Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Thân, thọ, tâm, pháp là gì? Quán thân thọ tâm pháp

Bốn đề mục quán niệm giúp ta nhận diện được sự thật của tự thân, tha nhân và xã hội. Đó cũng chính là ý nghĩa cao cả mà đức Phật nhắm đến khi muốn giác ngộ chúng sinh.

Sau khi thành đạo, đức Thế Tôn đã vận dụng phương tiện để dẫn dắt chúng sinh đến với con đường giác ngộ theo từng cấp độ tùy thuận. Bốn đề mục quán niệm: thân, thọ, tâm, pháp là một trong những phương pháp tu tập được Thế Tôn thuyết giảng đầu tiên.

Giáo lý đức Phật thuyết giảng tuy bao la từ nhân sinh đến vũ trụ, nhưng tựu trung vẫn xoay quanh vấn đề con người. Lấy con người làm đối tượng quán chiếu để thấy được vũ trụ vạn hữu, pháp môn Bốn đề mục quán niệm giúp ta nhận diện được sự thật của tự thân, tha nhân và xã hội. Đó cũng chính là ý nghĩa cao cả mà đức Phật nhắm đến khi muốn giác ngộ chúng sinh.

1. Quán niệm về thân

Quán niệm về thân có nghĩa là thực hành thiền định về thân. Thực hành phép quán niệm này để ý thức được sự bình yên, thanh thản trong cuộc sống hiện tại, để thực hành nếp sống oai nghi và để thấy được mặt trái của thân này.

Quán thân qua hơi thở. Đây là hình thức quán sổ tức. Tuy nhiên, quán thân thông qua hơi thở không chỉ có đếm hơi thở mà còn phải theo dõi hơi thở vào ra, hơi thở dài ngắn như thế nào và biết rõ như vậy. Đây là cách thực tập chánh niệm trong từng hơi thở và bởi vì hơi thở là mạng sống của con người, cho nên thực tập phương pháp này là ta đã ý thức được chánh niệm trong suốt cuộc sống của mình.

Quán thân thông qua các cử chỉ hoạt động. Đây là hình thức quán thân thông qua đi, đứng, ngồi, nằm, các hoạt động của toàn thân, nhằm kiểm soát hoạt động của toàn thân bằng chánh niệm. Đức Phật khuyến cáo người Phật tử phải ý thức trong từng hoạt động dù là nhỏ nhặt nhất. Biết như vậy để cảm nhận hành động được trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Sống như vậy là sống trong chánh niệm, tỉnh thức và trong an lạc.

Quán thân bất tịnh thông qua các bộ phận sai biệt cấu tạo thành. Bất tịnh nghĩa là không sạch, là dơ nhớp. Thân bất tịnh nghĩa là cái thân này không chút gì tinh sạch cả. Người thế gian ai cũng giữ gìn cái thân, quý báu cái thân, dầu làm việc gì cũng là vì cái thân mà làm, cho đến vì cái thân mà hao tiền tốn của, mang tiếng chịu lời cũng không kể, miễn cho cái thân đặng sống. Thế gian quý hóa cái thân như vậy, nay nghe Phật nói “Thân bất tịnh” thì sao cho khỏi nghi hoặc mà cho là quá đáng.

Song, xét cho cùng thì cái thân này nhờ phụ tinh mẫu huyết mà thành, phụ tinh mẫu huyết là vật dơ nhớp, vậy cái thân này đã do những vật dơ nhớp tạo thành, thì làm sao mà tinh sạch cho được. Lúc mới đầu thai, trạng thái nhỏ nhen như bộ trùng, lần lần sinh năm sinh bảy, lớn bằng hột đậu cho đến lớn bằng miếng thịt, đầy những máu me rất dơ nhớp.

Về sau, nhờ sức duy trì của nghiệp thức, lần tượng ra hình người nằm trong bọc nước, cái bọc nước đầy những mồ hôi nước tiểu. Cái thân nằm trong đó đủ chín tháng mười ngày rồi mới ra khỏi bụng mẹ theo con đường rất dơ nhớp, đầy những máu me, rồi nằm trên vũng máu há miệng oe oe ba tiếng chào đời, thật không chút gì là tinh sạch cả.

Đã sanh ra rồi, khi nhỏ nhờ bú sữa, lúc lớn nhờ ăn uống mà càng ngày càng lớn. Nhưng lạ thiệt, như trong Trí độ luận đã nói: “Bản thị mỹ vị, nhơn chi sở thị, túc tích chi gian, biến thành bất tịnh”. Nghĩa là “Ban đầu là của ngon vật lạ, ai nấy đều thích, mà ăn vào cách chừng một đêm đã biến thành đồ dơ nhớp”. Cái thân này rõ là một bộ máy để làm ra đồ dơ nhớp. Mà dơ nhớp thiệt. Sớm mai ngủ dậy chưa súc miệng thì trong miệng đã hôi thúi, bốn năm ngày không tắm rửa thì áo quần đã tẩm mồ hôi, đen điu rít rắm. Lại còn nước mũi, ráy tai, lắm chuyện dơ nhớp nữa. Đó là nói về bề ngoài. Về bề trong lại còn dễ sợ hơn. Chẳng nói chi máu me xương thịt, chỉ trong một bộ lòng đã đầy những đồ hôi thúi, chẳng khác gì một thùng phẩn vậy.

Đó là nói khi lành mạnh. Chớ khi đau ốm lại dễ sợ hơn nữa: nào đờm, nào mũi, thúi tha tanh hôi, xiết bao là dơ nhớp. Dơ nhớp như vậy năm sáu chục năm đã đầu bạc mặt nhăn, lưng còm răng rụng, không còn sức sửa soạn bề ngoài, nên càng dơ nhớp hơn nữa. Đến khi chết, nghiệp thức không còn duy trì để thay lớp mới đổi lớp cũ, thì da thịt rã rời đụng đâu rệu đấy, nếu không chôn cất thì không ai chịu nổi cái mùi hôi thúi ấy được. Vậy thì biết cái thân này rõ là bất tịnh.

Người đời không biết cái thân bất tịnh mà yêu quý cái thân, cưng dưỡng cái thân. Nếu cái thân ưa gì thì ưa, cái thân ghét gì thì ghét, đến nỗi làm nô lệ cho cái thân, gây nghiệp chịu báo đời đời kiếp kiếp mà không tự hối. Vì cái thân mà tham, sân, si. Vì cái thân mà sát, đạo, dâm. Vì cái thân mà vọng ngôn ỷ ngữ, ác khẩu lưỡng thiệt. Trăm ngàn vạn điều dữ cũng đều do cưng dưỡng cái thân này mà tạo thành cả.

Vậy người tu hành cần phải quán sát cho rõ cái thân là bất tịnh, thì mới tránh được những nghiệp dữ và tâm mình mới được vài phần tự chủ.

2. Quán niệm về thọ

Thọ là nói tắt của cảm thọ. Khi nhận thấy một điều gì, hay chấp nhận một điều chi thì gọi là thọ. Thọ gồm có thân thọ và tâm thọ. Hai mặt này tương tác với nhau. Có thể thân thọ mà tâm không thọ, hoặc thân và tâm đồng cảm thọ. Từ ý này, ta có nội dung của thọ gồm có ba trạng thái: lạc thọ là tâm lý hưng khởi sung sướng, thích thú trước đối tượng. Khổ thọ là trạng thái tâm lý khổ não, buồn chán… Bất khổ bất lạc thọ trung dung, không thiên lệch về phía lạc cũng như về phía khổ.

Ta có thể hiểu rằng: lạc thọ và khổ thọ là tâm lý chủ quan, bất khổ bất lạc thọ là tâm lý khách quan. Để cảm thọ có mặt, điều tất yếu phải hội đủ ba yếu tố: nội căn, ngoại trần và xúc. Kinh tương ưng III, Đức Phật dạy rõ: “Thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh,… thọ do ý xúc sanh. Do xúc sanh khởi nên thọ sanh khởi, do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt”. Khi sáu căn duyên sáu trần sinh ra cảm thọ thì đây thuộc về ngoại thọ. Cảm thọ về các trạng thái thiền lạc gọi là nội thọ. Chung quy dù cảm thọ thuộc vật chất hay không vật chất đều do tâm bị ràng buộc trong ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy. Tuy nhiên, cảm thọ đưa đến khổ đau hay an lạc tùy thuộc rất nhiều vào mức độ giác ngộ của chúng ta.

Thân, thọ, tâm, pháp là gì? Quán thân thọ tâm pháp

3. Quán niệm về tâm

Khi bàn về tâm là bàn đến một vấn đề phức tạp bởi vì khó mà định nghĩa tâm như thế nào. Ta không thể nào nói tâm là… như nói đến một sự vật cụ thể. Vì lẽ, nói đến con người là nói đến hoạt động của thân và tâm. Hoạt động của thân thuộc phần thô, hoạt động của tâm thuộc phần tế. Tuy thế, ta vẫn nắm bắt và nhận diện được nó. Ta vẫn thường nghe nói đến tâm qua các khái niệm: tâm thiện, tâm ác, tâm ích kỷ, tâm tham, tâm sân,… Tất cả đều là những biểu hiện của tâm trong đời sống. Trong cùng một thời điểm không thể có hai niệm đồng tồn tại. Tâm thiện đang hoạt động thì vắng mặt tâm ác, tâm tham đang hoạt động thì vắng mặt tâm bố thí…

Quán tâm tức là ta đang dùng tâm để quán tâm, ngay trong bản thân của tâm mà không phải quán sát một đối tượng nào khác ngoài tâm. Tức là ta đang ý thức về tâm mình để thấy được sự có mặt và hoạt động của nó. Thân và tâm có một sự liên hệ mật thiết với nhau. Thân là cơ sở hoạt động của tâm và tâm mượn thân để biểu hiện. Tâm là vô hình nhưng nó có những đặc tính của thân. Nó có thể xúc chạm được (giao cảm), nó cũng có cảm giác đau khổ và an tịnh. Vì vậy mà con người luôn tồn tại một căn bệnh trầm kha khó chữa: Tâm bệnh.

Tâm thường được ví như con vượn leo cây, chuyển từ cành này sang cành khác suốt ngày. Niệm trước như vậy niệm sau đã khác, sanh diệt liên tục như dòng thác đổ. Hôm nay yêu thương người hết mực, ngày mai lại ghét bỏ. Tâm là do nhân duyên sanh diệt. Do vậy, tâm không phải là một thực thể tồn tại độc lập. Trên cơ sở đó, tâm không có cái ngã của nó. Tâm sanh là do sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Bản thân các yếu tố này cũng do duyên sinh, vô thường, vô ngã. Cho nên tâm cũng vô thường, vô ngã.

Tâm vô thường, nghĩa là cái tướng của tự tâm chúng ta luôn luôn đổi thay, không thường. Cái tướng của tự tâm là gì? Chính là cái phân biệt, hiểu biết hằng ngày, hay còn gọi là cái Thức. Người không học Phật thì không nhận biết thể chơn như rộng lớn cùng khắp cả vũ trụ, mà nhận lầm cái phân biệt, cái thức là Ta. Cho rằng cái Ta ấy là thường còn, không thay đổi, như những ngoại đạo chấp có thần ngã hay có linh hồn thường trụ.

Thần ngã là lối chấp của “Số luận sư “. Họ cho rằng mỗi chúng ta có thần ngã tự tại, trong sạch. Nhưng vì phân biệt, nên nhận thấy có vũ trụ vạn hữu, rồi sanh lòng ưa muốn, bỏ mất thần ngã tự tại trong sạch ấy. Vậy muốn cho thần ngã được giải thoát, thì phải dứt cả cái món phân biệt. Dứt cho hết sạch, không thấy, không nghe, không biết nữa, thì thần ngã mới hiển lộ ra. Và khi ấy mới nhận biết rằng vì mình mới sanh ra có vũ trụ. Họ cho như thế là rốt ráo, mà không biết thần ngã ấy cũng chỉ là vọng thức mà thôi.

Còn linh hồn là lối chấp của đa số thần giáo. Họ cho rằng duy có xác thịt chết, chứ cái linh hồn trong trường hợp nào cũng vẫn nhận biết mình, biết người, cũng thấy nghe như xác thịt, không bao giờ chết… Nhưng sự thật không phải thế: Cái tâm của chúng ta không thường chút nào hết. Nó thay đổi luôn, khi nhỏ khác, khi lớn khác; Khi có học khác, khi chưa học khác; Khi vui khi buồn, khi thương khi ghét, khi chuyên niệm về một chỗ, khi tản mát ra các trần duyên…thật không có gì là thường hết.

Nó là tâm pháp vô thường, nó thay đổi đủ cách, tùy chỗ tu tập của mình mà tiến hóa. Nếu tâm là thường thì không có sanh tử. Nếu tâm là thường, thì dù có tu hành cũng không tăng trưởng, thì người dốt cứ dốt, người vụng cứ vụng… Nếu tâm là thường thì không có nhân quả. Tu cũng chừng ấy, mà lành cũng chừng ấy; Cho đến người học, người không học cũng như nhau, chẳng có gì sai khác, thay đổi cả.

Vì muốn đối trị cái vọng chấp kia, nên Phật mới dạy phép quán “Tâm vô thường”, để cho chúng sanh nhận biết rằng cái tâm không phải như một vật bất biến vô dụng; Không phải là cái “Ta” chắc thật muôn đời, rồi nương vào đó mà sanh ra không biết bao nhiêu là vọng tưởng phiền não. Những tánh tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v… đều do ngã chấp mà sanh ra cả.

Lại cũng vì chấp tâm là thường nên chi chi cũng là do bản tánh của mình, không thể sửa đổi được, như bảo:” Tánh tôi hay nóng giận, hay tham lam “; “Tánh tôi hay đa mê đờn ca xướng hát “; “Tánh tôi thích cờ bạc rượu chè”. Họ cho đó là một lối bào chữa, vì không phải lỗi tại họ, mà tại cái bản ngã chắc thật của họ như thế rồi, không làm sao sửa đổi được.

Do đó, họ không thể nâng cao tâm trí theo con đường chơn chánh được. Vậy, Phật tử chúng ta cần phải quán sát cái “tâm vô thường” đổi cái tâm mê lầm ra cái tâm giác ngộ, phải trừ ngã chấp để ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.

4. Quán niệm về Pháp

Pháp có nghĩa là “nhậm trì tự tánh, quỷ sanh vật giải”. Tất cả các sự vật, hiện tượng mà tự nó có thể gìn giữ tánh chất, hình tướng, tên gọi,… để có thể phân biệt được nó với các vật khác thì gọi là một pháp. Pháp được chia ra làm hai phần là sắc pháp và tâm pháp.

Con người là đối tượng để thực hành quán niệm về pháp. Vì nó hội đủ sắc pháp và tâm pháp. Người Phật tử quán chiếu thân ngũ uẩn để ý thức được mối liên hệ giữa bản thân và vũ trụ vạn hữu. Nếu không có vũ trụ thì hợp thể ngũ uẩn này không có được. Từ thực tính này ta càng thấy rõ về ý nghĩa vô ngã của các pháp.

Trong các kinh luận của Phật giáo phát triển, vô ngã bao gồm pháp vô ngã và nhân vô ngã, hay sắc pháp vô ngã và tâm pháp vô ngã. Ở đây sắc pháp được chỉ chung cho thân người và các pháp ngoài giới. Sắc pháp và tâm pháp đều nương vào nhân duyên mà thành nên chúng là hư vọng. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nhân duyên hòa hợp hư vọng hữu sanh, nhân duyên ly tán hư vọng hữu diệt”.

Cần nói thêm rằng, thân và tâm chỉ tồn tại trong một thời gian nào đó rồi theo quy luật sinh – thành – hoại – diệt mà mất đi. Thân không thể tồn tại ngoài tâm, tâm không thể tồn tại ngoài thân. Cũng như sắc không thể tồn tại ngoài thọ, tưởng, hành, thức. Do vậy, Phật giáo không chấp nhận một linh hồn trường cữu sau khi sắc thân hủy diệt. Sở dĩ có một tư tưởng về một linh hồn trường cữu và xem đó là ngã, là do khẳng định tính tự tồn của con người theo thời gian vô tận. Ý tưởng về một linh hồn, ngã như vậy – theo Phật giáo là thật sai lầm và trống rỗng. Đó chỉ là một khái niệm vọng tưởng tâm của tâm thức sai lạc không thể có mặt trong thực tại. Khi chọn bốn đề mục quán niệm để tu tập, chính là tu tập tự thân. Bởi vì giải thoát sinh tử luân hồi cho con người là mục tiêu chính mà đức Phật nhắm vào cuộc đời này. Hiểu được chính mình thì hiểu được tha nhân và vạn hữu. Thấy được nhân duyên sinh diệt, vô thường, vô ngã trong con người thì thấy được các pháp cũng như thế. Do vậy, pháp quán niệm này trước hết là đưa thân và tâm trở về sống với giây phút hiện tại. Xua đuổi quên lãng và phân tán để duy trì chánh niệm và duy trì sự sống.

Đối với cuộc sống thực tại, nếu bốn đề mục quán niệm được tu tập thì con người sẽ phần nào vượt qua những chướng ngại liên hệ đến thân và tâm. Tập khí thế gian khiến con người khó có thể vượt qua những căn bệnh tâm sinh lý được xem như là bản năng tiềm ẩn. Con người luôn có chiều hướng sống trong dục vọng, khát ái. Khi bản năng không được giáo dục thì khổ đau vẫn còn chồng chất. Vì vậy cần nên ứng dụng và thực tập bốn phương pháp quán niệm để dần dần thoát ra khỏi trói buộc của thế gian mà thâm nhập dần dần vào con đường giác ngộ, giải thoát sinh tử luân hồi.

Tâm Hướng Phật/st!

Bài viết cùng chuyên mục

Phật A Di Đà có phước báo lớn nhất trong tất cả chư Phật

Định Tuệ

Lục độ Ba la mật là gì? 6 phương tiện đưa người qua bờ giác

Định Tuệ

Đời người ở thế gian chỉ ngắn ngủi có mấy mươi năm, nháy mắt là không còn nữa

Định Tuệ

Các việc gia đình nên làm để giúp người thân khi mất được lợi ích

Định Tuệ

Người thực sự cầu vãng sanh chỉ nói miệng suông thì không được

Định Tuệ

Tịnh pháp giới chân ngôn

Định Tuệ

10 Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ Tát – Nguyện thứ hai: Xưng tán Như Lai

Định Tuệ

Vì sao chúng ta phải sám hối với Oan gia trái chủ?

Định Tuệ

Nhà có vong thì phải làm gì để không có vong?

Định Tuệ

Viết Bình Luận