Hợp tuyển lời Phật dạy từ Kinh Tạng Pali của tác giả Bhikkhu Bodhi, được tuyển chọn các bài kinh hầu hết từ bốn bộ Nikaya của kinh tạng Pali…
GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT
Mặc dù lời Phật dạy rất có hệ thống, không có một bài kinh nào được cho là của Đức Phật mà trong đó Ngài đã xác định rõ ràng cấu trúc của Giáo Pháp, một sự dàn dựng Ngài đã sắp xếp để diễn đạt một giáo lý nào đó của Ngài. Trong suốt thời gian dài hoằng pháp, Đức Phật đã giảng dạy theo nhiều phương cách khác nhau tùy thuộc vào cơ hội và hoàn cảnh.
Đôi lúc Ngài diễn tả thật rõ ràng những nguyên tắc bất biến trong cốt lõi của bài giảng. Đôi lúc Ngài thay đổi lời giảng dạy cho thích hợp với khuynh hướng và căn cơ của những người tìm đến Ngài để xin được chỉ giáo. Đôi lúc Ngài điều chỉnh lời thuyết giảng để phù hợp với hoàn cảnh đòi hỏi một đáp ứng đặc biệt nào đó.
Nhưng xuyên suốt qua những tuyển tập kinh điển được truyền lại cho chúng ta như những “Lời Dạy Chính Thức Của Đức Phật’’, chúng ta không tìm thấy một bài kinh nào, một pháp thoại nào trong đó Đức Phật đã kết nối tất cả những yếu tố của lời Ngài giảng dạy và sắp đặt chúng vào vị trí thích hợp trong một hệ thống đầy đủ trọn vẹn .
Với một nền văn hóa đọc viết trong đó tư tưởng có hệ thống được đánh giá cao thì sự thiếu vắng một văn bản có chức năng thống nhất có thể được xem như một khiếm khuyết, nhưng trong một nền văn hóa hoàn toàn truyền khẩu – như nền văn hóa thời Đức Phật đã sinh sống và du hành – thì sự thiếu vắng một khuôn mẫu có tính mô tả tổng quát về Giáo pháp không được xem là có ý nghĩa quan trọng.
Trong nền văn hóa này, cả thầy lẫn trò đều không nhắm đến sự chính xác trọn vẹn về mặt khái niệm. Vị thầy không có ý định trình bày một hệ thống tư tưởng hoàn chỉnh; và học trò cũng không có nguyên vọng học một hệ tư tưởng hoàn chỉnh. Mục đích kết nối thầy trò trong quá trình học tập – một quá trình truyền đạt – là sự rèn luyện thực tế, sự chuyển hóa tự thân, sự giác ngộ chân lý, và sự giải thoát bất thối chuyển của tâm.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là lời giảng dạy luôn luôn được thay đổi cho thích hợp với tình huống ngay trước mặt. Thỉnh thoảng Đức Phật cũng trình bày những quan điểm bao quát hơn về Giáo Pháp, kết hợp nhiều thành tố của đạo trong một cấu trúc có sắp xếp theo thứ tự hay thuộc một phạm vi rộng lớn. Nhưng mặc dù có nhiều bài kinh phơi bày một phạm vi rộng lớn, chúng vẫn không bao gồm mọi yếu tố của Giáo pháp trong một hệ thống tổng quát.
Mục đích của cuốn sách này là để triển khai và đưa ra ví dụ điển hình về một kế hoạch như thế. Trong sách này tôi thử cung cấp một hình ảnh đầy đủ về lời Phật dạy bằng cách kết hợp nhiều bài kinh khác nhau vào một cấu trúc có hệ thống.
Tôi hy vọng cấu trúc này sẽ làm sáng tỏ khuôn mẫu có chủ đích tiềm ẩn bên dưới sự hình thành Giáo pháp của Đức Phật và như vậy cung cấp cho độc giả những hướng dẫn để hiểu được Phật giáo Nguyên Thủy một cách tổng quát.
Tôi đã tuyển chọn các bài kinh hầu hết từ bốn bộ Nikaya của kinh tạng Pali, mặc dù tôi cũng có đưa vào một số bài từ Kinh Udāna và Kinh Itivuttaka, là hai tập nhỏ trong tuyển tập thứ năm, tức là Tiểu Bộ Kinh.
Mỗi chương mở đầu với lời giới thiệu, trong đó tôi giải thích những khái niệm căn bản của Phật giáo Nguyên Thủy mà bài kinh tiêu biểu, và trình bày cho thấy các bài kinh đã diễn đạt những tư tưởng ấy như thế nào.
Mời quý bạn đọc sách Hợp tuyển lời Phật dạy từ Kinh Tạng Pali – Bhikkhu Bodhi tại file PDF dưới đây.
Xem màn hình rộng