Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Những bài kinh tụng hàng ngày cho Phật tử tại gia

Những bài kinh Phật thường được trì tụng hàng ngày như: Kinh A Di Đà, Kinh Dược Sư, Kinh Địa Tạng, Kinh Phổ Môn, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Pháp Hoa…

1. Ý nghĩa chữ Kinh trong Phật giáo

Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, đức Phật không hề viết sách. Tất cả kim ngôn hay lời dạy của Ngài được truyền thừa lại nhờ vào truyền thống tụng đọc thuộc lòng, của các vị đệ tử Ngài, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, về sau mới được ghi chép lại thành dạng văn bản, gọi là Kinh.

Các nhà Phật học truyền thống Trung Quốc giải thích rằng Kinh là “khế hợp.” Khế ở đây bao gồm hai phạm trù khế lý và khế cơ. Khế lý là nội dung ý nghĩa của những lời giảng dạy phải được đặt trên nền tảng Trung đạo, không thiên lệch vào sự chấp mắc nào. Khế cơ là sự thể hợp với từng căn cơ đối tượng. Khế lý và khế cơ có giá trị xuyên suốt thời gian và không gian. Theo nghĩa này, Kinh là chân lý siêu tuyệt của các chân lý mặc ước và công ước.

Trong đạo Phật, ý nghĩa chữ Kinh ban đầu rất đơn giản. Kinh, tiếng Sanskrit viết là sūtra, và tiếng Pali viết là sutta, chỉ có nghĩa chính là những lời giảng dạy của đức Phật về đạo đức, chân lý và giải thoát. Nó liên hệ đến sự nghe, nghe những lời dạy của đức Phật. Nói cách khác, Kinh là những lời dạy của Phật hay của các vị Bồ-tát, A-la-hán. Trong ý nghĩa rộng hơn, chữ Kinh còn ám chỉ cho các thể loại văn học Phật giáo, hay Tạng Kinh (Sutta Piṭaka), hay chỉ chung cho Ba kho tàng văn học Phật giáo (Kinh, Luật, Luận). Kinh là sách ghi chép những lời dạy về chánh pháp, những phương thức hành trì hay các pháp môn được đức Phật và các vị thánh đệ tử của ngài giảng dạy.

Các vị thánh đệ tử đầu tiên của đức Phật là nhóm năm anh em Kiều-trần-như, mười vị đệ tử lớn và 1250 vị tỳ-kheo đều có nhiều cuộc đối đáp về đạo lý và con đường tu tập với các người theo Bà-la-môn giáo và các tôn giáo bấy giờ. Các pháp thoại mang tính cách xiển dương và truyền bá đạo pháp như vậy, có giá trị tương đương với lời Phật dạy trong nhiều trường hợp cụ thể. Nên các pháp thoại đó cũng được xem là kinh, tức một dạng khác của lời Phật dạy. Các bài Kinh loại này có mặt khắp trong các Kinh điển Phật giáo của Nguyên Thuỷ và Đại thừa.

Như vậy, “Kinh” chỉ chung cho các lời dạy đạo lý hoặc là các pháp thoại do đức Phật nói cho các hàng đệ tử hoặc người khác, hoặc các pháp thoại của các vị thánh tăng đối đáp với nhau hay đối với người ngoại đạo. Ý nghĩa ban đầu của Kinh chỉ đơn giản có thế, dù dưới dạng truyền khẩu hay được biên tập thành văn bản về sau.

Nói tóm lại, chữ Kinh trong Phật giáo được dùng để chỉ cho lời Phật dạy dưới hình thức văn tự hay truyền khẩu, có giá trị hướng thượng, phát triển đạo đức, nuôi lớn thiền định, phát sanh trí tuệ, giúp cho người đọc tụng đạt được an lạc và hạnh phúc. Kinh điển là ngón tay để chỉ cho chúng sanh thấy được mặt trăng, là chiếc bè để đưa người sang sông giải thoát. Bản thân Kinh điển không phải là mặt trăng và cũng không phải là bờ giải thoát. Mặt trăng ở đây ám chỉ cho chân tâm, Phật tánh và Niết-bàn. Người đọc tụng và thọ trì cần nương vào lời Kinh để nhận ra được chân tâm, Phật tánh của mình, cũng như nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng và nương vào thuyền để sang được bờ bên kia. Sau khi thấy được trăng cần phải biết quên ngón tay. Sau khi qua được bờ rồi, nên thả thuyền xuống sông để nó có thể giúp được nhiều người khác muốn sang sông. Đừng có thái độ chấp thủ và tôn thờ ngón tay đã giúp ta thấy được mặt trăng, cũng như chiếc bè đã giúp ta qua được bờ bên kia!

2. Đọc tụng Kinh có ý nghĩa và lợi ích gì?

Tại sao ta phải đọc tụng kinh điển? Có nhiều người thường xuyên đi chùa, tụng kinh đều đặn, họ cho rằng tụng kinh để được thông minh. Như vậy có đúng không?

Tụng kinh là đọc lại và chiêm nghiệm những lời Phật dạy để hiểu đúng chính xác điều tốt, điều xấu, hướng về những việc lợi ích cho con người mà thực hành. Ta nên áp dụng những điều Phật dạy vào trong đời sống hằng ngày, nhằm đem lại an vui, lợi lạc cho mình và cho tất cả mọi người trong xã hội.

Tụng kinh là cơ hội tốt nhất để ta học hỏi, tư duy, quán chiếu, soi xét lại chính mình. Nhờ tư duy, quán chiếu mà thấy được rõ ràng chỗ si mê chấp ngã. Do ta thấy bản ngã là trên hết, không thấy được lẽ thật, nên hành động, nói năng không đúng chánh pháp, gây đau khổ cho người.

Nếu ta thường xuyên áp dụng lời Phật dạy thì dần dần trở nên sáng suốt, thấy rõ ràng các việc đúng, sai trong cuộc đời, thấu rõ mọi hiện tượng, sự vật đều do nhân duyên hòa hợp mà thành. Cái này có thì cái kia có, cái kia không thì cái này không.

Khi hiểu được như vậy, ta sẽ bớt si mê, tham lam quá đáng, không còn bi quan yếm thế, chán đời, luôn sống với tinh thần đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết, biết cảm thông và tha thứ với tinh thần vô ngã, vị tha.

Tóm lại, mục đích của việc đọc tụng kinh Phật không phải để trả bài, tính điểm với Phật, mà mục đích là để nâng cao trình độ nhận thức, thấy biết rõ ràng, chính xác cái nào là thật, cái nào là giả, cái nào là tốt, cái nào là xấu, để rồi ta sẽ biết tìm cách ứng dụng vào trong đời sống hàng ngày mà sống an lạc, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.

Tụng kinh là để thường xuyên trau dồi ba nghiệp thân-miệng-ý hằng thanh tịnh, sáng suốt để được an lạc, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Tụng kinh để được thấm nhuần lời Phật dạy, là phương pháp hành trì có lợi ích thiết thực, giúp cho người đọc tụng thấu hiểu rõ ràng thực tướng của vạn vật, để mỗi ngày chúng ta gội rửa thân tâm thêm trong sạch từ thân-miệng-ý.

Tụng kinh không phải để cầu khẩn, van xin đức Phật giúp cho mình được tai qua nạn khỏi, gia đình mạnh khỏe, làm ăn được nhiều tiền của. Tụng kinh không phải là sự mua bán, trao đổi để được dồi dào, hạnh phúc.

Tụng kinh là cơ hội để ta trau dồi ba nghiệp thân-miệng-ý hằng thanh tịnh, sáng suốt, nhằm chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an lạc, hạnh phúc.

3. Người mới bắt đầu tụng kinh nên đọc tụng những kinh gì?

Đạo Phật có rất nhiều kinh điển, độ sâu cạn, cao thấp khác nhau. Mỗi người tùy theo căn cơ của mình mà phù hợp với những kinh điển khác nhau, không ai giống ai. Người nào phù hợp với kinh điển nào thì khi tụng kinh đó sẽ thấy rất hứng thú, sinh tâm tín kính và có thể duy trì tụng niệm lâu dài.

Ngược lại, nếu không có duyên với một bộ kinh nào đó, khi cố ép mình tụng sẽ sinh tâm chán nản, khó hiểu, cảm thấy nghi ngờ, không thể duy trì đọc tụng thường xuyên, và bỏ tụng.

Và bộ tụng kinh tốt nhất chính là kinh phù hợp với mình nhất, riêng mỗi người một khác, chứ không có cứng ngắc là tất cả ai cũng đều nên đọc kinh này hay kinh kia.

Với người mới bắt đầu tìm hiểu Phật Pháp muốn tụng kinh nhưng chưa biết chọn kinh nào để khởi đầu, có thể bắt đầu với những kinh Phật dễ hiểu như Kinh Địa Tạng, phẩm Phổ Môn, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, kinh Nhân Quả Ba Đời, kinh A Di Đà, kinh Dược Sư, kinh Vô Lượng Thọ… Khi đã nắm được phần cơ bản rồi thì tìm hiểu qua những kinh điển khác, thấy kinh nào hợp với mình thì có thể chọn để thường xuyên tụng đọc.

Đối với người muốn bắt đầu tụng đọc thần chú, có thể chọn Chú Đại Bi của Quán Thế Âm Bồ Tát , thần chú Diệt Định Nghiệp của Địa Tạng Vương Bồ Tát, Chú Dược Sư, Chú Vãng Sanh.v.v… rồi dần dần tìm hiểu đến các thần chú khác.

Khi tụng kinh, nếu có thể giữ tâm thanh tịnh, quỳ tụng lớn tiếng trước bàn thờ Phật là tốt nhất. Xong hoàn cảnh mỗi người một khác, không thể chọn được cách tốt nhất thì chọn cách tốt nhì, tốt ba… dù sao có vẫn còn hơn không.

Nếu hoàn cảnh không cho phép, thì không có bàn thờ Phật, thậm chí ở nơi công sở, ở ngoài đường, hay bất kì nơi nào cũng có thể tụng đọc kinh chú.

Không thể đọc thành tiếng, thì có thể đọc lầm rầm hoặc đọc thầm bằng mắt, cũng không cần ngân nga như các thầy trong chùa, đọc rõ ràng câu từ là được rồi.

Không quỳ được thì mình ngồi, đứng, đi … miễn đừng nằm, trừ khi mình bị bệnh tật, hay người già đuối sức thì nằm cũng được.

Không có chuông, mõ, nhang, đèn, áo tràng… thì ta vẫn cứ tụng bình thường, miễn là trang phục chỉnh tề, không mặc quần đùi, áo sát nách, áo ba lỗ hay cởi trần với nam giới là được.

Không có quyển kinh, thì ta dùng điện thoại, lên Google, tìm kiếm bằng tên của kinh rồi nhìn điện thoại đọc tụng. Một số kinh chú ngắn, dễ thuộc, ta nên học thuộc sẽ dễ dàng tụng đọc trong mọi hoàn cảnh.

4. Những bài kinh tụng hàng ngày cho Phật tử

Thông thường có các bài kinh Phật được trì tụng hàng ngày như: Kinh Địa Tạng, Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Dược Sư, Kinh Phổ Môn Phẩm, Kinh Pháp Hoa, … vv…

Ngoài ra còn có những bộ kinh như: Bát Nhã Tâm Kinh, Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Kinh Vu Lan, Hồng Danh Sám Hối (hay còn gọi là Kinh Sám Hối), Kinh Kim Cang, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Kim Quang Minh… vv…

Các bài chú thường được trì tụng hàng ngày như: Chú Dược Sư, Chú Đại Bi, Chú Lăng Nghiêm, Chú Chuẩn Đề, Chú Diệt Định Nghiệp Chơn Ngôn, Lục Tự Đại Minh Thần Chú,… vv…

Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện

Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện gồm ba quyển Thượng, Trung, Hạ với 13 phẩm, là những giáo lý căn bản mà người tu học Phật cần nắm rõ trên lộ trình giác ngộ và giải thoát. Tông chỉ tu hành của Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện được thể hiện qua tám chữ: Hiếu đạo, Độ sanh, Bạt khổ, Báo ân.

13 phẩm của bộ kinh rất tiêu biểu, gần gũi với hàng đệ tử Phật để giúp chúng ta dễ dàng thấm nhuần, đọc tụng và ứng dụng vào cuộc sống, mang lại công đức phước báu to lớn cho bản thân và mọi người.

Nội dung Kinh: Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện trọn bộ cho bạn đọc tụng

Kinh A Di Đà

Kinh A Di Đà là bản kinh văn thuộc hệ thống kinh tạng của Phật giáo Đại thừa với phần nội dung được đức Phật Thích Ca giới thiệu về cảnh giới viên mãn thù thắng nơi cõi Cực lạc Tây phương của đức Phật A Di Đà với sự trang nghiêm của y báo và chính báo kiến lập cho chúng sinh hướng về tu tập cùng sự tán thán của các đức Phật ở các thế giới khác.

Trong tư tưởng triết lý của Phật giáo Đại thừa, kinh A Di Đà lại có tầm ảnh hưởng rất phổ quát và đặc biệt quan trọng. Nội dung tư tưởng của bản kinh đã được ngài Long Thọ trích dẫn trong tác phẩm “Dị Hành Phẩm” thuộc“Luận Thập Trụ Tì Bà Sa”, ngài Thế Thân trình bày trong “Thập Địa Luận Kinh” cho đến việc về sau này phát triển thành một tông phái Tịnh độ chính thống của Phật giáo Đại thừa tại Trung Hoa, vốn được các vị Tổ của Phật giáo Đại thừa chủ trương thiết lập và hướng đến xây dựng nội dung giáo nghĩa tu tập.

Kinh A Di Đà là kinh khen ngợi công đức và được tất cả chư Phật hộ niệm. Kinh này chuyển tải nội dung rất sâu xa do đức Phật Thích Ca Mâu Ni tự giảng nói.

Nội dung Kinh: Kinh A Di Đà PDF trọn bộ cho bạn đọc tụng – HT Thích Trí Tịnh dịch

Kinh Vô Lượng Thọ

Kinh Vô Lượng Thọ miêu tả thế giới phương Tây của Phật A Di Đà và dạy con người cách sống thanh tịnh, giữ giới luật và niệm danh hiệu Phật A Di Đà để thoát khỏi nghiệp bất thiện và được tái sinh nơi Tịnh độ của Phật. Tích lũy công đức sẽ đạt thành tựu viên mãn.

Nội dung Kinh: Kinh Vô Lượng Thọ trọn bộ file PDF cho bạn đọc tụng

Kinh Dược Sư

Là người Phật tử, tìm hiểu và đọc các giáo lý, chúng ta hiểu được rằng cuộc sống của chúng ta chịu ảnh hưởng, chi phối của nghiệp cũ rất nhiều, nghiệp cũ có thể khiến chúng ta khỏe mạnh hay bệnh tật, chết yểu hay sống thọ, gặp tai nạn hay may mắn, cuộc đời sang hay hèn.

Vì vậy, khi tụng đọc Kinh Dược Sư, chúng ta sẽ được nghe Phật dạy cách phải sống thế nào, phải tu tập tâm thế nào, chúng ta làm tất cả các thiện hạnh, rồi chuyển hóa tâm, phát khởi thiện tâm. Đó là cái chúng ta được chuyển hóa nghiệp. Do chuyển hóa nghiệp, vâng theo lời Phật dạy như thế mà chúng ta được tiêu trừ bệnh tật, thọ mạng được kéo dài. Chứ không phải chúng ta chỉ đến rồi khấn Phật xin cho con được khỏe mạnh, được sống dai. Không Đức Phật nào phù hộ thế được, mà phải là sự tu tập chân thật. Đó là điều mà đạo Phật khác với các đạo khác, các tôn giáo khác: phải tu tập chân thật, không phải chỉ là cầu xin.

Nội dung Kinh: Kinh Dược Sư PDF để bạn tụng đọc – HT Thích Trí Quảng

Kinh Phổ Môn

Tên gọi thông thường của bài kinh này là Phẩm Phổ Môn, Kinh Phổ Môn hay Kinh Quán Thế Âm và gọi đủ là Quan Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm. Đây là bài kinh nói về hạnh nguyện độ sanh của Bồ tát Quan Thế Âm, và thông qua đó, giới thiệu cách “quán chiếu” cuộc đời để đạt được giác ngộ và giải thoát như phương pháp tu tập phổ biến và có hiệu quả trong cõi Ta bà.

Kinh Phổ Môn chủ yếu được tụng vào các dịp cầu an, cầu bệnh, cầu tai qua nạn khỏi, cầu gia đạo bình an, cầu quốc thái dân an, cầu mưa hòa gió thuận, hay tụng vào những dịp khánh hỷ, lễ an vị Phật, lễ khai trương, lễ khởi công, lễ khánh thành, lễ tân gia, lễ sinh nhật, lễ đáo tuế, lễ cầu thọ, lễ chúc thọ …

Nội dung Kinh: Kinh Phổ Môn hay Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm PDF

Kinh Pháp Hoa

Đức Phật nói: ‘’Nếu có người nghe được Kinh Pháp Hoa, mà tùy hỉ cung kính thọ trì, nên biết người đó là bậc bất thối chuyển, phải biết người đó đã phát tâm Bồ Tát, đã được ba bất thối chuyển.

Nếu có ai tin nhận thọ trì Kinh Pháp Hoa đại thừa nầy, thì người đó trong quá khứ đã từng thấy vô lượng chư Phật, và hay cung kính cúng dường, trồng xuống hạt giống căn lành. Nếu có người tin đạo lý Kinh Pháp Hoa, thì giống như thấy Phật.’’

Nội dung Kinh: Kinh Pháp Hoa hay Diệu Pháp Liên Hoa Kinh trọn bộ PDF

Tâm Hướng Phật/TH!

Bài viết cùng chuyên mục

Xen tạp là chướng ngại lớn nhất cho con đường vãng sanh

Định Tuệ

Lúc niệm khởi lên thì làm sao khống chế được nó?

Định Tuệ

Danh và Lợi làm hại tất cả người đời

Định Tuệ

Tinh tấn Ba la mật là gì? Nghị lực siêu nhiên

Định Tuệ

Gieo duyên Phật pháp mà gặp người nghịch duyên phải làm sao?

Định Tuệ

Tin sâu nguyện thiết, thật thà niệm Phật, bạn nhất định thành tựu

Định Tuệ

Chỉ riêng có pháp môn Tịnh Độ là đới nghiệp vãng sanh

Định Tuệ

Pháp môn nào, kinh điển nào khế cơ nhất?

Định Tuệ

Không có vị Phật nào chẳng tán thán A Di Đà Phật

Định Tuệ

Viết Bình Luận