Cực trọng nghiệp là nghiệp hết sức lớn. Tích lũy nghiệp là nghiệp tích lũy nhiều đời, nhiều kiếp cộng với kiếp hiện tại. Cận tử nghiệp là nghiệp trước giờ lâm chung.
21- Hỏi: Thế nào là cực trọng nghiệp và ảnh hưởng việc tái sanh ra sao?
Đáp: Cực trọng nghiệp là nghiệp hết sức lớn. Có hai loại: Thiện và bất thiện (ác). Người niệm Phật đạt Lý nhất tâm bất loạn là thiện cực trọng nghiệp. Trong lúc thân còn ở Ta Bà mà thần thức đã vãng sanh Cực Lạc như trường hợp Thừa Viễn đại sư, Tổ thứ ba Liên tông. Về thân xác muốn xả bỏ hay lưu giữ là tùy ý gọi là sinh tử tự tại.
Người phạm tội ngũ nghịch là giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật ra máu hay phá hòa hợp Tăng là Ác cực trọng nghiệp. Tội này sa địa ngục A Tỳ (Địa ngục vô gián). Minh Tuệ tôi đã chứng kiến một vị chưa chết mà nửa đêm bị quỷ sứ hành hạ đủ cách.
22- Hỏi: Thế nào là tích lũy nghiệp, ảnh hưởng ra sao?
Đáp: Tích lũy nghiệp là nghiệp tích lũy nhiều đời, nhiều kiếp cộng với kiếp hiện tại. Tích lũy nhiều thành cực trọng nghiệp, ít thì ra Cận tử nghiệp.
23- Hỏi: Cận tử nghiệp là gì?
Đáp: Là nghiệp trước giờ lâm chung.
24- Hỏi: Người tu hành có bị cận tử nghiệp chi phối không?
Đáp: Cũng có, cũng không. Có hai trường hợp:
1) Những vị tu hành chứng đạo, đắc đạo như Tịnh Độ tông thì niệm Phật đạt Lý nhất tâm bất loạn hay Lý niệm Phật tam muội, thì tự tại vãng sanh. Thiền Tông thì nghiệp sạch tình không, Mật Tông thì tam mật tương ứng (ba nghiệp thân, khẩu, ý hoàn toàn thanh tịnh) tùy nguyện tái lai. Những vị đắc quả A La Hán thì nhập Niết Bàn.
2) Ngoài những vị nói trên đều bị cận tử nghiệp chi phối, điển hình:
– Vua A Kỳ Đạt suốt đời hộ trì Tam Bảo như cất chùa, nuôi tăng, v.v… Giờ chót bị người hầu làm rớt cây quạt vào mặt, nổi sân rồi chết, sanh làm con rắn mãng xà.
– Thiền sư công phu đắc lực, những ngày cuối cùng thương mến chăm sóc bụi mía trước am, để rồi chết sanh làm con sâu trong thân cây mía.
– Vị Ưu bà tắc nọ trước khi thân hoại mạng chung, vì quá yêu thương vợ nên tái sanh làm con dòi trong mũi vợ.
– Vua A Dục Ka (Asoka) đã từng xây cất 84.000 cảnh chùa, 84.000 tháp đền, đài thọ chi phí cho kỳ kiết tập kinh điển lần ba. Khi sắp lâm chung, vua ra lệnh đem của cải trong kho ra bố thí trọng đại để làm phước trước khi chết. Vị quan giữ kho phản đối. Nhà vua tức giận rồi chết, đầu thai làm con rắn độc trong vườn ngự uyển, chờ cơ hội thuận tiện cắn chết ông quan giữ kho để trả thù.
Trích: Niệm Phật đạt bất niệm tự niệm bảo đảm Vãng Sanh – Phần VII: Tổng Kết!