Tâm Hướng Phật
Lời Phật Dạy

Kinh Pháp Cú phẩm không phóng dật và hình vẽ minh họa

Kinh Pháp Cú là những lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế. Dưới đây là nội dung Kinh Pháp Cú phẩm không phóng dật.

Kinh Pháp Cú là một tập hợp những câu dạy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa của Đức Phật Thích Ca trong ba trăm trường hợp giáo hóa khác nhau. Những câu trong Kinh này do chính Đức Phật khi còn tại thế nói ra trong suốt 45 năm thuyết pháp của Ngài.

Dhammapada là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Ðây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới. Nhiều tác giả coi bộ kinh này như là Thánh Thư của Đạo Phật.

Các câu này về sau được các vị đại đệ tử của Đức Phật sắp xếp thành 423 bài “kệ”, chia ra làm 26 “phẩm” và tụng đọc trong Ðại Hội Kết Tập Kinh Ðiển lần đầu tiên sau khi Đức Phật nhập diệt.

“Pháp” có nghĩa là đạo lý, chân lý, giáo lý. “Cú” là lời nói, câu kệ. “Pháp Cú” là những câu nói về chánh pháp, những lời dạy của đức Phật nên Kinh Pháp Cú còn được gọi là “Kinh Lời Vàng” hoặc “Lời Phật Dạy“.

Kinh Pháp Cú tóm thâu tinh hoa giáo lý của Đức Phật. Ðọc những bài kệ trong kinh này người đọc cảm thấy như chính mình được trực tiếp nghe lời Phật dạy từ hơn 2500 năm trước vọng lại. Mỗi bài kệ có thể xem là chứa đựng một cách súc tích và trung thành nhất những lời dạy, những giáo lý căn bản nguyên thủy của đức Phật.

Dưới đây là nội dung Kinh Pháp Cú phẩm không phóng dật:

21. Không buông lung đưa tới cõi bất tử, buông lung đưa tới cõi tử vong; người không buông lung thì không chết, kẻ buông lung thì sống như thây ma.

21. Không phóng dật, đường sống,
phóng dật là đường chết.
không phóng dật, không chết,
phóng dật như chết rồi.

22. Kẻ trí biết chắc điều ấy nên gắng làm theo sự không buông lung. Không buông lung thì đặng an vui trong các cõi thánh.

22. Biết rõ sai biệt ấy,
người trí không phóng dật;
hoan hỷ, không phóng dật,
an vui hạnh bậc thánh.

23. Nhờ kiên nhẫn, dõng mãnh tu thiền định,6 kẻ trí được giải thoát an ổn, chứng nhập vô thượng niết-bàn.

23. Người hằng tu thiền định,
thường kiên trì tinh tấn.
Bậc trí hưởng niết-bàn,
ách an tịnh vô thượng.

24. Không buông lung, cố gắng, hăng hái, chánh niệm, khắc kỷ theo tịnh hạnh, sinh hoạt đúng như pháp, thì tiếng lành càng tăng trưởng.

24. Nỗ lực, giữ chánh niệm,
tịnh hạnh, hành thận trọng,
tự điều, sống theo pháp;
ai sống không phóng dật,
tiếng lành ngày tăng trưởng.

25. Bằng sự cố gắng, hăng hái, không buông lung, tự khắc chế lấy mình, kẻ trí tự tạo cho mình hòn đảo9 chẳng còn ngọn thủy triều nào nhận chìm được.

25. Nỗ lực, không phóng dật,
tự điều, khéo chế ngự;
bậc trí xây hòn đảo,
nước lụt khó ngập tràn.

26. Người ám độn ngu si đắm chìm trong buông lung; nhưng kẻ trí lại chăm giữ tâm không buông lung, như người giàu chăm giữ của báu.

26. Chúng ngu si thiếu trí,
chuyên sống đời phóng dật.
Người trí, không phóng dật,
như giữ tài sản quý.

27. Chớ đắm chìm theo buông lung, chớ mê say dục lạc; hãy tỉnh giác tu thiền, mới mong đặng đại an lạc.

27. Chớ sống đời phóng dật,
chớ mê say dục lạc.
Không phóng dật, thiền định,
đạt được an lạc lớn.

28. Nhờ trừ hết buông lung, kẻ trí không còn lo sợ gì. Bậc thánh hiền bước lên lầu trí tuệ, nhìn thấy kẻ ngu si còn nhiều lo sợ, như được lên núi cao, cúi nhìn muôn vật trên mặt đất.

28. Người trí dẹp phóng dật,
với hạnh không phóng dật,
leo lầu cao trí tuệ,
không sầu, nhìn khổ sầu;
bậc trí đứng núi cao,
nhìn kẻ ngu, đất bằng.

29. Tinh tấn giữa đám người buông lung, tỉnh táo giữa đám người mê ngủ, kẻ trí như con tuấn mã thẳng tiến, bỏ lại sau con ngựa gầy hèn.

29. Tinh cần giữa phóng dật,
tỉnh thức giữa quần mê;
người trí như ngựa phi,
bỏ sau con ngựa hèn.

30. Nhờ không buông lung, Ma-già được làm chủ chư Thiên. Không buông lung được nguời khen ngợi, buông lung bị người khinh chê.

30. Đế Thích không phóng dật,
đạt ngôi vị Thiên chủ.
Không phóng dật, được khen;
phóng dật, thường bị trách.

31. Tỷ-kheo thường ưa không buông lung, hoặc sợ thấy sự buông lung, ta ví họ như ngọn lửa hồng đốt thiêu tất cả kiết sử lớn nhỏ.

31. Vui thích không phóng dật,
tỷ-kheo sợ phóng dật,
bước tới như lửa hừng,
thiêu kiết sử lớn nhỏ.

32. Tỷ-kheo nào thường ưa không buông lung, hoặc sợ thấy sự buông lung, ta biết họ gần tới niết-bàn, nhất định không bị đọa lạc dễ dàng như trước.

32. Vui thích không phóng dật,
tỷ-kheo sợ phóng dật,
không thể bị thoái đọa;
nhất định gần niết-bàn.

Mời quý bạn đọc trọn bộ kinh Pháp Cú tại: Kinh Pháp Cú – 423 lời vàng Phật dạy trọn bộ – Thích Minh Châu

Bài viết cùng chuyên mục

Kinh Hoa Nghiêm tập 22: Phẩm Vô Tận Tạng thứ hai mươi hai

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ mười: Giai nguyện tác Phật

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ ba: Ðại giáo duyên khởi

Định Tuệ

Kinh Hoa Nghiêm tập 17: Phẩm Sơ Phát Tâm Công Đức

Định Tuệ

Phẩm thứ 41: Ư Bà Tư – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 12: Quang minh biến chiếu

Định Tuệ

Kinh Pháp Hoa: Phẩm Chúc Lụy thứ hai mươi hai

Định Tuệ

Kinh Lăng Nghiêm quyển thứ năm – Cư sĩ Tâm Minh dịch

Định Tuệ

Kinh Pháp Cú phẩm ngu và hình vẽ minh họa

Định Tuệ

Viết Bình Luận