Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Không thể vãng sanh Cực Lạc thì đó là thiệt thòi

Gặp được pháp môn Tịnh Độ mà không thể vãng sanh Cực Lạc thì đó là thiệt thòi. Thật sự vãng sanh Tịnh Độ thì siêu việt hơn đời này gấp ức vạn lần trở lên.

Chúng ta cố gắng lợi dụng thời gian ngắn ngủi của đời này để tu đạo lớn cho tiền đồ của mình sáng sủa, đời sau của ta sẽ thù thắng hơn đời này. Chí ít cũng phải thù thắng gấp mười lần trở lên thì đời này của ta mới không bị uổng phí. Gặp được pháp môn Tịnh Độ mà không thể vãng sanh Tịnh Độ, thì đó là thiệt thòi! Thật sự vãng sanh Tịnh Độ thì siêu việt hơn đời này gấp ức vạn lần trở lên. Chúng ta nên làm việc này. Muốn làm được việc này nhất định phải tuân thủ lời giáo huấn của Phật. Tại sao vậy? Thế giới Tây Phương Cực Lạc là “chư thiện thượng nhân câu hội nhất xứ”. Những người ở thế giới đó đều là người thượng thiện, vì vậy bản thân chúng ta ở trong đời này phải tu đến thượng thiện thì chúng ta mới có tư cách gia nhập câu lạc bộ của thế giới Cực Lạc.

Chúng ta niệm Phật, niệm có tốt đi nữa, tín nguyện hạnh đều đầy đủ, nhưng nếu tâm hạnh bất thiện thì không thể vãng sanh. Trong kinh điển, đại đức xưa nói rất rõ ràng, rất sáng tỏ: “Tâm tịnh tắc Phật độ tịnh”. Điều kiện đầu tiên để vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc là tâm thanh tịnh. Thanh tịnh chính là thuần thiện. Cho nên người khác phỉ báng chúng ta, chúng ta chắp tay niệm: “A Di Đà Phật”, chúng ta cảm kích họ, tại sao vậy? Họ thay ta tiêu tai. Họ tạo tội nghiệp thay ta tiêu tai, sao ta có thể không cảm ơn họ? Sao ta có thể oán hận họ? Nếu như ta oán hận họ thì lỗi lầm của ta nặng rồi. Người ta bất chấp nguy hiểm đọa ba đường ác để tiêu tai, tiêu nghiệp chướng cho chúng ta, sao chúng ta có thể không cảm kích? Ta dùng công đức của ta tu tích hồi hướng cho họ, phát xuất từ tâm chân thành. Người rõ lý mới biết làm, mới có thể làm được; người không rõ lý, có tâm oán hận thì không được. Tâm oán hận là nghiệp nhân của ba đường ác; tâm từ bi là nghiệp nhân của Phật Bồ-tát. Phải đem tham sân si chuyển thành đại từ đại bi, phải đem tham sân si chuyển đổi thành trí tuệ chân thật, thì chúng ta đời này mới thật sự được độ, thật sự có phần nắm chắc, một mảy may hoài nghi cũng không có thì tiền đồ là một vùng hào quang sáng lạn.

Mười pháp giới, mười con đường bày ra trước mắt, bạn chọn con đường nào? Phật nói cho chúng ta biết, tất cả chúng sanh đều có nhân của thập pháp giới. Duyên hiện nay bày ra trước mắt, bạn chọn duyên nào? Nhân nào chín mùi? Thật sự là người thông minh, có trí tuệ, có thiện căn, có phước đức sẽ chọn con đường thành Phật này. Tại sao không đi làm Phật? Muốn làm Phật thì những lời mà Phật nói chúng ta phải hiểu, “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”; hạnh mà Phật dạy chúng ta thì chúng ta phải cố gắng làm. Bộ kinh này vừa mở đầu đã nói rõ với chúng ta: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Tại sao không nghĩ thiện mà lại nghĩ ác? Bạn muốn làm ác, ham muốn danh vọng lợi dưỡng thế gian, bạn có thể ham muốn được thời gian bao lâu? Sự hưởng thụ năm dục sáu trần ở thế gian này, bạn hưởng được mấy ngày? Dù cho bạn sống đến 100 tuổi, cho bạn hưởng thụ 100 năm, 100 năm thì không thể so với vô lượng kiếp. Thời gian hưởng thụ ngắn ngủi như vậy, đọa lạc tam đồ vô lượng kiếp cũng không thể chuyển thân, bạn là người khờ rồi, mê hoặc rồi, thật sự không biết được lợi hại! Chúng ta có thể xả bỏ tất cả ác nghiệp, “không nhớ ác cũ, không ghét người ác”, dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng đối đãi với tất cả chúng sanh thì một đời này chúng ta thoát khỏi sáu cõi, thoát khỏi mười pháp giới rồi. Điều kiện này chính là điều kiện gần gũi Phật A Di Đà, tại sao chúng ta không làm? Khắc phục tập khí phiền não là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt của chúng ta. Ngày nay tu học Phật pháp không cần thiết biết quá nhiều. Giáo huấn của Phật nắm được mấy câu, phụng hành cả đời, chúng ta sẽ thành công.

Tôi giảng kinh trên bục giảng 41 năm rồi, tôi quy nạp tinh túy của Phật pháp Đại Thừa viết thành 20 chữ [là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác từ bi; nhìn thấu, buông xả, tự tại, tùy duyên, niệm Phật]. Chúng ta thật sự làm được 20 chữ này thì chắc chắn vãng sanh Tịnh Độ. Tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi, đây là tâm Bồ-đề. Nếu nói “tâm Bồ-đề” thì mọi người khó hiểu, cách nói này của tôi thì mọi người dễ hiểu. Đối với tất cả mọi người, đối với bạn tốt chí thân chí thành, đối với oan gia trái chủ cũng chân thành, người hãm hại ta, sát hại ta, ta chỉ có một lòng chân thành đối với họ, vĩnh hằng bất biến. Đường ta đi là Phật đạo. Mạng sống này là giả, không phải thật. Tâm chân thành vĩnh viễn không thể thay đổi, vừa thay đổi lập tức liền sa đọa. Chúng sanh sáu cõi dùng tâm hư ngụy, không phải chân thành; tâm nhiễm ô, không phải thanh tịnh; tâm cao thấp, không phải bình đẳng; tâm ngu si, không phải giác ngộ; tâm tự tư tự lợi, không phải từ bi. Cho nên, từ tập khí phiền não chuyển ngược trở lại, chính là tâm đại Bồ-đề.

Đối nhân xử thế tiếp vật, chúng ta sống đời này như thế nào? Nhìn thấu, buông xả. Nhìn thấu là mọi thứ đều tường tận, mọi thứ đều hiểu rõ. Danh từ Phật pháp gọi là tánh tướng, sự lý, nhân quả, hiểu rất tường tận, hiểu rất sáng tỏ, đó là nhìn thấu. Buông xả tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì bạn tự tại biết bao! Ở thế gian này, chúng ta “không tranh với người, không cầu gì ở đời”. Người ta tranh, chúng ta nhường; người khác tiến, chúng ta lùi, đây là tâm trạng mà chư Phật Bồ-tát, các bậc thánh hiền dạy chúng ta sống, làm việc, đối nhân xử thế. Vậy là đời sống của chúng ta liền tự tại, liền vui vẻ. Tự tại chính là nhà Phật gọi là giải thoát. Tùy duyên chứ không phan duyên, hay nói cách khác, ở thế gian này, chúng ta ở đâu cũng là bị động chứ không chủ động. Chủ động là chúng ta phải làm thế nào, thế nào đó, bạn liền có phiền não. Tùy duyên là không có phiền não, có cơ hội chúng ta phải làm, không có cơ hội chúng ta càng vui vẻ, chúng ta vô sự.

Lần trước, Phó hội trưởng Đao của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc đến nơi đây nói với chúng tôi muốn hợp tác thành lập lớp bồi dưỡng, chúng tôi cũng rất hoan hỷ, chúng tôi tùy duyên. Nếu như không làm thì sao? Không làm chúng tôi sẽ càng hoan hỷ hơn. Việc của chúng tôi càng ít thì thời gian an nhàn càng nhiều, chẳng phải càng hoan hỷ hơn sao? Hiện nay lớp bồi dưỡng này chính thức được nhà nước phê chuẩn. Phê chuẩn rồi thì mọi người đều phải bận, mọi người phải vất vả nhiều một chút. Vất vả này tốt, báo ơn Phật! Thật sự là kệ hồi hướng mà chúng ta niệm mỗi ngày thành hiện thực rồi, “trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường”. Có cái duyên này chúng ta phải toàn lực tham dự, không có duyên này thì tuyệt đối không miễn cưỡng, bạn sẽ được đại tự tại, thân tâm an lạc. Sau cùng tổng kết về niệm Phật, nhất định niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Tâm của chúng ta với tâm của Phật giống nhau, hạnh của chúng ta với hạnh của Phật giống nhau, dùng công đức này hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ thì đâu có đạo lý nào mà không vãng sanh? Những điều tôi học trong đời này là 20 chữ này, dạy người khác cũng là 20 chữ này. Hai mươi chữ này, tôi nhớ trước đây đã từng giảng qua một lần rồi. Đây là pháp yếu truyền tâm của Phật pháp Đại Thừa. Các vị thật sự hiểu rõ ràng, hiểu sáng tỏ rồi, các vị đến Singapore chuyến này là không có uổng công. Chúng ta nhất định phải nhớ kỹ: “Nhẫn được cái mà người khác không thể nhẫn, làm được việc mà người khác không thể làm”. Việc mà người khác không chịu làm, chúng ta làm; việc người khác không thể nhẫn, chúng ta nhẫn được. Những việc chúng ta làm là lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh, dứt khoát không vì lợi ích chính mình.

Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không!
Trích trong: Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh tập 33

Bài viết cùng chuyên mục

Học Phật không chịu thiệt thòi thì không học Phật được

Định Tuệ

Làm việc thiện không nên khoe, làm việc ác hãy nên nói

Định Tuệ

Phật tử tại gia nên đọc tụng Kinh gì ở nhà?

Định Tuệ

Hòa Thượng Tịnh Không niệm Phật như thế nào?

Định Tuệ

Lợi ích khi trì tụng kinh Phổ Hiền Quảng Nguyện Vương

Định Tuệ

Ăn chay có được ăn trứng, uống sữa hay không?

Định Tuệ

Tu học Phật pháp phải học từ đâu?

Định Tuệ

Niệm một câu A Di Đà Phật có thể diệt trừ tội sanh tử 80 ức kiếp?

Định Tuệ

33 Ứng hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát

Định Tuệ