Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Pháp môn Tịnh độ là gì? Phương pháp niệm Phật cầu sinh Cực lạc

Pháp môn Tịnh độ còn gọi là pháp môn Niệm Phật. Ý nghĩa niệm Phật là đem tâm thanh tịnh mà tưởng nhớ đến danh hiệu, công đức mầu nhiệm và thân tướng trang nghiêm của chư Phật.

1. Pháp môn là gì?

Đức Phật ra đời suốt bốn mươi năm trời thuyết pháp, có đến hơn tám vạn bốn ngàn pháp môn. Pháp môn chính là phương pháp mở cửa tuệ giác tâm linh. Chúng sanh căn tánh bất đồng, thiên sai vạn biệt, nên đức Phật cũng theo đó mà có nhiều pháp môn để đáp ứng thích cơ hợp tánh chúng sanh. Tâm bịnh chúng sanh đa dạng, biến thái muôn ngàn, nên pháp dược trị liệu cũng có vạn thiên.

Pháp môn có sai khác, giáo pháp diễn đạt những pháp môn đó có cạn sâu. Nhưng dù sai khác cạn sâu thế nào đi nữa, thì giáo pháp đức Phật tựu trung vẫn là chìa khóa mở cửa tâm linh, những phương thuốc thần diệu trị liệu tâm bịnh chúng sinh, giải thoát phiền khổ. Ngài cũng thuyết minh về những hiện tượng thành hoại của vũ trụ, những sai biệt thăng trầm thạnh suy của kiếp người. Nhưng cội gốc của những hiện tượng đó đều do tâm sanh khởi. Tâm là nguồn gốc hình thành tất cả mọi hiện tượng, trạng thái thạnh suy, thành bại, thăng trầm của nhân sanh vũ trụ. Thế nên, giáo pháp của đức Phật là chìa khóa mở cửa tâm linh, là phương thuốc trừ sạch gốc rễ vô minh từ tâm thức con người, là con đường sáng ngời đưa chúng sanh từ phàm đến thánh.

Trong tất cả những pháp môn, những phương thuốc, những con đường sáng tịnh đó, được đức Phật trình bày bàn bạc khắp trong tam tạng giáo điển. Nhưng đặc biệt pháp môn Tịnh độ thì đức Phật nhấn mạnh có tánh cách xác quyết với cả tấm lòng tha thiết khuyến lệ chúng sanh nên thực hành pháp môn này. Điều đó hiển lộ qua những thời pháp đặc thù được kết tụ thành kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm, kinh Niết Bàn v.v … Chẳng những trong pháp hội kinh A Di Đà Ngài diễn tả cảnh giới Tây phương Cực lạc một cách rõ ràng, mà ở pháp hội kinh Vô Lượng Thọ Ngài thuyết minh cho chúng sanh thấy nguyện lực đức Phật A Di Đà và nhân duyên mật thiết giữa chúng sanh cõi Ta bà với đức Phật này. Cũng chính trong pháp hội Vô Lượng Thọ, đức Thích Ca còn khẳng định rằng, chúng sanh cách Phật lâu xa về sau, ngoài pháp môn niệm Phật ra, không có pháp môn nào cứu giúp chúng sanh giải thoát luân hồi sanh tử có hiệu năng bằng pháp môn Tịnh độ. Và khi Phật pháp tận diệt hết trên cõi đời, chỉ còn lại độc nhất kinh Vô Lượng Thọ kéo dài thêm 100 năm nữa trước khi mạt pháp kết thúc. Người tu học Phật mà không đọc, không tin lời đức Phật nói ở kinh Vô Lượng Thọ, thì quả thật khó mà đạt đạo giác ngộ giải thoát.

2. Tịnh độ là gì?

Tịnh độ chính là cõi nước hoàn toàn thanh tịnh an vui không có phiền não khổ đau được hình thành dựa trên hạnh nguyện độ tha của chư Phật, chư Bồ-tát. Bằng bốn năng lực “Từ, Bi, Hỷ, Xả” cùng với nhân duyên thù thắng và quả vị viên mãn mà hóa hiện ra vô số cảnh giới Tịnh độ để tiếp dẫn, trợ duyên cho chúng sinh vãng sinh về nơi đó tu tập cho đến ngày thành Phật.

Tịnh độ là đối với uế độ mà thành lập

Do có “uế độ” nên hiện ra “tịnh độ”, cũng như “sạch” đối với “dơ” mà có, hoặc “trắng” đối với “đen” mà lập. Tất cả duy chỉ một mục đích là hiển bày rõ sự khổ ở cõi “uế độ” dơ bẩn, đen đúa và hiển bày sự an lạc trong sạch, tinh khiết ở cõi “tịnh độ” để chúng sinh khởi lên ý niệm buông bỏ tham chấp, si mê trong ngục tù của “thương giận, buồn vui, ghét muốn” hướng đến sự giải thoát nội tâm, đạt được “hoan hỷ, thương yêu, hiểu biết” chân thật.

a. Uế độ: Là cõi nước do cộng nghiệp của chúng sinh nương gá nhau mà hình thành. Chúng sinh phần nhiều phước đức ít, nghiệp chướng dày nên chiêu cảm cảnh giới tương xứng khổ nhiều vui ít.Ví dụ như cõi Ta-bà của chúng ta.

b. Tịnh độ: Là cõi nước của chư Phật, chư Bồ-tát tát hóa hiện trang nghiêm thanh tịnh, không trần cấu bẩn nhơ, được dùng làm đạo tràng để hóa độ chúng sinh.Ví dụ như cõi Tịnh độ của đức Phật A-di-đà.

Trong mười phương thế giới có vô số cõi Tịnh độ như cõi Tịnh độ của Phật Dược Sư trong kinh Dược Sư Lưu Ly Bản Nguyện Công Đức, cõi Tịnh độ Diệu Hỷ của Phật Bất Động trong kinh Đại Bửu Tích, cõi Tịnh độ Cực Lạc của Phật A-di-đà được nói trong kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, Phật Thuyết A-di-đà Kinh,v.v…Ngoài ra còn vô số cảnh giới Tịnh độ khác.

Tùy theo căn cơ sai biệt của vô số chúng sinh mà chư Phật hóa hiện vô số cõi Tịnh độ khác nhau. Trong Tây Phương Hiệp Luận phân chia thành 10 cõi Tịnh độ không đồng như: Tỳ Lô Giá Na Tịnh độ, Duy Tâm Tịnh độ, Hằng Chơn Tịnh độ, Biến Hiện Tịnh độ, Ký Báo Tịnh độ, Phân Thân Tịnh độ, Y Tha Tịnh độ, Thập Phương Tịnh độ, Nhất Tâm Tịnh độ và Bất Khả Tư Nghì Tịnh độ. Nói mười cõi Tịnh độ khác nhau là đứng trên phương diện danh từ giả lập nhưng kỳ thật các cõi Tịnh độ đều chung một bản nguyện căn bản là tiếp dẫn và hóa độ chúng sinh lìa mê khai ngộ. Vì sao? Vì trong một cõi bao hàm cả bốn cõi tương ứng với từng cấp độ tu chứng: Phàm thánh đồng cư Tịnh độ, Phương tiện hữu dư Tịnh độ, Thật báo vô chướng ngại Tịnh độ và Thường tịch quang Tịnh độ. Do chúng sinh căn tánh không đều nên hóa hiện ra dùng làm phương tiện để tiếp độ.

3. Cõi Tịnh độ của đức Phật A-di-đà

Như vô số cõi Tịnh độ khác, cõi Tịnh độ của đức Phật A-di-đà được thiết lập dựa trên 48 lời đại nguyện thâm sâu, chứa chan lòng đại từ bi cùng với năng lực trí tuệ vi diệu, tiếp dẫn chúng sinh về Cực Lạc Tây phương tạo thắng duyên lành tu tập đến ngày viên thành Phật quả.

a. Vì sao đức Phật Thích-ca đặc biệt tán thán cõi Tịnh độ Cực Lạc Tây Phương?

Cõi Tịnh độ của đức Phật A-di-đà được chính lời vàng chân xác của đức Phật Thích-ca Mâu-ni đặc biệt giới thiệu và tán thán vì:

Chúng sinh nơi cõi Ta-bà này phần lớn tạo nhiều ác nghiệp như: Bất kính Sư trưởng, bất hiếu cha mẹ, không tin Tam Bảo, giết người đoạt của, tham dục lẩy lừng, tà kiến đảo điên, khiến đọa sinh vào vô số cảnh giới khổ đau trong ba cõi: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh.

Chỉ có cõi Tịnh độ của đức Phật A-di-đà mới đáp ứng đầy đủ nhu cầu về thân và tâm của chúng sinh. Vì ở đây tất cả đều được làm bằng bảy báu trang nghiêm: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. Lại nữa tiếng chim hót, tiếng suối reo, tiếng lá xào xạc cũng phát ra pháp âm vi diệu, thù thắng. Sống trong cảnh giới hoàn toàn vô cấu như thế nên tâm chúng sinh không còn tham lam, sân hận, si mê và thân thể không còn bị ngũ dục (tài sản, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ) chi phối.

Chỉ có đức Phật A-di-đà cùng với hai vị Bồ-tát thượng thủ Quán Thế Âm và Đại Thế Chí là có nhiều nhân duyên đặc biệt với tất cả chúng sinh trong cõi Ta-bà khiến chúng sinh quy hướng, kính tin, phát nguyện cầu sinh Tịnh độ.

48 lời đại nguyện của Phật A-di-đà được lưu xuất từ lòng từ bi bao la và trí tuệ quảng đại nên có thể tiếp dẫn tất cả các hạng chúng sinh vãng sinh Tịnh độ. Ví như lời nguyện thứ 18: “Khi tôi thành Phật, chúng sinh ở mười phương chí tâm tin ưa muốn sinh về nước tôi nhẫn đến mười niệm, nếu không được sinh thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.”

Pháp môn Tịnh độ là gì? Phương pháp niệm Phật cầu sinh Cực lạc

b. Chánh báo và y báo cõi Tịnh độ

Chánh báo tức là quả báo hiện nơi tự thân. Ví như thân tướng trang nghiêm thù thắng của Phật A-di-đà. Y báo tức là quả báo hiện ngoài tự thân. Ví như hoàn cảnh, quốc độ và tất cả sự vật bao quanh nơi thế giới Cực Lạc.

Chánh báo và y báo cõi Tịnh độ được hình thành từ sự tư duy nhiếp thủ của đức Phật A-di-đà khi còn là một vị Pháp Tạng Tỳ-kheo. Vì nguyện lực muốn thiết lập cảnh giới Tịnh độ để nhiếp hóa chúng sinh mà thỉnh cầu đức Thế Tự Tại Vương Như Lai hiển bày về thắng cảnh ưu việt của 210 ức cõi Tịnh độ. Sau khi quán sát rõ y báo và chánh báo nơi các cõi, Ngài đã tinh cần tư duy tu tập “tạo nhân quốc độ” trải qua 5 kiếp mới hình thành cõi Cực Lạc trang nghiêm.

Do nhân và quả thù thắng như vậy, nên chúng sinh nào nhất tâm cầu nguyện vãng sinh Tây phương Tịnh độ cũng đều đạt được y báo và chánh báo trang nghiêm như Phật A-di-đà, ví như nước trong chậu hòa vào nước biển, cùng chung một hương vị không khác.

Chánh báo trang nghiêm

Trong Phật thuyết A-di-đà kinh ghi rằng: “…Xá-lợi-phất! Lại đức Phật đó có vô lượng vô biên Thanh văn đệ tử đều là bực A-la-hán, chẳng phải tính đếm mà có thể biết được, hàng Bồ-tát chúng cũng đông như thế. Xá-lợi-phất! Cõi nước của đức Phật đó thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy. Xá-lợi-phất! Lại trong cõi Cực Lạc, những chúng sinh vãng sinh vào đó đều là bất thối chuyển. Trong đó có rất nhiều vị bực nhất sinh bổ xứ, số đó rất đông, chẳng phải tính đếm mà biết được, chỉ có thể dùng số vô lượng vô biên A-tăng-kỳ để nói thôi! Xá-lợi-phất! Chúng sinh nào nghe những điều trên đây, nên phải phát nguyện cầu sinh về nước đó.Vì sao? Vì đặng cùng với các bậc Thượng thiện nhơn như thế câu hội một chỗ…”

Trên chỉ giới thiệu một trong rất nhiều chánh báo thù thắng nơi cõi Tịnh độ, nay nói tóm lược như sau:

Thân tướng trang nghiêm: 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, sắc như vàng ròng, cùng đồng một thể không có sai khác.

Thọ mạng vô hạn lượng: Người vãng sinh về Cực Lạc sống lâu vô cùng, hoàn toàn tự chủ, tùy theo bản nguyện.

Có đủ sáu phép thần thông: Thấy suốt tất cả (thiên nhãn), nghe suốt tất cả (thiên nhĩ), biết rõ tâm niệm kẻ khác (tha tâm), biết rõ kiếp quá khứ (túc mạng), đi lại tự tại (thần túc), khi đắc quả A-la-hán dứt sạch nghiệp luân hồi (lậu tận).

Tâm trí: Luôn an trụ trong chánh định.

Không còn đọa vào ác đạo: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh.

Hóa sinh: Sinh ra từ hoa sen, không do ái dục giữa nam nữ mà thành.

Thân tâm an lạc: Như các vị Tỳ-kheo đã chứng quả A-la-hán.

Không còn có tên bất thiện: Danh từ và sự bất thiện đều không.

Đạo tâm bất thoái: Tâm luôn dũng mãnh tinh tấn thẳng đến đạo Vô thượng chánh giác, không còn thoái chuyển.

Trí tuệ biện tài: Biện tài ứng đối thông suốt không chướng ngại.

Được vô sinh nhẫn: Phá trừ hết ngã chấp và pháp chấp. Lý và trí không hai.

Oai lực tự tại: Như chư Bồ-tát, Thanh văn đầy đủ năng lực, thần thông tự tại.

Thân sáng chói lọi: Hàng Thanh văn thân thì chiếu sáng được một tầm; hàng Bồ-tát thì thân chiếu sáng được từ một trăm do tuần cho đến tam thiên đại thiên thế giới.

Vô số Thanh văn: Đức Thích-ca đã bảo cho Ngài A-nan hay rằng: “Có sức thần như Mục Kiều Liên và dùng sức thần thông ấy trải qua trăm ngàn muôn ức vô số kiếp, cũng không thể biết được số lượng Thanh văn Bồ-tát chứng quả trong đại hội đầu tiên của đức A-di-đà giáo hóa; dù cho có biết được một phần nào mà nếu đem so với số chưa biết được thì cũng không khác nào một giọt nước so với biển cả.”

Vô số bổ xứ Bồ-tát: Bồ-tát sắp thành Phật không thể đếm được.

Y báo trang nghiêm

Phật thuyết A-di-đà kinh lại chép rằng: “…Xá-lợi-phất! Cõi đó vì sao tên là Cực Lạc?Vì chúng sinh trong cõi đó không có bị những sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên nước đó tên là Cực Lạc. Xá-lợi-phất! Lại trong cõi Cực Lạc có bảy từng bao lơn, bảy từng mành lưới, bảy từng hàng cây, đều bằng bốn chất báu bao bọc giáp vòng, vì thế nên nước đó tên là Cực Lạc …”

Đây cũng chỉ là một phần y báo nơi cõi Cực Lạc thù thắng, nếu nói rộng ra thì đến muôn ngàn lời, nay tóm lược về phần y báo như sau:

Cõi nước bằng phẳng thanh tịnh: không có bụi dơ, sông ngòi hang hố, núi non gò đống chập chùng.

Mặt đất do bảy báu tạo thành: Dưới đáy đất có đế bằng vàng, kim cang và thất bảo chống đỡ đất lưu ly.

Khí hậu ôn hòa: Khí hậu không lạnh không nóng, mát mẻ quanh năm.

Lưới báu bủa giăng: Vô lượng lưới báu treo các linh báu giăng khắp cõi Phật. Hễ nghe tiếng linh thì tự nhiên sinh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Sáu thời mưa hoa: Ngày đêm chia sáu thời có gió dịu phảng phất; đồng thời từ trên trời, hoa Mạn-đà-la rơi xuống cùng khắp bờ cõi thơm tho mát dịu.

Sen báu đầy dẫy: Các thứ hoa sen báu mọc lên cùng khắp cả cõi Phật. Mỗi một hoa sen báu lại có trăm ngàn ức cạnh phát ra vô lượng màu sắc.

Hóa Phật thuyết pháp: Từ mỗi hoa sen báu tuôn ra ba mươi sáu trăm ngàn ức hào quang; trong mỗi hào quang hiện ra ba mươi sáu trăm ngàn ức đức Phật, với thân vàng sáng chói, tướng tốt trang nghiêm. Mỗi một đức Phật lại phóng ra vô số hào quang chiếu sáng khắp mười phương và nói pháp nhiệm mầu cho mười phương nghe.

Cây đạo tràng của Phật: Cây đạo tràng của đức Phật A-di-đà là do các báu hợp thành. Trên cây treo các chuỗi ngọc, lưới báu bủa giăng hết thảy đều trang nghiêm và tùy ý ứng hiện.

Cây báu phát âm thanh: Vô số cây báu mọc cùng khắp cõi Tịnh độ. Khi một làn gió nhẹ thoảng qua, từ cành, từ lá, từ hoa, từ quả mỗi mỗi đều phát ra năm thứ thanh âm hòa nhã như trăm ngàn điệu nhạc hòa tấu một cách tự nhiên. Nghe tiếng nhạc ấy rồi chúng sinh liền lần lượt chứng nhập giáo pháp sâu xa, tiến lên bậc bất thoái, tiến mãi cho đến khi thành tựu quả Phật.

Muôn vật nghiêm lệ: Hết thảy muôn vật đều trang nghiêm thanh tịnh, sáng suốt xinh đẹp. Hình sắc đặc biệt và lộng lẫy một cách vi diệu, không thể tả xiết.

Không có ba đường dữ: Không có các khổ nạn của ba cảnh giới Địa ngục, Ngạ quỷ và Súc sinh

Cung điện trang nghiêm: Hết thảy nhà cửa như giảng đường tịnh xá, cung điện, lầu gác đều tự nhiên thành tựu, đều được xây và trang hoàng từ bảy thứ báu.

Quốc độ thanh tịnh: Quốc độ thanh tịnh trong suốt như một thế giới pha lê, chiếu tỏa khắp mười phương, khiến từ đó có thể trông thấy được vô lượng vô biên vô số thế giới của chư Phật bất khả tư nghì.

Hồ tắm trong thơm: Nước trong các hồ tắm yên lặng trong suốt, bản chất thanh tịnh mùi vị thơm tho như nước cam lồ và có đầy đủ tám tính chất gọi là “bát công đức thủy”. Nếu là hồ hoàng kim thì dưới đáy là cát bạch ngân; nếu là hồ bạch ngân thì dưới đáy là cát vàng; nếu là hồ thủy tinh thì dưới đáy là cát lưu ly; nếu là hồ lưu ly thì dưới đáy là cát thủy tinh; nếu là hồ san hô thì dưới đáy là cát hổ phách; nếu là hồ hổ phách thì dưới đáy là cát san hô; nếu là hồ xa cừ thì dưới đáy là cát lưu ly; nếu là hồ bạch ngọc thì dưới đáy là cát vàng tía; nếu là hồ vàng tía thì dưới đáy là cát bạch ngọc. Các nhóm báu ấy còn thay đổi tùy theo ý người muốn; hoặc do hai thứ báu, hoặc do ba, bốn cho đến bảy thứ báu mà hợp thành.

Nước hồ lên xuống tùy nguyện: Nhân dân ở quốc độ Cực Lạc, một khi bước chân xuống hồ, mực nước lên xuống cao thấp đều tùy theo ý nguyện. Cũng tùy theo ý nguyện mà nước hồ có ấm lạnh một cách tự nhiên. Tắm xong, tinh thần thấy sảng khoái và tẩy trừ hết tâm cấu nhiễm. Mỗi khi bước xuống tắm, bốn phía bờ hồ có tiếng sóng vỗ lao xao như một điệu nhạc, phát ra tiếng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Tiếng tịch tịnh xa vắng, tiếng vô ngã, tiếng đại từ đại bi, tiếng Ba-la-mật… Những tiếng phát ra như vậy rất xứng hợp với người nghe và khiến người nghe sinh tâm hoan hỷ vô lượng.

Hương xông ngào ngạt: Từ mặt đất lên đến hư không, hết thảy cung điện, lầu gác hồ sen, cây hoa… Cho đến tất cả vạn vật đều xông ướp trong trăm ngàn thứ hương thơm, kết hợp do vô lượng tạp bảo đặc biệt. Hương ấy tỏa khắp mười phương thế giới; Bồ-tát ngửi thấy mùi hương đều dũng mãnh tu theo hạnh Phật.

Thức ăn tinh khiết: Thức ăn gồm các thứ hương hoa vô cùng tinh khiết và thù thắng hơn ở cả cảnh trời. Khi muốn ăn, chén bát thất bảo tự nhiên hiện ra với trăm thức ăn uống đầy đủ. Cách ăn không như ở cảnh giới chúng ta, mà chỉ bằng tác ý và bằng mắt thấy tai nghe, tức thời tự nhiên bảo mãn. Ăn xong, thức ăn tiêu hóa; đến giờ ăn sau, những thức ăn mới lại tự nhiên hiện ra như trước.

Y phục tùy niệm: Y phục của nhân dân tùy niệm tùy hiện, không cần may, cắt, giặt, nhuộm.

Chim biết thuyết pháp: Các thứ chim ở cõi này đều là hóa thân của đức Phật A-di-đà. Ngài biến hóa ra các thứ chim tạp sắc kỳ diệu như Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Võ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già, Cọng Mạng, chim Phù, chim Nhạn… ngày đêm sáu thời, kêu tiếng hòa nhã. Tiếng ấy giảng giải pháp Ngũ căn, Ngũ lực, Bảy phẩm Bồ-đề, Tám pháp chánh đạo… Khiến người nghe đều phát tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Lược thuật qua chánh báo và y báo thù thắng của cõi Tịnh độ để thấy được công đức tu hành và hạnh nguyện độ sinh của chư Phật thật không thể nghĩ bàn.

Cõi Tịnh độ với đầy đủ tiện nghi khiến cho chúng sinh ở cõi nước đó không còn lo nghĩ đến sự ăn uống, tài sản… Vì khắp nơi đều là bảy báu, mọi người sống chan hòa cùng chư Bồ-tát, Thanh văn. Toàn cõi đều là pháp âm vi diệu, nghe pháp này khiến chứng ngôi bất thoái vĩnh viễn không còn luân hồi.

Trên đây chỉ dùng ngôn ngữ hạn cuộc thế gian để phô diễn chút nhỏ nhoi công đức bao la của cảnh Tây phương. Chúng sinh không nên dừng lại ở đây, phải nỗ lực tiến tu để chứng nhập cái vô cùng của công đức Phật, như người uống nước nóng lạnh tự biết, không cần phải khổ công tính toán so lường.

4. Pháp môn Tịnh độ là gì?

Pháp môn Tịnh độ còn gọi là pháp môn Niệm Phật. Ý nghĩa niệm Phật là đem tâm thanh tịnh mà tưởng nhớ đến danh hiệu, công đức mầu nhiệm và thân tướng trang nghiêm của chư Phật. Niệm là nhớ nghĩ, buộc tâm vào một đối tượng Chánh pháp, không rong ruổi theo niệm trần, thường tỉnh thường giác hiện rõ trước mặt. Niệm Phật là quán tưởng thân tướng hay niệm danh hiệu Phật, danh này bao trùm các công đức, trí tuệ, từ bi… của các Đức Phật. Lấy danh hiệu làm đối tượng niệm, tâm thanh tịnh làm chủ thể niệm, thường trụ vào bản tánh bất sanh bất diệt ấy tất sẽ đạt đến cảnh giới an vui chân thật.

Hành giả an trụ vào câu Phật hiệu hay quán tưởng thân tướng trang nghiêm của Phật với tâm thanh tịnh sẽ tạo thành một năng lực mầu nhiệm, quét sạch mọi vọng tưởng điên đảo, khơi dậy tự tánh Di Đà bên trong mỗi chúng sanh. Từ đây vọng tưởng quyết dứt trừ, cảnh giới an vui thanh tịnh nhiệm mầu sẽ hiển lộ.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy: “Chư Phật Như Lai là thân pháp giới vào trong tâm tưởng chúng sanh, cho nên tâm các người nhớ nghĩ Phật thì tâm ấy là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, tâm ấy là Phật. Biển chánh biến tri của Phật từ nơi tâm tưởng mà sanh, vì thế các ông phải nhớ nghĩ và quán tưởng sâu sắc thân của Đức Phật kia”.

Lập trường căn bản của tông Tịnh Độ được kiến lập trên nền tảng nhân quả, tức có tạo nhân mới mong hưởng quả. Điều này xác quyết, nếu muốn về sau làm Thánh chúng nơi cảnh giới Cực Lạc thì ngày hôm nay hành giả phải có tư cách của bậc Thánh. Vì vậy, trong cuộc sống hiện tại, cần phải thường xuyên chuyển hóa ba nghiệp thân khẩu ý hướng đến thanh tịnh.

Ví như học trò đi học phải có sự tiến bộ theo thứ lớp, có như vậy mới mong có ngày thành tài đỗ đạt. Người niệm Phật cũng thế, nếu hôm nay cứ sống trong sự buông thả, không chịu nỗ lực tinh tấn tu hành, mà cứ van xin và tin rằng ngày mai Phật sẽ cứu độ; nếu tin như thế thì thật trái với lý nhân quả, chẳng khác nào luận thuyết của ngoại đạo và hoàn toàn không phù hợp với giáo lý nhà Phật.

Như vậy, người niệm Phật muốn vãng sanh Tịnh độ, ngoài năng lực hộ trì và tiếp dẫn của Phật, cần phải tự lực tu tập tức phải có chánh nhân Tịnh độ. Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, hành giả muốn được vãng sanh Tịnh độ phải hội đủ ba điều kiện: “Một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, giữ lòng từ không sát hại, tu tập mười nghiệp lành. Hai là thọ trì ba pháp quy y, đầy đủ các giới không phạm oai nghi. Ba là phát Bồ đề tâm, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyên người khác cùng tu”. Ba điều trên đây gọi là chánh nhân Tịnh độ, có thể tóm thâu vào hai vấn đề chính là phát Bồ đề tâm và nghiêm trì tịnh giới.

Việc đầu tiên của người niệm Phật là phát Bồ đề tâm. Thế nào là phát Bồ đề tâm? Tức phát tâm trên mong cầu quả vị Phật, dưới nguyện hóa độ các loài chúng sanh. Người tu Phật nếu không phát Bồ đề tâm dẫu có tinh tấn tu trì thực hành các hạnh lành cũng chỉ là nhọc công vô ích. Điều này trong kinh Hoa Nghiêm có dạy: “Quên mất tâm Bồ đề, dẫu tu các hạnh lành, cũng đều là nghiệp ma”. Vì vậy hành giả muốn được vãng sanh thì phải phát tâm Bồ đề, đây là điểm quan trọng không thể thiếu đối với người tu Phật nói chung và Tịnh độ nói riêng.

Thứ hai là nghiêm trì tịnh giới, tức mỗi người tu tùy theo giới luật bản thân đã thọ mà hành trì. Bất kỳ tông phái nào trong đạo Phật cũng không thể ly khai giới luật vì giới là nền tảng nhập đạo, là thọ mạng của Phật pháp. Nếu không có giới thì định tuệ cũng không thể phát sanh. Giới định tuệ đã không phát sanh thì Pháp thân huệ mạng biết nương vào đâu để thành tựu?

Có thể nói Luật tông và Tịnh Độ tông là hai tông phái hỗ tương và bao trùm và không thể tách rời nhau. Hai tông này tóm thâu toàn bộ tám tông khác của Đại thừa, như Đại sư Thái Hư nói: “Luật là nền tảng của tam thừa, Tịnh Độ là mái che chung tam thừa”. Hành giả nghiêm trì giới luật, từ đó câu niệm Phật mới hiển lộ hết công năng mầu nhiệm, như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ có dạy: “Một câu niệm Phật có thể tiêu trừ tám mươi vạn ức kiếp sanh tử trọng tội”.

Trên nền tảng của việc phát Bồ đề tâm và nghiêm trì tịnh giới, hành giả phát tâm khát ngưỡng cầu sanh Tịnh độ. Tâm cầu sanh Tịnh độ này phải hội đủ ba đức tính quyết định là tín thâm, nguyện thiết và hạnh chuyên.

Tín là đức tin, là cánh cửa quan trọng để vào đạo, là cội nguồn của mọi công đức. Người tu Phật thiếu đức tin sẽ không thoát ly sanh tử, đạt kết quả an vui giải thoát. Bởi tất cả công đức vô lậu đều nương nơi tín mà lập và do tín mà thành. Hành giả niệm Phật ngoài đức tin trong sạch tuyệt đối với Tam bảo, với sự tìm hiểu bằng kiến chiếu của trí tuệ Bát nhã sáng suốt kiên định không ngờ vực, gia thêm lòng tin kiên cố vào pháp môn niệm Phật. Đức tin này được dựng lập trên ba điểm.

Thứ nhất hành giả tin tưởng Đức Phật Thích Ca là bậc đã thân chứng cảnh giới Tịnh độ, những lời dạy của Ngài về cảnh giới Cực Lạc và khuyên chúng sanh phát nguyện cầu sanh Tây phương là có thật. Hai là tin Đức Phật A Di Đà với bốn mươi tám đại nguyện tiếp độ chúng sanh, nếu ai có tâm mong về thế giới của Ngài thì người ấy sẽ được Phật tiếp độ. Ba là tin vào tự tánh thanh tịnh, vào khả năng giác ngộ sẵn có của mình, nếu hiện đời phát tâm niệm Phật thì mai hậu quyết định sẽ được vãng sanh Tịnh độ.

Trên cơ sở của tín, hành giả cầu sanh Tịnh độ cần phải có đủ yếu tố thứ hai là khẩn thiết phát nguyện. Trong Phát Bồ đề tâm văn của Đại sư Tĩnh Am có dạy: “Cửa chính yếu vào đạo là lấy sự phát tâm làm trước, việc cấp thiết tu hành lấy sự lập nguyện làm đầu, nguyện có lập thì chúng sanh mới độ, tâm có phát thì Phật đạo mới thành”, lời dạy ấy của Tổ sư đã cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của sự phát nguyện đối với việc tu hành.

Tâm nguyện cầu sanh Tây phương theo Thiên Thai Trí Giả đại sư gồm hai điều là yểm ly và hân nguyện. Tâm yểm ly là tâm chán lìa. Hành giả phải luôn quán niệm sắc thân này vốn là hư vọng, chỉ là tổ hợp của năm uẩn chứa đựng khổ đau và bất tịnh. Phiền não cuộc đời luôn cấu xé tâm can, như những mũi tên độc đâm vào da thịt. Nhờ thường xuyên quán sát như thế, hành giả sẽ sanh tâm nhàm chán, đối với thân xác và mọi thú vui dục lạc ở đời sẽ không sanh tâm đắm nhiễm. Tâm chán bỏ thế giới Ta Bà càng lớn thì chí nguyện cầu sanh càng mạnh. Người niệm Phật trước sau chỉ có một ước nguyện duy nhất là mong cầu sớm thoát khỏi lao tù Ta Bà hiện tại, nguyện thác sanh về Cực Lạc ngày mai chính là hân nguyện. Tâm tha thiết cầu sanh đó chẳng khác nào như kẻ tha phương trông ngóng cố hương, người xa cha mẹ mong ngày đoàn tụ, như trong Di Đà sớ sao có dạy: “Trông về Cực lạc như nhớ cố hương, ngưỡng mến Đức Từ Tôn như cha mẹ”.

Tín nguyện đã đầy đủ nhưng thiếu phần hạnh, người tu Tịnh độ cũng khó thành tựu, vì vậy cần phải chú trọng vấn đề hành trì. Đại sư Ngẫu Ích từng dạy: “Được vãng sanh đều do ở tín và nguyện; phẩm vị cao hay thấp là bởi ở chỗ hành trì có cạn hoặc sâu”. Ngoài việc tu tạo phước đức, trí tuệ và giữ gìn giới luật làm trợ hạnh vãng sanh, hành giả phải thực hành chánh hạnh. Chánh hạnh ở đây là phát tâm thanh tịnh thường trì Thánh hiệu Phật. Theo pháp môn Tịnh độ thì việc niệm Phật bao gồm bốn môn then chốt là Thật tướng niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật, Quán tượng niệm Phật và Trì danh niệm Phật.

Thật tướng niệm Phật là thể nhập vào Đệ nhất nghĩa đế, niệm tánh Phật bản lai của mình. Bản thể xưa nay vốn thanh tịnh vắng lặng, không bị phiền não cấu nhiễm. Hành giả trụ tâm vào tánh Phật bản lai đó, khiến tâm không vọng động, không chạy theo niệm trần, tâm lần hồi trong sáng thể nhập vào cảnh giới nhất tâm.

Quán tưởng niệm Phật là hành giả quán tưởng chánh báo và y báo trang nghiêm của Đức Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc, cho đến khi mở mắt hay nhắm mắt cũng đều thấy cảnh giới Cực Lạc rõ ràng.

Quán tượng niệm Phật là người tu luôn nhiếp tâm vào hình tượng của Phật A Di Đà, cho đến khi có đối trước hay không đối trước tôn tượng Ngài, hình tướng oai nghiêm của Phật A Di Đà vẫn hiện ra trước mắt.

Sau cùng là Trì danh niệm Phật, đó là niệm thầm hay niệm ra tiếng bốn chữ A Di Đà Phật hay sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật. Hành giả niệm Phật với tâm tha thiết chí thành không xen lẫn tạp niệm, chỉ chú tâm vào danh hiệu Phật, lần hồi sẽ đi vào cảnh giới nhất tâm. So với ba môn trước thì pháp Trì danh niệm Phật có phần giản dị dễ tu và dễ thành tựu. Đây quả thật là phương tiện thù thắng trong các phương tiện, là đường tắt tu hành trong mọi đường tắt.

Vấn đề quan trọng của pháp niệm Phật là trong khi niệm phải giữ tâm thanh tịnh, bởi tâm thanh tịnh là nhân tố quyết định cho việc thành tựu cảnh giới nhất tâm. Muốn đạt được điều này, theo Tổ sư Ấn Quang: “Khi hành giả đề khởi câu Phật hiệu, tai phải nghe rõ ràng từng chữ, tâm phải trụ vào câu Phật hiệu, không chạy theo vọng trần và nhiếp tâm liên tục, hành giả sẽ tiến sâu vào cảnh giới chánh định”. Chánh định hay nhất tâm sẽ làm cơ sở cho tuệ giác bùng phát, theo Đại sư Liễu Nhất: “Khi tâm chuyên chú vào câu Phật hiệu, quên cả thân tâm ngoại cảnh, tuyệt cả không gian thời gian, đến lúc vọng hoặc tiêu tan, tâm thể bừng sáng, hành giả có thể chứng được niệm Phật tam muội”.

Qua những điểm khái quát về ba yếu tố tín, nguyện, hạnh của pháp môn niệm Phật, chúng ta thấy pháp môn này có phần đơn giản, dễ thực hành mà kết quả lại cao tuyệt. Pháp môn này là thuyền từ ra khỏi Ta bà, là cửa mầu để vào Phật đạo (Xuất Ta bà chi bảo phiệt, thành Phật đạo chi huyền môn). Sự dễ tu dễ chứng so với các pháp môn khác được các bậc cổ đức đánh giá: “Tu các pháp môn khác, như con kiến bò dọc theo ống tre, hành trì môn Tịnh độ như con kiến đục thủng ống tre ra ngoài”.

Vì tính cách khế lý khế cơ ấy mà từ trước đến nay không biết bao nhiêu người niệm Phật được kết quả vãng sanh. Sự mầu nhiệm đó trong Tịnh độ thánh hiền lục đã ghi lại rõ ràng. Pháp môn này lại bao quát trên từ các bậc Đẳng giác Bồ tát, các bậc đại đức cao tăng, dưới cho đến những kẻ cùng hung cực ác, thậm chí đến những loài súc sanh cũng nhờ trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà mà được thoát ly thân cầm thú, sanh về cảnh giới Tịnh độ.

Tâm Hướng Phật/TH!

Bài viết cùng chuyên mục

Việc bố thí không quan trọng ở tiền nhiều hay ít

Định Tuệ

Đối đáp giữa Lục Tổ Huệ Năng và Huyền Giác Thiền Sư

Định Tuệ

Quên mình vì người, vì tất cả chúng sanh phục vụ

Định Tuệ

Lìa việc sát sanh thì được thành tựu mười pháp lìa phiền não

Định Tuệ

Ý nghĩa của danh hiệu A Di Đà Phật

Định Tuệ

Chúng ta khởi tâm động niệm tạo tác tội nghiệp có hai loại

Định Tuệ

Toàn cảnh vẻ đẹp và cuộc sống ở thế giới Tây Phương Cực Lạc

Định Tuệ

Nhật ký sau khi chết

Định Tuệ

Chúng ta chọn lựa pháp môn, chính mình hiểu rõ ràng căn tánh của chính mình

Định Tuệ

Viết Bình Luận