Bốn Chúng Vãng Sanh là tập sách viết những truyện có thật đời xưa tu Tịnh độ được vãng sinh Tây phương của đủ các hạng người xuất gia lẫn tại gia…
Lời tựa
Từ lâu, phần lớn các chùa nước ta đều tụng kinh A-di-đà vào thời công phu chiều, một số chùa còn tổ chức đạo tràng niệm Phật để hướng dẫn Phật tử tu tập, rất nhiều Phật tử tụng kinh A-di-đà và niệm Phật tại nhà. Việc tu tập pháp môn Tịnh độ hiện đang trở nên phổ biến khắp nơi. Dù người xuất gia hay tại gia, hễ có niềm tin vững chắc, phát nguyện thiết tha và chuyên cần thực hành liên tục thì đều được vãng sinh, bởi Phật đã dạy chỉ cần niệm Phật một ngày không loạn tâm thì cũng được vãng sinh. Nhưng trong thực tế, nhiều người vì các nhân duyên khách quan hay chủ quan khác nhau khiến lòng tin dao động, chạy theo các duyên, hoặc tu tập không chuyên, đang tu niệm Phật mà nghe nói ngồi thiền chứng được thần thông hay trì mật chú được linh nghiệm thì liền bỏ niệm Phật để tu Thiền hoặc tu Mật. Thật ra, pháp môn nào cũng đều do Đức Phật dạy, đều dẫn đến quả vị giác ngộ. Chỉ vì người dụng tâm và thực hành không đúng lời Phật dạy nên việc tu tập không đạt được thành tựu mà thôi.
Trong Đại Chính tạng, các tác phẩm: No. 2070 – Vãng sinh Tây phương Tịnh độ thụy ứng truyện, No. 2071 – Tịnh độ vãng sinh truyện, No. 2072 – Vãng sinh tập đều ghi chép nhiều truyện có thật đời xưa tu Tịnh độ được vãng sinh Tây phương của đủ các hạng người xuất gia lẫn tại gia, của cả loài vật. Ba tác phẩm này đã được các thành viên Ban dịch thuật Pháp Âm dịch ra tiếng Việt từ những năm trước đây nhưng chưa đủ điều kiện xuất bản. Nhằm phần nào giúp ích và có thể tạo thêm cảm hứng tu tập cho các hành giả của pháp môn Tịnh độ, nay chúng tôi biên tập ba dịch phẩm ấy lại thành tập sách này để cho xuất bản.
Trong khi biên tập, những truyện trùng nhau thì bỏ truyện ngắn gọn, giữ lại truyện đầy đủ, nhưng cũng lược bỏ chỗ rườm rà, đồng thời vẫn giữ đủ tất cả những lời ghi chú xác đáng trong bản No. 2072 của tác giả Châu Hoằng, vị đại sư nổi tiếng hoằng dương Tịnh độ vào thời nhà Minh, Trung Quốc. Việc sắp xếp thứ tự các truyện trong sách cũng dựa vào bản No. 2072.
Hôm nay, quyển sách này đủ nhân duyên ra đời được, chúng con xin được thành kính gửi lời tri ân trước hết đến Thượng tọa Thích Nguyên Chơn – Chủ nhiệm Ban Dịch thuật Pháp Âm đã từ bi chỉ dạy rất ân cần, chu đáo mọi việc, kế đến thầy Định Huệ đã hết lòng hướng dẫn một phần quyển sách.
Chúng tôi cũng chân thành cảm niệm công đức của các thiện hữu tri thức và Phật tử đã hỗ trợ công sức và tài chính cho việc ấn hành quyển sách này. Nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho người đọc, trong khi chuyển ngữ và biên tập, chúng tôi đã cố gắng giữ chính xác tối đa nội dung của nguyên bản chữ Hán, tuy nhiên, thật khó tránh khỏi sai sót ngoài ý muốn. Chúng tôi thành thật xin lỗi về điều ấy, đồng thời, kính mong đón nhận được sự hoan hỉ phủ chính của chư Đại đức tăng, ni, Phật tử, các bậc thức giả.
Nguyện hồi hướng công đức có được khi thực hiện bộ sách này cho tất cả hành giả nguyện sinh An Dưỡng đều được an lạc trong hiện tại và sẽ thành tựu Tịnh nghiệp mai sau.
Lưu học xá Huyền Trang, trọng xuân-Quý Tị (2013)
Thay lời các thành viên biên dịch Chúc Đức kính ghi.
Sa Môn Vãng Sanh
1. Thích Tuệ Viễn
Sư họ Giả, người Lâu Phiền, Nhạn Môn. Thuở nhỏ, Sư theo người cậu đi học ở các nơi như Hứa Xương, Lạc Dương, v.v… nên hiểu rộng kinh sử, am tường Lão Trang.
Năm hai mươi mốt tuổi, Sư muốn qua Giang Đông đến học với Phạm Tuyên Tử, nhưng đường giao thông phía nam trở ngại, nên chí nguyện không thành.
Lúc bấy giờ, ngài Đạo An ở núi Thái Hành hoằng dương Phật pháp, danh tiếng truyền lan khắp nơi. Sư liền đến đó, hết lòng cung kính nương theo tu tập. Sau, nghe ngài Đạo An giảng kinh Bát-nhã, Sư bỗng nhiên khai ngộ, than: Học thuyết của chín phái 1 đều là lúa lép mà thôi!
Từ đó, sư cùng người em là Tuệ Trì lễ ngài Đạo An xin xuất gia làm đệ tử. Vì có phong thái uy nghiêm, oai nghi điềm đạm, Sư được ngài Đạo An khen ngợi: Phật pháp lưu truyền ở Đông độ là nhờ Tuệ Viễn vậy!
Năm hai mươi bốn tuổi, Sư lên tòa giảng pháp, có người đến hỏi về nghĩa thật tướng. Sư nhiều lần phân tích tỉ mỉ nhưng càng làm cho người hỏi tăng thêm mê mờ. Sư liền trích dẫn sách Trang Tử để thuyết minh nghĩa thật tướng của Phật giáo, khiến người học được hiểu rõ. Từ đó, ngài Đạo An cho phép Sư vận dụng các sách thế tục.
Niên hiệu Kiến Nguyên đời Tấn (343-344), ở Tương Dương nổi loạn, ngài Đạo An bị Châu Tự bắt, các đệ tử li tán mỗi người một nơi. Sư cùng với Tuệ Trì và vài chục người nữa đi đến Kinh Châu, ít lâu sau lại muốn đến La Phù. Vừa qua khỏi Tầm Dương, thấy ngọn Lô Sơn cao vút, Sư liền có ý thích ở lại nơi đó, nhưng ngặt nỗi nguồn nước cách xa. Sư lấy tích trượng dộng xuống đất nói: Nếu nơi đây có thể ở được, hãy khiến cho vùng đất khô cằn này có suối!
Sư vừa nói xong liền có dòng nước vọt lên. Về sau, Tầm Dương gặp hạn hán, Sư chỉ tay vào bên hồ nước, tụng kinh Long vương. Trong chốc lát, có con rắn lớn từ hồ bay vọt lên hư không, lát sau có trận mưa lớn. Nhân đó, nơi ấy có tên là Long Tuyền.
Bấy giờ, sa-môn Tuệ Vĩnh đang ở Tây Lâm, thỉnh cầu Sư đến cùng ở. Lại lo chỗ ở nhỏ hẹp, Tuệ Vĩnh bảo thứ sử Hoàn Y xây dựng thêm Đông Lâm cho Sư.
Trước đó, Đào Khản cai quản Quảng Châu, có người đánh cá vớt được trên biển một pho tượng với hình dạng rất lạ do vua A-dục tạc. Khản đem tượng tôn trí ở chùa Hàn Khê, Vũ Xương. Chùa thường xảy ra hỏa hoạn nhưng pho tượng vẫn còn nguyên. Sau đó, Đào Khản dời đi cai quản ở quận khác, vì pho tượng ấy vẫn còn linh ứng nên ông sai người mang tượng theo, nhưng rốt cùng không thể nhấc tượng lên được. Ông đến chỗ Sư thành tâm cầu nguyện, thì pho tượng nhẹ nhàng tự đến, do đó biết được Tuệ Viễn là bậc tu chứng, đã cảm ứng điềm lành.
Ân Trọng Kham ở Kinh Châu đến Lô Sơn cùng đàm luận với Sư về kinh Dịch cả ngày cũng không thấy mỏi mệt. Kham ca ngợi: Tri thức của ngài thật quá uyên thâm, khó ai sánh bằng!
Tư đồ Vương Mật, Hộ quân Vương Mặc đều khâm phục uy đức của Sư, hết mực cung kính. Vương Mật gửi thư nói: Tôi tuổi chưa tới bốn mươi mà đã già suy như kẻ sáu mươi, thật quá buồn về sự suy kém của mình!
Sư đáp: Người xưa không tiếc vàng ngọc mà chỉ quý thời giờ, chỉ quan tâm đến những gì đã làm được chứ không chú trọng sống lâu!
Bấy giờ, Tống Vũ đánh phá quanh Lô Tuần, đóng quân ở Tang Vĩ. Cận thần tâu: Tuệ Viễn là tố vương 2 ở Lô Sơn, có mối thâm giao với Lô Tuần.
Tống Vũ nói: Tuệ Viễn là người mô phạm, đâu có phân biệt kia đây. Nhân đó, ông sai sứ mang thư, tiền, gạo cúng dường cho Sư.
Vua Tần là Dao Hưng ca ngợi Sư là người có tài năng và tư tưởng phong phú, nhiều lần gửi thư ban tặng. Luận Đại trí độ mới in xong, Dao Hưng liền gửi quyển luận cho Sư. Sư nói: Bộ luận này do bồ-tát Long Thụ soạn, là yếu chỉ của kinh Phương đẳng. Nếu không có bậc Đại Sĩ thì ai có thể viết lời tựa?
Bấy giờ, Hoàn Huyền chinh phạt Trọng Kham. Ông đến thẳng chân núi, mời Sư rời Hổ Khê nhưng Sư từ chối. Huyền một mình lên núi. Cận thần đều tâu: Trọng Kham là kẻ phạm pháp mà còn hết lòng cung kính Tuệ Viễn, chỉ có ngài là không kính ông ấy!
Huyền nói: Trọng Kham là kẻ tầm thường, ta và hắn đâu có giống nhau?
Sau đó, gặp Tuệ Viễn, ông ta đột nhiên đến kính lễ, tuy trong lòng có nhiều nghi hoặc nhưng không dám nói ra. Ông hỏi về kế sách chinh phạt, Sư không trả lời. Ông vặn hỏi nguyên do, Sư đáp: Việc binh bị tôi chưa học qua.
Huyền nói: Vậy ngài đáp ứng gì cho tôi?
Sư đáp: Mong ông được an ổn, đối phương cũng như vậy.
Hoàn Huyền ra khỏi núi, bảo cận thần: Người này quả thật từ khi sinh ra đến giờ, ta chưa từng thấy. Sao ta lại khinh thường Sư?
Sau đó, Huyền dùng uy quyền gọi Sư đến, lại ban hành chỉ dụ bắt sa-môn phải lễ bái quốc vương. Quan Thượng thư lệnh Hà Sung, Bộc xạ Chữ Dực, Gia Cát Khôi, v.v… đều trình tấu trình lên nhà vua việc bắt các quan phải thực thi chỉ dụ. Việc tranh luận những quan điểm đồng dị của các quan, ý kiến chưa được thống nhất.
Sư soạn Sa-môn bất kính vương giả luận, gồm năm thiên trình lên, Huyền liền thôi, không buộc sa-môn kính lễ nữa. Hoàn Huyền đi đến phía tây, An đế từ Giang Lăng quay về kinh thành, Phụ quốc Hà Vô Kị yêu cầu Sư ra nghinh tiếp vua. Sư lấy cớ bị bệnh để khước từ. Vua viết thư thăm hỏi vượt hơn thường tình, Sư lại dâng thư tạ ơn: “Thích Tuệ Viễn cúi đầu bái tạ ơn đức cao dày che chở. Bần đạo đây tuổi đã cao, thân lại mang bệnh, sức khỏe suy kém, được chiếu thư ân tình thăm hỏi, rất cảm kích, khắc ghi trong lòng”. Vua xem thư, viết chiếu thư ca ngợi hồi đáp.
Trần Lưu, Tạ Linh Vận cậy tài kiêu mạn, ít được người quí mến, nhưng khi tiếp xúc với Sư thì hết lòng cung kính, tín phục. Vả lại, Sư trong thì uyên thâm Phật pháp, ngoài thông suốt Nho học, ở Lô Sơn ba mươi năm chưa từng xuống núi. Lưu Di Dân ở Bành Thành, Lôi Thứ Tông ở Dự Chương, Chu Tục Chi ở Nhạ Môn, Tất Dĩnh Chi ở Tân Thái, Tông Bính ở Nam Dương, Trương Dã ở Thanh Hà cùng bỏ hết vinh hoa phú quý ở đời, theo nương tựa nơi Sư. Sư cùng một trăm hai mươi ba người như Lưu Di Dân, … thành lập Tịnh xã, ở trước tượng A-di-đà thành tâm lập nguyện cầu sinh về nước An Dưỡng”.
Sau đó, Sư bảo Lưu Di Dân khắc lại lời văn ấy. Thời ấy gọi đó là Liên xã, vì mọi người nơi đó đồng tâm lập nguyện sinh về Tịnh độ.
Sư lấy việc hoằng pháp làm trách nhiệm chính yếu của mình. Mỗi lần nghe có tăng từ Tây Vực đến, Sư liền khiêm cung đến tham vấn đạo lí. Vào niên hiệu Thái Nguyên (376 – 396), có sa-môn Tăng- già-nan-đề nước Kế-tân đến Tầm Dương, Tuệ Viễn thỉnh ngài dịch bộ A-tỳ-đàm tâm luận và Tam pháp độ luận.
Sau đó, ngài La-thập đến Quan Trung, khoảng cách đôi bên xa xôi, Sư đốt hương tưởng cầu và viết thư thăm hỏi. La-thập từ lâu cũng đã nghe danh Sư nên hồi thư giao hảo và làm năm bài kệ tán thán Sư. Từ đó, Nam Bắc nghìn dặm thường thư từ qua lại thăm hỏi không ngừng.
Ngày mồng một tháng tám niên hiệu Nghĩa Hi thứ mười hai (416), Sư phát bệnh. Đến ngày mồng sáu, bệnh càng thêm trầm trọng. Các vị trưởng lão đều đỉnh lễ khẩn cầu Sư uống rượu đậu thị. Sư nói: Trong luật không cho dùng rượu chữa bệnh.
Mọi người mời uống nước gạo rang thì Sư từ chối: Đã quá giờ ngọ rồi!
Các vị trưởng lão lại mời uống nước hòa với mật, Sư lại bảo luật sư xem trong luật có cho phép hay không. Luật sư lật tìm chưa được nửa quyển thì Sư đã viên tịch.
Sư thọ tám mươi ba tuổi. Đạo tục tập vân tập đông đủ. Thái thú Nguyên Bảo ở Tầm Dương cùng với các đệ tử Pháp Tịnh, … an táng Sư ở Sơn Tây. Linh Vận, Tông Bính là những bậc hiền nhân danh tiếng thời bấy giờ, kính thương nhớ nghĩ công đức của Sư, nên khắc bài văn bia.
Lúc sinh thời, Tuệ Viễn tu pháp môn Tịnh độ, chuyên cần trì niệm. Ban đầu ở Lô Sơn mười một năm, tịnh tâm nhiếp niệm, ba lần thấy được tướng thù thắng mà Sư vẫn im lặng không nói. Sau đó mười chín năm, vào đêm ba mươi tháng bảy, Sư ở khám phía đông trên đài Bát-nhã vừa xuất định thì thấy thân Phật A-di-đà ở khắp cả hư không, trong vầng ánh sáng có các hóa Phật, có các bồ-tát Quan Âm, Thế Chí đứng hầu hai bên. Lại thấy có dòng nước rực rỡ chia thành mười bốn nhánh, chảy từ trên xuống dưới, tự giảng thuyết khổ, không, vô thường, vô ngã. Phật bảo Sư: Ta vì tâm nguyện của ông mà đến đây tiếp dẫn. Sau bảy ngày nữa, ông sẽ sinh về thế giới Cực Lạc!
Sư cũng thấy Phật-đà-da-xá, Tuệ Trì, Đàm Thuận ở bên cạnh Đức Phật. Các ngài đến trước Sư xá chào nói rằng: Pháp Sư phát nguyện trước chúng tôi, vì sao đến chậm trễ vậy?
Chứng kiến rõ ràng như thế với tinh thần minh mẫn, Sư liền kể lại hết cho các đệ tử như Pháp Tịnh, Tuệ Bả, v.v… Nhân đó, Sư dạy Pháp Tịnh rằng: Ta ở đây mười một năm, mong muốn thấy được ba tướng thù thắng của Tịnh độ. Bây giờ đã được thấy, nhất định ta sẽ sinh Tịnh độ!
Sau đó bệnh càng ngày càng nặng, Sư bảo Pháp Tịnh rằng: Trong vòng bảy ngày, ta sẽ qua đời. Các con hãy tự cố gắng, đừng để tình cảm bi lụy ở thế gian ràng buộc.
Bảy ngày sau, quả nhiên Sư viên tịch. Ghi chú Trước đời Tấn, pháp môn Tịnh độ tuy đã được biết ở Trung Quốc, có những vị hết lòng xiển dương và ra sức hành trì, khiến cho mọi người đều biết, nhưng từ ngài Tuệ Viễn, trải qua muôn đời sau, những người đệ tử tu theo pháp môn Tịnh độ đều suy tôn Ngài là thỉ tổ pháp môn này. Có thể nói: Đức Thích-ca nói về thế giới phương Tây (Cực Lạc), Phật A-di-đà hiện thân ở cõi nước phương Đông (Ta-bà). Công đức ấy không lớn ư? Ngày xưa tôi đến Lô Sơn uống nước suối Hổ Khê, ngắm nhìn đền Tam Tiếu, lui tới tham quan những di tích của mười tám bậc hiền đức, thấy thật qui mô, đủ cho muôn vị tăng ở, nhưng nay chính điện, phòng xá bị bụi phủ kín, chuông trống im lìm, cảnh trí hoang vu, cửa nẻo đóng kín, bếp núc nguội lạnh. Than ôi! Các bậc hiền đức mất rồi, sự nghiệp không người nối tiếp!
Mời quý bạn đọc Bốn Chúng Vãng Sanh – Chúc Đức và các thành viên dịch tại file PDF dưới đây.
[pvfw-embed viewer_id=”3620″ width=”100%” height=”600″ iframe_title=”Tâm Hướng Phật” zoom=”auto” pagemode=”none”]