QUYỂN BỐN – Chương 4
Chương bốn
Ngày 28 tháng 4 năm 1991
Kính thưa Thượng Tọa trụ trì cùng chư vị đạo hữu…
Hôm nay là buổi thuyết giảng thứ 126 về kinh Hoa Nghiêm và đồng thời cũng là buổi thuyết giảng thứ 13 về kinh Đại Bát Nhã tại chùa này…
Nay xin đi tiếp vào Hoa Nghiêm…
Đức Phật chỉ thị hiện xuống nhân thế để độ sanh, ngài tu khổ hạnh để làm gì? Ngài đi học với những người ngoại đạo để làm gì? Là để dạy ngoại đạo thôi. Đến khi ngài học với vị Uất Đầu Lam Phất là một vị nổi tiếng đã vào-được cơn định cao nhất là định phi tưởng phi phi tưởng xứ, chỉ cần tu một lát đức Phật đã vào được định ấy rồi. Xong ngài nói: “Này Đại Bà La Môn tôi đã vào định đó rồi”, nhưng đó chưa phải là giải thoát. Có nghĩa ngài chỉ thị hiện đến học để dạy cho Đại Bà La Môn ấy thôi. Sau ngài lại tu khổ hạnh sáu năm, mỗi ngày ăn một hạt vừng, sau sáu năm, xương sống, xương sườn lòi ra, đến nỗi da bụng của ngài dính sát vào xương sống, lúc bấy giờ có một cô gái chăn bò, trong kinh Phật Bản Hạnh nói rất ghê gớm, kể rằng, cô là một cô gái nhà giàu, cô lựa chọn một ngàn con bò cái, vắt ra được một ngàn đấu sữa, sau nấu lại chỉ còn một bát thôi, mà khi nấu sữa thì… ghê gớm lắm, sữa vọt lên cao…
PHẬT TỬ: Hi., hi…, xin lỗi ông, tôi không thể nhịn cười được, vì nó… buồn cười quá, vô lý quá, không thể tin được một mảy may. Vì sao? vì chúng tôi có đi hành hương qua Ấn một lần, chúng tôi cũng có đến thăm tại chỗ của cô gái chăn bò ấy, đâu thấy cái gì là thần kỳ như thế? Chỉ thấy một cái nhà như một cái gò nống thôi. Kinh Nam Tông nói chính cô gái ấy đem bát sữa đem biếu vị thần khác, nhưng khi thấy có người nằm gần chết (là đức Phật ra uống nước ở sông Ni Liên Thiền) thì mới đưa luôn bát sữa ấy cho đức Phật mà thôi.
ĐÁP: Mỗi kinh nói một khía cạnh hơi khác, còn tùy theo mức độ tâm thức của mình. Như hạt châu Ma NI óng ảnh nhiều màu.
Trở lại câu chuyện tôi đang kể, chính đức Phật nói trong kinh Phật Bản Hạnh, khi cô gái nấu sữa thì nó bốc lên cao đến nỗi các chư Thiên phải xuống nói: Vị nào uống sữa này sẽ thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Nên tất cả đều tùy theo mức độ tâm thức của người đứng nhìn. Kinh cũng có nhiều loại, tùy theo Tâm của chúng sanh. Như tôi ngồi đây, thấy trong ban kinh này toàn những người, có nam, có nữ, có già, có trẻ v.v… nhưng một vị có thiên nhãn thì chỉ thấy chập chờn những đám hào quang hội tụ lại, lại còn thấy tâm tưởng của chúng ta nữa, nên cũng là nhãn thôi, nhưng tùy theo mức độ nghiệp lực hay phước lực mà nhìn thấy có sai khác. Ta chớ bao giờ cho kinh là nói lời hư vọng, vì mỗi kinh nói theo mức độ tâm thức khác nhau, nhưng chỉ giống nhau ở một điểm là hoài vọng của Chư Phật là chữa căn bệnh cho chúng sanh. Nên tùy căn cơ mà Ngài thuyết pháp, Ngài lại phải khởi tâm từ bi, nói ngang, nói dọc, để tùy bệnh mà bốc thuốc, cốt để làm lành bệnh chúng sanh, và đưa chúng sanh thoát khỏi khổ nạn sanh tử.
Sau đó, cô gái dưng bát sữa cho Đức Phật uống, chỉ trong một lát, ngài trở lại bình thường, sau mới xuống tắm ở sông Ni Liên, các loài chim chóc bu lại nhìn thân huỳnh kim của ngài. Đến khi đi lên từ bờ sông đến cây bồ đề thì kể các quỷ thần, chư Thiên chấn động ra sao, đất chuyển thành kim cương, rồi vua Đế Thích hiện xuống làm người , cắt cỏ tên là Cát Lợi, cắt thứ cỏ rất mềm nhuyễn, đức Phật đi đến dùng tiếng Phạm Âm hỏi rằng: “Ông có thể cho tôi bó cỏ này không?” “Thưa có, tôi xin dâng ngài. ” Đức Phật lại hỏi: “Tên nhân giả là gì?” “Tên tôi là Cát Lợi.” Lúc đó ngài nghĩ rằng, cát là tốt, lợi là lợi ích, tức là ta ngồi đây sẽ đắc đạo. Trong khi ngài bước đến cây bồ đề, thì Ma Vương, ma dân, và ma nữ nhốn nháo chạy lung tung, gọi nhau ơi ới, tìm đủ cách để phá, phá tới mức độ Ma Vương ra lệnh cho tụi Dạ Xoa là phải làm sao cho vị Bồ Tát này đừng đến cây bồ đề ấy, làm cho ông ta ngồi ở gốc cây khác.., đại khái như thế.
Nhưng tất cả đều chỉ là thị hiện, vì đức Phật đã thành Phật trên đỉnh trời sắc Cứu Cánh rồi, ngài xuống nhân gian, thị hiện tu khổ hạnh để cốt dạy cho ngoại đạo biết rằng con đường của họ không đi đến chỗ giải thoát, là con đường vướng nhiều ác kiến: Có, Không, Đoạn, Thường v.v… Thị hiện chiến đâu với ma quân để dạy những người có tâm thích tranh đấu v.v… Phải đi theo con đường trung đạo, tức là không nên chiu đãi thân này quá, mà cũng không hành hạ nó quá, điều phục thân này cũng đồng thời phải điều phục tâm nữa, vì vậy ngài mới phải làm tất cả những hạnh để đối trị với các căn bệnh của chúng sanh cõi Ta Bà này.
Hỏi: Nhiều khi kinh giải thích như vậỵ để thích hợp căn cơ của từng người, nhưng nếu cứ nhắm mắt mà hiểu những chuyện không thực chứng ấy thì dễ sa vào sự mê tín dị đoan.
ĐÁP: Ông nói mê tín là như thế nào?
HỎI: Hồi nãy ông kể về vụ nấu bát sữa của cô gái chăn bò dâng đức Phật nó vọt lên, đến hàng chư Thiên phải xuống thì thấy có vẻ… thế nào ấy. Không thể nào tin được, nếu không nói đến hai chữ “dị đoan.” Bằng chứng là ngay trong đạo tràng này nhiều người phì cười về chuyện ấy, ngay đến bây giờ, khi tôi đang nói cũng có rất nhiều vị khúc khích che miệng cười. Thế mà chỉ có ông tin như vậy thì tôi cũng phải… phục ông thật!
ĐÁP: Ha..ha…ha…, Thật là một trang hảo hán, có thể nói thẳng ra những gì mình nghĩ. Nhưng xin ông nhớ cho, ở đạo tràng nhỏ bé này, có khoảng bốn mươi người đến nghe pháp, thì cũng có đủ bốn mươi lăng kính nhìn và có cái mức độ tín giải về kinh, mỗi người nhìn một khác. Riêng tôi, tôi chỉ muốn cổ võ quí vị nhìn theo cái lăng kính ở trong kinh thôi, đồng thời chúng ta phải chấp nhận lăng kính của người khác, không bắt người ta phải nghe mình, không chấp người sai, ta đúng. Ông có quyền không tin, có quyền nghĩ tôi “dị đoan” chẳng hạn, có quyền vất nó đi cũng chẳng sao, vì đó chỉ là “cái-kiến-giải-của-tôi” thôi!
PHẬT TỬ: Thưa ông, ông nói thế tôi đồng Ý hoàn toàn. Vì mỗi người chúng ta có những “vọng tưởng” khác nhau, không thể người nào giống người nào được.
ĐÁP: Vọng tưởng chúng sanh như nêm, như cối, khó có thể một thời mà gỡ ra nổi. Ha… ha, trở lại cái “bát sữa” hồi nãy, trong kinh Phật Bản Hạnh, Phật nói theo pháp nhãn và Phật nhãn của ngài, cũng như ngài nói một vi trần chứa đựng muôn ngàn thế giới, ai có thể tin điều ấy? Nếu không có tín giải về kinhỊ Nên khi ngài nhìn một giọt sữa thì cũng thấy giọt sữa ấy che cả một cõi tam thiên, đại thiên thế giới. Những câu ấy ta rất thường gặp trong kinh, nếu ta cho tất cả đều là “dị đoan” thì ta tự bít con đường tu của mình lại, vì chỉ quanh quẩn với kích thước pháp giới thô kệch này, chỉ dùng sáu căn rất hạn hẹp để đo lường mức độ chân, giả thì đó là tự cô phụ lấy mình vậy. Đức Phật đã khởi lòng từ tâm nói rõ cho chúng ta biết, ngoài cõi Ta Bà này, còn hằng hà sa số cõi khác, ngoài những việc lắm bình thường này, còn những việc vi diệu khác ở khắp mười phương, nên tùy theo lăng kính nhìn và tùy theo nhãn lực của mỗi chúng sanh mà thôi. Ha… ha…ha…, nên ông cười thế cũng tốt lắm, nhưng đó không phải là hư vọng đâu, vì khi một hành giả tu cao, như một bậc đại Bồ Tát chẳng hạn, các ngài có thể nhìn trong một lỗ lông nở ra cả thế giới, chẳng nói đâu xa, trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta đang học, Thiện Tài khi gặp ngài Phổ Hiền, đi trong mười hai năm, bước qua hằng hà sa na-do-tha ức thế giới mà vẫn không ra khỏi được… lỗ lông của ngài Phổ Hiền.
HỎI: Ông nghĩ sao về các hiện tượng đó?
ĐÁP: Hiện tượng nào?
HỎI: Trong tâm ông, ông nghĩ sao về người đời coi là “mê-tín-dị-đoan”
ĐÁP: Xin ông cho một thí dụ rõ ràng hơn.
HỎI: Thì như thí dụ ông vừa nói, trong một lỗ lông nở ra cả thế giới, hay đi trong mười hai năm chưa ra khỏi lỗ lông của một vị Đại Bồ Tát, hoặc như đức Phật chỉ ngồi đó, nhưng móng chân ngài phát ra trăm ngàn thứ quang minh soi khắp mười phương cõi v.v…?
ĐÁP: Tôi xin thưa với ông rằng, những cái mà ông còn hoài nghi, từ hơn mười năm nay, tôi tin như chết! Tôi tin rằng không có một lời nói nào trong kinh mà tôi cho là hư vọng, chỉ vì cái mắt chúng ta quá hạn hẹp, quá thô kệch. Khi chúng ta có được huệ nhãn, thiên nhãn, thì lúc đó trong một giọt nước, hay một hạt bụi ta cũng có thể thấy rất bao la. Nên tất cả lời nói trong kinh như “một vi trần chứa đựng được vô vàn thế giới, hay một thế giới có thể thu vào trong hạt cát được” v.v… đó là những câu tôi tin rất sâu chắc, và những điều này còn giải thoát cho chúng ta nhiều phiền não. Có thể ông đi vào Đông Phương nhiều nhưng chưa đọc kinh và chưa suy tư nhiều về kinh, nếu ông chịu khó bỏ ra khoảng mười năm đọc và suy tư về lời kinh, lúc dó, dù có ai quát thảo bảo ông đừng tin ông cũng…chẳng chịu, vì nó phải như vậy, không có cách gì khác được, vì nó là cái thế giới của tâm thức, cái tâm thức rất huyền hoặc lạ lùng, biến hiện trùng trùng, chỉ có bậc Đại Giác mới biết hết tất cả mọi sự.
PHẬT TỬ (Một vị khác trong ban Kinh): Tôi tin như ông vừa nói, vì trong thế gian này, cũng có một vài người có được một chút thiên nhãn đã nhìn thấy rất nhiều điều mà mắt thường chúng ta không nhìn thấy. Một thí dụ điển hình là một vị chữa bệnh không công mà người Mỹ xôn xao một thời đó là ông Cayce, ông ta có thể nhìn thấy người bệnh đau ở chỗ nào, và chữa được cho rất nhiều người bệnh. Đó chỉ là có được một chút thiên nhãn thôi hà huống gì các bậc Bồ Tát lớn! Vì tà kiến chúng ta quá sâu dầy, nên hay khởi tâm hoài nghi, như ông nói ở đây nhiều lần, chúng ta cứ tin ở cái mắt, tai, xúc chạm v.v… thô kệch này thôi.
ĐÁP: Đạo Phật chỉ cốt dạy cho chúng ta mở rộng cái tâm thức, hay nói cách khác, mở rộng ngũ căn này.
HỎI: Tôi đặt câu hỏi ấy vì nhiều người cho rằng phần lớn kinh Đại Thừa do những nhà truyền bá đạo pháp bên Tàu viết ra. Người Tàu có nhiều vọng tưởng, trí tưởng tượng của họ rất phong phú, như chuyện phong thần chẳng hạn. Tôi trộm nghĩ rằng,có lẽ họ là những người viết chuyện giả tưởng… hay nhất thế giới!
ĐÁP: Sao ông có thể quả quyết người tàu viết ra những pho kinh Đại Thừa?
HỎI: Vì tôi có đọc một vài cuốn sách nói rằng những kinh thuộc về Tiểu Thừa là do đức Phật để lại, còn kinh Đại Thừa thì thật là… mù mịt, không ai hiểu xuất xứ từ đâu ra, mà cứ nói khơi khơi nhiều chuyện… dị đoan. Chỉ có kinh của Tiểu Thừa mới là đúng thôi!
ĐÁP: Để trả lời “người-Phật-Tử-không-tin-kinh-Đại-Thừa” này, đó cũng là một dư luận rất phổ biến, vì không những ông nói thế, nhiều học giả cũng không tin thế. Ngay cả những vị sư trong Nam Tông cũng không công nhận những kinh đại thừa như Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Kim Cang, Pháp Hoa, nhất là kinh A Di Đà, vì cho rằng không phải Phật nói. Nhưng ông thử nghĩ xem tâm thức của người có ai viết nổi một bộ kinh như bộ Hoa Nghiêm không? Theo riêng tôi, tôi nghĩ họ viết một câu cũng chưa nổi, huống gì đến cả một cuốn kinh dầy mấy nghìn trang. Tôi là một nhà văn, tôi đã đọc nhiều văn chương thế gian, ngay cả văn chương của người Tàu. Thực ra, văn chương người tàu cũng rất giỏi, bịa chuyện rất tài. Nhưng chuyện Phong thần không phải bịa hẳn đâu nhé, cũng có phần nào sự thật đấy.
Vậy thì thông điệp của Đại Thừa là gì? Thông điệp nói thứ nhất: “Pháp giới này toàn huyễn mộng” tất cả đều là hư không, chỉ do tâm thức chúng sanh nó ảnh hiện ra thôi. Thứ hai là “Con người có thể tu hành lên đến chỗ biến hóa không cùng.” Vậy những người có óc duy lý hay hơi bị ảnh hưởng của tập quán Tây Phương nhiều thì không chịu tin, không chịu hiểu, chỉ muốn nắm lấy vật, nghĩ rằng, vật này có thật và không thể biến hóa được. Vì vậy họ không chấp nhận thông điệp ấy, và nghĩ rằng kinh Đại Thừa đều giả tạo. Nhưng đối với một người thành thực, nếu dở một trang kinh ra đọc thì thấy rằng không có người nào ở thế gian này có thể viết được một trang kinh Hoa Nghiêm chứ đừng nói đến bốn ngàn trang. Nếu ông đọc Đại Bát Niết Bàn thì thấy kinh nói như nước chảy, mây trôi, mà không có một bộ óc nào có thể nói như vậy được. Cho dù để ông học thuộc lòng và nói lại cũng không nói được lưu loát như trong kinh đã nói. Như vậy, phải là một bậc Đại Giác mới có thể nói được như thế, vì trong kinh nhiều đoạn nói trái ngược nhau, nhưng bên trong có cái lý rất cao sâu, mầu nhiệm của nó. Phật nói những kinh nguyên thủy (kinh Nam Tông, Tiểu thừa) là để nói cho người nghe, mấy vị đệ tử lúc đầu, ngài chỉ dạy làm sao để thoát khổ thôi, còn kinh Đại Thừa ngài nói cho những Phi Nhơn, chư Thiên và các vị Bồ Tát, vì vậy không ai biết xuất xứ kinh đại thừa từ đâu có, nhưng lại không có ai có thể… bịa ra được những bộ kinh “khó nuốt” như thế này. Thí dụ như kinh Lăng Nghiêm, một vị thiền sư Việt Nam cho đó là ngụy tạo, thì ai là người nghĩ ra được để viết ra được một bộ kinh như thế? Vì trong đó tất cả lời Phật dạy đều là thức biến trùng trùng, mà mỗi câu, mỗi chữ là một công án, nói lên rất nhiều điều lạ lùng mà con người không thể tưỏng tượng nổi, ngay cả cái văn phong cũng rất kỳ diệu lạ lùng. Nay ta xin đi vào Hoa Nghiêm…
KINH: Này thiện nam tử, đại Bồ Tát sanh nhà tôn thắng như vậy rồi, vì biết tất cả pháp như ảnh tượng..
GIẢNG: “Biết tất cả phảp như ảnh tượng…” tức là vì soi gương nên nó ảnh hiện lên như vậy.
KINH: Nên đối với thế gian không ghét chê. Vì biết tất cả pháp như biến hóa nên không nhiễm trước các pháp hữu lậu. Vì biết tất cả pháp không có ngã nên giáo hóa chúng sanh lòng không nhàm mỏi. Vì dùng đại từ bi làm thể tánh nên nhiếp thọ chúng sanh chẳng biết lao khổ.
GIÁNG: Những phật tử đã đọc kinh Đại thừa rồi, người nào có căn cơ thấy rằng lời kinh không ai có thể bịa đặt được, vì lời kinh mênh mang vô chừng, bóng chuốt như lụa, văn chương như nước chảy. Đã là người mang thân máu thịt hôi thối cùng với tâm thức nhỏ bé này không ai có thể viết được những lời kinh như thế ấy, kể cả những vị quĩ thần lớn. Hơn nữa, cho dù các bậc tu hành cao, có thể viết gần như kinh thì những người đó không bao giờ dám phạm tội đại vọng ngữ mà nhận cuốn sách của mình viết là kinh cả. Vì sao? Vì tội đại vọng ngữ rất lớn, nghiệp báo dằng dặc không bao giờ hết, mà nói thế để làm gì? Chỉ một vài ngàn người ở thế gian này ca tụng mình giỏi mà so với cái nghiệp báo phải mang thì người trí không bao giờ làm điều đó cả. Chỉ có người ngu si không hiểu mới dám làm mà thôi.
HỎI: Nhưng nếu có một vị cao tăng, tu hành đạo đức như các tổ bên tàu viết sách, lấy ý của Phật, nhưng là lời của Tổ thì có được gọi là kinh không?
ĐÁP: Vẫn không được cho đó là kinh. Vì ta phải hiểu rằng các Tổ là những vị thọ Bồ Tát giới…
HỎI (Phật tử sôi nổi cắt ngang lời giảng): Thì cũng như Tổ gì biết bộ Đại Thừa khởi tín, vẫn biết bộ này là luận thôi, nhưng chúng ta cũng vin từ đó để khai triển ra thành những kinh lớn, diễn giảng ra một khía cạnh khác nhưng gốc cũng là một, cũng từ trong kinh của Phật nói ra.
ĐÁP: Vẫn không thể coi là kinh được, mà chỉ gọi là luận thôi.
HỎI (Phật tử với giọng bất bình): Ồ, có thể gọi là kinh được chứ, vì đó là ý của Phật mà, chứ có phải chư Tổ nghĩ ra đâu?
ĐÁP: Ông vẫn chưa hiểu Ý nghĩa chữ “KINH.” Các vị Tổ là những vị đã thọ Bồ Tát giới từ nhiều kiếp, không bao giờ các ngài nói lời vọng ngữ. Kinh có nghĩa như thế này: Một là do chính kim khẩu của Phật nói ra, hai là do các hàng đệ tử, hay những vị Bồ Tát lớn, hay một vị quỉ thần lớn, hoặc ngài Đế Thích nói mà có Phật ấn chứng, và luôn luôn sau khi các vị nói xong đều bảo rằng đó là vì Phật gia trì như vậy mới được gọi là kinh. Còn những vị Bồ Tát lớn, sau khi Phật nhập diệt viết ra thì chỉ gọi là “luận” thôi, tuy viết những bộ luận giống kinh nhưng vì giữ giới không nói lời vọng ngữ, không bao giờ các ngài tự nhận đó là những bộ kinh cả. Nên phải hiểu KINH rất ghê gớm, vì nó có huyền lực phổ trong ấy, khi nói một lời kinh, phần nhiều là huy động cả một pháp giới, pháp giới đều chấn động, hào quang soi chiếu khắp mười phương, có rất nhiều các vị Quỉ Thần Vương, Tứ Thiên Vương, các vua tầng trời, như Vua Phạm Thiên, vua Đế Thích v.v… đều vân tập. Và sau một buổi giảng nói về kinh, thường các ngài phát thệ hộ trì kinh, rằng người nào đọc những kinh này, chúng con xin hộ trì cho người ấy được yên ổn. Nên tôi vẫn nói, người tụng chú Thủ Lăng Nghiêm có 84 ngàn vị đại quỉ thần đi theo, và trong kinh Hiền Ngu nói rõ, người nào đi ngoài đường mà tụng chú thì các vị Chư Thiên trên trời phải dừng lại nghe những bài chú ấy. Vì vậy, kinh có huyền lực ghê gớm, nên không ai có thể tự nhận mình nói ra những lời kinh cả, trừ khi có Đức Phật ấn chứng, hay chính Phật bảo nói như ngài Tu Bồ Đề chẳng hạn. Nếu ông có lạy các vị Tổ một nghìn lạy các ngài cũng không bao giờ tự nhận mình nói ra những lời kinh, vì đó là đã mắc vào tội đại vọng ngữ rồi, nên có vị nào tu hành lâu mà dại dột đến thế? Xưng ta nói kinh để làm gì? Người đời khen chăng? người thế gian này thì ăn thua gì, vài vạn người là cùng, mà với cái trí hạn hẹp, thân căn thô kệch, người nào cũng phải chết, không có được một sự tự tại nhỏ bé nào, họ khen hôm nay, ngày mai lại chê, thì người trí không ai lại chịu làm những việc điên rồ ấy, để chỉ lấy những lời khen bọt bèo như bóng nổi.
Không biết những ý tôi vừa nói, vị Phật-Tử-không- tin-kinh-Đại-Thừa có… chấp nhận được tí nào không?
PHẬT TỬ không-tin-kinh-Đại-Thừa: Riêng tôi còn có rất nhiều thắc mắc, nhưng cũng không dám hỏi nhiều vì sợ làm mất thì giờ của quí vị trong ban kinh này.
ĐÁP: Không sao, trái lại từ khi ông đến đây hỏi ba bốn lần tôi thấy rất có lợi ích, không những thế, tôi cũng được dịp giải thích thêm trên những phương diện và những thắc mắc khác của những người Phật Tử chưa hoàn toàn bước vào đại thừa. Tiện đây, tôi cũng xin nhắc thêm một vài chi tiết, trong kinh thường có các vị đệ tử Phật đôi khi hỏi một vài câu ta cho là ngớ ngẩn, ngây thơ, như ngài A Nan chẳng hạn, nhưng thực ra những câu ấy, ngài có thể tự trả lời được, nhưng ngài vẫn cứ hỏi, vì do lòng đại bi để cho đức Phật trả lời, lưu lại thành kinh cho người đời sau có mà học.
PHẬT TỬ không-tin-kinh-Đại-Thừa: Trong các sách thiền nói rằng cần phải có cơn đại hoài nghi, cái “nghi tình” đó là gi?
ĐÁP: Bây giờ chúng ta giảng chữ Nghi trước. Chữ này cũng… ghê gớm lắm. Quí vị trong ban kinh, nghĩ sao về chữ này? Cái nghi của người thường ra sao? cái nghi của một vị triết nhân như thế nào? và cái nghi của các vị thiền sư ra sao?
Nói đến cái nghi của phàm phu chúng ta thì vì ta hay dùng đôi mắt thịt, và dùng ý thức suy luận. Vì suy luận lâu ngày, từ rất nhiều kiếp, đến nay thấy bất cứ gì trái với cái mắt thịt (như nói mọi vật có thể biến hóa được), trái với ý thức (như nói vật này là không thật có), mà lại dạy rằng: Vật này là vật kia thì thấy nó không đúng như ta nghĩ từ xưa đến giờ, nên sanh nghi. Còn cái nghi của mấy vị thiền sư, là phải để khởi nghi tình, vậy để khởi nghi tình như thế nào? Tôi có hỏi một vị thiền sư ở đây câu hỏi ấy, thì vị ấy trả lời cũng không rõ lắm, ông ta chỉ bảo rằng “trước khi cha, mẹ sinh ra anh, thì anh là cái gì?’” Rồi cứ ôm câu nghi tình ấy mà nghĩ mãi cho đến khi vỡ ra thì gọi là ngộ. Hỏi câu ấy, riêng tôi hiểu ngay câu trả lời ra sao mà chẳng cần khỏi nghi tình gì cả. Vì trước đó, tôi chỉ là cái thần thức lãng đãng từ chân không khởi lên. Vậy thì làm sao đề khởi nghi tình bây giờ? Một công án khác là: “Bản lai diện mục của anh là gì?” Tôi lại trả lời rằng đó chính là chân không nên lại… không thể có sự hoài nghi được. Nên phải hiểu, mỗi một đệ tử của mình, người thầy phải đưa ra một nghi tình đặt đúng vào căn cơ người trò. Như vị đệ tử này phải đề khởi nghi tình chữ “vô,” tức là phải khởi nghi tình rằng, cái vô hình kia làm sao có thể khởi lên được tất cả những vật hữu hình này? người kia thì phải đề khởi nghi tình chữ “CÓ,” hay chữ “PHẬT TÁNH” v.v… Trong tất cả những công án trong nhà thiền, có nhiều công án khó, mà mỗi một công án như một mũi tên đâm suốt vào tim của người đệ tử, lúc nào cũng thao thức, băn khoăn, như người sống không sống vẹn, chết không chết an. Như công án “Ai là người niệm Phật,” chữ AI đó là gì, từ đâu mà ra?