Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Chuyện tình kỳ lạ và cái kết đẹp của nàng Ma Đăng Già

Vẻ đẹp và tuổi trẻ của ngài A Nan, đã gây ra nhiều chuyện phiền phức rối ren. Đó là câu chuyện về nàng Ma Đăng Già.

Hôm ấy, sau mùa an cư, A Nan bưng bát đi vào thành Xá Vệ khất thực.

Trên đường về đi ngang một giếng nước, có một cô gái dòng Thủ Đà La đang lui cui xách nước, A Nan cảm thấy khát, bèn đến bên giếng và nói:

– Cô nương! Xin bố thí cho tôi miếng nước.

Cô gái ngẩng đầu lên, thấy một vị tỳ kheo trẻ tuổi trang nghiêm, và nhận ra đó là A Nan Đà, cô vội nhìn xuống phục sức của mình và thẹn thùng nói nhỏ:

– Thưa Tôn giả! Tôi không tiếc chi với Ngài, nhưng tôi thuộc dòng hạ tiện, làm sao có thể cúng dường cho Ngài?

A Nan an ủi:

– Này cô nương! Tôi là tỳ kheo không có tâm phân biệt cao thấp sang hèn đâu!

Cô gái bèn vui vẻ đem gàu nước trong trẻo đưa cho A Nan, A Nan uống xong, thốt lời cảm ơn, và lặng lẽ tiếp tục đi.

Mối tình đầu chớm nở trong lòng cô thiếu nữ, cô không ngăn nổi tia nước mắt lưu luyến đưa theo hình ảnh A Nan.

Dáng dấp quý phái cao sang của dòng vua ấy, lời lẽ ôn hòa ấy, như một nét mực đậm in trên tâm hồn trong trẻo của cô, vĩnh viễn không thể xóa nhòa, thậm chí cô lại vọng tưởng mơ mộng rằng, giá mà được kết hôn với A Nan, thì hạnh phúc biết mấy mà kể.

Cô gái về nhà, bơ phờ như người mất hồn, không thiết gì ăn uống, làm công chuyện qua loa rồi nằm vật trên giường suy tư miên man.

Bà mẹ thấy vậy, gạn hỏi duyên cớ, ban đầu cô không chịu nói, hỏi đôi ba phen, cô mới yêu cầu mẹ mời A Nan về nhà, cô muốn A Nan làm chồng cô.

Bà mẹ nghĩ hoài không ra, A Nan đã đi tu làm thầy tỳ kheo, mà thuộc dòng hoàng tộc làm sao cưới cô được?

Nhưng vì lòng thương con gái, dù khó đến đâu cũng tìm cách thực hiện, bà đi thỉnh một đạo bùa của ngoại đạo, đợi A Nan đi khất thực ngang nhà, sẽ dùng chú thuật mê hoặc A Nan.

Ma chú linh nghiệm hay không, điều đó chẳng rõ, Khi A Nan đi ngang qua nhà, nàng đứng trước cửa, nhìn A Nan cười chúm chím và đưa tay vẫy, A Nan mê mẫn bước vào trong nhà.

Cô gái vừa mừng vừa thẹn lính quýnh cả lên, ngay lúc ấy A Nan sực nhớ ra mình là một tỳ kheo, A Nan liên tưởng đến đức Phật, đồng thời đức Phật dùng oai thần gia hộ cho Tôn giả, trí huệ sáng suốt trở lại, giống như Ngài nổi luồng gió đưa A Nan về tịnh xá Kỳ Viên.

Ngày hôm sau, A Nan bình tĩnh lại, cũng đi vào thành khất thực, lạ thay cũng cô gái ấy, nàng mặc áo mới, đeo tràng hoa, đứng bên đường như chờ đợi A Nan.

Cô vừa thấy Tôn giả, liền lẽo đẽo theo sau một bên, như con thiêu thân bu theo ánh đèn không chịu rời một bước.

Trước tình trạng này, A Nan chẳng biết tính sao, phải quay trở về tịnh xá bạch với đức Phật. Đức Thế Tôn bảo A Nan gọi cô ta đến, Ngài sẽ đích thân nói chuyện với cô.

A Nan vừa ra đến cổng, thấy cô nàng còn đứng đó Tôn giả bèn nói:

– Tại sao cô cứ theo tôi mãi như vậy?

– Thầy thiệt là ngốc mới đi hỏi một câu lẩn thẩn đến thế.

– Đức Thế Tôn muốn gặp cô, mời cô theo tôi về tịnh xá!

Nghe nói đến đức Phật, cô gái đã lo sợ một phen nhưng vì muốn đoạt được Tôn giả, cô lấy hết can đảm đến gặp Ngài.

Phật thấy cô bèn nói:

A Nan là người tu, nếu muốn làm vợ A Nan, điều kiện cần yếu trước tiên là phải xuất gia tu đạo một năm, cô có chịu không?

– Phật Đà! Con bằng lòng.

Cô gái không ngờ đức Phật từ bi quá đỗi, đưa điều kiện hết sức dễ dàng để tác thành cho cô, nên cô chấp nhận một cách mau lẹ.

– Theo phép xuất gia của ta, phải có cha mẹ bằng lòng, cô có thể mời cha mẹ đến chứng minh được không?

Đức Phật không làm khó dễ ai, điều kiện của Ngài cũng dễ thôi, cô gái liền về nhà dắt mẹ đến, mẹ cô cũng vui mừng đối trước Phật, để cô gái xuất gia tu hành rồi sau sẽ kết hôn với A Nan.

Cô nàng vì muốn làm vợ A Nan, rất cao hứng mà cạo tóc mặc áo nhuộm, làm tỳ kheo ni.

Cô đem hết nhiệt tâm nghe Phật thuyết pháp, và cũng rất tinh tấn y theo lời chỉ dạy của Phật tu tập, ở trong giáo đoàn tỳ kheo ni, nàng hòa hợp với các sư tỉ, sư muội sinh hoạt theo Phật pháp.

Biển ái, tình si của cô dần dần lắng dịu, xuất gia chưa được nửa năm, cô đã thức tỉnh rằng thái độ của mình trước đây thật đáng hổ thẹn.

Đức Phật thường giảng nói ngũ dục là pháp bất tịnh, là nguồn gốc của mọi khổ đau. Loài thiêu thân ngu si tự ném mình vào lửa để bị thiêu rụi, con tằm vô tri làm kén tự trói mình, nếu như trừ bỏ được ngũ dục, nội tâm mới thanh tịnh, cuộc sống mới an ổn được.

Giờ đây nàng tự biết mình mê đắm Tôn giả thật là một ý tưởng bất thiện, bất tịnh, nàng hối hận vô cùng. Một hôm, nàng quỳ dưới chân Phật, khóc sám hối:

– Bạch Thế Tôn! Con đã tỉnh mộng, con không dè lúc trước con ngu si đến mức như vậy. Hôm nay con chứng được thánh quả, được xem như qua mặt A Nan, con rất cảm ơn Thế Tôn. Ngài vì hóa độ bọn chúng sinh ngu muội như con, đã dùng hết phương tiện và nhọc lòng dạy dỗ. Từ nay về sau, con nguyện suốt đời làm tỳ kheo ni, theo chân đức Thế Tôn, làm sứ giả cho chân lý.

Sự giáo hóa khẩn thiết của đức Phật, cuối cùng đã thấm đọng vào tâm hồn mẫn cảm của thiếu nữ, nàng tỉnh ra thấy đời rất thanh lương, thành một bậc tỳ kheo ni mẫu mực.

Tên nàng, đã nổi danh là Ma Đăng Già.

Đức Phật giúp cho một cô gái dòng hạ tiện xuất gia, điều ấy đối với giai cấp thâm nghiêm của Ấn Độ, khiến cho nhiều người nghe được phê bình, phản đối, nhưng bậc đại thánh Phật Đà, đã nêu lên chủ trương bình đẳng, như trăm sông chảy về biển, bốn chủng tộc xuất gia đều là Thích tử.

Nàng Ma Đăng Già vì yêu mến dung mạo của Tôn giả mà sau cùng chuyển họa thành phước, giai thoại ấy đã lưu lại trong tăng đoàn, những lời bàn tán đẹp ngàn năm.

Bài viết cùng chuyên mục

Chúng sanh và Phật quả thật là bình đẳng

Định Tuệ

Sự mầu nhiệm của việc lạy Phật sám hối đúng cách, thường xuyên

Định Tuệ

Thập bất cầu hạnh: 10 cách biến khó khăn thành trợ thủ

Định Tuệ

Phật tử đi chùa cúng Phật để làm gì?

Định Tuệ

Đọc Kinh sách mà thấy buồn ngủ, díu mắt thì phải làm sao?

Định Tuệ

Sự dục nhiễm của chúng sanh rất si mê điên đảo

Định Tuệ

Phật pháp dùng cách gì để nhìn ra chân tướng sự thật?

Định Tuệ

Công đức và phước đức khác nhau như thế nào? 

Định Tuệ

Tịnh nghiệp tam phước là gì? Cẩn thận với tà kiến về tịnh nghiệp

Định Tuệ

Viết Bình Luận