Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

4 loại Ma gây chướng ngại cho người tu học Phật

Trong “Kinh Bát Đại Nhân Giác”, Phật nói cho chúng ta nghe bốn loại ma.

Loại thứ nhất, “Ngũ ấm ma”

Ngũ ấm chính là thân thể này của chúng ta. Phật nói không hề sai, bạn có cái thân này thì bạn phải chịu rất nhiều sự dày vò. Có thân thể thì đương nhiên có tâm lý. Thân và tâm, Phật nói cho chúng ta nghe, thân có khổ vui, tâm có lo buồn. Mọi người đều biết thân khổ là sự dày vò, lo buồn trong tâm cũng là sự dày vò, nhưng không biết được cái ưa thích trong tâm, cái vui của thân này cũng là sự dày vò. Vì sao vậy? Hưởng thụ tâm lý bình thường là thanh tịnh, là bình lặng; hỉ, nộ, ai, lạc đều làm cho bạn không có được bình lặng, trong lòng khởi lên sóng động, đó chính là sự dày vò.

Ngũ ấm ma là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, bất cứ chúng sanh nào cũng đều không thể tránh khỏi. Thân của chúng ta là thân ngũ ấm. Cho nên phàm phu cao cấp thông minh, như Phu Tử đã từng nói: “Ta có đại hoạn vì ta có thân”. Ông nói, ta có mối lo rất lớn, bởi vì ta có cái thân này. Đó chính là một người rất thông minh. Thế nên, người thông minh nhất đẳng không muốn mình có thân. Điều này có thể làm được hay không? Có thể!

Trong Phật Kinh nói ba cõi sáu đường, có Dục Giới, có Sắc Giới, có Vô Sắc Giới; người cõi Trời Dục Giới và Sắc Giới đều có thân thể, hay nói cách khác, không thể nào tránh khỏi được cái khổ; thiên nhân của Vô Sắc Giới không có thân, họ biết được thân là gốc khổ, thân là tích chứa, thân là đại hoạn, cho nên họ không cần thân. Thiên nhân tầng trời thứ tư là Vô Sắc Giới không có thân tướng, chúng ta gọi họ là “linh giới”, đó là phàm phu cao cấp nhất trong phàm phu. Họ có được xem là giác ngộ không? Được! Không thể nói họ không giác ngộ, thế nhưng các vị phải nên biết, họ không phải chánh giác.

Trong Phật pháp chúng ta, giác ngộ là chánh giác. Chữ “chánh” này chỉ riêng nhà Phật có. Người thế gian tuy giác nhưng không chánh, chúng ta nhìn từ người Trời Tứ Không thì có thể thấy được rất rõ ràng. Không cần cái thân này có thể giải quyết được vấn đề hay không? Vẫn là không thể giải quyết được vấn đề, cho dù sanh đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên, tuổi thọ tám vạn đại kiếp, nhưng tám vạn đại kiếp vẫn là có kỳ hạn, tám vạn đại kiếp đến rồi thì họ liền phải đọa lạc.

Trong ngạn ngữ thường nói: “Leo càng cao, té càng nặng”, họ vừa đọa thì liền đọa vào trong địa ngục, hơn nữa tuyệt đại đa số đọa lạc trong Vô Gián địa ngục. Ở đây có nguyên nhân, không phải vô cớ. Những người này đều là người tu hành (người không tu hành không đến được cảnh giới cao đến như vậy), tu đến được cảnh giới này thì cho rằng chính mình đã thành Phật, cho rằng chính mình chứng được Đại Niết Bàn. Niết Bàn là không sanh không diệt, đó là thật không phải là giả. Họ đem Trời Tứ Thiền, Trời Vô Tưởng, Tứ Không Thiên cho rằng là Niết Bàn, đó là sai lầm, ngộ nhận. Lỗi lầm là ở chính họ, quyết không phải là do Phật Bồ Tát. Phật Bồ Tát ở trong Kinh điển nói rất tường tận, rất rõ ràng, chúng ta không thể hiểu lầm ý này.

Sự dày vò của ngũ ấm mỗi một người chúng ta không thể tránh khỏi, cho dù là Phật Bồ Tát ứng hóa ở trong sáu cõi. Chư Phật Bồ Tát ứng hóa mà đến, hiện ra cái thân tướng cũng là thân ngũ ấm. Loại thị hiện này chính là trong “Hoa Nghiêm” đã nói “thay chúng sanh chịu khổ”.

Chúng ta muốn hỏi, những vị Phật Bồ Tát này thị hiện có phải chịu khổ hay không? Trên hình tướng mà nói thì họ cũng phải chịu khổ, thế nhưng trên thực tế các Ngài không hề có khổ. Đó là chư Phật Bồ Tát ứng hóa ở thế gian này của chúng ta, hoàn toàn khác với chúng ta khi chúng ta đến. Chúng ta thấy trên hình tướng, ăn mặc, đi đứng, đời sống của các Ngài không hề khác với chúng ta.

Phàm phu chúng ta có khổ có vui, các Ngài cũng có khổ có vui, biểu diễn ở bên ngoài nhưng trên thực tế tâm của các Ngài vĩnh viễn là thanh tịnh, quyết định không có khổ. Không có khổ nhưng phải làm ra dáng vẻ khổ để cho phàm phu chúng ta xem, để phàm phu chúng ta xem thấy hình tượng của các Ngài mà có được sự giác ngộ. Mục đích của Ngài là để hóa độ chúng sanh, là đến thị hiện, không phải chân thật đang chịu khổ. Việc này chúng ta phải nên biết.

Loại thứ hai, “Phiền não ma”

Phiền não có quá nhiều. Vô lượng vô biên phiền não dày vò chúng ta. Trong phiền não bao gồm cả thất tình ngũ dục, phạm vi rất rộng.

Loại thứ ba, “Tử ma”

Tử ma là nói sanh tử dày vò. Chúng sanh chưa ra khỏi sáu cõi không cách gì tránh khỏi việc này. Có sanh thì nhất định phải có tử. Sau khi chết thì lại đi đầu thai, tuyệt đối không thể nói chết rồi là hết. Nếu như chết rồi là hết thì chúng ta không cần phải học bất cứ thứ gì, chúng ta không cần phải khổ cực để tu hành, vì tu hành cũng không dùng được. Thực tế mà nói, nhất định không phải chết rồi là hết. Đây là thật, không phải là giả. Các vị tỉ mỉ mà đọc “Kinh Địa Tạng” thì sẽ biết được cái chết này thật là đáng sợ. Chết tuyệt nhiên không đáng sợ, nhưng sau khi chết thì phiền phức thật to lớn, tùy nghiệp thọ báo.

Chúng ta thử nghĩ xem, ngay trong một đời này của chúng ta, quá khứ đời đời kiếp kiếp đã tạo ra nghiệp gì? Tạo nghiệp thiện thì nhất định có quả báo của ba đường thiện, tạo nghiệp ác thì nhất định có quả báo của ba đường ác. Ba đường ác thật đáng sợ, rất dễ dàng đọa lạc, thoát ra là việc vô cùng khó khăn. Ngay chỗ này Phật dạy cho chúng ta một khái niệm cơ bản, phương pháp tu học cơ bản là “năm giới, mười thiện”. Tam phước trong “Quán Kinh” xếp hai điều này ở phía trước. Mười thiện gồm thân ba, khẩu bốn, ý ba. Thân không sát sanh, không trộm cắp, đồng tu tại gia không tà dâm. Bốn khẩu nghiệp là không nói dối, không hai chiều, không ác khẩu, không thêu dệt. Ý ba nghiệp là không tham, không sân, không si. Chúng ta nghĩ lại xem, chúng ta ở ngay trong một đời, mười điều này đã làm được bao nhiêu? Đó là Phật pháp nói ra pháp căn bản cho chúng ta. Mười điều này có thể làm được, năm giới đương nhiên liền bao gồm ngay trong đó, như vậy bạn mới có thể có lại được thân người.

Con người sau khi chết muốn được lại thân người thì thật khó. Phải làm đến được tiêu chuẩn nào thì mới được lại thân người? Nếu là lấy điểm số để nói, nhất định phải đạt đến 80 điểm thì mới có thể nắm chắc được đời sau được thân người. Nếu bạn chỉ làm đến được phân nửa thì không đáng tin, không nắm chắc. Chí ít bạn phải có thể làm đến được 70 điểm trở lên thì mới có thể có lại được thân người.

Nếu như bạn làm đến được một trăm phần trăm, có thể làm được tròn đầy, vậy thì chúc mừng bạn, quả báo của bạn không ở nhân gian, bạn ở trên trời hưởng phước, phước báo lớn hơn nhiều so với nhân gian. Đó là Phật dạy pháp tắc căn bản cho chúng ta, nhất định không thể xem thường.

Ngược lại với mười thiện chính là mười ác. Mười ác chính là thân tạo ra sát, đạo, dâm; miệng nói dối, nói hai chiều, thêu dệt, ác khẩu; ý thì tham-sân-si. Tạo ra mười loại ác nghiệp này thì phiền phức lớn, nhẹ thì đọa làm ngạ quỷ, súc sanh; nặng thì đọa vào địa ngục. Chúng ta không nên quan tâm người khác, mà phải cố gắng phản tỉnh, dò xét kiểm điểm chính chúng ta.

Mỗi ngày từ sớm đến tối, từ mồng một tháng giêng đến ba mươi tháng chạp, chúng ta rốt cuộc làm mười thiện nhiều hay là tạo mười ác nhiều? Rốt cuộc là sức mạnh nghiệp thiện lớn, hay là sức mạnh ác nghiệp lớn? Người tu hành phải phản tỉnh từng giờ, kiểm điểm từng giờ. Thân người khó được mà dễ mất, thân người rất dễ bị mất đi, sau khi mất đi rồi chúng ta phải làm sao? Việc này không thể không suy nghĩ đến. Cho nên Phật ở trong Kinh điển một mực khuyên bảo chúng ta, phải trân trọng sức khỏe thân thể hiện tại. Tất cả điều kiện đều đầy đủ thì phải chăm chỉ nỗ lực mà tu học.

Tử ma là phiền phức rất lớn. Cả đời này của chúng ta tu hành có được công phu tốt, sau khi chết rồi, đời sau cũng không tệ, có công phu đời sau được thân người, nhưng khi được thân người, khi phải nhập thai thì công phu đời trước đã tu thảy đều quên hết sạch, ngay đời này phải bắt đầu lại từ đầu. Đó gọi là dày vò. Không thể đời đời kiếp kiếp tiếp nối mà làm, vừa gián đoạn thì chí ít phải gián đoạn hết 20 năm. Đó là bị mê khi cách ấm, bạn bị quên hết sạch trơn. Cho nên, thế gian tu hành khó.

Vì sao Phật nói phải tu ba A Tăng Kỳ kiếp, tu vô lượng kiếp? Đạo lý chính ngay chỗ này. Nếu như tu học của chúng ta quả như có thể giữ được không cho gián đoạn, không thoái chuyển thì phàm phu thành Phật làm gì phải mất thời gian dài đến như vậy? Không cần thiết. Đây chính là do ở trong sáu cõi, thời gian thoái chuyển quá dài. Nếu như đọa đến ác đạo, tuổi thọ trong địa ngục rất dài, trên Kinh đều nói vô số kiếp, trong thời gian dài đến như vậy không nghe được Phật pháp. Trên cõi Trời Dục Giới còn được tốt một chút. Từ Sắc Giới trở lên cũng không dễ, phước báo quá lớn, lo hưởng phước nên xem nhẹ đi việc tu hành, “giàu sang học đạo khó”, khiến chúng ta nghĩ ngay đến sanh tử đại sự, tử ma rất phiền phức.

Nếu như chúng ta không muốn chết, thì “Kinh Vô Lượng Thọ” chính là dạy cho chúng ta vô lượng thọ, bạn y theo pháp môn này mà tu học thì ngay trong một đời này, bạn quyết định không chết. Cho nên, pháp môn này trong lúc chúng ta giảng giải đã nói rất nhiều lần (lời tôi nói đều là lời thật, không phải lời giả), mỗi giờ mỗi phút đều khuyên bảo mọi người là pháp môn này không già, không bệnh, không chết. Đáng tiếc người tin thật quá ít, đúng như chư Phật đã nói là “pháp khó tin”, chân thật khó tin. Có lẽ có người muốn hỏi: “Bạn nói không chết, nhưng chúng tôi thấy người niệm Phật chết cũng không ít, vậy thì tại sao nói là không chết?”.

Kỳ thật, người niệm Phật không chết, họ đi đến Thế giới Cực Lạc, họ vứt bỏ đi cái thân thể này, không cần cái thân này; khi ra đi rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo; khi lâm chung thấy Phật đến rước; không có đau khổ, hoan hỉ vui vẻ mà đi theo Phật. Sau khi xả bỏ cái thân này, đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc mang thân mới giống y như thân của A Di Đà Phật, sắc thân tử ma vàng thật. Trên Kinh Phật nói với chúng ta “đầy đủ 32 tướng”, đó là tùy thuận phàm phu chúng ta mà nói, trên thực tế thì thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp. Đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc mãi mãi không còn già nữa, vĩnh viễn sẽ không bị bệnh, tất cả sự mong cầu là tùy tâm sở nguyện, chân thật là tâm tưởng sự thành. Bạn nói xem, ở nơi đó tốt đến dường nào!

Người đại phú đại quý ở thế gian này của chúng ta so với người hạ hạ phẩm vãng sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng không thể so được. Không những nói người phú quý ở nhân gian chúng ta không thể so sánh, trên Kinh nói với chúng ta, cho dù là người trên trời (chúng ta gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế) cũng không thể sánh vào đâu, mới là Dục Giới tầng trời thứ hai, là chủ Trời Đao Lợi.

Đại Phạm Thiên Vương cũng không thể sánh được với phước báo của người hạ hạ phẩm vãng sanh ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Cho nên, các vị muốn chân thật hưởng phước báo lớn thì nhất định phải vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Nhất là ở thời đại hiện tại này của chúng ta, thời đại tai nạn triền miên, người trung niên trở lên phải thường hay nghĩ đến nơi nào là chỗ chúng ta quay về? Sau khi già rồi thì phải làm sao? Đi đến nơi nào? Ở nơi đây, Lý cư sĩ phát khởi muốn xây dựng Thôn Di Đà. Hôm nay ông đem biên bản hội nghị về Thôn Di Đà này cho tôi xem, đại hội Cư Sĩ Lâm đã thông qua. Đó là chỗ quay về hiện tại của chúng ta.

Một người thông minh, một người giác ngộ đến nơi nào thì tốt nhất? Thôn Di Đà! Thôn Di Đà tương lai nhất định thấy được A Di Đà Phật, nhất định vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Cả đời này của chúng ta không hề luống qua, vô lượng kiếp đến nay là cơ duyên hy hữu khó gặp, chúng ta ở ngay trong đời này xem là đã đợi được. Đây không chỉ là đại sự một đời, mà đời đời kiếp kiếp vô lượng kiếp đến nay, chúng ta đã nghĩ đến việc lớn này. Cho nên, chết là sự dày vò.

Loại sau cùng là “Thiên Ma”

Trong kinh Phật nói cho chúng ta, thiên ma là Ma Vương Ba Tuần.

Bốn loại ma chướng này, ba loại trước đều là tự thân chúng ta đầy đủ. Ngũ ấm là tự thân ta, phiền não cũng là tự thân, sanh tử vẫn là tự thân, chỉ có một loại là bên ngoài. Loại ma bên ngoài này rốt cuộc là gì? Dùng lời hiện đại mà nói thì mọi người dễ hiểu, hiện tại thế giới muôn màu ở bên ngoài, tất cả người và sự vật mà bạn thấy được, bạn nghe được, bạn tiếp xúc được đều đang mê hoặc bạn, làm cho thân tâm của bạn vĩnh viễn không được an bình, đó chính là ma. Do đây có thể biết, ma này chính là trong có phiền não, ngoài có mê hoặc, bạn làm sao có thể chịu nổi chứ? Đó là ý nghĩa của ma, đơn giản mà giới thiệu với các vị đến đây.

Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 31
Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Nhiếp trọn sáu căn, Tịnh niệm nối tiếp là sao?

Định Tuệ

Nhìn thấu buông xuống là gì? Làm như thế nào?

Định Tuệ

Vì sao phải siêu độ vong nhân? Phương pháp siêu độ vong nhân

Định Tuệ

Con người và những vì sao tinh tú có liên quan gì?

Định Tuệ

Vãng sanh Cực Lạc không phải là chết, mà là sống mà ra đi

Định Tuệ

Có tiền bạc là phước báo, cách dùng tiền là trí tuệ

Định Tuệ

Kinh Cứu Khổ – Bạch Y thần chú khi trì tụng có tác dụng gì?

Định Tuệ

Những hạng người nào có đủ phước báu nhất để niệm Phật?

Định Tuệ

Không tu thập thiện nghiệp tất cả phước tu được không chân thật

Định Tuệ

Viết Bình Luận