Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Người mê mà tỏ ngộ gần mãi cảnh uế trược thời tất sẽ mê lại

Phàm người ngủ mà thức giấc, nếu chẳng rửa mặt, chải tóc đội mũ, mà cứ nằm mãi nơi gối mền thời tất sẽ ngủ lại, còn người mê mà tỏ ngộ, nếu chẳng trang nghiêm mà vẫn gần mãi cảnh uế trược thời tất sẽ mê lại.

Ông Ngu Thuần Hi, tự Trường Nhụ, người Tiền Đường, là tại gia đệ tử của Bát Tổ Liên Trì Đại sư. Năm mới lên ba tuổi, miệng ông luôn xướng hồng danh của Phật, thấy hoa sen cây báu hiện trong nhà. Bà nội ông, một tín nữ thông giáo lý bảo: “Đó là cảnh tốt của Tây phương Cực Lạc !”. Sau bà mới dạy phương pháp thiền quán cho. Từ ngày ấy, ông thường ngồi ngay thẳng nhắm mắt quán tưởng.

Ông Thuần Trinh, em ruột của ông, cùng ông đồng tu tập Thiên Thai chỉ quán. Lúc ông làm thầy đồ trong xóm, giờ rảnh dạy bọn trò nhỏ tập môn tỷ quán. Sau khi đỗ Cử nhơn, dạy học ở Tùy Sơn, ông cổ xướng lập Phật hội. Một lúc nọ cùng các hội hữu kiết thất tụng Lương Hoàng Sám. Qua ngày thứ hai, mây lành chiếu ánh sáng thấu vào hiên, vách rịn nước cam lộ. Trời mưa lúa màu huỳnh kim, nếp màu huyền, cùng nước mùi trầm hương. Đương giữa mùa Đông băng giá mà muôn hoa đua nở. Cảm điềm linh dị ấy, ông Thuần Hi càng tinh tấn tu thiền quán. Không bao lâu ông tự biết được các việc quá khứ và vị lai, có thể biết trước các việc nắng mưa, những việc lành dữ. Liên Trì Đại sư được tin ấy, gửi thư quở là ma dựa, khuyên không nên tự đắc.

Năm Vạn Lịch thứ 11, đỗ Tiến sĩ. Thân phụ mất, ông cất lều ở bên mộ cha ba năm, đến Vân Thê thọ giới nơi Liên Trì Đại sư. Mộ cha ở trên núi, mỗi ngày ông đem cơm canh thí cho cheo thỏ, có cọp beo lảng vảng đến thời ông nạt đuổi đi.

Mãn tang, ông lãnh chức Phương Ty chủ sự, rồi từ chức lên núi Thiên Mục ở trước tử quan của Cao Phong Diệu Thiền sư, ngày đêm tọa thiền. Đến ngày thứ 21, mỏi mệt quá, ông sắp đi nằm, bỗng thấy Diệu Thiền sư hiện thân chặt đứt cánh tay tả của ông, ông liền tỏ ngộ, đến Vân Thê được Liên Trì Đại sư ấn chứng.

Đại sư bảo ông: “Phàm người ngủ mà thức giấc, nếu chẳng rửa mặt, chải tóc đội mũ, mà cứ nằm mãi nơi gối mền thời tất sẽ ngủ lại, còn người mê mà tỏ ngộ, nếu chẳng trang nghiêm mà vẫn gần mãi cảnh uế trược thời tất sẽ mê lại. Hoa sen gần lửa dễ bị héo, chồi non dễ bị gãy, ông phải tự lo lấy! Chớ vì một tia sáng nhỏ mà trở ngại con đường tấn tu. Ông nên hồi hướng Tịnh Độ để bảo đảm đạo quả, mà cũng là tiếp nối túc nhơn”. Tuân lời Đại sư, từ đó ông chuyên tu Tịnh độ.

Có người không tin Pháp môn Tịnh độ, ông bảo rằng: “Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn gọi là Phật. Nên niệm Phật chính là niệm giác. Đâu nên niệm niệm chẳng thường giác mà lại niệm niệm thường mê ư!”.

Có người hỏi niệm Phật như thế nào? Ông bảo: “Trong tất cả thời, luôn đề tỉnh chánh niệm là điều cốt yếu. Trăm nghìn phương tiện chỉ là một chữ “tri”. Niệm niệm không rời Vô Lượng Quang, thời là niệm niệm thẳng vào Phật trí. Người học đạo tu hành chuyên cần xuất ly sanh tử, nay NIỆM NIỆM KHÔNG RỜI Vô Lượng Thọ, THÌ CÓ THỨ SANH TỬ NÀO mà không thoát được !”.

Triều đình triệu ông giữ chức Tư Huân Lang Trung, ít lúc sau ông lại xin thôi. Thuở đó Liên Trì Đại sư đương giảng Kinh Viên Giác ở Nam Bình Sơn. Mộ tiền chuộc ao vạn công lập hội phóng sanh. Hội viên gồm cả Tăng và tục hơn hai vạn người. Trong ấy các bậc trí thức cao hạnh chiếm một số đông. Tiếng Kinh, tiếng Pháp chấn động cả vùng. Hội phóng sanh ấy lại chuộc ba đầm lớn, xây rào, cất gác, làm chỗ thả chim cá. Tất cả những công việc vĩ đại trên, đều do ông Thuần Hi cổ xướng.

Về sau, ông Thuần Hi ở luôn nơi Nam Bình Sơn, ông Thuần Trinh cũng ẩn trong núi Linh Thứu đến già.

Trích ở bộ Đức Viên Tập Phụ lục – HT Thích Trí Tịnh dịch!

Bài viết cùng chuyên mục

Pháp thập niệm ký số, niệm lâu dần sẽ được nhất tâm bất loạn

Định Tuệ

Vì sao niệm Phật không vãng sanh, nguyên nhân do đâu?

Định Tuệ

Niệm Phật một câu tuy đơn giản nhưng không phải dễ dàng

Định Tuệ

Mười phương chư Phật đều khuyên chúng ta tu học Tịnh Độ

Định Tuệ

Bố thí Tài thì được tiền tài

Định Tuệ

Phẩm vị cõi Tịnh độ của đức Phật A Di Đà

Định Tuệ

Chúng ta niệm Phật A Di Đà, Phật A Di Đà cũng niệm chúng ta

Định Tuệ

Ngày đức Phật thành đạo là vào ngày nào?

Định Tuệ

Thần thông là gì? Thần thông có thắng sức mạnh của nghiệp?

Định Tuệ

Viết Bình Luận