Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Hướng dẫn cách chép kinh cho người mới bắt đầu

Giá trị nhất của việc chép Kinh là chuyển hóa bản thân. Nhờ chép Kinh mà Phật tử có cơ hội để nương theo giáo pháp để học hỏi, tu tập, hành trì…

Mặc dù hiện nay có nhiều người thực tập chép kinh, nhưng những thông tin cần thiết về việc chép kinh cho người mới bắt đầu, thì có lẽ không phải ai cũng nắm rõ. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về chủ đề này, để có cái nhìn chính xác về việc chép kinh Phật.

1. Người mới bắt đầu chép kinh cần biết

Chép kinh là viết lại những lời dạy của Đức Phật Thích Ca đã được ghi chép trong kinh điển sang tập vở trắng. Nhờ việc chép kinh, Phật tử có cơ hội hiểu sâu hơn những lời Thế Tôn đã dạy. Từ đó, chúng ta sống và thực hành theo những lời dạy cao quý ấy.

Chép kinh có ý nghĩa gần giống với tụng kinh. Tuy nhiên khi tụng kinh, do thời gian đọc tụng nhanh chóng, chúng ta có thể lướt qua nhiều ý pháp mà chưa kịp thấu rõ. Trái lại khi chép kinh, Phật tử có thời gian nghiền ngẫm sâu sắc từng lời kinh.

Lễ bái, thuyết giảng, thọ trì, đọc tụng, biên chép kinh Phật đều là những phương pháp hành trì rất quý báu, vì có thể đem nhiều sự lợi ích lớn lao cho con người. Ngày nay, kinh điển Phật giáo đã có nhiều bản dịch ra tiếng Việt, rất dễ dàng cho Phật tử biên chép.

2. Những giá trị to lớn của việc chép kinh

Chép kinh là một phương pháp thực tập phổ biến xưa và nay. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ việc chép kinh có tác dụng gì. Nhất là trong bối cảnh công nghệ kỹ thuật phát triển như ngày nay, tại sao chúng ta còn phải chép kinh bằng tay?

Ngày xưa, việc chép kinh chủ yếu với mục đích là lưu giữ và truyền bá kinh điển Phật giáo. Ngày nay, Phật tử thực hành chép kinh Phật với ý nghĩa học tập giáo pháp của Đức Thế Tôn, từ đó đưa vào áp dụng trong đời sống thực tiễn. Đó là ý nghĩa của việc chép kinh.

Ngoài ra, khi chép kinh là lúc chúng ta buông bỏ những muộn phiền của đời sống, toàn tâm toàn ý dõi theo từng lời dạy của Phật. Những phiền muộn, âu lo, bất an… của đời sống thế tục sẽ được tạm gác lại, để chúng ta có dịp tắm mình trong dòng sữa pháp.

Đó là những giá trị của việc chép kinh cho người mới bắt đầu cần biết. Khi đã hiểu rõ những điều này, Phật tử sẽ nhận thấy chép kinh là cơ hội giúp mỗi người nuôi dưỡng tâm hồn từ những lời dạy cao quý của Đức Thế Tôn để tiến tu hơn nữa.

3. Cách chép kinh cho người mới bắt đầu

Trong thực tập chép kinh cho người mới bắt đầu, việc lựa chọn kinh điển là vấn đề cần được quan tâm. Chúng ta nên lựa chọn những kinh điển gần gũi với mình. Đó có thể là những kinh điển mà mình thường xuyên trì tụng tại nhà, tại các đạo tràng, hoặc theo truyền thống của hệ phái mà mình đang tu học.

Khi chép kinh, Phật tử cần giữ sự thanh tịnh thân tâm. Chúng ta đọc kỹ và viết kỹ từng chữ, thực hiện một cách chậm rãi tránh sai sót. Đồng thời, chúng ta cũng nên suy nghĩ về những lời dạy này và cố gắng ghi nhớ trong khả năng có thể. Vì có ghi nhớ, chúng ta mới dễ dàng đưa vào hành động trong thực tế.

Giá trị nhất của việc chép kinh vẫn là chuyển hóa bản thân. Nhờ chép kinh mà Phật tử có cơ hội để nương theo giáo pháp để học hỏi, tu tập, hành trì… Do vậy, sau những lời dạy cao quý mà mình biên chép, chúng ta nên thành tâm phát nguyện trừ bỏ các việc xấu, thực hiện nhiều việc lành, mang đến an lạc cho đời.

Tuy nhiên, chỉ chép kinh thôi thì chưa đủ. Phật tử cần giữ gìn năm giới cấm để vun bồi thiện nghiệp: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Đồng thời, chúng ta tích cực làm các việc lành như bố thí, cúng dường, trì giới, thiền định…

Khi biên chép, chúng ta cần giữ ba nghiệp thanh tịnh: tay viết, miệng đọc, đầu suy nghĩ. Như vậy, chúng ta sẽ có được sự tập trung vào lời kinh để chiêm nghiệm một cách sâu sắc.

  1. Chép chậm, từ từ, không nên nôn nóng, không mong chép nhanh cho xong.
  2. Cố gắng nắn nót chữ cho đẹp, khi chép đến tên danh hiệu Phật Bồ Tát thì cần phải viết hoa,….
  3. Khi chép phải đặt lòng tôn kính Kinh ở một mức độ cao nhất, thiêng liêng nhất.
  4. Thêm vào đó, cần phải thể hiện lòng biết ơn Chư Tổ đã có công lao biên soạn và kết tập kinh điển, cũng như giữ gìn lưu truyền, để ngày hôm nay, những thế hệ sau mới có kinh để học, để tu.
  5. Khi chép cần mặc quần áo trang nghiêm, chọn nơi để ngồi chép phải yên tĩnh, vị trí thoáng mát, sạch sẽ.
  6. Không những bản thân chép, mà cũng nên tạo cơ hội, giới thiệu, khuyến khích cho người khác như bạn bè, hàng xóm, con cháu trong gia đình,…. để họ cũng có cơ hội được chép, giúp họ gieo phước lành, kết duyên với Tam Bảo.

Hướng dẫn cách chép kinh cho người mới bắt đầu

4. Cách tác bạch trước khi chép Kinh

Hôm nay ngày … tháng … năm … Đệ tử … Pháp danh… quy đầu Tam Bảo, nguyện chép Kinh …, hồi hướng công đức cầu nguyện cho bản thân, cho thân nhân, cho chúng sinh, tất cả cùng được thành tựu đại bi thắng phước. Cúi mong Phật đức từ bi không thể nghĩ bàn, ban ơn gia hộ.

Nguyện cho con trong đời này kiếp này và muôn đời sau, con xin Đức Phật A Di Đà chứng giám cho lòng thành của con. Nguyện cho con làm bất cứ mọi điều Phước lành hoặc công Đức tu tập được trong một ngày, mỗi giờ, mỗi khắc, mỗi giây hoặc trong một đời và nhiều đời trước, con xin hồi hướng cho Cửu huyền thất tổ, ông bà nội ngoại, đa sanh phụ mẫu, ân sư đời đạo, tất cả người thân thuộc của con từ nhiều đời nhiều kiếp trước và hiện đời này.

Con nguyện hồi hướng công đức chép Kinh này cho Pháp giới chúng sinh, cho linh hồn ông bà tổ tiên thân gia quyến thuộc của con trong từ vô thỉ kiếp đến nay; cho cha mẹ, anh em, vợ (chồng), con của con nhiều đời nhiều kiếp trước và hết thảy các oan gia trái chủ của con trong từ vô thỉ kiếp đến nay. Con cầu nguyện Tam Bảo phóng quang gia hộ cho hết thảy cùng lìa khổ được vui, đồng vãng sanh Tây phương Tịnh Độ”.

Hồi hướng cho tất cả những người bị tai nạn đường phố và tất cả tai nạn khác, các vong linh thai nhi bị sẩy thai, bị loại bỏ, hồi hướng cho các chủng tử trên thân thể của tôi, nguyện chư vị có thể nghe được Phật pháp, phát tâm đại sám hối, sám hối những ác nghiệp đã tạo trong quá khứ, sớm vãng sinh thiện đạo, lìa khổ được vui”.

Hồi hướng cho những chiến sĩ vô danh, những vong hồn không người thân thích, tất cả các chúng sanh khắp 10 phương pháp giới, tất cả những oan gia trái chủ có ân oán với con từ vô lượng kiếp. Mong cho họ nghe được, hiểu thấu được kinh tạng mà phát tâm Bồ đề, quy đầu Tam Bảo thoát khổ được vãng sanh Tây phương cực lạc nơi Đức Phật A Di Đà, để tất cả chúng sinh thoát khỏi đau khổ trong vòng lục đạo.

Nguyện ơn trên Tam Bảo gia hộ độ trì cho con luôn luôn được trải lòng thương yêu khắp tất cả chúng sanh, dù thế giới hữu hình hay vô hình. Xin cho con biết thương yêu loài người, loài vật và chúng sanh trong địa ngục cho đến cỏ cây. Cho con luôn được giữ lòng khiêm hạ, luôn luôn thấy mình như cỏ rác, cát bụi. Nguyện trong đời này và nhiều đời nhiều kiếp về trước nếu con làm điều gì có ích, những công đức tu tập, những Phước báu mỗi ngày con xin chia sẻ những công đức, phước đức của con đến khắp pháp giới chúng sanh.

Nguyện cho con khi bỏ báo thân này con và tất cả các chúng sinh được vãng sanh Tây phương cực lạc. Cúi mong đức Phật A Di Đà từ bi không thể nghĩ bàn, ban ơn gia hộ cho chúng sinh, tất cả cùng được thành tựu đại bi thắng phước. Ngưỡng nguyện đại bi Quan thế Âm cùng Phật pháp tăng vô thượng Tam Bảo mật thuỳ chứng minh gia hộ. Con phát tâm với lòng thành kính.

Xin mời tất cả oan gia trái chủ, các vong linh Chư thiên Hộ pháp cùng chắp tay theo con cùng con đọc tụng, chép Kinh. Nguyện Đức Phật chứng giám cho lời cầu nguyện của con được thành tựu mỗi ngày luôn tăng trưởng. Nguyện cầu tất cả được vãng sanh Tây phương cực lạc. Nam Mô A Di Đà Phật.

5. Nhờ chép 3 dòng Kinh chết xuống âm phủ được Diêm Vương tha mạng

Trương Chí Đạt, người quận Thiên Thủy, viết chữ rất khéo, nhưng thích đạo Lão, không tin Phật pháp. Một hôm, ông đến chơi nhà bạn, thấy đang chép kinh Đại Bát Nhã, lại ngỡ là kinh đạo tiên, hỏi: Anh viết kinh Lão Tử đó phải không?

Người bạn đùa cợt đáp: Phải.

Chí Đạt mừng rỡ, lại giành bút chép vừa được ba hàng, biết chẳng phải kinh đạo tiên, giận dỗi đứng dậy bỏ ra về.

Qua ba năm, Chí Đạt bị bệnh rồi chết, trải qua một đêm bỗng sống lại rơi lệ thương khóc. Hôm sau, ông liền đến nhà bạn cũ, vừa mừng vừa cảm, sám hối tạ lỗi rằng: Anh thật là bậc đại thiện tri thức, khiến cho tôi được sống lâu, được phước cõi trời, mà tôi mê lầm không biết, ngày trước lại nổi giận với anh !

Người bạn kinh lạ hỏi: Tại sao anh lại nói lời ấy?

Chí Đạt đáp: Tôi chết xuống âm ty, vua Diêm La trông thấy quở rằng: “Ngươi là kẻ ngu si, chỉ tin tà kiến, không biết Phật pháp!”. Nói xong, Diêm Vương tra sổ bộ, đọc kể tội ác hơn hai mươi trang giấy. Chỉ còn nửa trang, Diêm vương bỗng chăm chú nhìn xem rồi mỉm cười bảo: “Ngươi có công đức lớn, là đã đến nhà bạn thân chép được ba hàng kinh Đại Bát Nhã, nay ân xá cho ngươi trở về nhân gian, hãy cố gắng thọ trì kinh ấy”.

Thuật xong, ông nói tiếp: Nhờ anh mà tôi được hoàn sinh, biết đường lối tu tập chân chính, đó chẳng phải là ân lớn sao?

Hàn huyên giây lát, Chí Đạt liền trở về nhà, xuất tiền mua giấy bút, rồi từ đó ở yên nơi thư phòng, chép được tám bộ kinh Đại Bát Nhã. Chép xong, ông thiết lễ trang nghiêm để cúng dường lên mười phương Chư Phật.

Năm được tám mươi ba tuổi, Chí Đạt không bệnh mà mãn phần. Trước khi chết, ông bảo người nhà rằng: Ta thấy nơi thân mình hiện ra đôi cánh, toàn là văn kinh Đại Bát Nhã. Có một ngàn Đức Phật đến rước ta vãng sinh về Tịnh độ.

Nói xong, ngồi chắp tay yên ổn qua đời.

Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Lục độ Ba la mật là gì? 6 phương tiện đưa người qua bờ giác

Định Tuệ

Hễ nghe Pháp, tụng Kinh, niệm Phật mà buồn ngủ phải làm sao?

Định Tuệ

Từ Bi và Trí Tuệ

Định Tuệ

Muốn vãng sanh Cực Lạc phải có tín tâm thanh tịnh, nguyện tâm kiên cố

Định Tuệ

Ta là cái gì? Thân thể này có phải là của ta?

Định Tuệ

Niệm Phật phải niệm cho thành thói quen

Định Tuệ

Lợi ích của Lạy Phật hàng ngày không thể nghĩ bàn

Định Tuệ

Vì sao cha mẹ bây giờ khó dạy con mình?

Định Tuệ

Thế nào gọi là Sa môn? Ý nghĩa Sa môn Thích tử

Định Tuệ

Viết Bình Luận