Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Nhập Pháp Giới – Cư Sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng giảng giải

QUYỂN BA – Chương 4

Chương bốn
09 tháng 12, 1990

Hôm nạy là buổi thuyết giảng tiếp về phần cuối của kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập pháp giới…

Chúng ta đương ngừng ở vị thiện tri thức thứ 51 là ngài Di Lặc. Nếu vị nào có đem cuốn kinh Hoa Nghiêm thì nên mở ra theo dõi lời kinh, vì những đoạn sau này hay không thể tưởng tượng. Tất cả Phật pháp đều gói tròn trong ấy. Từ đoạn kinh này, cho đến khi Thiện Tài gặp ngài Phổ Hiền, nếu quí vị nghe những lời kinh mà thấy tâm hồn bay bổng, thì có lẽ không lâu lắm, chỉ kiếp này hoặc vài kiếp nữa, có thể khoác một thân hào quang đi dự những hải hội nhiệm mầu. Thực ra, các kinh đại thừa đều hay và vi diệu, nhưng không có một bộ kinh nào triển khai rõ rệt và nhiều chi tiết như trong kinh Hoa Nghiêm, vì vậy tôi hay lưu luyến Hoa Nghiêm một cách đặc biệt. Trong các kinh khác, như Pháp Hoa, Lăng Nghiêm v.v… ngài cũng nói những pháp thậm thâm vi diệu, nhưng ngài nói sơ lược thôi, mà chỉ trong Hoa Nghiêm ngài mới mô tả rõ. Tỷ dụ về không gian và thời gian, không có kinh nào nói rõ như Hoa Nghiêm, và cũng không có một tôn giáo nào khác nói rõ không, thời gian là vọng tưởng. Không gian kia là do những vọng tưởng vi tế kết thành, còn thời gian là nhịp đập bềnh bồng của những vọng tưởng vi tế ấy. Chân lý ấy, tương tự như quả tim đập, tâm lực đập thế nào thì thời gian dài hay ngắn đều tương ưng như thế, mà thọ lượng của chúng sanh dài hay ngắn cũng đều tùy thuộc vào nhịp đập ấy. Chưa có một nhà khoa học nào nhận được chân lý đó cả, riêng Hoa Nghiêm nói rất rõ. Cũng như trong phẩm Thọ lượng nói:

“Một kiếp ở Ta Bà này, tức là mười sáu triệu năm ở cõi Ta Bà, chỉ bằng một ngày, một đêm bên cõi Cực Lạc, rồi một kiếp ở cõi Cực Lạc chỉ bằng một ngày một đêm ở cõi Ca Sa Tràng Như Lai..”

Có nghĩa rằng tùy thuộc, là một hàm số của tâm thức và nghiệp lực chúng sanh, khi thì dàn trải rất mau chóng, khi dàn trải rất lê thê. Do đó, thọ mạng chúng sanh cũng sai khác, khi thì rất ngắn, có thể chỉ độ vài giây (như vi trùng), vài giờ, vài ngày, vài chục năm, khi rất dài hàng triệu năm, hay nhiều kiếp.

Và đây, những trang kinh cuối cùng của Hoa Nghiêm, phẩm nhập pháp giới.

KINH: Sau khi dùng vô lượng pháp xưng tán để tán dương chư Bồ Tát ở trong đại lâu các Tỳ Lô Giá Na Trang Nghiêm, Thiện Tài cung kính đảnh lễ nhất tâm nguyện thấy Di Lặc Bồ Tát để thân cận cúng dường, bèn thấy đức Di Lặc Bồ Tát từ chỗ khác đến…

GIẢNG: Trong đoạn kinh này có câu rất lạ, “từ chỗ khác đến…,” ngài không từ trong lâu các đi ra, nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng, tuy từ chỗ khác đến cũng vẫn ở trong cái tâm ấy thôi, ngài Di Lặc chỉ thị hiện theo tục đế (thế gian) như từ chỗ khác tới, chứ khôhg phải từ trong tâm ấy ra, nhưng chính là vẫn từ trong tâm ấy.

KINH: Vô lượng Thiên, Long, Bát, Bộ, Đế Thích, Phạm Vương, TứThiên vương, cùng vô lượng thân quyến và vô số chúng sanh theo Di Lặc Bồ Tát.

GIẢNG: Các vị tu hành cao, đi đến đâu cũng có nhiều cung điện, nhà cửa và nhiều chúng sanh, chư Thiên v.v… đi theo hầu.

KINH: Thiện Tài vui mừng hớn hở, gieo mình mọp lạy. Di Lặc Bồ Tát chỉ thị với đại chúng về công đức của Thiện Tài mà nói kệ rằng…

GIẢNG: Ngài Di Lặc đầu tiên gặp Thiện Tài liền nói ngay một bài kệ để khen ngợi công đức của Thiện Tài, khen ngợi để làm gương cho những chư Thiên, Long, Bát, Bộ và tất cả những thánh chúng theo hầu hiểu rằng đường tu hành phải như thế.

KINH:

Đại chúng xem Thiện Tài
Tâm trí huệ thanh tịnh
Vì cầu hạnh Bồ Đề
Nên đến lầu của ta.
Lành thay viên mãn từ
Lành thay thanh tịnh bi
Lành thay tịch tịnh nhãn
Tu hành không lười mỏi
Lành thay thanh tịnh ý
Lành thay quảng đại tâm
Lành thay bất thối căn…

GIẢNG: Khi một hành giả tu hành đến mức bất thối chuyển, sẽ nở ra một căn gọi là “Căn bất thối”. Trong kinh nói rõ, một vị Bồ Tát tu hành đến chỗ bất thối chuyển thì căn họ thanh tịnh. Ngược lại, trong thân căn chúng ta, vì còn nhiều nghiệp chướng,nên có tám vạn, bốn ngàn con thi trùng sống lúc nhúc ăn uống trong ấy. Như khi chúng ta đói, muốn ăn, thì cứ tưởng rằng ta đói, nhưng chính thật là những con thi trùng trong thân nó đói, nó đòi ăn, tóm lại, tất cả các cảm giác trong người chúng ta như đói, lạnh,nóng v.v… đều do những con thi trùng trong người chủ động cả. Trong kinh hay nói có tám vạn bốn nghìn con thi trùng trong người, nhưng cần phải hiểu con số tám vạn, bốn nghìn ấy là chỉ để tượng trưng cho một số nhiều. Đến khi một vị Bồ Tát tu hành tới bực bất thối chuyển thì thân căn các ngài rất thanh tinh, trong người không còn thi trùng nữa chỉ còn toàn những quang minh thanh tịnh mà thôi. Như vậy gọi là bất thối căn. Tỷ dụ như nhãn căn không đắm vào sắc, nhĩ căn dù nghe những âm thanh vi diệu, hay lưỡi nếm được mùi vị ngon v.v… cũng không còn bị đắm nhiễm.

KINH:

Lành thay bất thối căn
Tu hành không lười mỏi
Lành thay bất động hạnh
Thường cầu thiện tri thức…

GIẢNG: “Bất động hạnh” là bất cứ duyên nào đến các ngài cũng bình thản, an nhiên, bất động, không say đắm, không yêu ghét.

KINH:

Thấu rõ tất cả pháp
Điều phục các quần sanh
Lành thay hành diệu đạo
Lành thay trụ công đức…

GIẢNG: Phước lực và trí huệ các ngài nở lớn, thành một cái cột trụ công đức.

KINH:

Lành thay xu phật quả
Chưa từng có mỏi nhọc
Lành thay đức làm thể
Lành thay pháp tư nhuận.

GIẢNG: Lành thay vì Thiện Tài lấy đức làm thể và lấy pháp tư nhuận thân, tâm.

KINH: …(bỏ một đoạn kinh)…

Ngươi sẽ thấy chư Phật
Thấu rõ tất cả pháp
Nghiêm tịnh tất cả cõi
Thành tựu đại Bồ Đề…

GIẢNG: Ngài Di Lặc biết rằng Thiện Tài sẽ thành tựu Bồ Đề, tức là thành Phật.

KINH:

Sẽ viên mãn hạnh hải
Sẽ thấu rõ pháp hải…

GIẢNG: Thiện Tài sẽ viên mãn những hạnh nguyện nhiều như biển và thấu rõ những pháp lớn như đại hải.

KINH:

Sẽ độ chúng sanh hải
Tu các hạnh như vậy
Sẽ đến bờ công đức
Sẽ sanh những thiện phẩm
Sẽ đồng chư Phật Tử
Tâm quyết định như vậy
Sẽ dứt tất cả hoặc
Sẽ sạch tất cả nghiệp
Sẽ phục tất cả ma
Đầy đủ nguyên như vậy…

GIẢNG: Trong đạo Phật, vô minh làm khởi lên những hoặc lậu, (sự mê mờ lầm lạc) hoặc lậu tạo nên những nghiệp gọi là nghiệp lậu, từ nghiệp lậu chúng sanh phải chịu những sự khổ gọi là khổ lậu.

KINH:

Đầy đủ nguyện như vậy
Sẽ sanh diệu trí đạo
Chẳng lâu sẽ rời bỏ
Hoặc, nghiệp và khổ đạo
Tất cả chúng sanh luân
Trầm mê tam hữu luân.
Ngươi sẽ chuyển pháp luân.
Cho họ hết khổ luân.

GIẢNG: Tôi đã giảng nhiều lần ở đây về chữ “luân” rồi, nhưng hôm nay tôi xin nhắc lại vì có những vị mới đến. Tất cả pháp giới cái gì cũng xoay tròn, như chúng sanh luân, chúng sanh cứ xoay tròn trong sáu nẻo, hay “trầm mê tam hữu luân” là chúng sanh trầm khổ mê muội trong ba cõi xoay vần miên viễn không thôi nghỉ. “Ngươi sẽ chuyển pháp luân, cho họ hết khổ luân” những sự khổ của chúng sanh cứ xoay vần đi rồi trở lại, nên Bồ Tát độ sanh phải nói pháp cho chúng sanh hết khổ.

KINH:

Ngươi sẽ gìn Phật chủng
Ngươi sẽ tịnh pháp chủng
Ngươi hay họp tăng chủng
Tam thế đều cùng khắp
Sẽ cắt những lưới ái
Sẽ xé những lưới chấp
Sẽ cứu những lưới khổ
Sẽ thành những lưới nguyện.

GIẢNG: Nếu chúng ta suy nghĩ kỹ thì sẽ thấy các loài chúng sanh đều xoay tròn miên viễn không biết chỗ nào là đầu, là đuôi, vì vậy tất cả đều gọi là luân. Chúng sanh như bị nhốt trong những màng lưới, hệt như con ruồi sa vào lưới nhện. Những lưới đó là lưới gì? Lưới của khát ái, của chấp ngã,của tà kiến, của khổ v.v… Khi phá được những lưới ấy sẽ thành tựu những lưới nguyện.

KINH:

Sẽ độ chúng sanh giới
Sẽ tịnh quốc độ giới
Sẽ chứa trí huệ giới
Sẽ thành tâm nguyện giới.

GIẢNG: Đoạn trước kinh nói chữ “luân,” sau nói đến chữ “lưới” và đây thì nói đến chữ “giới” để chỉ rõ những mức độ tu hành đi lên.

KINH:

Sẽ làm chúng sanh mừng
Sẽ làm Bồ Tát mừng
Sẽ làm Chư Phật mừng
Sẽ thành sự vui mừhg
Sẽ thấy tất cả loài
Sẽ thấy tất cả cõi
Sẽ thấy tất cả pháp
Sẽ thấy thành của Phật
…(Bỏ một đoạn)…
Nếu vào pháp môn này
Thời đủ các công đức
Lìa hẳn các ác thú
Chẳng thọ tất cả khổ
Chẳng lâu bỏ thân này
Vãng sanh về Phật độ.

GIẢNG: Trong kinh lúc nào cũng luôn nhắc chúng ta có ước nguyện vãng sanh, vì chỉ khi được vãng sanh mới đắc được vô sanh pháp nhẫn, thành pháp thân Bồ Tát và làm viên mãn những hạnh độ sanh.

KINH:

Thường thấy thập phương Phật
Và cùng chư Bồ Tát
Nhơn trước, nay trí huệ
Và thờ thiện tri thức
Thêm lớn các công đức.

GIẢNG: Tại sao ngài Di Lặc lại khuyên Thiện Tài nên vãng sanh về Tịnh Độ, mà ngài lại không nói đến sở đắc của Thiện Tài như đắc được tứ thiền, tứ không định hay diệt tưởng định? Sở dĩ ngài nói vãng sanh là vì tất cả con đường tu hành dù tu theo phương pháp nào, dù thiền, dù Tịnh, dù Mật v.v… rồi cuối cùng cũng phải qua Tịnh Độ. Nên những vị tu thiền, nếu họ hiểu rõ, thì họ có thể ca ngợi pháp môn thiền, nhưng không nên chê bai Tịnh Độ, vì cuối cùng các vị đó cũng phải sang Tịnh Độ. Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm thập địa nói rõ, đến đệ thất địa, tức là viễn hành địa, vị Bồ Tát phải khởi tâm xin sang Tịnh Độ, vì sang đó mới có thể lên được vô sanh pháp nhẫn (đệ bát địa), mới gần được Chư Phật, để thiện căn ngày càng lớn, mới có thể thành Phật được. Còn tu thiền thì chỉ tu lên đến đệ thất địa rồi thôi, không cách gì có thể lên cao hơn được nữa. Nói theo ngôn ngữ nhà thiền là “thiền kiến tánh” thì Kiến tánh mới chỉ ở mức độ bước vào thức ấm, còn phải tu lục độ, vạn hạnh, lặn sâu để đến “Vô sanh nhẫn”, có thần thông nên phải sang Tịnh Độ, mới có vô sanh nhẫn được.

Trái lại, với nhục thân này không có cách gì làm đủ lục độ, vạn hạnh được. Tất cả kinh đại thừa kinh nào cũng nói như vậy. Nên một bậc A La Hán, các ngài tu vào đến không hải, tức là mấp mé vào thức ấm, ngồi trong đó tiêu dung những phiền não chướng thì gọi là giải thoát, (giải thoát khỏi những vọng tình), gọi là Niết Bàn của Thanh Văn. Nhưng rồi chư Phật mười phương lại khởi tâm từ bi, đưa các vị đó sang Biên địa của Tịnh Độ, các vị A La Hán ấy ngồi trong hoa sen nhiều kiếp, tắm trong hào quang của chư Phật, đến khi có thể nở ra trí cầu vô thượng tuệ giác và tâm đại bi muốn tu lên nữa để độ sanh. Lúc bấy giờ hoa sen mới nở, và các ngài tu lên nữa. Trong Hoa Nghiêm, nếu ta đọc kỹ có nhiều đoạn nói về vãng sanh, vì vậy, các vị tu theo thiền không nên chê pháp môn Tịnh Độ, hoặc tụng chú. Như ngài Hám Sơn (trong Thiền học tu tập) nhận rằng nhiều vị thiền sư cũng tụng chú mà các vị đó không nói ra mà thôi. Vì có tụng chú mới trừ được những vọng tưởng vi tế.

Ở đây, tôi cũng biết một vài vị thiền sư, vì quá say mê tu thiền nên hay bài bác Tịnh Độ, khiến lưu hại đến nhiều người khác. Có những người đi nghe về, bỏ hết, chẳng tụng kinh, chẳng niệm Phật, bàn thờ Phật cũng dẹp luôn, không có đi chùa. Đó là những nghiệp nặng không biết bao giờ vị thiền sư ấy trả mới hết. Nên phải cẩn thận, ta có quyền ca ngợi pháp môn của mình, nhưng không nên khinh chê những pháp môn khác, vì pháp môn nào cũng do Chư Phật ba đời nói ra.

Pháp môn Tịnh Độ là một pháp môn có ba bộ kinh nói, bộ thứ nhất là đức Thích Ca Mâu Ni Phật nói trong kinh A Di Đà, chư Phật mười phương phải hiện tướng lưỡi rộng dài mà nói rằng:

“Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm này… Xá Lợi Phất, nơi ý ông nghĩ sao, vì sao tên là kinh Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm? Xá Lợi Phất,vì nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào nghe kinh này mà thọ trì đó, và nghe danh hiệu của các đức Phật, thời những thiện nam tử cùng thiện nữ nhơn ấy đều được tất cả các đức Phật hộ niệm, đều được không thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.”

Nên nếu chê pháp môn ấy, hóa ra là phỉ báng tất cả chư Phật sao? Như trong bài kệ của ngài Di Lặc nói với Thiện Tài sau đây, tôi xin đọc lược cho quí vị nghe…

KINH:

Nếu vào pháp môn này
Thời đủ các công đức
Lìa hẳn các ác thú
Chẳng thọ tất cả khổ
Chẳng lâu bỏ thân này
Vãng sanh về Phật độ,
Thường thấy thập phương Phật,
Và cùng chư Bồ Tát
Nhơn trước, nay trí huệ
Và thờ thiện tri thức
Thêm lớn các công đức
Như nước mọc hoa sen.

GIẢNG: Sau khi sang được Tịnh Độ, được sống chung với các vị Phật và Bồ Tát, thiện căn của hành giả mỗi ngày một tăng, không thối chuyển. Điều này cũng dễ hiểu, như ta sống trong đời, giao du với toàn những bạn lành, tự nhiên ta cũng trở nên tốt, ngược lại, chơi với những người xấu, chúng ta cũng sẽ xấu, không khác được!

KINH:

Thích thờ thiện tri thức
Siêng cúng tất cả Phật
Chuyên tâm nghe chánh pháp
Thường tu chớ lười mỏi
Ngươi là chân pháp thí…

GIẢNG: “Chân pháp thí” là công cụ chân thật của pháp thí, vì làm gương cho kẻ khác.

KINH:

Thường đủ tất cả pháp
Sẽ tu tất cả đạo
Sẽ mãn tất cả nguyện
Ngươi dùng tâm tín giải…

GIẢNG: Trọng con đường tu hành của đạo Phật thường có mấy căn chính, là tín căn, tinh tấn căn, nguyện căn, giới căn, định căn và huệ căn. Căn đầu tiên là tín căn, tức là luôn phải có lòng tin vững chắc, đó là căn đầu tiên và cũng là căn cuối cùng, nên ngài Di Lặc nhắc lại cho Thiện Tài nhớ, cũng như khi Thiện Tài đến gặp ngài Văn Thù, ngài đâu có nói đến chuyện giới, định, huệ, mà ngài lại nhắc lại tín căn ấy, nên phải hiểu tín căn là gốc chính, nên chúng ta luôn khởi lòng tin ở giáo lý này, giáo lý Duy Tâm sở hiện.

Ngài Di Lặc tượng trưng cho Thủy Giác, còn ngài Văn Thù tượng trưng cho Căn Bản Giác, mà cả hai đều cùng nhắc đến tín căn ấy.

KINH:

Ngươi dùng tâm tín giải
Mà đến kính lễ ta
Chẳng lâu sẽ vào khắp
Tất cả Phật pháp hội
Lành thay chân phật tử
Cung kính tất cả Phật
Chẳng lâu đủ các hạnh
Đến bờ Phật công đức
Ngươi nên mau đến chỗ
Của Đại Trí Văn Thù
Ngài sẽ khiến ngươi được
Hạnh thâm hiểu Phổ Hiền.

GIẢNG: Ngài Di Lặc là Nhất Sanh Bổ Xứ, cũng có thể ngài đã thị hiện thành Chánh Giác ở nhiều cõi khác. Trong kinh thường gọi những vị tu như ngài Di Lặc, Thiện Tài là những vị tu đắc quả lớn, thuộc về Thủy Giác. Chúng ta sơ cơ, mới chỉ phát Bồ Đề Tâm thôi, có một chút ý niệm muốn trở về diệu tâm ấy cũng được gọi là Thủy Giác. Nhưng Thủy Giác tu lâu sẽ trở lại thành Căn Bản Giác. Ngài Văn Thù Sư Lợi tượng trưng cho biển diệu tâm, là Căn Bản Trí, cũng gọi là Căn Bản Giác, vì vậy, ngài Di Lặc khuyên Thiện Tài đến ngài Văn Thù, tức là nhập vào với Căn Bản giác ấy.

KINH: Thiện Tài nghe Di Lặc Bồ Tát ở trước đại chúng tán dương công đức tạng quảng đại của mình, liền vui mừng hớn hở, toàn thân rởn ốc, rơi lệ nghẹn ngào, đứng dậy chắp tay cung kính hữu nhiễu vô lượng vòng…

GIẢNG: Thiện Tài nghe ngài Di Lặc tán dương mình như thế liền vui mừng hớn hở, chúng ta cần hiểu rằng, không phải Thiện Tài vui mừng vì được ngài Di Lặc khen mình đâu, vì Thiện Tài gần như đã hết ngã chấp rồi. Nhưng vì ngài Di Lặc khen mức độ tu hành của Thiện Tài, nên dù sao, pháp hỷ và lòng tri âm của Thiện Tài cũng làm cho Thiện Tài toàn thân rởn ốc, rơi lệ nghẹn ngào…

Khi nào chúng ta đọc kinh mà cảm thấy toàn thân rởn ốc, rơi lệ nghẹn ngào là đã đến một mức độ khá rồi, vì đó là sự tác động vào thọ ấm, khiến chúng ta cảm động rơi lệ. Đọc kinh, lễ Phật, hay gặp một bậc thiện tri thức đạo hạnh cao mà ta thấy rơi lệ, đó gọi là “the gift of tears,” là vì tâm thức tác động mạnh vào thọ ấm. Nên phải hiểu rằng sự liên quan rất chặt chẽ của năm ấm với nhau là thế.

Như trong Thiên chúa Giáo, có một vài trường hợp của những bà Soeur chỉ có ngắm Chúa với một lòng tin sâu chắc mà trên thân hiện những vết đóng đinh của Chúa. Một trường hợp khác là có một vị linh mục, cũng rất nổi tiếng, vì hay có nhiều vết tích đóng đinh của Chúa trên thân, (tên gì tôi cũng quên mất), chỉ vì sự cầu nguyện và lòng tin mà ra. Nên phải hiểu thọ ấm tác động vào sắc ấm rất mật thiết, khi lòng thành kính đến mức độ tột cùng, đến độ rơi lệ nghẹn ngào, toàn thân rởn ốc thì lúc đó có thể có những hiện tướng kỳ diệu.

Vì trong Thiên chúa Giáo vẫn còn đặt nặng vào phần tình cảm (vọng tình) rất nhiều, không có Bát Nhã, nên hiện tướng rất mạnh, có thể có những công tác hạnh nguyện hy hữu, như có những bà soeur dâng hiến cả đời mình trong một trại cùi, cho rằng, thân xác này đã hoàn toàn dâng lên Chúa, đã đeo nhẫn đính hôn với Chúa nên nguyện làm tất cả những việc lành để đến khi mãn đời sẽ được lên cõi Chúa đời đời. Còn bên Phật giáo lại hơi khác, có thêm Bát Nhã khi khởi tâm Từ Bi, mà từ bi một cách bình đẳng vì trong đó đã nhuốm mùi Bát Nhã, vì từ bi mà không chấp, vì làm những hạnh nguyện mà không cầu mong quả báo, đó gọi là “vô công dụng hạnh.” và các bậc cao không ngừng thí thân để độ sanh.

KINH: Do sức tưởng niệm đức Văn Thù, nên bất giác những hoa Anh Lạc và Diệu Bửu bỗng nhiên đầy cả hai tay. Thiện Tài liền rải lên cúng dường Di Lặc Bồ Tát.

GIẢNG: Ở đây, ngài Thiện Tài quán tưởng cao và thần thông ghê gớm, nên khi ngài Di Lặc nhắc đến ngài Văn Thù, Thiện Tài chỉ cần tưởng niệm tới ngài Văn Thù thôi, (tưởng niệm đến ngài Văn Thù tức là tưởng niệm đến ngài Văn Thù thần hóa ấy, đi sâu vào tri kiến Phật) hoa Anh Lạc và Diệu Bửu hiện đầy cả hai tay. Nói một cách rõ hơn, Thiện Tài tưởng niệm diệu tâm ấy, Phật tri kiến ấy, rồi dùng sức của diệu tâm hiện ra đủ các thứ hoa và diệu bửu để đem lên cúng dường đức Di Lặc, cũng là cúng dường diệu tâm ấy, nhưng một đằng là thủy giác, một đằng là căn bản giác.

KINH: Thiện Tài nói kệ kính thưa:

Tôi nghĩ thiện tri thức,
Ức kiếp khó được gặp
Nay đều được thân cận
Và đến gặp được Ngài
Tôi nhờ Đức Văn Thù
Được thấy người khó thấy
Bậc đại công đức kia
Nguyện sớm về thờ kính.

GIẢNG: Trong bài kệ này đại khái Thiện Tài muốn nói rằng, con nhờ Đức Văn Thù mới có thể đến gặp được Ngài (Di Lặc). Nhưng đức Văn Thù, ngài Di Lặc và ngay cả Thiện Tài cũng chính là diệu tâm ấy, song trên phương diện thế tục thì nó hiện tướng lần lượt ra như thế.

KINH: Bạch Đại Thánh, tôi đã phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, mà chưa biết Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, thế nào tu Bồ Tát đạo? Đức Như Lai thọ ký cho đại thánh một đời sẽ chứng quả Vô Thượng Chánh Giác. Nếu là một đời sẽ được Vô Thượng Chánh Giác thời đã siêu việt tất cả chỗ sở trụ của Bồ Tát…

GIẢNG: Lúc trước,ngài Di Lặc ca ngợi con đường tu của Thiện Tài, thì ở đây, Thiện Tài lại nói rõ những siêu xuất của ngài Di Lặc, rằng ngài đã được đức Như Lai thọ ký rồi, “nếu là một đời sẽ được vô thượng chánh giác thời đã siêu việt tất cả chỗ sở trụ của Bồ Tát..,” Tức là Thiện Tài đang tán thán ngài Di Lặc. Một vì Bồ Tát tu hành bố thí ba la mật, nếu còn trụ vào đó thì vị Bồ tát ấy vẫn còn trụ, còn châp,giới v.v../Cũng thế, nếu còn chấp mình có đắc, có làm thì vẫn còn bị dính mắc, còn bị trụ vào trong pháp môn ấy. Nhưng ngài Di Lặc đã siêu việt tất cả sở trụ rồi, các thứ bậc ngài đã đi qua mà vì có Bát Nhã nên không trụ chỗ nào cả.

KINH: Thời đã xuất quá tất cả bậc ly sanh của Bồ Tát. Thời đã viên mãn tất cả ba la mật. Thời đã thâm nhập tất cả nhẫn môn. Thời đã dầy đủ Bồ Tát địa. Thời đã du hí tất cả Bồ Tát môn. Thời đã thành tựu tất cả pháp tam muội. Thời đã thông đạt tất cả Bồ Tát hạnh.

GIẢNG: Các vị tu cao, bao giờ gặp nhau cũng tán thán, không phải để khen tặng nhau, mà tán thán để cốt cho những người đời sau đọc những lời kinh họ sẽ khởi tâm trân trọng, kính tin và tu hành. Vì các ngài đã tu đến mức vô ngã, không cần sự ca ngợi làm gì.

KINH: Thời đã chứng được tất cả đà la ni biện tài. Thời đã ở trong tất cả Bồ Tát tự tại mà được tự tại. Thời đã du hí trí huệ phương tiện. Thời đã xuất sanh trí đại thần thông.

GIẢNG: Sau này, khi chúng ta đi vào Bát Nhã sẽ hiểu rõ thế nào là trí huệ phương tiện, mà các ngài “du hí” trong đó tức là các ngài làm chủ những phương tiện độ sanh ấy một cách thần kỳ. Nên trong nhà phật có chữ “phương tiện huệ,” thí dụ như một vị tu hành đắc được đến tam thiền, tứ thiền mà không có trí huệ phương tiện, thì lúc chết sẽ thọ sanh trên một trời nào đọ mà thôi. (Trí huệ phương tiện là lòng vừa đại bi, vừa bát hhã khiến vị Bồ Tát đó luôn nghĩ tưởng đến chúng sanh, đồng thời biết những phương cách tốt nhất để độ cho từng loài, hoặc từng chúng sanh.) Nhưng khi một vị đắc được tứ thiền, nhưng đồng thời hiểu được từ bi và bát nhã thì đáng lẽ ngài thọ sanh vào tầng trời tứ thiền để hưởng thiền lạc, thì trái lại thọ sanh xuống nhân gian, hay thọ sanh trong loài ngạ quỷ, súc sanh v.v… để độ chúng sanh, đó là “phương tiện huệ.” Trí huệ phương tiện thường đi đôi với phương tiện lực, thí dụ các vị thị hiện như là thai sanh, kỳ thực không phải là thai sanh mà là hóa sanh. Như Phật Thích Ca của chúng ta, ngài thị hiện gá vào thân Ma Gia Phu Nhân mà thôi. Nhưng Ma Gia Phu Nhơn không phải là một người mẹ thường, mà ngài chính là một vị Bồ Tát có đại nguyện trí huyễn,nguyện làm mẹ của tất cả chư Phật những điều đó đều là những phương tiện, cũng là trò du hí của Bồ Tát.

KINH: Thời dã du hí trí huệ phương tiện. Thời đã xuất sanh trí đại thần thông. Thời dã thành tựu tất cả học xứ.

GIẢNG: Mỗi chỗ tu tập cũng đều gọi là học xứ. Đoạn này, đọc lược thế cũng đủ.

KINH: …(Bỏ một đoạn)… Đã có thể khắp sanh tất cả Phật pháp, đã có thể mau lên bậc nhất thiết trí.

GIẢNG: Đó là đoạn kinh Thiện Tài ca ngợi ngài Di Lặc.

KINH: Bạch Đại Thánh, Bồ Tát thế nào học bồ tát hạnh, thế nào tu bồ tát đạo? Thế nào tùy chỗ tu học mau được đầy đủ tất cả Phật pháp, đều có thể độ thoát chúng sanh đã nhớ đến, có thể thành mãn những đại nguyện dã phát …(bỏ một đoạn)…, chẳng dứt tam bảo, chẳng hư tất cả phật chủng, bồ tát chủng, có thể gìn pháp nhãn của tất cả Chư Phật?

Những sự trên đây xin Đại Thánh chỉ dạy cho…

Di Lặc Bồ Tát quán sát tất cả chúng hội nơi đạo tràng, chỉ dạy Thiện Tài rằng…

GIẢNG: Ngài Di Lặc trước khi chỉ dạy cho Thiện Tài, lại quán sát chúng hội đạo tràng, có nghĩa rằng, không riêng gì dạy cho Thiện Tài mà còn dạy cho tất cả đại chúng nữa.

KINH: Này đại chúng, các ngài thấy Đồng tử này đương hỏi tôi về công đức của Bồ Tát hạnh đây chăng? Đồng tử này dũng mãnh tinh tấn,… đồng tử này thọ giáo nơi đức Văn Thù,… đồng tử này rất là khó có. Đồng tử này xu hướng đại thừa…, Đồng tử này phát tâm cứu hộ tất cả chúng sanh…, Đồng tử này vì những người bốn dòng hữu lậu (vô minh lậu, hoặc lậu, nghiệp lậu và khổ lậu) cuốn trôi mà tạo thuyền đại pháp, vì những người bị sình lầy kiến châp lún chìm mà lập cầu đại pháp. Vì những người bị si tối làm hôn mê mà thắp đèn đại trí, vì những người đi trong đồng hoang sanh tử mà khai thị chánh đạo. (bỏ một đoạn)… Với những người bị ác thú thời trao cho họ tay từ bi. Với những người bị hại về ngũ uẩn thời chỉ cho họ thành Niết Bàn.

GIẢNG: “Những người bị hại về ngũ uẩn” như chúng ta đây, luôn luôn bị ngũ uẩn làm phiền. Khi ngũ uẩn hẫy hừng, như nói về sắc ấm, thì chúng ta khởi tâm thèm ăn, tham dục, thích ngủ nghĩ, v.v… đó đều thuộc về cái hại của sắc ấm và thọ ấm. Hoặc khởi tâm tham, sân, si, yêu, ghét, tham danh lợi v.v… thì thuộc về thọ và tưởng ấm. Nói tóm lại, các chúng sanh đều bị hại về ngũ ấm. “Với người bị hại về ngũ uẩn, thời chỉ cho họ thành Niết Bàn,” tức là chỉ cho họ cách tiêu dung bớt những vọng tình, để tâm thức được lặng lẽ thanh tịnh hơn, mới có thể tới được Niết Bàn.

KINH: Với người bị ràng buộc trong thập bát giới thời dùng thánh đạo để mở.

GIẢNG: Thập bát giới là căn, trần, thức. Ba chữ căn, trần, thức nghe thì thấy rất đơn giản, nhưng nếu triển khai ba chữ ấy thì phải viết đến một cuốn sách cũng chưa hết. Căn là sáu căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý). Thường chúng ta nghĩ mỗi căn điều có vị trí, xứ sở của nó, như mắt nằm đây, tai nằm kia v.v… nhưng trong kinh Lăng Nghiêm lại dạy rằng mỗi căn là một giới (tức là thế giới), tại sao lại gọi là thế giới? Vì nhãn căn tuy với mắt thịt trông thấy ở trên khuôn mặt thôi, nhưng chính cái thấy đó là những quang minh phổ cùng khắp, nên một vị tu hành cao, họ có thể nhìn bằng tay, bằng đầu gối, bằng chân v.v…, cái nghe cũng vậy, cùng khắp pháp giới. Bên ngoài là sáu trần, giao thoa với bên trong là sáu căn. Ta đừng tưởng rằng, sáu căn biệt lập với sáu trần, thí dụ như ta trông thấy một cái chén nước, thì cứ tưởng rằng, con mắt khác với cái chén, biệt lập, không dính dáng gì với nhau. Nhưng đạo Phật lại nói rằng, cái mắt không thể nào rời được cái trần (căn không thể rời được trần), lúc nào cũng phải nhìn thấy cái gì, khi mở mắt chúng ta nhìn thấy quang cảnh mọi vật, đến khi nhắm mắt, tuy không nhìn thấy quang cảnh bên ngoài, nhưng lại nhìn thấy tối đen, nhắm lâu hơn, sẽ thấy nhiều bóng dáng tiền trần nổi lên trong ký ức, đến khi ngủ thì cũng thấy trong giấc mơ. Cũng có những người nói rằng tôi không có giác mơ nào cả là vì ý thức hoặc đi sâu vào trong, hoặc có nhìn thấy nhưng khi thức dậy lại quên mất, nên cho rằng không có giấc mơ. Nên có căn là phải có trần,hai thứ đó dính vào nhau, đắm nhiễm với nhau từ vô lượng kiếp gọi là “lục nhập.”

Qua đến cái tai, cũng vậy, không có lúc nào mà tai không nghe thấy cái gì, như khi đánh chuông thì nghe tiếng chuông, nhưng không đánh chuông thì lại nghe thấy sự yên lặng, vì yên lặng cũng là một thứ âm thanh. Vì vậy, phải hiểu rằng tất cả đều một tâm mà ra, mặt này sinh ra tiếng, mặt kia sinh ra cái nghe, một mặt nó sinh ra sắc trần, một mặt lại sinh ra cái thấy biết v.v…, vì tất cả đều chỉ luẩn quẩn trong tâm lúc nào cũng dính mắc với nhau. Những căn ấy (sáu căn: nhãn, nhĩ tỉ, thiệt, thân, ý cùng với sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) nhà Phật đều gọi là giới, vì nó khắp tất cả mọi nơi, sáu căn và sáu trần đối chiếu nhau, đắm nhiễm nhau, giữa hai thứ đó sinh ra cái thức, là cái biết phân biệt. Lấy một thí dụ cho dễ hiểu, khi mắt nhìn thây hoa hồng, thì mắt là căn, hoa là trần, khi tia quang minh trong mắt phóng ra chụp lấy cái hoa hồng ấy, đồng thời hoa hồng ở ngoài cũng phóng những quang minh đi lồng vào mắt, hai cái đó chạm nhau, tóe ra hình ảnh gọi là thức. Hoa hồng ấy không có tự thể của nó, không có vật gì nhất định là vật gì, chứng cớ là khi một loài chúng sanh khác, có những nghiệp khác chiêu cảm sẽ nhìn hoa hồng thành một thứ khác. Nên tất cả chỉ có “danh tự” và tập khí nhận biết mà thôi.

KINH: Với những người bị ràng buộc trong thập bát giới…

GIẢNG: Tức là bị ràng buộc trong căn, trần, thức đó…

KINH: Thời dùng thánh đạo để mở. Với người đắm nơi trong tụ lạc lục xứ trống rỗng thời dùng ánh sáng trí huệ dể dẫn họ ra.

GIẢNG: “Tụ lạc lục xứ” là sáu căn ấy, là nơi qua lại tất cả ảnh tượng, cảm giác, nên gọi là tụ lạc. Chính tất cả những hình ảnh đi qua lại trong lục xứ đó đều trống rống, chĩ ảnh hiện lên mà thôi. Loài người có lăng kính cộng nghiệp chung thây tất cả cảnh giới như thế này, còn những loài khác cũng có những lăng kính riêng của nó lóe lên những ảnh tượng pháp giới khác. Khi hiểu chân lý như vậy, ta sẽ không còn chấp vào gì cả, mà có thể thông cảm được những quan điểm của người khác.

KINH: Người ở nơi đạo tà thời dùng chánh đạo cứu họ…, (bỏ một đoạn)…, người ham sanh tử thời làm cho họ xu hướng thành nhất thiết trí.

GIẢNG: “Người ham sanh tử” chính là chúng ta đây, lúc nào cũng sợ chết, bệnh tật một chút là rối rít lên.

KINH: Đồng tử này hằng dùng những công hạnh như vậy để cứu hộ chúng sanh, phát bồ đề tâm chưa từng thôi dứt, …(bỏ một đoạn)… Này đại chúng, nếu chúng sanh nào có thể phát tâm vô thượng bồ đề thời là rất hi hữu. Nếu đã phát tâm lại có thể tinh tân phương tiện chứa nhóm những phật pháp như vậy thời lại càng hi hữu hơn.

Đến đây cũng gần hết giờ, tôi xin dành một chút thì giờ để vị nào cần hỏi xin cứ hỏi…

HỎI: Thưa ông, tôi thấy ông giảng có hơi lạc đề một chút, vì nếu sử dụng quang minh từ thô đến tế. Như vậy sao trong thập nhị nhân duyên, lại bắt đầu từ vô minh, rồi lại đến hành ngay, sau đó mới đến thức, mà thức này có phải A Lại Da thức không? Còn về phía duy thức, thì cái thức lại đứng trước, sau mới đến hành, như thế là thế nào?

ĐÁP: Vô minh là niệm mê mờ vô thủy đầu tiên. Còn cái hành trong mười hai nhân duyên và cái hành trong duy thức cũng là một mà cũng là khác. Trên bình diện ngũ ấm thì thức ấm ở sâu nhất, lúc đó chưa có hành. Còn thức trong mười hai nhân duyên, thì chữ thức đó chỉ những “chủng tử nghiệp”, nên phải có hành nghiệp xong mới kết thành những chủng tử đó. Hai cái đó nó đều hỗ tương cho nhau, cái nọ huân tập cái kia, cái kia lại huân tập cái nọ. Còn trong ngũ uẩn, khi nói đến cái thức thì cái thức ấm ấy rất vi tế, sau mới kết thành cái hành nơi hành ấm mới có một gút lớn là cái ngã. Nên phải hiểu rõ, trong đạo phật cốt chỉ giảng ngang, giảng dọc nhiều bình diện để chúng ta nắm được vấn đề, nhưng nhiều khi lại chính những lời giảng ấy lại làm cho chúng ta rối trí thêm, vì chữ thì dùng giống nhau, cùng gọi là thức, nhưng cái bình diện và lối nhìn lại khác.

Không biết còn vị nào muôn hỏi nữa không?

Vậy xin hẹn quí vị kỳ sau.

Xin cảm ơn quí vị.

Bài viết cùng chuyên mục

Người thực sự cầu vãng sanh chỉ nói miệng suông thì không được

Định Tuệ

Lời khai thị về Tà dâm – Thủ dâm của Ấn Quang Đại Sư

Định Tuệ

Nguyện thứ sáu: Thỉnh chuyển pháp luân

Định Tuệ

Công đức niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật bất khả tư nghì

Định Tuệ

Sân hận là gì? Phương pháp chuyển hóa sân hận

Định Tuệ

Niệm Phật phải thực chứng bằng kinh nghiệm của bản thân

Định Tuệ

Người học Phật ăn mặc gọn gàng, trang điểm đẹp có là tham sắc?

Định Tuệ

Tích đức lũy công, tùy duyên giúp người

Định Tuệ

Những lợi ích và công đức của sự niệm Phật

Định Tuệ

Viết Bình Luận