Cho nên, các vị phải đọc thuộc “Đệ Tử Quy”, nghe cho rõ, đọc cho thuộc. Chúng ta cũng đã có tuổi rồi, nói phải học thuộc lòng thì cũng hơi khó, cho nên chỉ cần đọc thuộc.
Có một bà mẹ dắt đứa con gái đi ra phố mua đồ thì gặp một người bạn. Người bạn này hỏi bé gái: “Sao con chưa đi học?”. Đứa bé còn nhỏ cho nên liền hỏi lại mẹ: “Mẹ ơi! Đi học để làm gì?”. Kết quả người bạn này liền nói: “Đi học thì có thể kiếm được nhiều tiền”. Tốt rồi! Phải cẩn thận từ buổi ban đầu. Nếu như các vị là người mẹ thì phải làm sao? Thời nay giá trị quan như vậy chiếm tỷ lệ rất lớn! Người mẹ này liền nắm lấy cơ hội, bà đưa mắt cho người bạn ra hiệu đừng nói tiếp nữa. Rồi bà nói với con gái: “Đi học quan trọng nhất là để học tài năng, bởi vì sau khi có tài năng chúng ta mới có thể giúp đỡ được người khác, có thể cống hiến cho xã hội. Chúng ta cần phải ghi nhớ rằng: “Một quốc gia, một xã hội là một thể thống nhất phải hỗ trợ lẫn nhau”.
Khi trẻ nhỏ cảm nhận được xã hội là phải giúp đỡ lẫn nhau, một khi thái độ này của chúng đã hình thành thì khi đối mặt với người của các ngành nghề chúng sẽ tôn trọng, sẽ biết cảm ơn. Nhưng nếu như mục đích học tài năng của chúng chỉ để kiếm được nhiều tiền, thì sau này chúng nhìn những ngành nghề với con mắt gì? “Nghề này kiếm được bao nhiêu tiền?”. Chúng sẽ khinh khi những ngành nghề kiếm được ít tiền. Trong lòng có sự thiên lệch về mục đích đối với học vấn thì sẽ đi ngược đường với đạo đức, với học vấn ngay.
Cho nên người mẹ này đã hướng dẫn con gái, nói rằng phải học tài năng. Học tài năng thì rất trừu tượng. Con gái thì còn nhỏ như vậy. Bởi vì họ vừa ở trong siêu thị đi ra và mua được một ít bánh bao chay, cho nên người mẹ lập tức nói: “Thì giống như chú lúc nãy đó, bởi vì chú ấy có tài năng, chú ấy biết làm bánh bao chay, chú ấy có thể giúp chúng ta làm bánh bao chay để chúng ta có đồ ăn. Cho nên chúng ta phải cảm ơn chú ấy. Nhưng để cảm ơn chú ấy, chúng ta có thể mang con gấu, đồ chơi của con để tặng cho chú ấy không? Hay tặng chú ấy chiếc xe đồ chơi của con? Chú ấy chưa chắc đã nhận. Cho nên chúng ta cảm ơn chú ấy thì đưa một ít tiền để cảm ơn chú ấy. Chú ấy có thể dùng số tiền này để mua những thứ chú ấy cần”. Lấy lý do như vậy để hướng dẫn cho con cái mục đích của sự học tập là làm tăng thêm tài năng để phục vụ người khác. Khi trẻ nhỏ có được thái độ như vậy chúng sẽ không dễ gì mà kiêu ngạo.
Tôi cũng từng thấy một người bạn hai mươi mấy tuổi. Lần đầu gặp anh ấy, thấy anh ấy cao hơn tôi, đẹp trai hơn tôi, và cũng đã học sách Thánh Hiền. Chúng tôi xem xong đều rất vui mừng. Bởi vì anh ấy còn học trước tôi nên tôi cũng mừng thay cho anh, tôi liền khen ngợi anh một hồi, nói: “Anh thật hiếm có!”. Và cứ khen ngợi như vậy. Lần đầu tiên gặp mặt thì có thể khen ngợi hết lời như vậy được không? Không được!
Cho nên lời nói thì phải thận trọng. Tôi đã không làm tốt, đã không kìm nén được tâm trạng vui mừng của mình, đã khen ngợi anh ấy hết lời. Sau đó sống cùng nhau hơn một tuần, tôi quan sát thấy những chi tiết nhỏ trong sinh hoạt của anh không được thích đáng lắm. Bởi vì anh ấy kém tôi không ít tuổi, cho nên chúng tôi cũng giữ lấy thái độ tôi là người anh cả của anh ấy và cũng lấy mặt vui vẻ và lời nhẹ nhàng để góp ý với anh ấy, “di ngô sắc, nhu ngô thanh” (mặt ta vui, lời ta dịu). Kết quả khi tôi vừa nói ra thì sắc mặt anh ấy liền thay đổi. Tôi cũng là người rất nhạy bén. Thực ra là định khuyên nhủ, nhưng khuyên được một nửa thì tôi dừng lại. Bởi nếu như anh ấy không nghe, lúc đó sẽ tạo ra tình thế căng thẳng thì lần sau rất khó mà nói chuyện với nhau. Từ câu chuyện này, tôi cũng lĩnh hội được một điều: Khen ngợi người khác thì phải dựa vào đức hạnh để khen ngợi. Nếu không thì chân thật là người được khen sẽ mê muội trong những tiếng khen ngợi mà quên mất mình.
Chúng ta khen ngợi một đứa bé vì nó dám lấy đôi dép mới của mình để cho bạn học đi. Chúng ta cũng tiến thêm một bước giao hẹn với nó sau này sẽ làm tấm gương tốt về đạo đức và phẩm hạnh cho mọi người noi theo. Cho nên tại sao người anh cả thời ngày xưa lại rất là ưu tú, cũng rất biết đảm đương trách nhiệm. Tại sao vậy? Ngay từ nhỏ cha mẹ đã giao hẹn với chúng rằng: “Cha mẹ làm việc rất vất vả, rất khó nhọc, ở nhà con phải chăm sóc, dạy bảo các em”. Khi chúng có được sự giao ước, được giao trách nhiệm thì năng lực tự nhiên sẽ tăng trưởng nhanh chóng. Cho nên trong quá trình chúng ta dạy bọn trẻ câu Kinh văn này, cũng sẽ có rất nhiều cơ hội chúng ta có thể tận dụng được để dạy bảo.
“Hoặc ẩm thực, hoặc tọa tẩu. Trưởng giả trên, ấu giả hậu” (Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng. Người lớn trước, người nhỏ sau), kỳ thực tuy lễ nghi này chỉ là một chi tiết nhỏ trong cuộc sống, nhưng điều quan trọng nhất của nó là tạo cho bọn trẻ có lòng cung kính. Cho nên học vấn chân chính của trẻ nhỏ chính là cái ý muốn của chúng. Có một câu nói rằng: “Học vấn hay nhất của loài người là biết nghĩ cho người khác. Đây mới đích thực là học vấn hay nhất”.
Con trai lớn của Phạm Trọng Yêm được ông đặt tên là Phạm Thuần Nhân. Sự quan tâm của những bậc làm cha, làm mẹ đối với con cái thì tỉ mỉ, chu đáo từng li, từng tí một. Ngay đặt tên cũng là để giáo dục con cái. Mục đích đặt tên của chúng ta là thông qua cái tên để giao ước với con cái, để chúng luôn luôn cảnh tỉnh chính mình. Cho nên Phạm Trọng Yêm đặt tên cho con trai của ông là Thuần Nhân, như ngầm giao ước với con ông rằng “luôn luôn phải có được trái tim nhân từ”.
Chúng ta hãy xem chữ “nhân”, chữ tượng hình, hội ý, bên trái là chữ “nhân”, bên phải là chữ “nhị”. Ý nghĩa gì vậy? Là chỉ hai người. Hai người nào vậy? Nghĩ đến mình thì cũng phải nghĩ đến người khác. Cho nên “kỷ sở bất dục, vật thí ư nhân” (điều mình không muốn thì không nên mang cho người khác), “kỷ sở dục, thí ư nhân” (điều mình mong muốn thì cũng mang cho người khác). “Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” (Những điều mình muốn làm cho mình thì cũng nên làm cho người khác, điều mình muốn đạt được thì cũng muốn người khác đạt được). Từ nhỏ bọn trẻ đã biết được đây là sự giao ước của người cha đối với chúng, tự nhiên chúng sẽ luôn luôn khích lệ chính mình, đôn đốc mình làm theo phương hướng này.
Phạm Thuần Nhân chân thật đã không phụ lòng kỳ vọng của cha ông. Bởi vì có một lần, Phạm Trọng Yêm nói với con trai rằng ông có năm trăm đấu lúa mạch, muốn Phạm Thuần Nhân giúp ông chuyển từ kinh thành về quê nhà ở Giang Tô. Kết quả trên đường đi thì gặp ngay người bạn của cha, một người bạn cũ của cha. Người bạn cũ của cha đã kể chuyện gia cảnh của ông là cha mẹ đã mất mà không có tiền chôn cất, lại còn có con gái chưa gả chồng được. Cuộc sống rất nghèo khó. Phạm Thuần Nhân nghe xong lập tức mang năm trăm đấu lúa mạch đi bán, rồi lấy số tiền này đưa cho vị trưởng bối. Kết quả là vẫn không đủ tiền. Vậy giúp người thì phải giúp đến cùng. Tiễn Phật thì phải tiễn đến Tây Phương. Cho nên ông lập tức bán chiếc thuyền chở lúa mạch đi thì mới đủ tiền.
Sau khi giải quyết xong xuôi, Phạm Thuần Nhân quay về kinh thành gặp cha và cùng cha ngồi xuống. Ông bắt đầu báo cáo lại với cha rằng giữa đường đã gặp lại người bạn cũ của cha như thế nào, cuối cùng ông đã quyết định bán năm trăm đấu lúa mạch đi để giúp người bạn của cha. Ông nói: “Nhưng vẫn chưa đủ tiền”. Phạm Trọng Yêm liền ngẩng đầu lên nói với con trai: “Vậy là con đem bán luôn chiếc thuyền phải không?”. Kết quả con trai ông nói: “Cha à! Con đã bán nó rồi”. Cho nên mới nói, cha con đồng lòng thì gia đạo sẽ bền lâu không suy bại. Nhà họ Phạm có lòng nhân hậu như vậy liệu có bị thiệt không? Không bị thiệt mà còn được đại phúc.
Cha tôi đặt tên cho tôi cũng là giao ước với tôi rằng, phải giữ lễ nghĩa cho tốt. Hơn nữa tôi còn có cảm giác đó là sứ mệnh, phải đem lễ nghĩa giống như chín mặt trời để làm cho nó phát triển, làm rạng rỡ nó. Như vậy chúng ta mới không phụ lòng cha đã đặt tên cho chúng ta.
Cho nên học vấn phải được trưởng dưỡng, phải có lòng nhân ái, lòng cung kính. Tại sao học hành lại có thể thay đổi được tính tình? Thay đổi từ đâu? Từ trong nội tâm. Bởi vì trong Kinh điển, ví dụ lấy “Đệ Tử Quy” để nói, những câu giáo huấn như: “Hoặc ẩm thực, hoặc tọa tẩu. Trưởng giả trên, ấu giả hậu. Trưởng giả lập, ấu vật tọa. Trưởng giả tọa, mệnh nãi tọa” (Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng. Người lớn trước, người nhỏ sau. Người lớn đứng, nhỏ chớ ngồi. Người lớn ngồi, cho phép ngồi). Khi trẻ nhỏ đọc đến đoạn Kinh văn này thì chúng từ từ sẽ đi thực hành. Hơn nữa, khi chúng đang thực hành những hành vi này thì nó sẽ từ ngoài mà từ từ nội hóa thành ý định của chúng. Lòng cung kính này của chúng sẽ càng ngày càng vững chắc hơn. Lòng cung kính đã vững chắc thì lòng thành ở trong tâm tự nhiên sẽ làm thay đổi tính tình. Bởi vậy, nếu con cái học Kinh văn mà không đi thực hành thì có thể thay đổi được tính cách không? Hiệu quả sẽ hạn chế. Cho nên học phải đi đôi với hành.
(Trích từ bài giảng Đệ tử quy của Thầy Thái Lễ Húc)!