Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Gắng sức thực hành phóng sinh có thể thành Phật hay chăng?

Chúng sinh thương yêu nhất là thân mạng, chư Phật thương yêu nhất là chúng sinh. Cứu vớt được thân mạng chúng sinh thì có thể thành tựu tâm của chư Phật.

Hỏi: Nếu ai nấy đều không sát sinh thì cầm thú đầy khắp thế gian như: chó sói, beo cọp rất hung hăng dữ tợn, con người không giết chúng, chúng sẽ ăn thịt người. Tại sao lại dạy mọi người không sát sinh?

Đáp: Đức Phật nói: “Nếu người đầy đủ công đức của lòng từ, tất cả đao binh, nước lửa đều không thể tổn thương, tất cả các ác thú độc trùng không thể làm hại”. Bởi vì chỉ có lòng từ cùng cực trong thiên hạ mới có thể giáo hóa tâm hung bạo cùng cực trong thiên hạ.

Thuở xưa, thời vua Hán Quang Vũ, ở Hoằng Nông có nhiều cọp. Thái thú ra lệnh cho dân đào hố làm bẫy, dùng cung nỏ để trị nó mà tai nạn cọp dữ càng nhiều. Đến khi Lưu Côn làm Thái thú bảo rằng: “Tai nạn cọp này do chính trị tàn bạo gây nên”. Ông ra lệnh lấp hầm hố, bẻ cung nỏ, chỉ chăm lo thực hành chính sách nhân từ với dân. Cọp bèn cùng nhau bỏ đi qua sông.

Lưu Côn tuy chưa phải người biết đạo, nhưng với một tâm niệm nhân từ mà có thể sửa đổi được cọp dữ. Huống gì người học đạo từ bi của đức Phật!

Bởi vì người là chủ của sinh vật, nếu người tàn nhẫn hung bạo đều trở thành từ bi thì những vật độc hại dữ tợn cũng đều biến thành lân, phụng. Đó là đạo lý cảm ứng tự nhiên. Chỉ lo người không từ bi, chớ đừng lo vật không trở thành lân, phụng.

Hỏi: Phàm cúng tế máu thịt cho thần linh thì được phước, nếu không sát sinh lấy gì để cúng tế?

Đáp: Đức Phật nói: “Tạo nhân lành được phước, gây nhân giết hại thì mắc tội”. Kẻ ngu không lo làm lành chỉ lo sát sinh cúng tế để mong được phước nơi thần linh, như thế chẳng những không được phước trái lại còn mắc tội. Huống chi, người cúng tế có thể làm thức ăn chay, tụng kinh hồi hướng thì thần và ta đều được phước lành, cần gì sát sinh mới gọi là cúng tế!

Hỏi: Có ý phóng sinh tức là chấp tướng; không sát sinh, không phóng sinh, vô tâm với tất cả mới hợp với đạo?

Đáp: Đó là lời nói của thầy tà, trong nhà Phật gọi là cái không vô ký. Đức Phật dạy mọi người phát đại nguyện lực cứu khổ chúng sinh. Nếu không có đại nguyện lực, tất cả mọi việc làm lợi ích chúng sinh đều không thể thành tựu.

Thuở xưa, ông bà bảy đời của Bảo Văn Vương Mẫn Trọng không sát sinh, mà ưa thích phóng sinh. Đến đời Mẫn Trọng có kẻ tà kiến, dạy rằng: Không sát sinh không phóng sinh, phó mặc vô tâm mới là tuyệt diệu, không cần chấp tướng.

Mẫn Trọng nghi ngờ mới hỏi Thiền sư Pháp Hoa. Ngài liền quở trách: Ông lầm to rồi! Sao lại rơi vào chấp Không như thế? Mấy khúc cây trước mặt đều vô tâm, vậy nắm lấy những khúc cây ấy có thể cứu khổ chúng sinh được chăng? Ông hãy mau sám hối tội lỗi tà kiến ấy đi.

Mẫn Trọng sợ hãi bèn trở lại phát tâm phóng sinh trăm vạn sinh mạng súc vật. Do gặp năm đói, ông đem lúa gạo đổi lấy mấy chục đấu ốc, hến, tụng kinh trì chú rồi thả chúng xuống giữa dòng sông. Đêm ấy, ông nằm mộng thấy Bồ-tát Văn-thù hiện thân kim sắc an ủi rằng: “Ta nhớ kiếp xưa cũng từng sinh trong loài ốc, hến. Ông chỉ nên vững tâm cứu khổ chúng sinh”. Mẫn Trọng càng thêm tin tưởng. Cảm thấy kỳ diệu, ông bèn viết văn khuyên đời.

Hỏi: Nhân từ với dân, rồi sau mới thương yêu loài vật. Nay không lo thương yêu con người trước mà thương yêu con vật trước là tại sao?

Đáp: Nhân từ với dân thì dễ, còn thương yêu loài vật thì khó. Người có thể thương yêu con người mà không thương yêu loài vật thì có, nhưng chưa có ai thương yêu loài vật mà không thương yêu con người. Thế nên, Bồ-tát Hoa Nghiêm nói: “Ta còn chẳng nỡ làm khổ một con kiến, huống gì con người!”.

Vua Thành Thang giở lưới cứu chim thú, lòng thương trải rộng đến muôn dân cho nên nhân đức trùm khắp thiên hạ.

Thuở xưa, Trung Sơn Vương đi săn bắt được một con nai. Người đánh xe tên là Ba Tây thương xót con nai ấy nên thả nó. Trung Sơn Vương tức giận, bèn đuổi Ba Tây. Sau đó ông mới tỏ ngộ: “Ba Tây còn không nỡ hại con nai, hắn sao có thể nhẫn tâm hại con ta được”. Về sau, cất nhắc Ba Tây lên làm Thái Phó. Đến khi ông lên ngôi vua dùng Ba Tây làm tướng, ra sức thực hành chính sách nhân từ, cả nước thái bình thịnh trị. Như thế, ai bảo rằng kẻ thương yêu loài vật không thể thương yêu con người!

Hỏi: Bố thí cho kẻ bần cùng và sửa cầu, làm đường, công đức ấy lẽ nào không hơn thả mấy trăm con chim, cá, lươn, rùa?

Đáp: Nhân quả đều theo loại, nên bố thí được quả báo giàu có; không sát sinh được quả báo trường thọ. Giả sử thực hành muôn việc phước, nhưng nếu không dứt trừ sát sinh, đời sau tuy được giàu sang nhưng ắt đoản mạng, chết yểu, nhiều bệnh tật, có phước mà không thể hưởng được.

Hỏi: Đức Phật nói: “Người ưa thích sát sinh thì chắc chắn chịu quả báo đoản mạng”. Hiện đời, hoặc có kẻ ưa giết hại mà sống lâu là tại sao?

Đáp: Đức Phật nói sự báo ứng của thiện ác có hai loại:

  • 1. Quả báo: đời này tạo nghiệp thiện ác, đời sau chịu quả báo khổ vui.
  • 2. Hoa báo: đời này gây nghiệp thiện ác, đời này liền chịu sự báo ứng khổ vui.

Hiện nay, hoặc có người ưa sát sinh lại được sống lâu vì phước đời trước của họ sâu dày chưa tiêu hết, nên tạm thời tránh khỏi hoa báo mà thôi. Quả báo trong ba đường ác, há có thể tránh khỏi hay sao!

Hỏi: Gắng sức thực hành phóng sinh có thể thành Phật hay chăng?

Đáp: Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện nói: “Nếu làm cho chúng sinh vui mừng, tức là làm cho tất cả Như Lai vui mừng. Tại sao? Vì các đức Như Lai lấy tâm đại bi làm thể tánh, vì chúng sinh mà khởi tâm đại bi, do lòng đại bi mà phát tâm Bồ-đề, do nơi tâm Bồ-đề mà thành tựu đạo giác ngộ chân chính”.

Chúng sinh thương yêu nhất là thân mạng, chư Phật thương yêu nhất là chúng sinh. Cứu vớt được thân mạng chúng sinh thì có thể thành tựu tâm của chư Phật.

Đức Như Lai lúc tu nhân làm Trưởng giả Lưu Thủy cứu mười ngàn con cá. Ngài còn vì chúng thuyết pháp niệm Phật, bầy cá đều sinh lên cõi Trời. Trưởng giả rốt cuộc thành tựu quả vị Phật. Nên biết, nhân duyên phóng sinh nhất định thành Phật. Những điều lành nhỏ bé khác không thể so sánh được.

Trích: Tịnh Từ Yếu Ngữ – Giải nghi giới sát!

Bài viết cùng chuyên mục

Ngũ ấm ma là gì? Đức Phật dạy về ngũ ấm ma

Định Tuệ

Niệm Phật đúng cách sẽ được sự gia trì từ 10 phương Như Lai

Định Tuệ

Điều quan trọng nhất trong nền giáo dục của nhà Phật là phải dạy người nhận thức tự tánh

Định Tuệ

Nếu không có tiền thì sao?

Định Tuệ

Ngũ trần là gì? Phương pháp diệt trừ tai hại của ngũ trần

Định Tuệ

Trên đền bốn ơn nặng, Dưới cứu khổ ba đường là gì?

Định Tuệ

Chính mình phải sanh tâm hổ thẹn, phải trách cứ chính mình

Định Tuệ

Như thế nào mới là người biết niệm Phật?

Định Tuệ

Thế Giới Tây Phương Cực Lạc do đâu mà có?

Định Tuệ

Viết Bình Luận