Sách Phật Học Vấn Đáp này là lời giải đáp những nghi vấn liên quan đến pháp môn Tịnh độ, bởi Cư sĩ Lý Bỉnh Nam biên soạn, Thích Đức Trí dịch.
Lời người dịch
Tịnh độ là pháp môn thuộc Phật giáo Đại thừa. Đã gọi là pháp môn thì thuộc phương tiện; Phật pháp có bao nhiêu pháp môn thì có bấy nhiêu phương tiện. Chư Phật ra đời cũng tùy theo căn cơ trình độ của chúng sinh mà khai mở nhiều phương tiện sai khác. Phương tiện là nhịp cầu đưa chúng sinh đến cứu cánh giác ngộ, giải thoát sinh tử. Cho nên nhận thức nghĩa lý Phật pháp là điều cần thiết cho việc hoằng pháp trong thời hiện đại; và việc vận dụng pháp môn tu học phù hợp với quan điểm giáo dục Phật giáo là điều người Phật tử mong muốn.
Thời gian qua, tôi có viết một số bài liên quan đến pháp môn Tịnh độ gửi cho báo Giác Ngộ cũng như các trang báo khác. Có hai vấn đề mà tôi quan tâm: một là làm sao giải đáp những thắc mắc trong lòng mọi người về pháp môn này; hai là làm sao thể hiện bản sắc của Tịnh độ thuộc hệ tư tưởng Đại thừa đang tiếp cận trong đời sống hiện đại. Nhân đọc tác phẩm “Giải đáp những nghi vấn liên quan đến pháp môn Tịnh độ” của lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tôi nhận thấy tác phẩm này trả lời nhiều câu hỏi về pháp môn Tịnh độ có sức thuyết phục và phù hợp với Phật pháp. Do vậy, tôi chọn bản văn do Giáo sư Tăng Kỳ Vân đã biên tập hoàn thiện bằng Hán ngữ hiện đại để dịch sang Việt ngữ.
Tăng Kỳ Vân là nhà nghiên cứu Phật học nghiêm túc, chuyên về hệ văn học Phật giáo Đại thừa. Ông có biên soạn một số tác phẩm về Tịnh độ liên quan đến tư tưởng của Tổ sư Ấn Quang. Tăng Kỳ Vân vốn là giáo sư dạy triết học, văn hóa và Hán ngữ, vì vậy chúng tôi tin rằng ông có thẩm quyền trong việc chuyển ngữ tác phẩm bằng chữ Hán của Lý Bỉnh Nam sang Hán ngữ hiện đại. Khi dịch tác phẩm này, chúng tôi có lược bớt một số câu không cần thiết vì lập lại nội dung.
Thiết nghĩ, Tịnh độ là pháp môn dễ tu mà khó tin, muốn tin được cần hiểu rõ giáo lý mới giải tỏa được nghi vấn. Nội dung những câu giải đáp trong tác phẩm này là tri thức cần thiết cho những người muốn tìm hiểu về pháp môn Niệm Phật. Bên cạnh, cuốn sách còn giới thiệu đến bạn đọc những giá trị của pháp môn này trong đời sống tu tập cầu thoát ly sanh tử luân hồi, cũng như chỉ ra những kinh nghiệm và phương pháp truyền bá giáo lý Tịnh độ đến với mọi người đúng theo tôn chỉ mà Đức Phật đã dạy trong các kinh điển Đại thừa.
Kính bút
Tỳ-kheo Thích Đức Trí
Vài nét về Cư sĩ Lý Bỉnh Nam
Cư sĩ Lý Bỉnh Nam (1889-1986) có hiệu là Tuyết Lư, sinh tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Hoa. Sau đó ông đến định cư tại Đài Loan, và đã có trên bốn mươi năm tu học tinh tấn và phụng sự xã hội. Ông quả thực là một nhà tri thức có tâm huyết tham cứu Phật học và Nho học, cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng hộ trì Tam bảo và xiển dương Phật pháp.
Cư sĩ đã từng là Giáo sư trường Đại học Trung Hưng và Đại học Đông Hải, Đài Loan. Quan điểm của Lý Bỉnh Nam là áp dụng tinh thần Phật giáo để Phật hóa gia đình và xã hội. Cư sĩ tiếp cận Phật pháp, nghiên cứu về Duy thức, Thiền học, Tịnh độ và Mật tông. Sau khi quy y Tổ Ấn Quang, chuyên tu Tịnh độ, đã trợ giúp đắc lực cho Đại sư Thái Hư hoằng dương Phật pháp. Lý Bỉnh Nam đã đem kinh nghiệm tu học và dấn thân vào cuộc đời phụng sự theo tinh thần đạo Phật nhập thế. Cư sĩ luôn thực hành Phật pháp với quan điểm tích cực, và từng tâm niệm rằng: “Hàng cư sĩ học Phật không xa rời thế gian Pháp, phải tuân thủ đạo lý và làm tròn bổn phận của mình, xử thế không quên tâm Bồ-đề, cần phải hạnh giải tương ưng”. Lý Bỉnh Nam cũng là người sáng lập Hội Liên xã Phật giáo Đài Trung, Tòa báo Bồ-đề thọ, Viện giáo dục trẻ em Từ Quang, Thư viện Từ Quang, Bệnh viện Bồ-đề, hội cứu tế Bồ-đề và tham gia nhiều công tác từ thiện khác. Lý Bỉnh Nam là một giáo sư sáng giá, một thầy thuốc tài năng, một nhà Phật học có tâm huyết, nhưng sống như một nhà sư khổ hạnh; tâm không dính mắc vào danh lợi thế gian, giàu lòng bố thí với mọi phương diện, nỗ lực hoằng dương chánh pháp và làm các việc phước thiện trong xã hội. Đặc biệt, với khả năng tu học nghiêm túc và khéo vận dụng tư tưởng giáo lý Đại thừa, Cư sĩ đã đem hết nhiệt tâm giới thiệu, lý giải, chứng minh vai trò thực tế của giáo lý Tịnh độ một cách có chánh kiến, phù hợp với các kinh nghiệm của chư Tổ sư tiền bối và có y cứ kinh điển.
Cư sĩ Lý Bỉnh Nam vãng sanh ngày 13 tháng 4 năm 1986, hưởng thọ 97 tuổi. Ông đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp truyền bá Phật pháp trong cương vị một người cư sĩ với đức hạnh khiêm cung, với tinh thần thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh. Trong cuộc đời tu học, ông đã trước tác nhiều tác phẩm Phật học có giá trị như: “Tuyết Lư thơ văn tập”, “Phật học vấn đáp”, “A Di Đà kinh nghĩa uẩn”, “Phật học thường thức khóa bổn”, “Nội kinh tuyển yếu biểu giải”, và cũng sáng tác nhiều ca khúc Phật giáo. Sau khi Lý Bỉnh Nam vãng sanh, những sáng tác của ông về Phật học, y học, văn học được kết tập lại thành tác phẩm: “Lý Bỉnh Nam Thuật học vựng cảo”.
Đối với người xuất gia, Cư sĩ là người hộ pháp gương mẫu, là cánh tay đắc lực trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Đối người tại gia, Cư sĩ là người bạn đồng hành, tu niệm Phật có chánh kiến trong mọi hoàn cảnh. Đối với xã hội, ông là người tri thức tiếp nhận giáo lý đạo Phật với thái độ khách quan và thực hành Phật pháp một cách trân trọng. Đối với sinh mệnh giải thoát, ông tu học một cách nhất quán và thực hành tu niệm như là một lẽ sống tự nhiên. Từ những lý do đó, những tác phẩm Phật học do Lý Bỉnh Nam biên soạn đáng được quan tâm và xứng đáng phát hành để làm lợi ích cho mọi người.
Mời quý bạn đọc trọn bộ Phật Học Vấn Đáp về pháp môn Tịnh độ – Cư sĩ Lý Bỉnh Nam biên soạn tại file PDF dưới đây.
[pvfw-embed viewer_id=”5305″ width=”100%” height=”600″ iframe_title=”Tâm Hướng Phật” zoom=”auto” pagemode=”none”]