Dưới đây là nội dung sách Sa Di Luật Nghi Yếu Lược, Lão pháp sư Thích Tịnh Không chủ giảng, Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa việt dịch.
Sa Di Luật Nghi Yếu Lược
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại Hoa Tạng Đồ Thư Quán, Đài Loan, năm 1994
Chuyển ngữ: Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh, nhuận sắc: Minh Tiến & Huệ Trang
Lời Trần Tình
Đối với hàng Phật tử tại gia, một nguyên tắc gần như bất di bất dịch là không được xem, đọc giới luật của hàng xuất gia, huống chi là chuyển ngữ cho mọi người cùng xem.
Sa Di Luật Nghi là giới luật của hàng xuất gia; do vậy, lẽ đương nhiên người Phật tử tại gia không nên lạm xem, lạm dịch. Tuy thế, trong các buổi thuyết giảng hoặc khai thị, Hòa Thượng Tịnh Không thường đặc biệt nhấn mạnh: Người tu Tịnh Tông sở dĩ niệm Phật không đạt được nhất tâm, hay tối thiểu không thể “niệm Phật thành phiến” là vì thiếu một cơ sở vững chắc là Tịnh nghiệp Tam Phước. Để thực hiện viên mãn Tịnh nghiệp Tam Phước, các đồng tu Tịnh Tông phải học và hành được những gì Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh, Sa Di Luật Nghi và Đệ Tử Quy đã dạy. Hòa Thượng nhấn mạnh, không những người xuất gia phải học kỹ Sa Di Luật Nghi mà tại gia đệ tử cũng phải học Sa Di Luật Nghi vì Sa Di Luật Nghi chính là chi tiết của việc thực hiện Thập Thiện Nghiệp Đạo.
Khi pháp sư Ngộ Sanh yêu cầu chúng tôi chuyển ngữ bài giảng này của Hòa Thượng Tịnh Không về Sa Di Luật Nghi sang tiếng Việt, chúng tôi cũng rất đắn đo, không biết có nên làm hay không. Tình cờ đọc lại lời Tổ Ấn Quang khuyên dạy ông Từ Úy Như trong Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên:
“Người chưa thọ giới chẳng được xem Luật Tạng:
1) Một là vì sợ kẻ chưa hiểu lý sâu, trông thấy hành vi của những người phạm giới cấm, chẳng biết là bậc Đại Quyền Bồ Tát thị hiện, vì mong Phật chế giới hòng lợi lạc cho đời sau, bèn hiện tướng chẳng như pháp để Phật có dịp chế lập giới, nêu khuôn phép. Do chẳng hiểu lý này, chỉ căn cứ vào những hành vi trước mắt, cho là khi Như Lai tại thế, các đệ tử Phật phần nhiều chẳng như pháp. Từ đấy, khởi lên tà kiến miệt thị Tăng chúng, tội đó chẳng nhỏ.
2) Hai là những chuyện trong Luật Tạng chỉ Tăng được biết, nếu để kẻ chưa phải là Tăng đọc được, rất có thể có kẻ ngoại đạo giả vờ dự vào hàng Tỳ-kheo, làm chuyện sai pháp, vu báng Phật pháp thì hại chẳng nhỏ.
Do vậy, nghiêm cấm như thế là để dự phòng. Còn như kẻ hảo tâm hộ pháp, giảo chánh, lưu thông, há có nên cứ tuân theo thường lệ chăng? Nếu chấp chặt vào lời ấy thì Luật phải do Tăng chép, Tăng khắc, Tăng in, Tăng truyền mới khỏi trái nghịch cấm chế của Phật. Vạn sự trong thiên hạ đều có lý nhất định, làm điều gì phải thuận theo cái lý nhất định, nhưng cách thực hiện thì phải tuân theo cái đạo thích nghi thời tiết, nhân duyên. Lý khế hợp với Quyền, pháp phù hợp cùng đạo mới nên”. Dựa theo lời dạy này, chúng tôi cảm thấy yên tâm chuyển ngữ mà không sợ làm chuyện trái phận vượt lẽ.
Hơn nữa, những gì được giảng dạy trong phần Sa Di Luật Nghi này, theo ngu ý, rất thiết thực trong vấn đề trì giới cho tất cả mọi người con Phật, có thể vận dụng làm cương lãnh cho việc tu trì của Tịnh nghiệp hành nhân nói riêng và thọ trì giới luật nói chung, nên chúng tôi mạo muội dịch ra với tâm nguyện góp phần tạo chút tư lương thô thiển cho các đồng tu. Tiếc là do một lý do nào đó, có lẽ vì thời gian hạn chế, Hòa Thượng Tịnh Không chỉ giảng có năm buổi, rồi không tiếp tục giảng nữa. Nếu việc làm đường đột, vượt pháp này có chút công đức nào thì xin hồi hướng cho pháp giới chúng sanh cùng được dự vào hải hội của đức từ phụ A Di Đà. Trân trọng cảm tạ công sức giảo chánh và nhuận sắc của hai đạo hữu Minh Tiến và Huệ Trang khiến cho dịch phẩm này được gãy gọn và lưu loát hơn. Nguyện lịch đại oán thân và các đồng tu Tịnh nghiệp nhờ công đức này đều cùng vãng sanh Cực Lạc.
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa kính bạch!
Mời quý bạn đọc sách Sa Di Luật Nghi Yếu Lược – Hòa Thượng Tịnh Không chủ giảng tại file PDF dưới đây.