Phản văn văn tự tánh là xoay ngược cái nghe để nghe tự tánh. Pháp môn tu hành mà chúng ta vẫn học nơi Bồ Tát Quán Thế Âm không gì ngoài Phản văn văn tự tánh.
Trong kinh Lăng nghiêm, pháp “phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo” (xoay ngược cái nghe để nghe tự tánh, tánh trở thành vô thượng đạo) của Quán thế Âm bồ tát chính là ý nghĩa này.
Kinh Lăng Nghiêm dạy chúng ta phương pháp xoay chuyển lục căn, đức Phật chỉ nêu ra một căn của sáu trần bên ngoài, quay ngược lại duyên theo tự tánh để nói: hãy nên xoay ngược dòng của sáu căn, chuyện đó được gọi là “phản văn” , dùng chữ văn (nghe) để biểu thị.
Nói cách khác, lục căn chẳng duyên theo trần cảnh, mà duyên theo căn tánh của sáu căn, đó là đúng! Căn tánh của sáu căn là Chân như bản tánh của chính mình. Quay cái nghe trần cảnh bên ngoài lại để nghe lấy tự tánh của mình. Đó là nền tảng tu hành cốt yếu của Đại thừa.
Pháp môn tu hành mà chúng ta vẫn học nơi Bồ Tát Quán Thế Âm không gì ngoài ‘’Phản văn văn tự tánh’’ – Mắt có thể thấy nghe ngửi nếm, tai có thể nhận biết mọi đối tượng của các căn.
Nhưng trong 6 căn, nhĩ căn là có năng lực đặc thù thắng nhất. Chính vì thế chư vị Bồ Tát đã thực hành sự tu tập của mình bằng cách vận dụng năng lực thù thắng của nhĩ căn để chúng được Viên Thông.
Danh từ Viên Thông đặc biệt dùng để gọi ngài Quán thế Âm. Trong kinh Lăng Nghiêm, sau khi khen ngợi Nhĩ căn Viên Thông của Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Văn Thù còn nêu ra 3 thứ chân thật, đó là Thông chân thật, Viên chân thật và Thường chân thật.
Thông chân thật: Các căn mắt, mũi, lưỡi, thân và ý đều không bằng nhĩ căn. Vì mắt không thấy vật khi bị ngăn che, cho đến tâm ý có khi bị lăng xăng bất định, còn nhĩ căn thì nghe được âm thanh dù cách vách và nghe cả gần lẫn xa.
Viên chân thật: Mười phía cùng đánh trống một lúc nhưng nhĩ căn đều nghe được âm thanh từ mười phía.
Thường chân thật: Âm thanh có khi có khi không, khi động khi tĩnh, nhưng tánh nghe thì không mất, có âm thanh thì nghe có âm thanh, không có âm thanh thì nghe không có âm thanh.
Bất luận là âm thanh có hay không, tánh nghe này vẫn trạm nhiên thường trụ và không bao giờ sanh diệt. Âm thanh thì có sanh diệt, nhưng tự tánh của các pháp thì thường trụ bất biến. Người muốn an trú vào cảnh giới bất sanh bất diệt thì phải quay cái tai nghe trần cảnh lại để nghe lấy tự tánh của các pháp.
Tự tánh tức tánh chân thật bất biến, thuần tịnh không tạp của mỗi pháp. Trong Luận Thập bát không nói tự tánh có 2 nghĩa là Vô thủy và Nhân. Vì Vô thủy nên chúng ta không thể biết được bản chất thật của mỗi pháp. Vì nó là Nhân nên không xen tạp và bất biến.
Trích: Tôi Tu Theo Quán Thế Âm: Vô Sanh Pháp Nhẫn – Phổ Tấn!