Tâm Hướng Phật
Lời Phật Dạy

Kinh Pháp Cú phẩm song yếu và hình vẽ minh họa

Kinh Pháp Cú là những lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế. Dưới đây là nội dung Kinh Pháp Cú phẩm song yếu.

Kinh Pháp Cú là một tập hợp những câu dạy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa của Đức Phật Thích Ca trong ba trăm trường hợp giáo hóa khác nhau. Những câu trong Kinh này do chính Đức Phật khi còn tại thế nói ra trong suốt 45 năm thuyết pháp của Ngài.

Dhammapada là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Ðây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới. Nhiều tác giả coi bộ kinh này như là Thánh Thư của Đạo Phật.

Các câu này về sau được các vị đại đệ tử của Đức Phật sắp xếp thành 423 bài “kệ”, chia ra làm 26 “phẩm” và tụng đọc trong Ðại Hội Kết Tập Kinh Ðiển lần đầu tiên sau khi Đức Phật nhập diệt.

“Pháp” có nghĩa là đạo lý, chân lý, giáo lý. “Cú” là lời nói, câu kệ. “Pháp Cú” là những câu nói về chánh pháp, những lời dạy của đức Phật nên Kinh Pháp Cú còn được gọi là “Kinh Lời Vàng” hoặc “Lời Phật Dạy“.

Kinh Pháp Cú tóm thâu tinh hoa giáo lý của Đức Phật. Ðọc những bài kệ trong kinh này người đọc cảm thấy như chính mình được trực tiếp nghe lời Phật dạy từ hơn 2500 năm trước vọng lại. Mỗi bài kệ có thể xem là chứa đựng một cách súc tích và trung thành nhất những lời dạy, những giáo lý căn bản nguyên thủy của đức Phật.

Dưới đây là nội dung Kinh Pháp Cú phẩm song yếu:

1. Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo.

1. Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

2. Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm thanh tịnh, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình.

2. Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.

3. “Nó lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại tôi, cướp đoạt tôi”, ai còn ôm ấp tâm niệm ấy, thì sự oán hận không thể dứt.

3. Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

4. “Nó lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại tôi, cướp đoạt tôi”, ai bỏ được tâm niệm ấy, thì sự oán hận tự dứt.

4. Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.

5. Ở thế gian này, chẳng phải hận thù trừ được hận thù, chỉ có từ bi trừ được hận thù. Đó là định luật ngàn thu.

5. Với hận diệt hận thù,
Đời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

6. Người kia không hiểu rằng: “Chúng ta sắp bị hủy diệt” (mới phí sức tranh luận hơn thua). Nếu họ hiểu rõ điều đó thì chẳng còn tranh luận nữa.

6. Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

7. Người chỉ muốn sống khoái lạc, không nhiếp hộ các căn, ăn uống vô độ, biếng nhác chẳng tinh cần, người ấy thật dễ bị ma nhiếp phục, như cành mềm trước cơn gió lốc

7. Ai sống nhìn tịnh tướng,
Không hộ trì các căn,
ăn uống thiếu tiết độ,
biếng nhác, chẳng tinh cần.
Ma uy hiếp kẻ ấy,
như cây yếu trước gió.

8. Người nguyện ở trong cảnh chẳng khoái lạc, khéo nhiếp hộ các căn, ăn uống tiết độ, vững tin và siêng năng, ma không dễ gì thắng họ, như gió thổi núi đá.

8. Ai sống quán bất tịnh,
Khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ,
Có lòng tin, tinh cần,
Ma không uy hiếp được,
Như núi đá, trước gió.

9. Mặc áo cà-sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.

9. Ai mặc áo cà sa. [1]
tâm chưa rời uế trược,
không tự chế, không thực,
không xứng áo cà sa

10. Rời bỏ các cấu uế, khéo giữ gìn giới luật, khắc kỷ và chân thành, người như thế đáng mặc áo cà-sa.

10. Ai rời bỏ uế trược,
giới luật khéo nghiêm trì,
tự chế, sống chơn thực,
thật xứng áo cà sa.

11. Phi chơn tưởng là chơn thật, chơn thật lại thấy là phi chơn, cứ tư duy một cách tà vạy, người như thế không thể đạt đến chơn thật.

11. Không chân, tướng chân thật,
chân thật, thấy không chân:
chúng không đạt chân thật,
do tà tư, tà hạnh.

12. Chơn thật nghĩ là chơn thật, phi chơn biết là phi chơn; cứ tư duy một cách đúng đắn, người như thế mau đạt đến chơn thật.

12. Chân thật, biết chân thật,
Không chân, biết không chân:
chúng đạt được chân thật,
do chánh tư, chánh hạnh.

13. Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột; cũng vậy, người tâm không khéo tu ắt bị tham dục lọt vào.

13. Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

14. Nhà khéo lợp kín ắt không bị mưa dột; cũng vậy, người tâm khéo tu ắt không bị tham dục lọt vào.

14. Như ngôi nhà khéo lợp,
Mưa không xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm khéo tu,
Tham dục không xâm nhập.

15. Đời này chỗ này buồn, chết rồi chỗ khác buồn; kẻ làm điều ác nghiệp, cả hai nơi đều lo buồn, vì thấy ác nghiệp mình gây ra, kẻ kia sanh buồn than khổ não.

15. Nay sầu, đời sau sầu,
Kẻ ác, hai đời sầu;
Nó sầu, nó ưu não,
Thấy nghiệp uế mình làm.

16. Đời này chỗ này vui, chết rồi chỗ khác vui; kẻ làm điều thiện nghiệp, cả hai nơi đều vui, vì thấy thiện nghiệp mình đã làm, kẻ kia sanh ra an vui, cực vui.

16. Nay vui,đời sau vui,
Làm phước, hai đời vui,
Nó vui, nó an vui,
Thấy nghiệp tịnh mình làm.

17. Đời này chỗ này khổ, chết rồi chỗ khác khổ; kẻ gây điều ác nghiệp, cả hai nơi đều khổ, buồn rằng “ta đã tạo ác” phải đọa vào ác thú khổ hơn.

17. Nay than, đời sau than,
Kẻ ác, hai đời than,
Nó than: ‘Ta làm ác’
Đọa cõi dữ, than hơn.

18. Đời này chỗ này hoan hỷ, chết rồi chỗ khác hoan hỷ; kẻ tu hành phước nghiệp, cả hai nơi đều hoan hỷ; mừng rằng, “ta đã tạo phước” được sanh vào cõi lành hoan hỷ hơn.

18. Nay sướng, đời sau sướng,
Làm phước, hai đời sướng.
Nó sướng: ‘Ta làm thiện’,
Sanh cõi lành, sướng hơn.

19. Dù tụng nhiều kinh mà buông lung không thực hành thì chẳng hưởng được phần ích lợi của sa-môn, khác nào kẻ chăn bò thuê, lo đếm bò cho người.

19. Nếu người nói nhiều kinh,
Không hành trì, phóng dật;
Như kẻ chăn bò người,
Không phần Sa môn hạnh.

20. Tuy tụng ít kinh mà thường y giáo hành trì, hiểu biết chân chánh, từ bỏ tham, sân, si, tâm hiền lành, thanh tịnh, giải thoát, xa bỏ thế dục; thì dù ở cõi này hay cõi khác, người kia vẫn hưởng phần ích lợi của sa-môn.

20. Dầu nói ít kinh điển,
Nhưng hành pháp, tùy pháp,
Từ bỏ tham, sân, si,
Tĩnh giác, tâm giải thoát,
Không chấp thủ hai đời,
Dự phần Sa môn hạnh.

Chú thích: [1] Áo màu vàng, chỉ bậc xuất gia!

Mời quý bạn đọc trọn bộ kinh Pháp Cú tại: Kinh Pháp Cú – 423 lời vàng Phật dạy trọn bộ – Thích Minh Châu

Bài viết cùng chuyên mục

Kinh Kim Quang Minh Quyển 7: Phẩm Như Ý Bảo Châu

Định Tuệ

Học hạnh xả ly của Đức Phật qua 6 lời giải đáp vua cha Tịnh Phạn

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Nghĩa phẩm thứ nhất: Đức Hạnh

Định Tuệ

Kinh Địa Tạng phẩm thứ ba: Quán chúng sanh nghiệp duyên

Định Tuệ

Phẩm thứ 26: Bố thí đầu – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ

Tiệm thứ là gì? Đức Phật dạy ba món tiệm thứ

Định Tuệ

Phẩm thứ mười ba: Vua Từ Lực cho huyết – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 17: Tuyền trì công đức

Định Tuệ

Kinh Pháp Cú phẩm không phóng dật và hình vẽ minh họa

Định Tuệ

Viết Bình Luận