Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Hướng dẫn cách chép Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện

Chép Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện mang lại công đức thù thắng. Khi biên chép Kinh, chúng ta cần giữ ba nghiệp thanh tịnh.

Đối với những ai phát tâm chép kinh Địa Tạng, có được sự hướng dẫn chép kinh Địa Tạng là điều có ý nghĩa quan trọng. Nhờ biên chép kinh điển chính xác, Phật tử có cơ hội hiểu sâu hơn những lời Thế Tôn đã dạy. Từ đó, chúng ta sống và thực hành theo những lời dạy cao quý ấy.

1. Giới thiệu kinh Địa Tạng

Tông chỉ tu hành của Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện được thể hiện qua tám chữ: Hiếu đạo, Độ sanh, Bạt khổ, Báo ân.

Tựa đề của Kinh Địa Tạng là “U minh Giáo chủ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ tát Ma ha tát”. Có nghĩa là đấng giáo chủ cõi U minh là Bổn Tôn Địa Tạng Bồ tát. Một Ngài Bồ tát tên Địa Tạng, Ngài cầm trong tay phải một cây tích trượng và tay trái một hạt minh châu. Ngài xuống địa ngục làm giáo chủ, dùng tích trượng đập phá cửa địa ngục để cứu vớt chúng sinh, nếu chúng sinh chí thành niệm danh hiệu của Ngài. Tuy nhiên, đó có phải là ý nghĩa thực sự?

“Bổn” là Bổn tâm. “Tôn” là tôn quý, “Địa” là tâm địa, “Tạng” là Như Lai tạng. Chỉ có Bổn tâm mới là tôn quý nhất, đó là kho Như Lai tạng tâm địa; chỉ có Bổn tâm mới làm chủ được cõi U minh, tức làm chủ cõi địa ngục tham, sân, si của chính mình.

Địa ngục chính là địa ngục tham, sân, si. Chúng sinh khổ là do tham, sân, si đầy dẫy trong tâm, phiền não khởi phát. Muốn phá được cửa địa ngục này cần phải là Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình vậy. Quan trọng là bản thân nhận ra được bản tính Như Lai trong tâm, thì mình mới có thể đập phá được địa ngục tham, sân, si và cứu giúp chúng sinh muôn loài.

Nếu ta hiểu Ngài Địa Tạng là một vị Bồ tát có hình tướng rõ ràng, và có một cõi địa ngục thật sự, thì chúng ta sẽ ỷ lại vào tha lực, rồi vô tình gạt bỏ quy luật nhân quả. Nếu thật sự có một Ngài Bồ tát đủ khả năng đập phá cửa địa ngục, thì chúng ta khỏi cần tụng kinh, tọa thiền hay tinh tấn tu học, chỉ cần một lòng cầu Ngài Bồ tát, chờ đến lúc chết sẽ có Ngài đến cứu.

Như vậy thì tinh thần ỷ lại, dựa dẫm, mong chờ sự cứu rỗi của Ngài Bồ tát càng tăng lên. Quy luật Nhân Quả cũng không có ý nghĩa. Điều đó dẫn đến sự ra đời của Đức Phật cũng là vô nghĩa. Vậy tại sao chúng ta phải nỗ lực tu hành? Nếu chúng ta không dứt trừ các nghiệp ác nơi thân, khẩu, ý, thì có vị Bồ tát nào cứu vớt mình được? Chúng ta tu là tu tâm của chúng ta, nếu thanh tịnh cũng là thanh tịnh chân tâm; khi giác ngộ là giác ngộ tự tâm. Ngoài tâm sẽ không có cái gì cả.

Địa ngục chính là tham, sân, si, phiền não của chúng sinh. Địa ngục cũng chính là cảnh giới của ba nghiệp ác, từ thân khẩu ý phát sinh ra. Địa ngục là sự tối tăm ám chướng, là sự mê muội trong tâm thức của mỗi người. Đó chính là địa ngục tự tâm.

Phật nói kinh Địa Tạng là muốn cảnh tỉnh tất cả chúng ta dẹp bỏ tham sân si nơi tự tâm, tu tập ba nghiệp lành nơi tâm mình, rồi dứt nghiệp cũng nơi tự tâm và giải trừ vô minh tăm tối cũng nơi tự tâm. Cuối cùng trở về với Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình. Đó là nội dung cốt yếu của toàn bộ kinh Địa Tạng.

Về phần chính văn trong Kinh Địa Tạng, khi đọc kỹ và hiểu theo nghĩa lý sâu mầu của Kinh, ta sẽ thấy nhiều điều hết sức mới mẻ, mầu nhiệm. Khi hiểu rõ ý kinh, sự trì tụng mới đầy đủ ý nghĩa, đời tu của chúng ta mới đúng theo quỹ đạo tu hành; nếu không, chúng ta có thể rơi vào đường tà, vào mê tín, thì uổng một đời làm đệ tử của Đức Phật. Chúng ta là đệ tử Phật, tắm mình trong ánh hào quang của Phật, hào quang ấy là trí tuệ Phật tâm sẵn đủ của chính mình.

Toàn bộ kinh văn được chia thành 3 phần, với tổng cộng 13 phẩm. Đến với kinh Địa Tạng, chúng ta có thể học tập theo tấm gương từ bi rộng lớn của Bồ tát Địa Tạng. Mỗi người có thể tùy vào khả năng của bản thân mà làm những việc lành để giúp đỡ cho các chúng sanh.

Kinh Địa Tạng phổ biến ở các nước Phật giáo Đại thừa, sử dụng chủ yếu trong nghi thức cầu siêu cho người quá cố. Đặc biệt vào tháng Bảy âm lịch hằng năm, các chùa Phật giáo Bắc tông ở Việt Nam thường trì tụng kinh này trong suốt tháng.

Người Phật tử nếu chuyên tâm thọ trì, đọc tụng, biên chép kinh Địa Tạng sẽ có được nhiều công đức lớn lao, đặc biệt là hồi hướng đến người thân đã mất. Bởi, đây là vị Bồ tát phát nguyện cứu giúp chúng sanh trong cảnh giới địa ngục. Song, không phải ai cũng nhận được sự hướng dẫn chép kinh Địa Tạng.

2. Giá trị của việc chép Kinh Địa Tạng

Chép kinh Địa Tạng Vương Bồ tát là một trong những việc làm mang lại công đức. Điều này được chỉ dạy rõ trong Phẩm 6 của Kinh Địa Tạng. Phẩm này có tên là “Như Lai tán thán” nghĩa là Đức Phật khen ngợi Bồ Tát Địa Tạng.

Phần lớn nội dung của phẩm này về những lợi ích đối với các chúng sanh khi lễ bái và cúng dường Bồ Tát Địa Tạng, trì tụng và biên chép kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, khuyên nhủ người khác noi theo công hạnh của Bồ Tát Địa Tạng… Nhờ phước đức ấy mà chúng ta được chư Phật, Bồ tát, chư Thiên… gia trợ hộ trì.

Trong kinh Địa Tạng dạy rằng: “Người thiện nam, người thiện nữ nào tự mình biên chép kinh này, hoặc bảo người biên chép, hoặc tự mình đắp vẽ hình tượng của Bồ Tát, cho đến bảo người khác đắp vẽ, thì quả báo mà người đó thọ nhận tất được lợi ích lớn.”

Mục đích chính của chép kinh Địa Tạng là để hiểu sâu nội dung kinh điển và vận dụng vào trong cuộc sống, mang lại lợi lạc cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Biên chép gắn liền với thực hành thì lại càng quý báu hơn nữa. Do đó, Phật tử cần có sự hướng dẫn chép kinh Địa Tạng.

Hướng dẫn cách chép Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện

3. Hướng dẫn chép kinh Địa Tạng

Phật tử có thể phát tâm chép kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện tùy theo nguyện vọng và khả năng của mình. Tuy nhiên, đối với những người mới bắt đầu, chúng ta cần nắm rõ những hướng dẫn chép kinh Địa Tạng, để có thể thực hiện một cách có hiệu quả.

Khi chép kinh, Phật tử cần giữ sự thanh tịnh thân tâm. Chúng ta đọc kỹ và viết kỹ từng chữ, thực hiện một cách chậm rãi tránh sai sót. Đồng thời, chúng ta cũng nên suy nghĩ về những lời dạy này và cố gắng ghi nhớ trong khả năng có thể. Vì có ghi nhớ, chúng ta mới dễ dàng đưa vào hành động trong thực tế.

Giá trị nhất của việc chép kinh vẫn là chuyển hóa bản thân. Nhờ chép kinh mà Phật tử có cơ hội để nương theo giáo pháp để học hỏi, tu tập, hành trì… Do vậy, sau những lời dạy cao quý mà mình biên chép, chúng ta nên thành tâm phát nguyện trừ bỏ các việc xấu, thực hiện nhiều việc lành, mang đến an lạc cho đời.

Tuy nhiên, chỉ chép kinh thôi thì chưa đủ. Phật tử cần giữ gìn năm giới cấm để vun bồi thiện nghiệp: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Đồng thời, chúng ta tích cực làm các việc lành như bố thí, cúng dường, trì giới, thiền định…

Phật tử có thể phát tâm chép kinh Địa Tạng tùy theo nguyện vọng và khả năng của mình. Khi biên chép, chúng ta cần giữ ba nghiệp thanh tịnh: tay viết, miệng đọc, đầu suy nghĩ. Như vậy, chúng ta sẽ có được sự tập trung vào lời kinh để chiêm nghiệm một cách sâu sắc.

  1. Chép chậm, từ từ, không nên nôn nóng, không mong chép nhanh cho xong.
  2. Cố gắng nắn nót chữ cho đẹp, khi chép đến tên danh hiệu Phật Bồ Tát thì cần phải viết hoa,….
  3. Khi chép phải đặt lòng tôn kính Kinh ở một mức độ cao nhất, thiêng liêng nhất.
  4. Thêm vào đó, cần phải thể hiện lòng biết ơn Chư Tổ đã có công lao biên soạn và kết tập kinh điển, cũng như giữ gìn lưu truyền, để ngày hôm nay, những thế hệ sau mới có kinh để học, để tu.
  5. Khi chép cần mặc quần áo trang nghiêm, chọn nơi để ngồi chép phải yên tĩnh, vị trí thoáng mát, sạch sẽ.
  6. Không những bản thân chép, mà cũng nên tạo cơ hội, giới thiệu, khuyến khích cho người khác như bạn bè, hàng xóm, con cháu trong gia đình,…. để họ cũng có cơ hội được chép, giúp họ gieo phước lành, kết duyên với Tam Bảo.
4. Cách tác bạch trước khi chép Kinh Địa Tạng

Hôm nay ngày … tháng … năm … Đệ tử … Pháp danh… quy đầu Tam Bảo, nguyện chép Kinh Địa Tạng, hồi hướng công đức cầu nguyện cho bản thân, cho thân nhân, cho chúng sinh, tất cả cùng được thành tựu đại bi thắng phước. Cúi mong Phật đức từ bi không thể nghĩ bàn, ban ơn gia hộ.

Nguyện cho con trong đời này kiếp này và muôn đời sau, con xin Đức Phật A Di Đà chứng giám cho lòng thành của con. Nguyện cho con làm bất cứ mọi điều Phước lành hoặc công Đức tu tập được trong một ngày, mỗi giờ, mỗi khắc, mỗi giây hoặc trong một đời và nhiều đời trước, con xin hồi hướng cho Cửu huyền thất tổ, ông bà nội ngoại, đa sanh phụ mẫu, ân sư đời đạo, tất cả người thân thuộc của con từ nhiều đời nhiều kiếp trước và hiện đời này.

Con nguyện hồi hướng công đức chép Kinh Địa Tạng này cho Pháp giới chúng sinh, cho linh hồn ông bà tổ tiên thân gia quyến thuộc của con trong từ vô thỉ kiếp đến nay; cho cha mẹ, anh em, vợ (chồng), con của con nhiều đời nhiều kiếp trước và hết thảy các oan gia trái chủ của con trong từ vô thỉ kiếp đến nay. Con cầu nguyện Tam Bảo phóng quang gia hộ cho hết thảy cùng lìa khổ được vui, đồng vãng sanh Tây phương Tịnh Độ”.

Hồi hướng cho tất cả những người bị tai nạn đường phố và tất cả tai nạn khác, các vong linh thai nhi bị sẩy thai, bị loại bỏ, hồi hướng cho các chủng tử trên thân thể của tôi, nguyện chư vị có thể nghe được Phật pháp, phát tâm đại sám hối, sám hối những ác nghiệp đã tạo trong quá khứ, sớm vãng sinh thiện đạo, lìa khổ được vui”.

Hồi hướng cho những chiến sĩ vô danh, những vong hồn không người thân thích, tất cả các chúng sanh khắp 10 phương pháp giới, tất cả những oan gia trái chủ có ân oán với con từ vô lượng kiếp. Mong cho họ nghe được, hiểu thấu được kinh tạng mà phát tâm Bồ đề, quy đầu Tam Bảo thoát khổ được vãng sanh Tây phương cực lạc nơi Đức Phật A Di Đà, để tất cả chúng sinh thoát khỏi đau khổ trong vòng lục đạo.

Nguyện ơn trên Tam Bảo gia hộ độ trì cho con luôn luôn được trải lòng thương yêu khắp tất cả chúng sanh, dù thế giới hữu hình hay vô hình. Xin cho con biết thương yêu loài người, loài vật và chúng sanh trong địa ngục cho đến cỏ cây. Cho con luôn được giữ lòng khiêm hạ, luôn luôn thấy mình như cỏ rác, cát bụi. Nguyện trong đời này và nhiều đời nhiều kiếp về trước nếu con làm điều gì có ích, những công đức tu tập, những Phước báu mỗi ngày con xin chia sẻ những công đức, phước đức của con đến khắp pháp giới chúng sanh.

Nguyện cho con khi bỏ báo thân này con và tất cả các chúng sinh được vãng sanh Tây phương cực lạc. Cúi mong đức Phật A Di Đà từ bi không thể nghĩ bàn, ban ơn gia hộ cho chúng sinh, tất cả cùng được thành tựu đại bi thắng phước. Ngưỡng nguyện đại bi Quan thế Âm cùng Phật pháp tăng vô thượng Tam Bảo mật thuỳ chứng minh gia hộ. Con phát tâm với lòng thành kính.

Xin mời tất cả oan gia trái chủ, các vong linh Chư thiên Hộ pháp cùng chắp tay theo con cùng con đọc tụng, chép Kinh Địa Tạng. Nguyện Đức Phật chứng giám cho lời cầu nguyện của con được thành tựu mỗi ngày luôn tăng trưởng. Nguyện cầu tất cả được vãng sanh Tây phương cực lạc. Nam Mô A Di Đà Phật.

Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Tịnh độ, môn giải thoát đặc biệt – Niệm Phật, phương pháp dễ tu

Định Tuệ

Tụng Kinh ở nhà bị vong theo có đúng hay không?

Định Tuệ

Phẩm vị cõi Tịnh độ của đức Phật A Di Đà

Định Tuệ

Thiện có thật giả

Định Tuệ

Âm đức là gì? Thế nào là làm việc thiện tích âm đức?

Định Tuệ

Trong vô lượng vô biên nhân duyên, nhân duyên nào quan trọng nhất?

Định Tuệ

Sự linh ứng nhiệm mầu của Kinh Lăng Nghiêm

Định Tuệ

Lục độ Ba la mật: 6 nguyên tắc của đời sống Bồ Tát

Định Tuệ

Phát lồ là gì? Tinh thần phát lồ là tinh thần tự giác

Định Tuệ

Viết Bình Luận