Cái gì có sinh thì phải có diệt là Vô Thường; cái gì vô thường thì là Khổ; cái gì khổ mà nó biến đổi theo duyên sinh thì là Vô Ngã.
1. Vô thường
Phàm là con người thì ai ai cũng có nhiều tham vọng. Những tham vọng này đã gắn bó chặt chẻ trong tâm ta để sai khiến chúng ta phải tạo tác, giữ gìn bắt đầu từ tấm thân tứ đại nầy, cho đến mọi vật thể ở chung quanh chúng ta. Chẳng hạn chúng ta cố dành dụm tiền để mua chiếc xe mới để lái cho sang và sau nữa là hãnh diện với bạn bè. Cho dù chúng ta có giữ gìn chiếc xe này cách mấy, thì ngày qua tháng lại nó cũng trở thành cũ và xấu đi. Tại sao vậy? Bởi vì tất cả mọi vật ở trên đời này đều luôn luôn biến đổi, chẳng khác nào như một giòng sông, một đám mây. Thời gian trôi qua như thế nào, thì mọi vật cũng trôi qua như thế đó. Nói theo danh từ nhà Phật, thì sự biến chuyển, đổi thay ấy gọi là luật vô thường.
Vậy thế nào là vô thường? Phật dạy rằng: “Tất cả những gì trong thế gian đã là biến đổi, hư hoại, đều là vô thường”. Vậy vô thường là không ở mãi một trạng thái nhất định, mà thay hình đổi dạng, đi từ trạng thái hình thành để rồi biến hình đổi dạng và sau cùng đi đến sự tan rã. Phật gọi những giai đoạn thay đổi này là: sanh, trụ, dị, diệt. Thật vậy, mọi vật đều phải được tạo ra (sanh), tức là còn ở điều kiện tốt (trụ), sau đó phải chuyển từ từ sang xấu (dị) và sau cùng đi đến sự tan rã. Tất cả sự vật trong vũ trụ, từ nhỏ như hạt cát, đến lớn như trăng sao, đều phải tuân theo luật vô thường này.
Bốn mùa luân chuyển, hoa nở rồi tàn, trăng tròn lại khuyết… Dòng đời biến dịch đẩy xô con người đến tận cùng hoang vu, thinh lặng. Người lữ hành mãi lang thang dong ruổi muôn vạn nẻo, lấy gió mát, trăng thanh làm bạn, xem sông núi mây ngàn là tri kỷ, tri âm. Song chợt một ngày bước chùn, gối mỏi thì than ôi, áo đã sờn vai, đầu đã bạc tóc.
Biển đời vẫn lặng lờ trôi, từng cơn sóng nhấp nhô, rì rào, vỗ về bờ cát trắng đã cuốn đi biết bao hạt cát vào lòng bể khơi. Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Sóng sẽ về đâu? Hạt cát còn hay mất giữa đại dương mênh mông? Còn điều gì lung linh mầu nhiệm bên trong lớp áo Vô thường biến dịch.
Trong cuộc sống thực tại của con người, sở dĩ mang đầy gánh nặng đau khổ là do mê lầm, chìm đắm chạy theo ngũ dục, thất tình mà mấy ai nhận thức được rằng:
Cuộc đời rồi chẳng còn chi
Ruộng vườn nhà cửa có gì của ta
Trắng tay lòng mẹ sinh ra
Một hơi vĩnh biệt cũng là tay không
Đó chính là quy luật muôn thuở của vũ trụ nhân sinh, là định luật nghìn đời không thể thay đổi. Chúng ta hãy nghe Đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú – Phẩm Vô thường thí dụ thứ 4 như sau:
Thường giả giai tận
Cao giả tất đoạ
Hiệp hội hữu ly
Sanh giả hữu tử
Tạm dịch:
Có còn thì có mất
Rơi xuống bởi trèo cao
Hết hiệp rồi tới tan
Có sống là có chết
Hay Tổ Quy Sơn cũng đã từng dạy :
“… Vô thường lão bệnh, bất dữ nhơn kỳ
Tiêu tồn tịch vong, sát na dị thế
Thí như xuân sương hiểu lộ, thúc hốt tức vô
Ngạn thọ tỉnh đằng, khởi năng trường cửu… “
Hoà Thượng Hoàn Quan dịch:
“… Vô thường lão bệnh, chẳng hẹn cùng người
Sớm còn tối mất, bổng chốc đã qua đời khác
Thí như sương xuân, móc sớm, chợt có liền không
Cây bờ, dây giếng nào được lâu bền…”
Vô thường tiếng Phạn là Anitya, có nghĩa là biến dịch, thay đổi, không cố định. Vạn vật không đứng yên một chổ mà luôn luôn biến đổi hình dạng, đi từ trạng thái hình thành sang trạng thái biến hoại rồi tan rã theo định luật Thành – Trụ – Hoại – Không.
Cái mà Nho gia gọi là Dịch hóa thì nhà Phật gọi là Vô thường. Vô thường là nói trong giới vật chất cũng như trong giới tinh thần không có cái gì cố định, vạn pháp đều nằm trong dòng biến dịch không ngừng. Một pháp vừa sinh là đi dần đến chổ tan rã. Một pháp tan rã mở đầu cho một pháp đang sanh. Thực tại không phải là một ao tù mà là một dòng nước . Như Xuân Diệu đã từng viết:
Hoa nở để rồi tàn
Trăng tròn để rồi khuyết
Bèo hợp để chia tan
Người gần để ly biệt.
Ở phương Tây, Heraclite cũng đã từng nói: “Người ta không bao giờ tắm hai lần trong một dòng sông “. Rõ ràng Ông đã nói tới sự Vô thường thay đổi. Đúng vậy, một khi chúng ta xuống tắm dưới sông rồi đi lên, sau đó xuống tắm lại thì dòng sông đã là dòng sông khác mất rồi. Vì dòng sông không mãi đứng yên một chổ mà luôn luôn trôi chảy không chút ngừng nghỉ. Ở phương Đông đức Khổng Tử cũng từng nói về Vô thường. Có lần đứng trên bờ nhìn xuống dòng sông Ông nói: “Thệ giả như tư phù, bất xả trù dạ“ (Trôi mãi thế này sao, ngày đêm không dừng nghỉ).
Theo Phật Giáo, tất cả mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian do các tập hợp duyên sanh đều mang tính Vô thường. Nói cách khác, Vô thường nghĩa là sự vật không mang tính đồng nhất bất biến. Hòn núi là tập hợp duyên sinh, thân thể con người là tập hợp duyên sinh, mây trôi, nước chảy, lá rụng bên đường cũng là tập hợp duyên sanh, cho đến hạt bụi nhỏ cũng do duyên sanh mà hiện hữu. Do vậy, hòn núi, thân người, lá cây, hạt bụi… đều luôn biến đổi, tức phải chịu sự tác động của Vô thường . Mọi sự mọi vật trong thế giới hiện tượng từ các vật thể vĩ mô đến các thế giới vật chất cực nhỏ vi mô như những hạt nguyên tử, hạt proton, hạt neuton luôn biến chuyển thay đổi liên tục, liên tục không đứng yên.
Phật Giáo chia Vô thường làm ba loại như sau để cho dễ phân tích và quán sát:
a – Thân Vô thường:
Kiếp người với khoảng thời gian bất định 60 năm cuộc đời, có thể hơn thế nữa nhưng cũng có thể chỉ 20 năm, 10 năm. Có người chưa một lần nếm đắng cay, bùi ngọt mà cuộc đời ban tặng thì đành chịu vùi xác thân dưới lòng đất lạnh, đêm đêm nghe côn trùng rả rích.
Bằng tuệ giác của mình các Thiền sư đã nhìn vào lòng vạn vật, thấy rõ thân này là giả tạm, mong manh. Bằng âm sắc thi ca, bằng hình tượng nghệ thuật, các Ngài đã thức tỉnh chúng ta biết sự mong manh của kiếp người.
Như chúng ta đã biết, thể tánh của vạn pháp là bất biến, còn vạn hữu và con người được hình thành theo pháp duyên sanh. Thế nên, nó cũng theo thời gian mà hoại diệt, tan rã. Trong kinh Pháp Cú Thế Tôn đã dạy:
Thân này không bao lâu
Sẽ vùi sâu đáy mồ
Như cây khô khúc gỗ
Vưt bỏ vì vô tri.
Cái thân của chúng ta không thể ước lượng được với thời gian, tuỳ theo sự tu tập, nhưng cũng không thể biết trước được sự sống chết, vì Vô thường không bất cứ một ai. Khi một hơi thở không ra vào nữa thì đã chấm dứt một kiếp người.
b – Hoàn cảnh Vô thường:
Chẳng những thân thể chúng ta luôn biến chuyển, thay đổi tương tục không dừng mà ngay cả sơn hà đại địa cũng không tránh khỏi định luật Vô thường kia. Điều này chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy.Mới hôm nào là đồng hoang, cỏ cháy mà hôm nay là khu du lịch vui chơi của hàng ngàn du khách.
Ngày hôm qua, nơi này là những nhà lầu huy nga đồ sộ mà hôm nay chỉ còn là một bãi đất trống lạnh lẽo. Chắc chúng ta ai ai cũng biết khu Nam Sài Gòn trước khi là đồng không vắng vẻ mà bây giờ nó trở thành một khu đô thị mới với nhiều nhà lầu mọc lên như nấm, đường sá thênh thang… Điển hình và sống động nhất cho những gì đã nói là đợt Sóng Thần vừa qua đã cướp đi bao sanh mạng, bao của cải vật chất của con người. Chúng ta hãy nhìn đi để thấy và để cảm nhận thế nào là hoàn cảnh Vô thường. Thế cho nên cổ đức đã dạy:
Biển hoá cồn dâu rất nhiệm mầu
Sông dài núi lớn chắc già đâu
Rừng mây lơ lửng chim vướng bẩy
Đáy nước mịt mù cá mất câu
Triệu phú Thạch Sùng đâu thấy nữa
Oai quyền Tần Thủy có bao lâu
Soi gương kim cổ mau tu tỉnh
Thế sự công danh dập bả trầu.
Đây là một nhận xét rất tinh tế. Hằng ngày nhiều lúc người ta cứ lầm tưởng những vật trước mắt là thường hằng vĩnh cửu, bất biến không thay đổi.
Một đời chúng ta đã chứng kiến biết bao sự thăng trầm vinh nhục, nghèo khổ, sang giàu, biết bao sự thay đổi của cuộc đời. Ôi! cuộc sống thật là mong manh tạm bợ, biến đổi khôn lường. Thật là:
Tiêu điều nhơn sự đã xong
Sơn hà cũng ảo, côn trùng cũng hư
Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ
Quán thu phong đứng rủ tà huy
Phong trần đến cả sơn khê
Tan thương đến cả hoa kia cỏ này.
c – Tâm Vô thường:
Vô thường không chỉ tác động đến thế giới vật chất mà nó còn chi phối cả trong thế giới tâm linh (tâm thức). Tâm thức con người luôn biến đổi, hết giận rồi thương, vui đó rồi buồn đó… Nó luôn biến chuyển như dòng suối, chảy mãi, chảy mãi không một phút giây nghỉ ngơi.
Vì thế cổ đức mới dạy tâm của con người là “ Tâm viên ý mã “. Hay trong Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy: Tâm con người thường dao động , hốt hoảng, biến chuyển khó chế phục và Cổ đức cũng đã từng dạy:
Con người cái ý vốn hai
Khi mừng khi giận đổi thay không lường.
Nó luôn luôn thay đổi từng giây, từng phút. Từng sát na một. Cho nên Thế Tôn đã ví: “ Tâm người như vượn chuyền cây, như ngựa rong chơi ngoài đồng nội. “Chẳng khác nào từng đợt sóng ngoài biển khơi, có rồi mất, mất rồi có, biến chuyển liên tục. Cũng chính ngay tâm sinh diệt biến đổi là hiện diện của phiền não, tham, sân. Si… Tính chất Vô thường của tâm linh là chuyển hoá không thật, chợt sanh chợt điệt. Chính vì nó quá vi tế và chúng ta cũng thờ ơ không để ý đến, nên cứ lầm tưởng nó không có thay đổi.
Thật ra tâm được cấu tạo bởi từng niệm sanh diệt liên tục. Cái suy nghĩ phút trước không phải là cái suy nghĩ của lúc này; cái suy nghĩ của lúc này không phải là cái suy nghĩ của lúc sau. Bởi tâm là niệm niệm nối nhau sanh khởi, chuyển hoá liên tục, liên miên bất tận không bao giờ đứng yên một chỗ.
Vì vậy Tổ Quy Sơn đã dạy:
“Niệm niệm tấn tốc nhất sát na gian
Chuyển tức tức thị lai sanh
Hà nãi yến nhiên không quá.“
(Phật Tổ Ngũ Kinh trang 451)
Nghĩa là: “Niệm niệm sanh diệt qua mau, trong một sát na đã chuyển qua đời khác. Tại sao chúng ta lại nỡ khoanh tay để ngày tháng luống qua mau”. Dòng tâm thức sinh diệt ấy chính là vọng tưởng điên đảo của lớp vô minh trùng trùng, điệp điệp, cuốn chúng sanh trôi lăn mãi trong bể khổ luân hồi sanh tử.
2. Vô ngã
Con người từ khi mới lọt lòng mẹ, rồi lớn lên, trưởng thành, già nua, bịnh hoạn, rồi cuối cùng cũng phải chết. Ngay cả khi chết, chúng ta cũng còn nghĩ rằng một cái gì đó vô hình tướng mà nó có sức mạnh để làm chủ chúng ta từ ý nghĩ cho đến hành động. Cái vô hình nấy có người gọi là linh hồn, có người gọi là bản ngã, có người gọi là thần thức, nhưng chúng ta gọi nó là cái Ta. Vì chúng ta nghĩ rằng trong ta chỉ có một cái Ta, thành thử cái Ta sẽ không biến đổi theo thời gian, hay nói một cách khác là cái Ta có tính chất tồn tại bất biến. Theo Phật thuyết thì sự tồn tại bất biến nấy được gọi là “ngã chấp”. Từ cái ngã chấp ấy, mà sinh ra “ngã ái”, nghĩa là yêu thương, chăm sóc và giữ gìn cái “ngã”.
Vì quá thương yêu cái “ngã” của Ta, mà cuộc sống của chúng ta bị quay cuồng trong vòng luân hồi sanh tử. Thay vì sống một cuộc đời thanh cao đạo hạnh, chúng ta cam chịu làm nô lệ để thỏa mãn những dục tính của cái Ta, bởi vì chúng ta lo sợ một ngày nào đó chúng ta sẽ hoàn toàn mất nó.
Nhưng thực ra, có một cái Ta như thế không? Theo Phật giáo, con người cũng như mọi vật, sở dĩ có là do nhân duyên hòa hợp tạo thành và cái Ta chỉ là một sự kết hợp của Ngũ Uẩn mà thôi. Vì là do nhân duyên hòa hợp nên Ngũ Uẩn không có tự tánh hay chủ thể.
Thí dụ một hạt lúa tự nó không thể phát triển để thành cây lúa nếu không có những trợ duyên như phân bón, nước, ánh sáng mặt trời, tay vun trồng của người nông phu… Thế thì hạt lúa là vô ngã vì tự nó không thể phát triển hay tồn tại mà không có những trợ duyên khác.
Cái thân của chúng ta cũng vậy, nếu thân là Ngã thì tự nó có thể lớn lên và sống mà không cần những trợ duyên bên ngoài như thức ăn, thức uống, áo quần, nhà cửa…Nhưng con người muốn sống thì cần phải ăn, phải uống… cũng như cây muốn sống thì cần phải có nước… Vì thế chính thân của con người hay nói theo danh từ nhà Phật là Ngũ Uẩn là Vô ngã tức là không có chủ thể tức là Không (nói theo danh từ Tâm Kinh).
Ngũ uẩn hay con người là sự kết hợp của Thân và Tâm mà Phật giáo gọi là Sắc và Danh. Sắc là chỉ cho Thân và Danh là cho Tâm thức. Danh hay phần Tâm thức tức là phần tinh thần thì gồm có Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
Tóm lại: Thân xác thì gọi là Sắc uẩn. Tâm thức hay phần tinh thần thì có Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn. Vậy thử xem trong ngũ uẩn nó biến đổi như thế nào?
1) Sắc: là thân xác của con người thì tan hợp, hợp tan như bọt biển. Trời đất đó đây không định hướng, không có gì cố định cả. Vì thế Sắc là biến đổi, chạy theo thời gian, là vô ngã.
2) Thọ: là những cảm giác vui khổ của thân và tâm đều sinh diệt bất thường giống như những bong bóng trên mặt nước. Như thế thọ là vô ngã.
3) Tưởng: là những ảo ảnh giống như những giả cảnh mà người lữ hành trong sa mạc thường thấy. Vì là cảnh giả nên tưởng là vô ngã.
4) Hành: là sự biến chuyển thay đổi của tâm niệm. Ý niệm sau thay thế ý niệm trước và như thế ý niệm cứ tiếp tục sinh khởi liên miên trong tâm thức của con người. Ý niệm là do bên ngoài mà có tức là do nhân duyên kết tạo mới có sự suy tư. Mà đã là do nhân duyên thì hành là vô ngã.
5) Thức: là sự hiểu biết phân biệt để có khả năng biến hiện ra các cảnh và phân biệt các cảnh. Khi sự phân biệt nầy thành cái biết thì đây chính là thức uẩn. Sự phân biệt có là do từ bên ngoài chớ không phải tự con người có được nên thức là uẩn chính là do nhân duyên tạo thành. Vì thế thức uẩn là vô ngã tức là Không. Tâm thức của con người biến đổi không ngừng từng giây từng phút. Theo Phật giáo sự biến đổi của tâm thì 16 lần nhanh hơn sự biến đổi của vật chất. Vì quá nhiều biến đổi như thế, nên thức cũng là vô ngã.
Vậy trong ngũ uẩn đâu có cái gì là bất biến, cố định đâu? Bởi sự biến đổi không ngừng này mà ngũ uẩn được xem là vô ngã. Nếu ngũ uẩn đã là vô ngã, thì trong ta làm gì có cái Ta. Như vậy bản ngã chỉ là một tiến trình biến đổi của danh (tâm) và sắc (thân) theo mối dây liên hệ nhân quả mà thôi.
Nếu nhìn kỹ lại cái thân tứ đại của chúng ta, thì mỗi ngày nó già đi một chút, không cách nào làm cho nó trẻ mãi được, rồi cuối cùng nó cũng phải chết. Đó là thân vô ngã. Còn Tâm có vô ngã không? Trong tâm của chúng ta lúc thì vui, khi thì giận, biến đổi khôn lường và như thế thì tâm cũng là vô ngã. Ngay đến cảnh vật chung quanh chúng ta cũng biến đổi không ngừng, đồi núi thì san bằng thành biển cả. Vạn vật thì cũng thế luôn luôn biến chuyển từng giây từng phút, cảnh này hủy diệt thì cảnh khác hiện lên.
Nói tóm lại, cái thân tứ đại của chúng ta chuyển từ trẻ sang già thì chính nó là vô ngã, mà Lục căn phát sinh từ tấm thân tứ đại này, thì Lục căn cũng là vô ngã mà thôi. Cùng lý luận này, thì Lục trần và Lục thức cũng đều là vô ngã cả.
Chúng ta sống trong mê muội bởi vì chúng ta lầm tưởng thường với vô thường, ngã với vô ngã và cũng chính bởi cái mê mờ ấy mà chúng ta đau khổ lại càng đau khổ hơn. Chính cái vô ngã của nhà Phật đã giúp cho chúng ta nhận định và phân biệt đâu là thật, đâu là giả, đâu là chính, đâu là tà để cho chúng ta có thể phá tan được cái vô minh và sự phiền não chấp chứa lâu đời lâu kiếp trong tâm hồn của chúng ta.
Phật dạy: “Chế ngự được tâm là quý nhứt, bởi cái tâm thật khó mà kiểm soát, nó chạy không ngừng theo tham dục. Khi tâm đã được chế phục, thì tìm thấy được hạnh phúc”.
“Chúng ta đem tâm “thương ghét” mà cầu đạo Bồ-đề, thì không bao giờ được giải thoát, vì nó là gốc của sanh tử luân hồi vậy”.
“Vì cò phiền não nên có Bồ-đề, có sanh tử mới có Niết Bàn, có luân hồi nên mới có giải thoát, có chúng sanh mới có Phật”.
3. Khổ
Khổ đau là một thực trạng mà con người cảm nhận từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, không ai phủ nhận điều ấy. Con người luôn có xu hướng vượt thoát khổ đau, tìm kiếm hạnh phúc, nhưng vì không hiểu rõ bản chất khổ đau nên không tìm được lối thoát thật sự, đôi khi ngược lại, càng tìm kiếm hạnh phúc càng khổ đau.
Khổ tiếng Pàli là Dukkha; “Du” có nghĩa là khó còn Kkha có nghĩa là chịu đựng, là kham nhẫn. Nói cho dễ hiểu Dukkha có nghĩa là sự bức bách, đau đớn, khó chịu… Hán tự 苦 có nghĩa là đắng, hàm chức rằng sự đau khổ trong thế giới hữu tình, chứa đựng nhiều vị đắng chát, chua cay, đem lại cảm giác bất an. Trong kinh Tương Ưng trang 133 Đức Phật diễn tả sự khổ đau của con người như sau: ”Toàn thể thế giới bốc cháy, toàn thể vũ trụ đắm chìm trong khói lửa, toàn thể vũ trụ làm mồi cho lửa, toàn thể vũ trụ rung lập cập. “
Đức phật đã căn cứ vào những hiện tượng duyên khởi hiện hữu – vô thường – biến dịch của nhân sinh và vũ trụ mà xác nhận rằng thế gian là giả tạm, bất toàn, trống rổng. Ngay đến những trạng thái mà người đời cho rằng hạnh phúc, an vui cũng đều là mầm mống của khổ đau.
Khổ đau là một sự thật mang tính phổ biến và hiện diện với nhiều hình thái đa dạng khác nhau. Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã diễn bày nổi khổ trần gian như một định chế đeo mang trọn kiếp người:
Trắng răng đến thuở bạc đầu
Tử,sanh, kinh, cụ làm đau mấy lần
(Cung Oán Ngâm Khúc câu 59 – 60)
Khổ trong Pháp ấn thứ hai này mang một triết lý sâu sắc, hàm chứa nội dung uyên áo rộng lớn . Khổ ở đây chính là Khổ Thánh Đế mà đức Thế Tôn đã trình bày trong Tứ Thánh Đế. Đó cũng là nội dung của kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakhappavattana sutta) mà Như Lai đã thuyết giảng lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển cho năm anh em Kiều Trần Như nghe.
Theo đạo Phật khổ đau trong đời sống con người được chia qua 8 hiện tượng như sau:
Sinh khổ – Sinh ra đời là một nỗi khổ
Thứ nhất, sinh ra là khổ. Chúng ta sinh ra là khổ. Mẹ mang thai mình, mẹ khổ không? Làm mẹ rất khổ. Rồi đến ngày sinh nở, rất là khổ. Chúng ta ở trong bụng mẹ 9 tháng 10 ngày, tối tăm, mù mịt. Mẹ ăn nóng thì mình bị nóng, mẹ ăn lạnh thì mình bị lạnh; bị chèn ép trong bụng, trong tử cung của người mẹ. Tử cung nghĩa là cái cung của đứa con ở. Mà chúng ta ai cũng thế, nhốt trong cái ngục ấy – ngục tử cung rồi đủ ngày, đủ tháng thì ra ngoài. Ra ngoài là khổ lắm. Đi qua cái cửa của mẹ rất chật hẹp. Có những người mẹ phải mổ, phải rạch mới lấy được con ra. Rất là mệt, rất là đau đớn.
Sinh ra, ta khổ quá thì ta mới kêu “Oa oa” đấy. “Oa oa” nghĩa là “Khổ quá, khổ quá, khổ quá”. Cho nên nhà văn Nguyễn Gia Thiều từng nói: “Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.” Mới đẻ lọt lòng mẹ đã biết kêu “Khổ quá, khổ quá, khổ quá” rồi. Cho nên mở màn cuộc đời là tiếng kêu khổ. Mình ra ngoài gặp nóng, gặp lạnh, thời tiết là thấy đau khổ rồi. Trong bụng mẹ khác, ra ngoài khác. Thế cho nên Phật gọi là sinh là khổ. Đây là sự khổ đầu tiên mà ai cũng gặp phải.
Bởi mới sinh ra mà đã nếm mùi đau khổ, nên Nguyễn Gia Thiều mới thốt lên rằng:
“Thảo nào khi mới chôn nhau
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
Ai bày trò bãi bể nương dâu”.
Lão khổ – Già là khổ
Là sự khổ trong lúc tuổi già. Con người khi già yếu, các căn đều suy yếu, mắt mờ, tai lãng, lưng mỏi, chân run, ăn không có cảm giác ngon, ngủ không an giấc, trí nhớ chẳng còn minh mẫn, làn da khô nhăn; răng thường đau nhức, rụng rớt dần.
Dù cho sức khỏe đến đâu thì một thanh niên cường tráng hay một thiếu nữ trẻ khỏe cũng đều phải đối mặt với cái tuổi già yếu này theo quy luật vô thường của vũ trụ.
Người già đa phần là tinh thần lú lẫn, con cái hỏi ăn cơm chưa thì nói chưa ăn mặc dù vừa trước đó đã ăn rồi; vì nặng tai nên con cái hỏi câu chuyện A thì trả lời vấn đề B…
Người già không còn được minh mẫn nên mọi sinh hoạt hàng ngày như đi lại, ăn uống, giặt giũ… đều chậm chạp và không được sạch sẽ; có những người do già yếu quá không đi lại được nằm một chỗ sống nhờ vào sự chăm lo của người thân; con cháu dù thân thương đến đâu cũng sinh nhàm chán, xa lánh, sao nhãng bổn phận.
Chính những hành động, thái độ thiếu hiểu biết, cảm thông, vô trách nhiệm của con cháu đã khiến người tuổi già chịu nhiều tủi khổ. Như vậy có thể nói tuổi già thật đáng buồn tủi, khổ sầu.
Những người lớn tuổi, 70 – 80 tuổi, mắt mờ, răng rụng, tai điếc, da nhăn, lưng còng, gối mỏi. Cho nên, già là khổ. Tất cả chúng ta không ai thích mình già cả. Chúng ta chỉ thích mình lớn thôi, chứ không thích già. Bé thì thích mình lớn, mình làm người lớn nhưng già là không thích. Chúng ta không ai thích già cả vì già thấy nó xấu xí, nó vô dụng. Cho nên già là một nỗi khổ. Già là một nỗi khổ mà hầu hết ai cũng phải trải qua dù không muốn. Khi già, cơ thể nhăn nheo, trở nên xấu xí; trí tuệ cũng giảm sút. Chính vì vậy, già cũng là một nỗi khổ không tránh né được trong cuộc đời.
Bệnh khổ – Bệnh tật, ốm đau là khổ
Bệnh là khổ. Đúng rồi, bệnh thì không ai muốn rồi. Ai cũng thích mình mạnh khỏe, không một chút bệnh tật. Người ta mới bảo là: “Không ốm, không đau làm giàu mấy chốc” là thế đấy. Cho nên các phòng tập thể dục, tập gym mọc ra khắp nơi nơi. Ai cũng cầu sức khỏe, sức khỏe là số một. Bị bệnh thì đau đớn, mệt mỏi, rã rượi, chán đời. Thật sự là không ai muốn bệnh tật.
Một sự thật trên thế gian là ai cũng mong cầu sức khỏe cũng như mong mỏi khi về già vẫn có sức khỏe. Tuy nhiên, điều đó không thể xảy ra trong cuộc đời của chúng ta. Khi bị bệnh, chúng ta sẽ thấm thía được nỗi khổ mà bệnh tật mang đến.
Tử khổ – Mất đi thân mạng này là khổ
Chết là cực khổ, chẳng ai muốn chết cả. Có mấy vị tướng ngày xưa ra trận dát vàng vào áo giáp. Nhưng mà khi giặc đuổi đến nơi, nặng quá, không chạy kịp thì vứt cả áo giáp đi để sống, để cứu lấy mạng. “Còn người thì còn của, mất người thì mất hết!” Cho nên mạng sống là rất quý.
Thế cho nên, cha mẹ sinh ra mình là có giấy khai sinh thì cũng nên đồng thời làm luôn giấy khai tử, chưa để ngày. Tất cả chúng ta đều phải chết. Không ai muốn chết mà tại sao mình cứ phải chết? Thế có phải khổ không? Không muốn chết mà phải chết thì có khổ không? Khổ lắm.
Chết là một sự thật mà tất cả chúng ta đều phải trải qua. Nhưng hiếm có người nào lại chấp nhận phải chết bởi ai cũng sợ chết. Chết là đau khổ, là sợ hãi. Ai cũng mong muốn được sống lâu, sống khỏe, không ai muốn chết. Nhưng cái chết sẽ đến với tất cả chúng ta. Vì vậy, chết là một sự khổ lớn của chúng sinh.
Ái biệt ly khổ – Yêu thương mà phải lìa xa là khổ
Người thương yêu phải xa lìa là khổ. Những người mình yêu thương, mình quý mến mà mình phải xa lìa. Trong gia đình cha mẹ ly thân với nhau, ly dị nhau; mình khổ. Hoặc người bạn, người yêu của mình phải điều chuyển đi công tác xa, hay gia đình nhà anh đi nước ngoài mất. Thế là mình khổ. Mình muốn làm sao người thân, người yêu của mình cứ ở bên cạnh mình. Nhưng mà sự đời nó lại không được thế. Nó toàn trái ý mình thôi. Cái người mình muốn ở gần mình, toàn không được ở gần. Thế cho nên Đức Phật mới dạy: “Yêu thương phải xa lìa là nỗi khổ của chúng ta”.
Chúng ta thấy chắc rằng thương nhau mà phải xa rời là một sự khổ. Mà sự khổ này chúng ta ai cũng phải trải qua. Trong đời sống, có rất nhiều người để chúng ta thương yêu như cha mẹ, vợ chồng, bạn bè,… Nhưng không phải ai cũng ở với mình suốt cả cuộc đời. Nếu gặp duyên sự phải chia xa sẽ sinh ra buồn bã, khổ đau.
Cầu bất đắc khổ – Cầu mong không được là khổ
Trong cuộc đời, trong 2 chữ “Sinh”, “Tử” của chúng ta, tất cả ai cũng có mong cầu. Ví như khi kết thúc khóa thi, con làm luận văn tốt nghiệp, con được điểm cao, con được bằng xuất sắc. Hay cầu cho cha con mạnh khỏe, cầu cho mẹ con mạnh khỏe, cho gia đình con được yên ổn. Chúng ta thấy mình cầu vô số cái, cuộc đời chúng ta cầu mong nhiều lắm nhưng mà được mấy cái các con? Ít lắm. Cầu ngàn cái, giỏi lắm được một cái. Thế cho nên Phật mới nói là cầu không được toại ý là khổ, không được đúng ý mình là khổ.
Trong cuộc đời, dù ít dù nhiều chúng ta đều có những mong cầu, ước vọng. Người thì cầu công danh, tiền bạc. Người thì cầu sức khỏe, tình yêu, con cái,… Nhưng có một sự thật là rất ít khi chúng ta được toại ý. Khi những mong cầu của chúng ta không được toại ý thì sinh ra đau khổ, phiền não, tuyệt vọng. Cho nên chúng ta chắc chắn một điều rằng, cầu không được là một nỗi khổ của thế gian.
Oán tăng hội khổ – Ghét nhau mà gặp mặt là khổ
Còn cái khổ nữa là ghét nhau mà cứ phải chạm mặt. Các cụ nhà mình nói câu hay lắm: “Ghét của nào trời trao của ấy”. Cái mình không ưa thì nó cứ lù lù trước mặt. Ra gặp mặt, vào gặp mặt. Người mình không ưa, mình ghét lại cứ hay ở gần mình. Đấy gọi là: không ưa hay phải gặp mặt. Đó là cái khổ của chúng ta. Việc chạm mặt người mình không ưa là không thể tránh khỏi trong cuộc sống đời thường. Điều đó có thể dẫn đến tâm trạng bực bội, không vui. Phật dạy đó là nỗi khổ thứ bảy của chúng sinh.
Ngũ uẩn xí thạnh khổ – Nỗi khổ của thân thể
Còn cái khổ nữa là cái khổ của thân thể chúng ta. Ngay nơi thân, tâm chúng ta sinh ra rất nhiều phiền muộn, nỗi buồn bâng quơ, những điều vu vơ, những cái tự nhiên trong lòng thấy buồn, thấy chán, không biết nguyên nhân vì sao. Phật gọi đấy là cái thân ngũ ấm này, nó xí, nó thịnh, nó bừng cháy, nó làm thiêu đốt chúng ta rất khổ. Những ham muốn của thân thể, thân tâm chúng ta, chúng ta không được thỏa mãn, sinh ra bao nhiêu cái khổ ở trong thân tâm này, thiêu đốt chúng ta”.
Bên cạnh Bát khổ còn bao nỗi khổ sầu khác đang chi phối toàn bộ kiếp sống nhân sinh, tạo nên nỗi khổ không cùng cho chúng sinh. Nỗi khổ mênh mông ấy có thể không giống nhau nhưng đều có chung một nguồn gốc gây nên là do vô minh. Tức là do sự ngu si, không nhận chân rõ thật tướng về con người và thế giới mà con người đang sống là “ giả tạm, không và vô thường”; do đó không biết tu tâm, tích đức, xả ngã, vị tha…
Đức Phật vì không thể ngồi yên nhìn chúng sinh chịu khổ cho nên đã xuất gia với tâm nguyện là tìm ra phương pháp tu tập chân chính nhất để con người có thể giải thoát được những nỗi khổ về vật chất và tinh thần giữa cuộc đời hiện hữu. Khi Đức Phật giác ngộ, thì Khổ đế – chân lý thứ nhất đã bao quát toàn bộ tư tưởng của Tứ Diệu đế. Và vi diệu hơn cả là Ngài đã ngộ ra nguyên nhân mọi khổ đau của chúng sinh là do vô minh mà ra.
Vì thế, người Phật tử tu học Phật pháp như được trao vũ khí sắc bén để tiêu trừ “độc vô minh” khi họ biết dùng trí tuệ để suy tư, nhận thức được bản chất khổ đau, nhân ra thật tướng của vạn pháp, rồi chuyên tâm tu tập theo triết lý cao đẹp, thì nỗi khổ sẽ được vơi dần theo năm tháng, dần dần đạt đến hạnh phúc, cao hơn nữa là an vui, tối thắng nhất là đạt được an lạc tuyệt đối của Niết Bàn.
Tâm Hướng Phật!