Tâm Hướng Phật
Lời Phật Dạy

Kinh Pháp Cú phẩm Tự Ngã và hình vẽ minh họa

Kinh Pháp Cú là những lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế. Dưới đây là nội dung Kinh Pháp Cú phẩm Tự Ngã.

Kinh Pháp Cú là một tập hợp những câu dạy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa của Đức Phật Thích Ca trong ba trăm trường hợp giáo hóa khác nhau. Những câu trong Kinh này do chính Đức Phật khi còn tại thế nói ra trong suốt 45 năm thuyết pháp của Ngài.

Dhammapada là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Ðây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới. Nhiều tác giả coi bộ kinh này như là Thánh Thư của Đạo Phật.

Các câu này về sau được các vị đại đệ tử của Đức Phật sắp xếp thành 423 bài “kệ”, chia ra làm 26 “phẩm” và tụng đọc trong Ðại Hội Kết Tập Kinh Ðiển lần đầu tiên sau khi Đức Phật nhập diệt.

“Pháp” có nghĩa là đạo lý, chân lý, giáo lý. “Cú” là lời nói, câu kệ. “Pháp Cú” là những câu nói về chánh pháp, những lời dạy của đức Phật nên Kinh Pháp Cú còn được gọi là “Kinh Lời Vàng” hoặc “Lời Phật Dạy“.

Kinh Pháp Cú tóm thâu tinh hoa giáo lý của Đức Phật. Ðọc những bài kệ trong kinh này người đọc cảm thấy như chính mình được trực tiếp nghe lời Phật dạy từ hơn 2500 năm trước vọng lại. Mỗi bài kệ có thể xem là chứa đựng một cách súc tích và trung thành nhất những lời dạy, những giáo lý căn bản nguyên thủy của đức Phật.

Dưới đây là nội dung Kinh Pháp Cú phẩm Tự Ngã:

157. Nếu biết tự thương mình, phải tự gắng bảo hộ, trong ba thời có một, người trí nên tỉnh ngộ, chớ mê man.

157. Nếu biết yêu tự ngã,
phải khéo bảo vệ mình.
Người trí trong ba canh,
phải luôn luôn tỉnh thức.

158. Trước hãy tự đặt mình vào chánh đạo rồi sau giáo hóa kẻ khác, hiền giả như vậy mới tránh khỏi điều lỗi lầm xảy ra.

158. Trước hết tự đặt mình,
vào những gì thích đáng.
Sau mới giáo hóa người,
người trí khỏi bị nhiễm.

159. Nếu muốn khuyên người khác nên làm như mình, trước hãy sửa mình rồi sau sửa người. Tự sửa mình vốn là điều khó nhất.

159. Hãy tự làm cho mình,
như điều mình dạy người.
Khéo tự điều, điều người,
khó thay, tự điều phục!

160. Chính tự mình làm chỗ nương cho mình chứ người khác làm sao nương được? Tự mình khéo tu tập mới đạt đến chỗ nương dựa nhiệm mầu.

160. Tự mình y chỉ mình,
nào có y chỉ khác.
Nhờ khéo điều phục mình,
được y chỉ khó được.

161. Ác nghiệp chính do mình tạo, từ mình sinh ra. Ác nghiệp làm hại kẻ ngu dễ dàng như kim cang phá hoại bảo thạch.

161. Điều ác tự mình làm,
tự mình sanh, mình tạo.
Nghiền nát kẻ ngu si,
như kim cương, ngọc báu.

162. Sự phá giới làm hại mình như dây mãn-la bao quanh cây ta-la làm cho nó khô héo.6 Người phá giới là làm điều mà kẻ thù muốn làm cho họ.

162. Phá giới quá trầm trọng,
như dây leo bám cây.
Gieo hại cho tự thân,
như kẻ thù mong ước.

163. Việc ác dễ làm nhưng chẳng lợi gì cho ta, trái lại, việc lành có lợi cho ta thì lại rất khó làm.

163. Dễ làm các điều ác,
dễ làm tự hại mình.
Còn việc lành, việc tốt,
thật tối thượng khó làm.

164. Những người ác tuệ ngu si, vì tâm tà kiến mà vu miệt giáo pháp A-la-hán, vu miệt người hành chánh đạo và giáo pháp đức Như Lai để tự mang lấy bại hoại, giống như cỏ cách-tha, hễ sinh quả xong liền tự diệt.

164. Kẻ ngu si miệt thị,
giáo pháp bậc la-hán,
bậc thánh, bậc chánh mạng.
Chính do ác kiến này,
như quả loại cây lau
mang quả tự hoại diệt.

165. Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay không tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được.

165. Tự mình, điều ác làm,
tự mình làm nhiễm ô,
tự mình ác không làm,
tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình,
không ai thanh tịnh ai!

166. Chớ vì lợi ích cho kẻ khác mà quên hẳn lợi ích cho chính mình. Người biết lo lợi ích mình mới thường chuyên tâm vào những điều ích lợi cho tất cả.

166. Dầu lợi người bao nhiêu,
chớ quên phần tư lợi.
Nhờ thắng trí tư lợi,
hãy chuyên tâm lợi mình.

Mời quý bạn đọc trọn bộ kinh Pháp Cú tại: Kinh Pháp Cú – 423 lời vàng Phật dạy trọn bộ – Thích Minh Châu!

Bài viết cùng chuyên mục

Kinh Địa Tạng phẩm thứ năm: Danh hiệu của địa ngục

Định Tuệ

Lời Phật dạy về lòng tin giúp ta tránh đau khổ, mất mát và thất vọng

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 16: Đường xá lâu quán

Định Tuệ

Những lời dạy của chư Tổ sư, Hòa thượng, Cư sĩ về niệm Phật

Định Tuệ

Niệm Phật để thoát ly sinh tử luân hồi

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Nghĩa phẩm thứ nhất: Đức Hạnh

Định Tuệ

Mã Minh Bồ Tát khuyên người nên niệm Phật cầu sanh Tịnh độ

Định Tuệ

Phẩm thứ mười chín: Sa Di Hộ Giới – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ

Kinh Hoa Nghiêm tập 23: Phẩm Thăng Đâu Suất Thiên Cung

Định Tuệ

Viết Bình Luận