Kinh A Di Đà là một bản kinh rất phổ biến được trì tụng hàng ngày. Mời bạn đọc tụng Kinh A Di Đà – Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch dưới đây.
Vị trí bản kinh A Di Đà trong Phật giáo Đại thừa
Kinh A Di Đà là bản kinh văn thuộc hệ thống kinh tạng của Phật giáo Đại thừa với phần nội dung được đức Phật Thích Ca giới thiệu về cảnh giới viên mãn thù thắng nơi cõi Cực lạc Tây phương của đức Phật A Di Đà với sự trang nghiêm của y báo và chính báo kiến lập cho chúng sinh hướng về tu tập cùng sự tán thán của các đức Phật ở các thế giới khác.
Hiện nay, nguyên bản tiếng Phạn của bản kinh A Di Đà (Sukhavativyuhah- 小無 量壽經)vẫn còn tại Nhật Bản và trong phần Kinh bộ của Đại tạng kinh Tây Tạng.
Riêng phần bản Hán trong tạng Đại Chính Tân Tu, hiện vẫn còn hai bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập Kinh A Di Đà dịch năm 401TL_ đời Diêu Tần, bản dịch này hiện nay rất phổ biến, và bản của ngài Huyền Trang Kinh Xưng tán Tịnh độ Phật nhiếp thọ dịch năm 650 TL_ đời Đường cùng với đó là một số bản sớ giải về bản kinh A Di Đà này.
Đặc biệt, trong tư tưởng triết lý của Phật giáo Đại thừa, kinh A Di Đà lại có tầm ảnh hưởng rất phổ quát và đặc biệt quan trọng. Nội dung tư tưởng của bản kinh đã được ngài Long Thọ trích dẫn trong tác phẩm “Dị Hành Phẩm” thuộc“Luận Thập Trụ Tì Bà Sa”, ngài Thế Thân trình bày trong “Thập Địa Luận Kinh” cho đến việc về sau này phát triển thành một tông phái Tịnh độ chính thống của Phật giáo Đại thừa tại Trung Hoa, vốn được các vị Tổ của Phật giáo Đại thừa chủ trương thiết lập và hướng đến xây dựng nội dung giáo nghĩa tu tập.
Ý nghĩa của Kinh A Di Đà
Kinh A Di Đà là kinh khen ngợi công đức và được tất cả chư Phật hộ niệm. Kinh này chuyển tải nội dung rất sâu xa do đức Phật Thích Ca Mâu Ni tự giảng nói. Nhận ra ý này nên Hòa Thượng Thích Trí Quảng nói: “Niệm Phật không phải là kêu Phật. Đa số người lầm tưởng kêu tên Phật là niệm Phật. Niệm Phật hoàn toàn khác với kêu tên Phật. Suốt ngày chúng ta đọc Nam-mô A Di Đà Phật là kêu tên Phật để vãng sanh thì không thể nào vãng sanh được.”
Pháp niệm A Di Đà là chỉ nơi tâm mà hành trì, chứ không qua trung gian phương tiện giúp chúng ta đạt đến nhất tâm bất loạn. Cõi tịnh độ của Phật A Di Đà được ẩn dụ cho sự vô thủy vô chung. Còn gọi là vô lượng thọ, vô lượng quang, hay pháp giới tạng thân.
Danh từ Vô lượng, nếu miêu tả xét theo không gian, sẽ là Vô lượng quang; nếu trên cương vị thời gian, thì là Vô lượng thọ. Đấy là Pháp thân. Pháp thân này là Báo thân nếu Phật được coi như là đức Phật “giáng hạ thế gian”. Nếu Ngài được coi như một Bồ Tát đang tiến lên Phật quả, thì Ngài là một vị Phật sẽ thành, như Bồ Tát Cần Khổ (Đức Phật Thích Ca Mâu Ni).
Nói cách chính xác hơn, nếu chúng ta mô tả một vị Phật dựa trên căn bản giác ngộ viên mãn, chúng ta sẽ đi đến một lý tưởng về Phật, nghĩa là Vô lượng quang biểu tượng của trí tuệ giải thoát (Phật trí); Vô lượng thọ biểu tượng của đại định (tâm giải thoát), ở ngoài các vọng tưởng phân biệt. Ý nghĩa Vô lượng quang và Vô lượng thọ, và nhân cách giác ngộ của trí tuệ và từ bi vô cùng tận, tất cả chỉ giản dị là những giải thích về Vô lượng.
Theo Kinh A Di Đà, Đức Phật A Di Đà đã ra đời cách đây “10 A tăng kỳ kiếp”, có nghĩa là “từ lâu đời rồi” và có thể là nhắc tới hiện thân thứ 2 hay thứ 3 của Ngài, Phật nguyên thủy có thể là xa xưa hơn nữa, hiện nay Ngài đương thuyết pháp và sẽ còn tiếp tục thuyết pháp tại đó cho đến một tương lai lâu xa.
Mời quý bạn tụng đọc Kinh A Di Đà – Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch tại file PDF dưới đây.
[pvfw-embed viewer_id=”2699″ width=”100%” height=”600″ zoom=”auto” pagemode=”none”]