Kinh Pháp Cú là những lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế. Dưới đây là nội dung Kinh Pháp Cú phẩm ngu.
Kinh Pháp Cú là một tập hợp những câu dạy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa của Đức Phật Thích Ca trong ba trăm trường hợp giáo hóa khác nhau. Những câu trong Kinh này do chính Đức Phật khi còn tại thế nói ra trong suốt 45 năm thuyết pháp của Ngài.
Dhammapada là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Ðây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới. Nhiều tác giả coi bộ kinh này như là Thánh Thư của Đạo Phật.
Các câu này về sau được các vị đại đệ tử của Đức Phật sắp xếp thành 423 bài “kệ”, chia ra làm 26 “phẩm” và tụng đọc trong Ðại Hội Kết Tập Kinh Ðiển lần đầu tiên sau khi Đức Phật nhập diệt.
“Pháp” có nghĩa là đạo lý, chân lý, giáo lý. “Cú” là lời nói, câu kệ. “Pháp Cú” là những câu nói về chánh pháp, những lời dạy của đức Phật nên Kinh Pháp Cú còn được gọi là “Kinh Lời Vàng” hoặc “Lời Phật Dạy“.
Kinh Pháp Cú tóm thâu tinh hoa giáo lý của Đức Phật. Ðọc những bài kệ trong kinh này người đọc cảm thấy như chính mình được trực tiếp nghe lời Phật dạy từ hơn 2500 năm trước vọng lại. Mỗi bài kệ có thể xem là chứa đựng một cách súc tích và trung thành nhất những lời dạy, những giáo lý căn bản nguyên thủy của đức Phật.
Dưới đây là nội dung Kinh Pháp Cú phẩm ngu:
60. Đêm rất dài với người mất ngủ, đường rất xa với kẻ lữ hành mỏi mệt. Cũng thế, dòng luân hồi sẽ tiếp nối mãi với kẻ ngu si không minh đạt Chánh pháp.
60. Đêm dài cho kẻ thức,
đường dài cho kẻ mệt;
luân hồi dài, kẻ ngu,
không biết chơn diệu pháp.
61. Không gặp kẻ hơn mình cũng không gặp kẻ ngang mình để kết bạn, thà quyết chí ở một mình còn hơn kết bạn với người ngu.
61. Tìm không được bạn đường,
hơn mình hay bằng mình,
thà quyết sống một mình,
không bè bạn kẻ ngu.
62. “Đây là con ta, đây là tài sản của ta”, kẻ phàm phu thường lo nghĩ như thế, nhưng chẳng biết chính “ta” còn không có, huống là con ta hay là tài sản ta.
62. Con tôi, tài sản tôi,
người ngu sanh ưu não,
tự ta, ta không có,
con đâu, tài sản đâu.
63. Ngu mà tự biết mình ngu tức là trí, ngu mà xưng rằng trí chính đó mới thật là ngu.
63. Người ngu nghĩ mình ngu,
nhờ vậy thành có trí.
Người ngu tưởng có trí,
thật xứng gọi chí ngu.
64. Người ngu suốt đời gần gũi người trí, vẫn chẳng hiểu gì Chánh pháp, ví như cái muỗng múc thuốc chẳng bao giờ biết được mùi vị thuốc.
64. Người ngu, dầu trọn đời,
thân cận người có trí,
không biết được chánh pháp,
như muỗng với vị canh.
65. Người trí gần gũi với người trí trong khoảng khắc cũng hiểu được Chánh pháp, chẳng khác gì cái lưỡi mới tiếp xúc với thuốc đã biết được mùi vị của thuốc.
65. Người trí, dầu một khắc,
thân cận người có trí,
biết ngay chân diệu pháp,
như lưỡi với vị canh.
66. Kẻ phàm phu không giác tri nên đi chung với cừu địch một đường. Cũng thế, những người tạo ác nghiệp nhất định phải cùng ác nghiệp chịu khổ báo.
66. Người ngu si thiếu trí,
tự ngã thành kẻ thù.
Làm các nghiệp không thiện,
phải chịu quả đắng cay.
67. Người gây điều bất thiện, làm xong ăn năn, khóc lóc nhỏ lệ dầm dề, vì biết mình sẽ thọ lấy quả báo tương lai.
67. Nghiệp làm không chánh thiện,
làm rồi sanh ăn năn,
mặt nhuốm lệ, khóc than,
lãnh chịu quả dị thục.
68. Người tạo các nghiệp thiện, làm xong chẳng ăn năn, còn vui mừng hớn hở, vì biết mình sẽ thọ lấy quả báo tương lai.
68. Và nghiệp làm chánh thiện,
làm rồi không ăn năn,
hoan hỷ, ý đẹp lòng,
hưởng thọ quả dị thục.
69. Khi ác nghiệp chưa thành thục, người ngu tưởng như đường mật; nhưng khi ác nghiệp đã thành thục, họ nhất định phải chịu khổ đắng cay.
69. Người ngu nghĩ là ngọt,
khi ác chưa chín muồi.
Ác nghiệp chín muồi rồi,
người ngu chịu khổ đau.
70. Từ tháng này qua tháng khác, với món ăn bằng đầu ngọn cỏ cô-sa (cỏ thơm) người ngu có thể lấy ăn để sống, nhưng việc ấy không có giá trị bằng một phần mười sáu của người tư duy Chánh pháp.
70. Tháng tháng với ngọn cỏ,
người ngu có ăn uống;
không bằng phần mười sáu
người hiểu pháp hữu vi.
71. Người cất sữa bò không chỉ sáng chiều đã thành vị đề hồ6 được. Cũng thế, kẻ phàm phu tạo nghiệp ác tuy chẳng cảm thọ ác quả liền, nhưng nghiệp lực vẫn âm thầm theo họ như lửa ngún giữa tro than.
71. Nghiệp ác đã được làm,
như sữa, không đông ngay,
cháy ngầm theo kẻ ngu,
như lửa tro che đậy.
72. Kẻ phàm phu lòng muốn được tri thức mà hành động lại dẫn tới diệt vong, nên hạnh phúc bị tổn hại mà trí tuệ cũng tiêu tan.
72. Tự nó chịu bất hạnh,
khi danh đến kẻ ngu.
Vận may bị tổn hại,
đầu nó bị nát tan.
73. Kẻ ngu thường muốn hư danh: chỗ ngồi cao trong Tăng chúng, viện chủ trong Tăng viện, mọi người xin đến cúng dường.
73. Ưa danh không tương xứng,
muốn ngồi trước tỷ-kheo;
ưa quyền tại tịnh xá,
muốn mọi người lễ kính.
74. Hãy để cho người tăng kẻ tục nghĩ rằng: “Sự này do ta làm, mọi việc lớn nhỏ đều theo lệnh của ta”. Kẻ ngu cứ tưởng lầm như thế nên lòng tham lam ngạo mạn tăng hoài.
74. Mong cả hai tăng, tục,
nghĩ rằng (chính ta làm),
trong mọi việc lớn nhỏ,
phải theo mệnh lệnh ta.
Người ngu nghĩ như vậy,
dục và mạn tăng trưởng.
75. Một đàng đưa tới thế gian, một đàng đưa tới niết-bàn, hàng Tỷ-kheo đệ tử Phật hãy biết rõ như thế, chớ nên tham đắm danh lợi thế gian để chuyên chú vào đạo giải thoát.
75. Khác thay duyên thế lợi,
khác thay đường niết-bàn.
Tỷ-kheo, đệ tử Phật,
hãy như vậy thắng tri.
Chớ ưa thích cung kính,
hãy tu hạnh viễn ly.
Mời quý bạn đọc trọn bộ kinh Pháp Cú tại: Kinh Pháp Cú – 423 lời vàng Phật dạy trọn bộ – Thích Minh Châu