Kinh Pháp Cú là những lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế. Dưới đây là nội dung Kinh Pháp Cú phẩm Hình Phạt.
Kinh Pháp Cú là một tập hợp những câu dạy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa của Đức Phật Thích Ca trong ba trăm trường hợp giáo hóa khác nhau. Những câu trong Kinh này do chính Đức Phật khi còn tại thế nói ra trong suốt 45 năm thuyết pháp của Ngài.
Dhammapada là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Ðây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới. Nhiều tác giả coi bộ kinh này như là Thánh Thư của Đạo Phật.
Các câu này về sau được các vị đại đệ tử của Đức Phật sắp xếp thành 423 bài “kệ”, chia ra làm 26 “phẩm” và tụng đọc trong Ðại Hội Kết Tập Kinh Ðiển lần đầu tiên sau khi Đức Phật nhập diệt.
“Pháp” có nghĩa là đạo lý, chân lý, giáo lý. “Cú” là lời nói, câu kệ. “Pháp Cú” là những câu nói về chánh pháp, những lời dạy của đức Phật nên Kinh Pháp Cú còn được gọi là “Kinh Lời Vàng” hoặc “Lời Phật Dạy“.
Kinh Pháp Cú tóm thâu tinh hoa giáo lý của Đức Phật. Ðọc những bài kệ trong kinh này người đọc cảm thấy như chính mình được trực tiếp nghe lời Phật dạy từ hơn 2500 năm trước vọng lại. Mỗi bài kệ có thể xem là chứa đựng một cách súc tích và trung thành nhất những lời dạy, những giáo lý căn bản nguyên thủy của đức Phật.
Dưới đây là nội dung Kinh Pháp Cú phẩm Hình Phạt:
129. Ai cũng sợ dao gậy, ai cũng sợ chết; hãy lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết, chớ bảo giết.
129. Mọi người sợ hình phạt,
mọi người sợ tử vong.
Lấy mình làm thí dụ;
không giết, không bảo giết.
130. Ai cũng sợ dao gậy, ai cũng thích sống; hãy lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết, chớ bảo giết.
130. Mọi người sợ hình phạt,
mọi người thương sống còn;
lấy mình làm thí dụ,
không giết, không bảo giết.
131. Người nào cầu an vui cho mình mà lại lấy dao gậy não hại kẻ khác, thì sẽ không được yên vui.
131. Chúng sanh cầu an lạc.
Ai dùng trượng hại người,
để tìm lạc cho mình,
đời sau không được lạc.
132. Người nào cầu an vui cho mình mà không lấy dao gậy não hại kẻ khác, thì sẽ được yên vui.
132. Chúng sanh cầu an lạc,
không dùng trượng hại người,
để tìm lạc cho mình,
đời sau được hưởng lạc.
133. Chớ nên nói lời thô ác. Khi ngươi dùng lời thô ác nói với người khác thì người khác cũng dùng lời thô ác nói với ngươi. Thương thay những lời nói nóng giận, thô ác, chỉ làm cho các ngươi đau đớn khó chịu như dao gậy mà thôi.
133. Chớ nói lời ác độc,
nói ác, bị nói lại.
Khổ thay lời phẫn nộ,
đao trượng phản chạm người.
134. Nếu ngươi yên lặng như cái đồng la bể trước lời thô ác cãi vã thì ngươi đã tự tại đi trên đường Niết-bàn, người kia chẳng tranh cãi với ngươi được nữa.
134. Nếu tự mình yên lặng,
như chiếc chuông bị bể;
ngươi đã chứng niết-bàn
ngươi không còn phẫn nộ.
135. Như với chiếc gậy, người chăn trâu xua trâu ra đồng; sự già, sự chết cũng thế, thường xua chúng sanh đến tử vong.
135. Với gậy người chăn bò,
lùa bò ra bãi cỏ;
cũng vậy, già và chết,
lùa người đến mạng chung.
136. Kẻ ngu tạo ác nghiệp vẫn không tự biết có quả báo. Người ngu tự tạo ra nghiệp để chịu khổ, chẳng khác nào tự lấy lửa để đốt mình.
136. Người ngu làm điều ác,
không ý thức việc làm.
Do tự nghiệp, người ngu
bị nung nấu, như lửa.
137-140. Nếu lấy dao gậy hại người toàn thiện, toàn nhân,2 lập tức kẻ kia phải thọ lấy đau khổ trong mười điều này: Thống khổ về tiền tài bị tiêu mất, thân thể bị bại hoại, bị trọng bệnh bức bách, bị tán tâm loạn ý, bị vua quan bách hại, bị vu trọng tội, bị quyến thuộc ly tán, bị tài sản tan nát, phòng ốc nhà cửa bị giặc thiêu đốt, và sau khi chết bị đọa vào địa ngục.
137. Dùng trượng phạt không trượng,
làm ác người không ác.
Trong mười loại khổ đau,
chịu gấp một loại khổ.
138. Hoặc khổ thọ khốc liệt,
thân thể bị thương vong,
hoặc thọ bệnh kịch liệt,
hay loạn ý tán tâm.
139. Hoặc tai họa từ vua,
hay bị vu trọng tội;
bà con phải ly tán,
tài sản bị nát tan.
140. Hoặc phòng ốc nhà cửa
bị hỏa tai thiêu đốt.
Khi thân hoại mạng chung,
ác tuệ sanh địa ngục.
141. Chẳng phải đi chân không,3 chẳng phải bện tóc, chẳng phải xoa tro đất vào mình, chẳng phải tuyệt thực, chẳng phải nằm trên đất, chẳng để mình nhớp nhúa, cũng chẳng phải ngồi xổm,4 mà có thể trở nên thanh tịnh, nếu không dứt trừ nghi hoặc.
141. Không phải sống lõa thể,
bện tóc, tro trét mình,
tuyệt thực, lăn trên đất,
sống nhớp, siêng ngồi xổm.
làm con người được sạch,
nếu không trừ nghi hoặc.
142. Người nào nghiêm giữ thân tâm tịch tịnh, chế ngự, khắc phục ráo riết trên đường tu Phạm hạnh, không dùng dao gậy gia hại sinh linh, thì chính người ấy là Bà-la-môn, là Sa-môn, là Tỷ-kheo vậy.
142. Ai sống tự trang sức,
nhưng an tịnh, nhiếp phục,
sống kiên trì, Phạm hạnh,
không hại mọi sinh linh;
vị ấy là Phạm chí,
hay sa-môn, khất sĩ.
143. Biết lấy điều hổ thẹn để tự cấm ngăn mình, thế gian ít người làm được. Nhưng người đã làm được, họ khéo tránh điều khổ nhục như ngựa hay khéo tránh roi da.
143. Thật khó tìm ở đời,
người biết thẹn, tự chế.
Biết tránh né chỉ trích
như ngựa hiền tránh roi.
144. Các ngươi hãy nỗ lực sám hối như ngựa đã hay còn thêm roi. Hãy ghi nhớ lấy chánh tín, tịnh giới, tinh tiến, tam-ma-địa (thiền định), trí phân biệt Chánh pháp, và Minh hạnh túc để tiêu diệt vô lượng thống khổ.
144. Như ngựa hiền chạm roi,
hãy nhiệt tâm, hăng hái,
với tín, giới, tinh tấn,
thiền định cùng trạch pháp;
Minh hạnh đủ, chánh niệm,
đoạn khổ này vô lượng.
145. Người tưới nước lo dẫn nước, thợ làm tên lo uốn tên, thợ mộc lo nẩy mực cưa cây, người làm lành thì lo tự chế ngự.
145. Người trị thủy dẫn nước,
kẻ làm tên nắn tên,
người thợ mộc uốn ván,
bậc tự điều, điều thân.
Mời quý bạn đọc trọn bộ kinh Pháp Cú tại: Kinh Pháp Cú – 423 lời vàng Phật dạy trọn bộ – Thích Minh Châu