Thái Thượng Cảm Ứng Thiên giảng giải trọn bộ gồm 128 tập – Lão Pháp Sư Hòa Thượng Tịnh Không chủ giảng. Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore.
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên là một quyển sách khuyến thiện tốt nhất trong kho tàng kinh điển của Đạo gia, được Ngài Đại Sư Ấn Quang hết sức tán thán. Đại Sư Ấn Quang một đời cung kính ấn tống Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, ước khoảng có hơn ba triệu bản. Hơn nữa, Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Lão Pháp sư Tịnh Không cũng đều khích lệ người đời “khuyến đọc, khuyến hành, khuyến in, khuyến giảng”.
Quyển sách này cùng với Đệ Tử Quy, Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh là ba căn bản của Nho – Thích – Đạo, bất luận là ai cũng phải từ ba căn bản này mà học tập vun bồi cội rễ, như thế mới có thể đạt được thành tựu chân thật trong một đời.
Đại Sư Ấn Quang khuyên thọ trì Thái Thượng Cảm Ứng Thiên: Tính người vốn thiện, nhưng do đối cảnh gặp duyên, không gắng lòng kiểm soát, dần dần khởi niệm chấp trước, sinh tâm yêu ghét, khởi các loại tình kiến, bản tính bị mai một đều vì những thứ như thế cả. Thế nên Thánh nhân thời xưa rủ lòng thương ban lời dạy dỗ, kỳ vọng người đời theo đó mà làm, nhằm hồi phục cái tâm vốn thiện. Lời dạy tuy có nhiều, nhưng đều không ngoài việc “cách vật trí tri, minh minh đức, chỉ ư chí thiện”.
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Các vị đồng học, xin chào mọi người! Gần đây, có một số đồng tu yêu cầu tôi giảng lại Thái Thượng Cảm Ứng Thiên lần nữa, và mong muốn được đưa đến đài truyền hình để phát sóng. Đây là một việc tốt, thế nhưng thời gian giảng lại cũng tương đối dài. Gần đây, chúng tôi đã bắt đầu giảng kinh Hoa Nghiêm, kinh Vô Lượng Thọ và kinh Địa Tạng. Cùng lúc giảng ba bộ kinh này đã là nhiều rồi, nay lại thêm một loại nữa, tôi cảm giác khối lượng công việc quá nặng. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi tranh thủ thời gian nửa giờ vào mỗi buổi sáng, chúng tôi dự định từ hai đến ba tháng sẽ giảng viên mãn khóa trình này.
Khóa trình này thực tế mà nói là rất trọng yếu. Cuối triều Thanh đầu thời Dân Quốc, Ấn Quang Đại sư đặc biệt đề xướng pháp môn này. Cuối đời nhà Thanh, Ấn Quang Đại sư đang ở núi Phổ Đà, lúc đó Tri huyện Định Hải lên núi lễ thỉnh Ấn Quang Đại sư đến huyện Định Hải giảng kinh hoằng pháp. Đại sư là người Sơn Tây, giọng nói địa phương của Ngài rất khó nghe nên có trở ngại về mặt ngôn ngữ. Ngài liền phái một vị Pháp sư khác đến huyện Định Hải để giảng kinh. Pháp sư giảng kinh gì vậy? Hình như là giảng Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn. Chúng tôi từ trong tài liệu lịch sử xem thấy thông tin này thì rất kinh ngạc. Trưởng quan địa phương thỉnh Pháp sư đến giảng kinh, nhưng Pháp sư không giảng kinh Phật mà giảng kinh điển của Đạo giáo. Đặc biệt là cả đời Ấn Tổ cực lực đề xướng những loại sách như Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên, cho nên người đời sau phê bình Ấn Tổ rất nhiều. Đây đều là tri kiến của phàm phu.
Trong Phật pháp, tôi nghĩ rất nhiều đồng tu đều biết một câu nói như thế này: “Viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên (người viên mãn thuyết pháp, không pháp nào chẳng viên mãn)”, và có lẽ mọi người cũng nghe qua câu: “Pháp nào không phải là Phật pháp?”. Chúng ta thử nghĩ, hai câu nói này là ý gì? Thực tế cái gọi là thế pháp cùng Phật pháp là từ đâu mà phân biệt vậy? Từ nơi tâm của bạn mà phân biệt. Còn ở nơi pháp thì không có cái gì là thế gian pháp và xuất thế gian pháp cả, không có phân hai. Là từ nơi tâm của bạn mà phân chia. Nếu như tâm của bạn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì đó gọi là thế gian pháp, cho dù bạn học Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh thì đó cũng là thế gian pháp. Tại sao vậy? Vì không ra khỏi tam giới. Nếu lìa khỏi phân biệt chấp trước thì hết thảy pháp đều có thể liễu sanh tử, xuất tam giới. Cho nên, có pháp nào không phải là Phật pháp chứ? Chúng ta cần phải hiểu rõ đạo lý này.
Mời quý bạn đọc Thái Thượng Cảm Ứng Thiên trọn bộ 128 tập – Lão Pháp Sư Hòa Thượng Tịnh Không chủ giảng tại những file PDF dưới đây.
Tập 1|Tập 2|Tập 3|Tập 4