Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Họa phước là tự chính mình tạo

Họa phước vô môn, duy nhân tự chiêu: Họa phước là tự chính mình tạo, tự mình tu thiện, tự mình quay đầu thì được phước.

“Họa phước vô môn, duy nhân tự chiêu”. Họa phước là tự chính mình tạo, tự mình tu thiện, tự mình quay đầu thì được phước; tự mình tạo ác mà không thể quay đầu, đó là họa, không liên can gì đến người khác. Chúng ta phải hiểu đạo lý này, đây là chân lý.

Cho nên, trong kinh Đại Thừa, Phật thường nói: “Phật không độ chúng sanh”. Phật nói lời thành thật, chúng sanh làm sao được độ vậy? Chúng sanh tự mình giác ngộ, là tự mình được độ. “Bạn tự ngộ, tự tu, tự độ”, đây là Phật nói lời chân thật. Tự ngộ, tự tu, tự độ, đó chẳng phải là “duy nhân tự chiêu” hay sao?

Ta đọa lạc tam đồ, đọa lạc đến địa ngục cũng chẳng phải là do người khác can thiệp đến, là tự mình tạo ác nghiệp mà chiêu cảm đến ác báo, vậy thì làm sao có thể trách người? Phật Bồ-tát đối với chúng ta tuy là rất từ bi nhưng không thể thêm cho chúng ta một chút phước, cũng không thể nào chịu thay hay là miễn trừ cho chúng ta một ít tội, các Ngài làm không được.

Nếu Phật Bồ-tát làm như vậy (tức ban phước, chịu tội, miễn tội cho chúng ta) thì chúng ta không thể tin tưởng các Ngài. Phật Bồ-tát dạy bảo chúng ta, hôm nay ta hưởng phước, phước từ nơi nào đến? Hôm nay ta thọ tội, tội từ nơi nào ra? Ngài nói cho chúng ta nghe tường tận chân tướng sự thật này, giảng đạo lý cho chúng ta nghe rõ ràng để chúng ta giác ngộ.

Chúng ta không còn tạo ác nghiệp thì họa liền rời khỏi; chúng ta nỗ lực hành thiện thì phước liền hiện tiền, đây là lời giáo huấn chân thật của Phật Bồ-tát. Chúng ta nghe rồi, xem rồi, thấy hợp tình, hợp lý, hợp pháp. Vậy thì vui vẻ tiếp nhận, tự cầu đa phước. Cá nhân như vậy, gia đình cũng như vậy, xã hội, quốc gia, thế giới cũng là như vậy. Hy vọng mọi người chúng ta tự mình trân trọng.

“Họa phước vô môn, duy nhân tự chiêu”. Câu này nói rõ nguyên lý cảm ứng đạo giao. Văn tự tuy đơn giản nhưng đạo lý sâu thẳm. Dùng tầm nhìn khoa học ngày nay thì gọi là “tâm điện cảm ứng”. Tâm là thật, điện là tỉ dụ. Tỉ dụ này không thể tỉ dụ được đến chỗ chính xác, chỉ có thể tỉ dụ được một cách gần giống.

Trong các hiện tượng vật lý ở thế gian thì dường như tốc độ của điện là nhanh nhất, nhanh bằng với tốc độ ánh sáng. Thế nhưng tốc độ cảm ứng của tâm còn nhanh hơn không biết bao nhiêu lần so với tốc độ ánh sáng và điện, nói đơn giản là không thể so sánh. Tốc độ của sóng điện là 300.000km/ 1 giây, còn tốc độ của ý niệm trong tâm, ý niệm vừa sanh khởi thì đã trọn khắp hư không pháp giới. Chúng tôi trong lúc giảng đã nói qua với các vị nhiều lần, đây là nói nguyên lý của cảm ứng.

Nội dung trong Vựng Biên rất phong phú, nêu ra rất nhiều trường hợp, câu chuyện để chứng minh. Kỳ thực, những ví dụ chứng minh này nêu ra không hết. Hễ chúng ta bình tâm mà quan sát, trong đời này của chúng ta, từ nơi bản thân mình và hoàn cảnh chung quanh, thì thật sự sẽ có thể thể nghiệm được những hiện tượng cảm ứng này, người phương Tây gọi đây là chân lý.

Đoạn thứ năm trong Vựng Biên nêu ra một câu nói rất hay được trích từ trong Đàn Kinh của Lục Tổ Huệ Năng, là Đại sư Thiền tông đời Đường, câu nói này rất hay: “Nhất thiết phước điền bất ly phương thốn” (tất cả ruộng phước không lìa cái tâm). Câu này là tổng thuyết, cùng một ý với câu “họa phước vô môn, duy nhân tự chiêu” mà chỗ này nói. “Phương thốn” chính là ý niệm của ta.

Khởi tâm động niệm trong tâm thì liền cảm được kiết hung, họa phước. Quả báo nhỏ gọi là kiết hung, lớn thì gọi là họa phước. Trong Kinh Phật nói: “Kiết hung, họa phước đều do tâm tạo”, lại nói, hai việc “tội và phước” và hai loại quả báo “khổ và lạc” đều là do ba nghiệp thân-ngữ-ý tạo tác mà chiêu cảm nên.

Người thế gian không hiểu được đạo lý này. Nếu như thông suốt đạo lý này thì họ mới thực sự tự cầu đa phước. Không hiểu rõ đạo lý này, tùy thuận phiền não vọng tưởng của mình mà tạo tác thì nhất định chiêu cảm hung họa. Cho nên chúng ta nếu muốn tiêu trừ thiên tai nhân họa của thế gian này, có thể làm được không? Đáp án là nhất định có thể làm được. Dùng phương pháp gì? Giáo dục!

Lần này tôi ở Úc, Cục trưởng Cục đa nguyên văn hóa bang Queensland đến thăm tôi, nói về vấn đề hòa hợp chủng tộc, hòa hợp tôn giáo. Làm thế nào để mọi người đều có thể buông bỏ thành kiến của chính mình, tôn trọng lẫn nhau, cùng chung sống hòa thuận với nhau? Bởi vì ông là người phụ trách công tác này ở Úc. Tôi nói với ông ấy một câu, đó là “Giáo dục”.

Cổ thánh tiên hiền dạy bảo chúng ta, “kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên ” (dựng nước quản dân, giáo dục làm đầu). Bạn xây dựng một chính quyền, xây dựng một quốc gia, thống trị nhân dân, dùng phương pháp gì vậy? Giáo dục là hàng đầu. Ngày nay, nếu muốn đạt đến xã hội hài hòa, thế giới hòa bình, ngoài giáo dục ra thì không có biện pháp thứ hai nào khác.

Nội dung của giáo dục là gì? Chính là đạo lý của cảm ứng. Nếu hiểu rõ ràng đạo lý, hiểu thông suốt chân tướng sự thật thì khởi tâm động niệm của chúng ta tự nhiên liền thu liễm (chừng mực dè dặt, không phóng túng). Nỗ lực hành thiện, tiêu chuẩn của thiện là thập thiện nghiệp đạo. Nếu mọi người đều có thể phụng hành thập thiện nghiệp đạo thì thiên tai nhân họa tự nhiên không còn nữa, không thể phát sinh.

Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không
Trích trong: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên tập 3

Bài viết cùng chuyên mục

Thiên ma Ba Tuần tu phước nghiệp gì mà được sinh về cõi trời?

Định Tuệ

Thế gian này đều là giả cả, phải gấp rút niệm Phật

Định Tuệ

Thần chú Lăng Nghiêm là gì? Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo

Định Tuệ

Thực hành giáo Pháp là cách cúng dường Chư Phật cao thượng nhất

Định Tuệ

Lời cảnh báo của vị Thiền Sư trước khi lâm chung

Định Tuệ

Niệm câu Nam mô A Di Đà Phật là niệm Nhất Thừa liễu nghĩa

Định Tuệ

Cách niệm 10 danh hiệu Phật A Di Đà

Định Tuệ

Công đức là gì? Chúng ta phải tu công đức bằng cách nào?

Định Tuệ

Chướng ngại nghiêm trọng nhất của hết thảy phàm phu là gì?

Định Tuệ