Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Nhập Pháp Giới – Cư Sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng giảng giải

QUYỂN BỐN

BÍ ẨN TUYỆT VỜI của Tuệ giác nhà Phật là: Pháp giới bên ngoài luôn luôn chuyển động đổi dời, không phải vì pháp giới động, mà chính vì TÂM CỦA CHÚNG SANH ĐỘNG. Và sự tu hành của hành giả chỉ là ngồi-lặng-ngắm- nhìn-Tâm-của-mình-động-đậy…

LỜI DẪN

Như Lai thanh tịnh diệu pháp thân
Tất cả ba cõi không gì sánh
Dầu không sở y mà ở khắp
Dầu đến tất cả mà không đi
Như vẽ không trung, cảnh trong mộng
Phải quán thân Phật là như vậy…
Đại hải Ma Ni vô lượng màu
Thân Phật sai khác cũng như vậy
NHƯ LAI PHI SẮC PHI PHI SẤC
Tùy nghi mà hiện không sở trụ…

Sát trần tâm niệm đếm biết được
Nước trong đại hải uống hết được
Hư không lường được, gió buộc được
Không thể nói hết công đức Phật…
NẾU AI NGHE BIỂN CÔNG ĐỨC NÀY
MÀ SANH LÒNG VUI MỪNG TIN HIỂU
TẤT SẼ ĐƯỢC NHỮNG CÔNG ĐỨC NÀY
THẬN THỌNG CHỚ SANH LÒNG NGỜ VỰC…

(Đây là những lời kệ cuối của ngài PHỔ HIỀN. Những câu kệ lạ lùng, bất khả ngôn thuyết. Không giải nói được. Nói không được, nói không được… Chỉ đành rập đầu đảnh Iễ Kinh, và đảnh lễ người dịch là HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TỊNH

Trí Độ Tử TỊNH LIÊN NGHIÊM XUÂN HỒNG.

QUYỂN BỐN – Chương 1

Chương một
Ngày 17 tháng 3 năm 1991

Kính thưa Thượng Tọa trụ trì cùng chư vị đạo hữu…

Hôm nay là buổi thuyết giảng thứ 123 về kinh Hoa Nghiêm và cũng là buổi thuyết giảng thứ 18 về Đại Bát Nhã tại chùa này. Chúng ta hãy đi vào một vùng trời mát mẻ là cảnh giới của Hoa Nghiêm, cũng là cuối con đường cầu đạo của ngài Thiện Tài. Cũng là vị mà chúng ta có thể mơ tưởng đến được, có thể yêu mến, có thể trông thấy ngài, có thể cầu mong trong mộng đến một kiếp nào đó ngài sẽ hiện ra để độ cho chúng ta. Vì thực ra, giữa Chân Không và diệu hữu, tôi vẫn thiên về diệu hữu hơn.

Thú thực, trong những pháp môn tu, riêng tôi, tôi vẫn thích pháp môn Diệu Hữu, và say mê thần thông biến hóa. Còn về Chân Không và thế giới phi thần hóa hình như không quyến rũ tôi lắm, giảng thì phải giảng cho đủ để quí vị có một kiến thức tổng quát về Chân Không và Diệu Hữu thế nào thôi, còn thì tùy căn cơ của mỗi vị mỗi khác.

PHẬT TỬ: Chúng tôi là những người từ xưa được học về tứ niệm xứ, tứ chánh cần, 37 phẩm trợ đạo v.v… Nếu ông không chỉ cho biết về “cái Không” thì chúng tôi cứ ôm chặt mãi những điều chúng tôi đã học, cho rằng những thứ đó là được lắm rồi. Nhưng đến khi qua thời kỳ đọc tụng và giảng về Bát Nhã thì lúc đó mới ngộ ra. Ồ, như thế thì phải bỏ những thứ đã học qua đi, đừng chấp vào ấy. Nhưng sang bên Không, xong lại trở về Hữu. Đối với chúng tôi thật ích lợi lắm!

ĐÁP: Đó chính là bản hoài của đức Phật, vì vậy, ngài mới phải để ra 22 năm giảng Bát Nhã, vì nó rât khó hiểu, khó vào. Nay, xin đi vào Hoa Nghiêm…

KINH: Khắp nơi có vô số tượng Bồ Tát bằng diệu bửu, vô số chim hót tiếng hòa nhã, vô số hoa sen vàng báu, vô số hoa sen đỏ báu, vô số hoa sen trắng báu, dùng để trang nghiêm, vô số cây báu thứ đệ hàng liệt, vô số ma ni bửu phóng đại quang minh. Lại thây trong đó có vô lượng trăm ngàn lâu các đẹp đều nghiêm sức như trên. Mỗi mỗi lâu các đều rộng rãi nghiêm lệ, đồng như hư không chẳng ngại nhau cũng chẳng tạp loạn nhau.

GIẢNG: Đây là đoạn kinh đầu tả về y báo. Thì tôi đã nói rằng, Thiện Tài đang đi vào Bạch Tịnh Thức của một bậc Đẳng Giác Bồ Tát, nó ánh ra thành pháp giới này của ngài, nó gần đến chỗ Chân Không rồi, nên rất thanh tịnh, vì vậy y báo rất đẹp, tráng lệ và rất nhiều của báu, còn hơn cả cõi Cực Lạc nữa, vì ở cõi Cực Lạc chỉ là chớm bước vào thức sơ năng biến thôi. Nếu ta trở lại vị thiện tri thức như ngài Ma Gia Phu Nhơn thì ngài cũng làm cho Thiện Tài nhập pháp giới, nhưng pháp giới mà ngài Ma Gia thị hiện chưa được thanh tịnh, tráng lệ như ở đây. Tôi xin đọc lại một đoạn nhỏ khi Thiện Tài đến gặp ngài Ma Gia Phu Nhơn cho quí vị nghe…

KINH: Chung quanh bửu tòa này lại có vô lượng bửu tòa. Ma Gia phu nhơn, hiện tịnh sắc thân ngồi trên đại bửu tòa, những là sắc thân siêu tam giới vì đã thoát tất cả loài hữu lậu, sắc thân tùy tâm sở thích, sắc thân cùng khắp, sắc thân không gì sánh bằng, sắc thân vô biên tướng, sắc thân đối hiện khắp nơi, sắc thân giáo hóa tất cả vì tùy nghi mà thị hiện…

GIẢNG: Khi Thiện Tài đến gặp ngài Ma Gia thì chỉ loàn thấy sắc thân, thị hiện vô biên sắc thân thôi, nói về chánh báo, chứ không nói đến y báo. Còn ở đây, Thiện Tài vào sâu hơn nữa, và thấy cả y báo. Trong lâu các này hơn cõi Thiên Cung, hơn cảnh giới của ngài Ma Gia. Đồng thời, nếu ta nhớ đến bát nhã thì phải hiểu pháp giới, tức lâu các này của ngài Di Lặc vừa là Chân Không, vừa là vô lượng Diệu Hữu, tùy theo tâm nguyện của mình, và trong lâu các này, thời gian và không gian đã bị gần như hóa giải. Vì lúc đầu vào thì thấy vô lượng vô số châu báu, cửa ngõ, đền đài, lan can v.v.., rất nhiều là vì trong tâm thức của bậc Đẳng Giác là đã thành tựu vô lượng hạnh nguyện. Mỗi một nguyện, sau nó sẽ trở thành cung điện, thành trì, những cửa sổ, lan can, tràng báu, phan báu, cùng các thứ đồ trang sức v.v.., tất cả đều bằng thất bửu. Ngài Di Lặc trong thời kỳ làm hạnh Bồ Tát, ngài đã khởi tâm Đại Bi, Bát Nhã rất nhiều, mà mỗi tâm niệm Đại Bi, Bát Nhã cùng những hạnh nguyện sau này kết tụ lại thành những thứ thất bửu ấy. Còn tâm thức thô kệch của chúng ta, cũng trong vô lượng kiếp, từ tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, chấp ngã v.v…, thì thành một y báo rất xấu xí với những thứ, hầm hố, chông gai, và chịu nhiều sự đau khổ như bệnh tật, sinh, già, chết.

KINH: Thiện Tài ở một chỗ thấy tất cả chỗ. Nơi tất cả chỗ đều thấy như vậy.

GIẢNG: “Ở một chỗ thấy tất cả chỗ.” Là đã hóa giải được thời gian và không gian. Nghe kinh nói vậy thì chúng ta phải chấp nhận vậy thôi, vì ta biết lời kinh không thể hư vọng, chỉ vì sức tưởng tượng của chúng ta quá hạn hẹp nên không thể hiểu nổi. Còn giải nghĩa thì chỉ có thể nói rằng, khi một hành giả vào đến mức độ tâm thức đó, vọng tưởng không gian đã được hóa giải. Như trong kinh cũng có nói, các vị Bồ Tát cao chỉ nhìn thôi mà thấy khắp tam thế, cả quá khứ, hiện tại, vị lai, rõ rệt như trước mắt vậy, đó là vì thời gian đã được hóa giải rồi. Ngược lại, chúng ta thường chỉ nhìn thấy một khúc của thời gian. Ngược lại, trong giờ phút lâm chung, lúc đó thần thức chúng ta rút lên đến thức ấm, nên thấy tất cả quãng đời như một cuốn phim chạy qua ngay trước mắt, từ những việc thuở ấu thơ đến già đều hiện lên rõ mồn một không xót một chi tiết nào. Nên biết, Khả năng tâm nhãn của chư Phật nhìn suốt tam thế, không phải chỉ hạn hẹp một kiếp này mà tất cả các kiếp.

KINH: Thiện Tài thấy Lâu Các Tỳ Lô Giá Na Trang Nghiêm Tạng có bất tư nghì cảnh giới tự tại như vậy, lòng rất vui mừng hớn hở vô lượng, thân tâm nhu nhuyễn…

GIẢNG: Khi nào một vị Bồ Tát cảm thấy thân tâm nhu nhuyễn là lúc đó các ngài đã vào định rồi. Còn tâm chúng ta lúc nào cũng thô tháo, cứng cỏi, không có định.

KINH: Rời tất cả tưởng…

GIẢNG: Rời tất cả tưởng vì trong đạo Phật cho rằng những vọng tưởng phân biệt chính là nguyên nhân tạo ra pháp giới này. Nên khi không còn những tâm tưởng ấy thì tất cả pháp giới chung quanh đều không lưu ngại và lúc ấy chúng ta thấy các cõi thông suốt, có thể nhìn từ đây đến cõi Cực Lạc mà không bị ngăn ngại gì.

KINH: Trừ tất cả chướng…

GIẢNG: Chướng là những nghiệp che khuất khiến ta không nhìn thấy rõ. Đức Phật có ngũ nhãn là vì ngài đã diệt sạch tất cả chướng.

KINH: Diệt tất cả hoặc…

GIẢNG: Hoặc là những lỗi lầm. Thí dụ vật này không thật có, ta cho là thật có, đó là một cái hoặc, hay nó chẳng phải đoạn, chẳng phải thường ta lại cho rằng đoạn, rằng thường. Có hai thứ hoặc, kiến hoặc và tư hoặc. Kiến là nhìn sai lầm, như ta thấy một vật, bèn chấp là có vật, sau lại lưu luyến hay ghét vật ấy, lâu dần trở thành tư hoặc, đó là hai lớp mê hoặc rất kiên cố của chúng sanh, nhưng tư hoặc thì đi sâu vào tâm thức hơn.

KINH: Chỗ thấy chẳng quên, chỗ nghe đều nhớ, chỗ nghĩ chẳng tạp, chứng nhập môn vô ngại giải thoát, vận dụng tâm cùng khắp, thấy cùng khắp, kính lễ cùng khắp.

GIẢNG: Khi tới mức tam muội lớn như ngài Thiện Tài thì lúc bấy giờ tâm được vô ngại giải thoát, lúc đó có ngũ nhãn, đủ các tam muội, có thể vận dụng tâm cùng khắp, nên thấy cùng khắp. Nhưng tuy thây cùng khắp, đồng thời tâm vẫn kính lễ cùng khắp.

KINH: Vừa mới cúi đầu, do thần lực của Di Lặc Bồ Tát, Thiện Tài tự thấy thân của mình  khắp trong tất cả lâu các, thấy đủ tất cả những cảnh giới tự tại bất tư nghì: Như là thấy Di Lặc Bồ Tát lúc mới phát tâm tên hiệu như vậy, chủng tộc như vậy, thiện hữu khai ngộ khiến gieo trồng căn lành như vậy, thọ mạng như vậy, ở kiếp như vậy, gặp Phật tại quốc độ như vậy, tu hành như vậy, phát nguyện như vậy.

GIẢNG: Ở đây, kinh bắt đầu tả sang đến chánh báo. Trong lâu các hiện tất cả bổn sự, bổn sanh, cùng hạnh nguyện của Bồ Tát Di Lặc đã làm trong tất cả những kiếp trước, những việc đó đều ở trong khắp pháp giới và trong tàng thức của ngài, vì vậy Thiện Tài mới trông thấy một cách vô ngại, không bị không gian và thời gian che ngăn.

KINH: Hoặc thấy Di Lặc Bồ Tát tối sơ chứng được từ tâm tam muội, từ đó đến nay hiệu là Từ Thị.

GIẢNG: Ngài Di Lặc chuyên tu quán tâm từ, trong nhiều kiếp ngài đắc được từ tâm tam muội, nên trong tàng thức hiện ra thế.

KINH: Hoặc thấy Di Lặc Bồ Tát tu những diệu hạnh, thành mãn tất cả môn ba la mật. Hoặc thấy Di Lặc Bồ Tát đắc nhẫn, trụ địa, thành tựu quốc độ thanh tịnh, làm đại Pháp Sư, được vô sanh nhẫn.

GIẢNG: Trong đạo Phật chúng ta nên để ý chữ “nhẫn.” Khi ta tu quán chiếu, thiền định, đến mức thấy rằng tất cả các pháp từ người, vật, cây cỏ, núi sông v.v… đều là giả hợp, đều là ảo, lúc ấy ta có thể nhẫn tất cả các pháp cho dù nóng, lạnh, đói, rét, hay có những chúng sanh đến mắng chửi mà vẫn có thể nhẫn chịu được vì lúc đó ta đã hiểu rõ tánh không và như huyễn của các pháp, như thế ta sẽ đến được mức độ gọi là “vô sanh pháp nhẫn.” Rồi từ đó trở đi thì ghê gớm lắm, vì đó là Đệ Bát Địa, tức Bất Động Địa, tức Biến Hóa Địa. Tất cả sự tu hành của chúng ta hôm nay chỉ cầu đến được vô sanh pháp nhẫn ây thôi, vì được mức độ đó, ta sẽ có nhiều thứ lạ lắm, có nhiều thứ mắt, nhiều thần thông, được một thứ thân gọi là “Pháp Thân Bồ Tát.” Từ khi tu từ giờ lên đến đệ thất địa thì vẫn còn phải mang thân máu thịt này, chỉ có một ít thần thông biến hóa thôi, mà độ sanh cũng không được nhiều, vì vẫn còn nhục thân, vẫn còn phải chịu bệnh tật, nóng lạnh. Nhưng đến bậc vô sanh pháp nhẫn thì dù có xuống nhân gian để độ sanh, tuy rằng phải gá qua một người đàn bà, nhưng không phải thai sanh mà chính là hóa sanh. Lúc ấy, thân Bồ Tát không còn bệnh tật nữa, máu trở thành trắng như sữa, và thân căn trở nên thanh tịnh sáng suốt không còn thi trùng, các ngài có thể có rất nhiều hóa thân để độ sanh. Sở dĩ máu chúng ta đỏ là do những chất hôi nhơ từ một thân xác bất tịnh toàn thi trùng này mà có. Vì vậy, muốn thành tựu phật quả đầu tiên phải tu được đến quả vô sanh pháp nhẫn, tức là đến bực bất thối chuyển, lúc ây sẽ được Chư Phật thọ ký mà không có pháp nào dính được vào ta, tất cả pháp đều nhẫn chịu được hết.

KINH: Hoặc thấy thời gian ấy, tại xứ ấy, Đức Phật ấy thọ ký thành Phật cho Di Lặc Bồ Tát. Hoặc thấy Di Lặc Bồ Tát làm Chuyển Luân Vương…

GIẢNG: Khi ngài Di Lặc được thọ ký rồi, lúc bấy giờ ngài dùng thần thông xuống nhiều cõi để độ sanh, như thọ sanh làm Chuyển Luân Vương.

KINH: Hoặc thấy Di Lặc Bồ Tát làm Chuyển Luân vương khuyên các chúng sanh an trụ nơi thập thiện đạo.

GIẢNG: Vua Chuyển Luân thường chỉ dạy chúng sanh tu thập thiện thôi, không dạy gì khác cả.

KINH: Hoặc thấy Di Lặc Bồ Tát là Hộ Thế lợi ích chúng sanh.

GIẢNG: Hộ thế là những vị Tứ Thiên Vương. Trên đảnh núi Tu Di có bốn vị Thiên Vương, các vị đó thường coi các việc ở trần gian này nên gọi là “Hộ Thế Thiên Vương.” Nếu dưới nhân thế có nhiều người ăn chay, giữ giới thì các ngài rất hoan hỉ, và các ngài sẽ gia trì cho vùng ấy ít thiên tai, tật bệnh, mùa màng tốt tươi. Nhưng nếu nhân gian toàn những kẻ phạm nhiều tội ác, như cướp bóc, hiếp dâm, không ăn chay, giữ giới, thì các ngài rất buồn vì biết rằng chư thiên trên cõi trời sẽ bớt dần đi, vì không có người thọ sanh lên trên ấy. Lúc đó các ngài sẽ phải giáng những thiên tai, tật bệnh để cảnh tĩnh, đánh thức tâm thức chúng sanh vì thế mà phát tâm tu hành, hay quay về con đường lành, tránh dữ (trong bộ kinh Tứ Thiên Vương có nói kỹ về những điều này). Sau khi đắc vô sanh pháp nhẫn rồi, ngài Di Lặc thị hiện làm Chuyển Luân Vương, Tứ Thiên Vương để trông nom trần gian giúp chúng sanh tu hành.

KINH: Hoặc làm Đế Thích quở trách ngũ dục.

GIẢNG: Trên những tầng trời của cõi dục giới chúng ta, có tầng trời Đao Lợi, vị vua trên đó tên là Đế Thích, ngài thường ngồi ở Thiện Pháp Đường giảng cho các thiên tử, thiên nữ nghe phải tu thập thiện và bỏ những ngũ dục, vì trên đó sung sướng vô chừng, suốt ngày không phải làm ăn gì cả, chỉ rong chơi, ca hát thôi. Trong vô lượng kiếp, ngài Di Lặc làm tất cả những hạnh ấy.

KINH: Hoặc làm Dạ Ma Thiên Vương tán dương hạnh bất phóng dật.

GIẢNG: Hoặc ngài thọ sanh làm vị vua trong cõi trời Dạ Ma (cũng nằm trong tầng trời dục giới), khen hạnh bất phóng dật, tâm không giải đãi, buông lung, lúc nào cũng nhiếp tâm vào chân lý của kinh, và vào sự tu hành, giữ tâm không lay động. Người phóng dật là người buông tâm chạy theo ngoại cảnh, tâm chúng ta là tâm phóng dật vì cả ngày tâm ta buông lung, lúc thì chạy theo cái ăn, cái mặc, điểm tô son phấn, hay vênh vang ngã mạn v.v.., chĩ chạy theo những trần cảnh bên ngoài, mà không thu nhiếp nó vào trong, đó gọi là phóng dật.

KINH: Hoặc làm Đâu Suất Thiên Vương khen ngợi công đức của Bồ Tát nhất sanh bổ xứ.

GIẢNG: Khi thì ngài thị hiện làm vua cõi Đâu Suất. Cõi trời Đâu Suất gọi là cõi trời tri túc, (biết đủ), không phóng dật, giữ tâm mình ngay thẳng. Khi làm Đâu Suất Thiên Vương, ngài khen ngợi công đức của Bồ Tát nhất sanh bổ xứ, tức là vị Bồ Tát xuống đó chờ cơ duyên chín mùi để xuống nhân gian thị hiện đản sanh, thành Phật để độ sanh.

KINH: Hoặc làm Hóa Lạc Thiên Vương, vì chưThiên chúng mà hiện những sự biến hóa trang nghiêm của chư Bồ Tát.

GIẢNG: Cõi trời Hóa Lạc là một cõi ở trên cõi trời Đâu Suất, cõi đó thần thông biến hóa khá nhiều, như biến hóa ra cung điện, thức ăn, quần áo, đồ dùng v.v… nên ngài thị hiện những sự biến hóa trang nghiêm của chư Bồ Tát.

KINH: Hoặc làm Tha Hóa Tự Tại Thiên Vương vì chư thiên chúng mà diễn thuyết tất cả Phật pháp.

GIẢNG: Tha Hóa Tự Tại Thiên là tầng trời ở trên tầng trời Hóa Lạc, tầng trời này cũng là tầng trời ngự trị của Ma Vương.

KINH: Hoặc làm Ma vương nói tất cả pháp thảy đều vô thường.

GIẢNG: Trong kinh, vị trí của Ma Vương cũng rất biến ảo. Có những vị đại Bồ Tát thị hiện làm Ma Vương trên cung trời Tha Hóa Tự Tại, nhiều khi xuống quấy phá người tu hành. Có khi đó cũng là vị Ma Vương thật nhưng tâm thức lại thay đổi, đến nghe đức Phật thuyết pháp, lại giúp người tu hành v.v.., tất cả chỉ là sự biến hóa, không cứ nhất định cái gì là cái gì. Những loài ma dưới thấp thì có thể cố định hơn, vì duyên theo nghiệp, còn Ma Vương, hay những vị Thiên Ma lớn nhiều khi các ngài chỉ thị hiện để độ sanh, tùy duyên mà độ, có khi thị hiện phá phách, hoặc giúp đỡ những người tu hành, để căn cơ chín mùi mà có thể thăng hoa. Ở đây, ngài Di Lặc thọ sanh làm Ma Vương, nhưng không như những vị Ma Vương thường, nghĩa là không phá người tu hành, không nói sai lạc ý kinh, ngược lại ngài dạy cho chúng sanh biết tất cả pháp đều vô thường.

KINH: Hoặc làm Phạm Vương chuyên nói chư thiền định có vô lượng hỉ lạc.

GIẢNG: Từ cung trời Tứ Thiên Vương lên đến cung trời Tha Hóa Tự Tại thuộc về từng trời của dục giới. Lên cao hơn là đến tầng trời của sắc giới, từ tầng trời này trở lên, chư thiên chỉ chuyên thiền định. Ngài Di Lặc thị hiện vào tầng trời này, làm Phạm Vương khuyến tấn thiên chúng tu thiền định có vô lượng hỉ lạc.

Tại sao những vị tu hành có thể ở ba mươi năm trong rừng sâu mà không cảm thấy nhàm mỏi, cô đơn? suốt ngày chỉ ăn một ít hoa quả, trái cây? Vì trong kinh dạy rằng, các ngài có một nguồn hỉ lạc vô biên không thể nói được. Nếu so sánh với sự khoái lạc của trần gian, như ăn uống, ngủ nghỉ, ngay cả đến cái khoái lạc của nam nữ cũng không bằng một góc nhỏ bé của thiền lạc. Vì vậy, kinh Lăng Nghiêm dạy rằng, những vị chư Thiên  những tầng trời trên cao cõi dục thấy sự khoái lạc nam nữ vô vị như người ăn sáp vậy, và kinh cũng nói Niết Bàn là “thường, lạc, ngã, tịnh” đó là điểm mà chúng ta nhớ rõ. Vì chúng ta giống như những đứa cùng tử, chỉ ham những thú vui hạ liệt, thích đi hốt phân để kiếm miếng ăn với nắm cơm thiu, nên chỉ thích đắm mình trong ngũ dục, giống như đám nhặng xanh đắm mình trong đám phân nhơ. Nên phải biết chuyển tâm, rời bỏ thú vui thô kệch của ngũ dục, ưa thích thú vui của thiền định, chuyển tâm đến một mức độ tâm thức cao hơn.

Nên ngài Di Lặc thị hiện là Phạm Vương để tuyên nói về chư thiền định có vô lượng hỉ lạc, vì lên đến đệ nhị và đệ tam thiền thì sự hỉ lạc thật vô cùng, ngôn ngữ khó thể diễn tả nổi, mà đó chỉ mới ở mức độ thấp thôi, chưa ăn thua gì với niềm vui của Niết Bàn.

KINH: Hoặc làm A Tu La Vương vào biển đại trí rõ pháp như huyễn vì chúng A Tu La mà thường thuyết pháp dứt trừ tất cả kiêu mạn ngạo nghễ.

GIẢNG: A Tu La Vương là một vị vua vẫn còn nhiều sân hận, hay đánh nhau với vua Đế Thích ở tầng trời Đao Lợi. Tuy nhiên, A Tu La Vương cũng có nhiều thần thông, hay kiêu mạn, hay hiện thân to lớn, chân ngập sâu xuống biển, nước biển chỉ ngập đến đầu gối của ngài, đầu cao đến đảnh núi Tu Di, hai tay dơ lên che khuất mặt trời, mặt trăng, người nhân thế không nhìn thấy, nhưng các vị chư Thiên thấy rất rõ, thấy các vị A Tu La lấy tay che mặt trời, mặt trăng không biết bao nhiêu lần trong một ngày. Nên ngài Di Lặc thị hiện làm A Tu La Vương quán pháp như huyễn, đồng thời cũng hay thuyết pháp lý như huyễn để tiêu dung những kiêu mạn của loài A Tu La.

KINH: Hoặc thấy Di Lặc Bồ Tát ở xứ Diêm La cứu khổ địa ngục, hoặc thấy ở xứ ngạ quỉ bố thí đồ uống ăn cứu sự đói khát, hoặc thấy ở đạo súc sanh dùng những phương tiện điều phục chúng sanh.

Bài viết cùng chuyên mục

Lúc niệm khởi lên thì làm sao khống chế được nó?

Định Tuệ

Niệm Phật phải đặt trọn lòng tin vào lời Phật dạy

Định Tuệ

Kim Cang giải ách Kinh – Bác Đại Kim Cang Thần Kinh

Định Tuệ

Phật là cái sống tự nhiên chơn thật tuyệt đối

Định Tuệ

Phật dạy cho chúng ta điều gì?

Định Tuệ

Kinh đại thừa nhiều như vậy, chúng ta muốn học thì nên học cái gì?

Định Tuệ

Vô minh là gì? Vô minh là không biết vô thường, sinh diệt

Định Tuệ

Thực thời ngũ quán: 5 điều quán tưởng trước khi ăn cơm

Định Tuệ

Sự thiết yếu của việc niệm Phật cùng Tham thiền

Định Tuệ

Viết Bình Luận