học giả Maxwell Frederick Mueller, vào năm 1881 gây tiếng vang lớn trong học giới tại đây và ảnh hưởng cho đến độ đến nay đã có gần 80 bản dịch ra đời, xuất hiện dưới nhiều dạng thức theo kỹ thuật tân tiến hiện đại. Tựu trung, có hai bản dịch có tánh cách chánh xác nhất, một được phổ biến rộng rãi là của Đại đức Nārada Mahāthera vào năm 1946 và một nghiên cứu thật kỷ lưỡng là của giáo sư Sarvepalli Radhakrishnan năm 1950.
Do đó trong kỳ tái bản lần này, chúng tôi quyết định thu tập và trình bày chung bản văn xuôi của Bổn sư và bản thi kệ của Hòa thượng Thích Minh Châu, đối chiếu với bản Pāli và Anh ngữ của ngài Nārada,2 cùng với bản Hán văn của Pháp sư Liễu Tham, hợp thành một quyển kinh Pháp cú có thẩm quyền nhất, về phương diện tư liệu, văn học,
cũng như giáo dục học thuật, cho Phật giáo Việt Nam.
Hiện nay, Phật tử Tây phương – gồm giới nghiên cứu học thuật cùng chư tôn đức hoằng pháp – đã đương nhiên mặc định tôn vinh Dhammapāda sutta như là quyển Thánh kinh (Bible) của Phật giáo nói chung. Thánh kinh, là vì kinh Pháp cú bao gồm đầy đủ giáo lý căn bản của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, chính là Lời Phật dạy, làm cốt lõi cho tư tưởng Phật giáo phát triển về sau, bất luận là Nam hay Bắc tông. Cho nên, thiết nghĩ chúng ta cũng cần cấp tiến để cung ứng cho Phật giáo Việt Nam một quyển Thánh kinh biểu trưng đầy đủ thẩm quyền về phương diện chuyển ngữ đúng thật những lời Phật dạy, cũng như về phương diện căn bản đạo đức và tu hành cho toàn thể Phật giáo đồ.
Được như vậy Phật giáo Việt Nam sẽ có một bộ Đại Tạng Kinh thu nhỏ, dễ cầm tay, làm thủ sách cẩm nang cho mọi giới, bất luận cho tự lợi hay lợi tha, đều có ích. Được như vậy là hoàn thành tâm nguyện buổi ban đầu của Bổn sư chúng tôi.
Chùa Từ Đàm, Phật lịch 2558
Tỷ-kheo THÍCH HẢI ẤN
cẩn bút
Mục lục
Kinh Pháp Cú phẩm song yếu và hình vẽ minh họa
Kinh Pháp Cú phẩm không phóng dật và hình vẽ minh họa
Kinh Pháp Cú phẩm tâm và hình vẽ minh họa
Kinh Pháp Cú phẩm hoa và hình vẽ minh họa
Kinh Pháp Cú phẩm ngu và hình vẽ minh họa
Kinh Pháp Cú phẩm hiền trí và hình vẽ minh họa
Kinh Pháp Cú phẩm A La Hán và hình vẽ minh họa
Kinh Pháp Cú phẩm Ngàn và hình vẽ minh họa
Kinh Pháp Cú phẩm Ác và hình vẽ minh họa
Kinh Pháp Cú phẩm Hình Phạt và hình vẽ minh họa
Kinh Pháp Cú phẩm Già và hình vẽ minh họa
Kinh Pháp Cú phẩm Tự Ngã và hình vẽ minh họa
Kinh Pháp Cú phẩm Thế Gian và hình vẽ minh họa
Kinh Pháp Cú phẩm Phật Đà và hình vẽ minh họa
Mời quý bạn đọc tụng Kinh Pháp Cú – 423 Lời vàng Phật dạy – Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch tại file PDF dưới đây.
[pvfw-embed viewer_id=”634″ width=”100%” height=”600″ iframe_title=”Tâm Hướng Phật” zoom=”auto” pagemode=”none”]