Tam Pháp Ấn là ba đặc điểm nổi bậc của giáo lý đạo Phật, ba khuôn dấu của chánh pháp, là ba bản chất của thế giới hiện tượng: Vô thường, khổ, vô ngã.
1. Định nghĩa Pháp Ấn – Tam Pháp Ấn là gì?
Pháp là gì? Nhậm trì tự tánh – Quỷ sanh vật giải, nghĩa là cái gì giữ được hình dáng hay khuôn khổ của nó làm cho người khác trông thấy mà biết đó là vật gì thì gọi là Pháp. Nhưng Pháp trong phạm vi trình bày của đề tài này thì Pháp là chánh pháp hay toàn bộ hệ thống tư tưởng trong lời dạy của Đức Phật được các Thánh đệ tử ghi chép lại trong Tam Tạng Thánh Điển.
Pháp nói vắn tắt cho dễ hiểu là Giáo Pháp. Ấn là chiếc ấn hay khuôn dấu. Như vậy Pháp Ấn là khuôn dấu hay dấu hiệu của chánh pháp, là tiêu chuẩn để chứng minh cho tính đúng đắn và chính thống của giáo lý đạo Phật.
Tam Pháp Ấn là ba đặc điểm nổi bậc của giáo lý đạo Phật, ba khuôn dấu của chánh pháp, là ba bản chất của thế giới hiện tượng: VÔ THƯỜNG, KHỔ và VÔ NGÃ. Ba đặc điểm này xác định tính đích thực của giáo lý Phật Đà, nhằm đảm bảo mọi sự suy tư, ngôn thuyết, diễn giải, thực hành của người đệ tử Phật không vượt ra ngoài mục đích giải thoát mà Như Lai đã giảng dạy.
Ngoài ra, Đức Phật cũng còn dạy về Tứ pháp ấn là vô thường, khổ, vô ngã và Niết bàn hay vô thường, khổ, vô ngã và Không (Kinh Tăng Nhất A Hàm). Tuy nhiên, đấy chỉ là sự triển khai, mở rộng yếu tố vô ngã của Tam Pháp Ấn. Bởi lẽ, Niết bàn chỉ là tên gọi khác của vô ngã và Không cũng là một cách nhìn khác về duyên khởi. Các pháp đều do điều kiện, nhân duyên tạo thành, vì thế chúng vô ngã. Do vậy, có thể xem vô thường, khổ và vô ngã là một định thức chuẩn mực, tổng quát của Tam Pháp Ấn và cả Tứ pháp ấn.
2. Pháp ấn thứ nhất: Vô thường
Vô thường tiếng Phạn là Anitya, có nghĩa là biến dịch, thay đổi, không cố định. Vạn vật không đứng yên một chổ mà luôn luôn biến đổi hình dạng, đi từ trạng thái hình thành sang trạng thái biến hoại rồi tan rã theo định luật Thành – Trụ – Hoại – Không.
Cái mà Nho gia gọi là Dịch hóa thì nhà Phật gọi là Vô thường. Vô thường là nói trong giới vật chất cũng như trong giới tinh thần không có cái gì cố định, vạn pháp đều nằm trong dòng biến dịch không ngừng. Một pháp vừa sinh là đi dần đến chổ tan rã. Một pháp tan rã mở đầu cho một pháp đang sanh. Thực tại không phải là một ao tù mà là một dòng nước . Như Xuân Diệu đã từng viết :
Hoa nở để rồi tàn
Trăng tròn để rồi khuyết
Bèo hợp để chia tan
Người gần để ly biệt.
Ở phương Tây, Heraclite cũng đã từng nói: “ Người ta không bao giờ tắm hai lần trong một dòng sông“. Rõ ràng Ông đã nói tới sự Vô thường thay đổi. Đúng vậy, một khi chúng ta xuống tắm dưới sông rồi đi lên, sau đó xuống tắm lại thì dòng sông đã là dòng sông khác mất rồi. Vì dòng sông không mãi đứng yên một chổ mà luôn luôn trôi chảy không chút ngừng nghỉ.
Ở phương Đông đức Khổng Tử cũng từng nói về Vô thường. Có lần đứng trên bờ nhìn xuống dòng sông Ông nói: “ Thệ giả như tư phù, bất xả trù dạ“ (Trôi mãi thế này sao, ngày đêm không dừng nghỉ).
Theo Phật Giáo, tất cả mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian do các tập hợp duyên sanh đều mang tính Vô thường. Nói cách khác, Vô thường nghĩa là sự vật không mang tính đồng nhất bất biến. Hòn núi là tập hợp duyên sinh, thân thể con người là tập hợp duyên sinh, mây trôi, nước chảy, lá rụng bên đường cũng là tập hợp duyên sanh, cho đến hạt bụi nhỏ cũng do duyên sanh mà hiện hữu. Do vậy, hòn núi, thân người, lá cây, hạt bụi… đều luôn biến đổi, tức phải chịu sự tác động của Vô thường. Mọi sự mọi vật trong thế giới hiện tượng từ các vật thể vĩ mô đến các thế giới vật chất cực nhỏ vi mô như những hạt nguyên tử, hạt proton, hạt neuton luôn biến chuyển thay đổi liên tục, liên tục không đứng yên.
3. Pháp ấn thứ hai: Khổ
Khổ tiếng Pàli là Dukkha; “ Du” có nghĩa là khó còn Kkha có nghĩa là chịu đựng, là kham nhẫn. Nói cho dễ hiểu Dukkha có nghĩa là sự bức bách, đau đớn, khó chịu… Hán tự 苦 có nghĩa là đắng, hàm chức rằng sự đau khổ trong thế giới hữu tình, chứa đựng nhiều vị đắng chát, chua cay, đem lại cảm giác bất an. Trong Kinh Tương Ưng trang 133 Đức Phật diễn tả sự khổ đau của con người như sau:” Toàn thể thế giới bốc cháy, toàn thể vũ trụ đắm chìm trong khói lửa, toàn thể vũ trụ làm mồi cho lửa, toàn thể vũ trụ rung lập cập. “
Đức phật đã căn cứ vào những hiện tượng duyên khởi hiện hữu – vô thường – biến dịch của nhân sinh và vũ trụ mà xác nhận rằng thế gian là giả tạm, bất toàn, trống rổng. Ngay đến những trạng thái mà người đời cho rằng hạnh phúc, an vui cũng đều là mầm mống của khổ đau.
Khổ đau là một sự thật mang tính phổ biến và hiện diện với nhiều hình thái đa dạng khác nhau. Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã diễn bày nổi khổ trần gian như một định chế đeo mang trọn kiếp người:
Trắng răng đến thuở bạc đầu
Tử, sanh, kinh, cụ làm đau mấy lần
(Cung Oán Ngâm Khúc câu 59 – 60)
Khổ trong Pháp ấn thứ hai này mang một triết lý sâu sắc, hàm chứa nội dung uyên áo rộng lớn. Khổ ở đây chính là Khổ Thánh Đế mà đức Thế Tôn đã trình bày trong Tứ Thánh Đế. Đó cũng là nội dung của kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakhappavattana sutta) mà Như Lai đã thuyết giảng lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển cho năm anh em Kiều Trần Như nghe.
4. Pháp ấn thứ ba: Vô ngã
Vô ngã nghĩa là không có một bản chất trường tồn, bất biến, không có một chủ thể tuyệt đối, không có một linh hồn bất diệt, không có đấng sáng tạo vĩnh cửu. Vì tất cả sự vật đều do duyên sinh, sự hiện hữu của mỗi sự vật, mỗi chúng sanh là sự hiện hữu trong tương quan, do tác động nhân duyên mà thành. Sự hiện hữu của chúng ta là do bốn đại kết hợp, năm uẩn định hình trong cơ chế nhân duyên mà thành, nên tất cả đều là Vô ngã.
Khi đặt câu hỏi ta là gì? Một triết học gia đã than thở: “Ta chỉ là một hạt cát trong sa mạc mênh mông, là ngọn gió lang thang khắp ruộng đồng, là điểm nhỏ của khoảng không bất tận, là hạt mưa sa trong biển cả bao la“.
Vô thưòng và khổ đau là hai đặc điểm tương đối dễ được người ta chấp nhận. Nhưng tính chất Vô ngã thường khó được người ta chấp nhận. Nguyên nhân chính là do vô minh, tham ái, người ta đã chấp ngã tự bao giờ, do ước vọng được sanh tồn, sợ mất sở hữu, sợ mất bản thân… mà con người đã tạo một đấng tối cao, một linh hồn bất tử (Ngã) để được che chở và mãi mãi trường tồn bất diệt.
Nhận xét về thế giới hiện tượng, Phật giáo khẳng định rằng mọi sự vật trên đời đều không có tướng trạng cố định, tất cả đều luôn biến đổi, chuyển động không ngừng, hay nói cách khác vạn pháp luôn luôn đang trôi chảy và không có một tướng nhất định nào cả. Nó chỉ là một chuỗi thay đổi liên tục và vô số tướng trạng từ mới đến cũ, từ trẻ đến già, từ sanh đến diệt… Phật giáo tạm phân quá trình ấy thành bốn giai đoạn “ Sanh – trụ – dị – diệt “ còn gọi “Thành – tựu – hoại – không. “ Như vậy, theo Phật giáo tất cả các sự vật, hiện tượng trên thế giới này đều không có chủ thể nhất định và vì thế tất cả đều Vô ngã.
Trong khi đó, nhận thức thông thường của chúng ta cho rằng tất cả các sự vật đang hiện hữu là cố định, từ đó sanh đắm nhiễm, mê lầm mà phải đau khổ, luân hồi.
Tâm Hướng Phật/St!