Pháp Uyển Châu Lâm nội dung 100 quyển bao quát tất cả giáo nghĩa cơ bản Phật giáo. Sách được dịch sang tiếng việt với tên mới là Hương Hoa Vườn Giáo Pháp.
Sách Pháp Uyển Châu Lâm (法苑珠林) cũng gọi Pháp uyển châu lâm truyện, Pháp uyển châu lâm tập. Tác phẩm, 100 quyển (tạng Gia hưng ghi 120 quyển), do ngài Đạo Thế soạn vào đời Đường, được thu vào Đại Chính Tạng tập 53. Sách này đem nội dung các kinh điển Phật giáo biên thành mục cho dễ tra cứu.
Ngài Đạo Thế đã căn cứ vào Đại đường nội điển lục và Tục Cao Tăng Truyện do ngài Đạo Tuyên (Pháp huynh của ngài Đạo Thế) mà biên tập thành sách này, có tính chất một bộ Bách khoa toàn thư của Phật giáo.
Nội dung toàn sách chia làm 100 thiên, 668 bộ, trình bày khái quát về tư tưởng, thuật ngữ, pháp số của Phật giáo, trích dẫn các kinh, luật, luận, kỉ, truyện, tổng cộng tới hơn 400 loại, trong đó có những kinh điển hiện nay đã thất truyền. Những đoạn văn trích dẫn không phải hoàn toàn sao chép y nguyên văn mà chỉ trích lấy những chỗ nghĩa lí cốt yếu mà thôi. Đây là bộ sách rất quí giá trong nền văn hiến Phật giáo Trung quốc. [X. Tống Cao Tăng Truyện Q.4; Đại Đường nội điển lục Q.5; Duyệt tạng tri tân Q.43].
Nội dung một trăm quyển của Pháp uyển châu lâm đã bao quát tất cả giáo nghĩa cơ bản Phật giáo. Về hình thức, sách cũng đã phân chia, sắp xếp theo thứ tự từng bộ loại riêng biệt để giới thiệu đến người đọc về giáo lí và tri thức Phật giáo như: quan niệm về không gian và thời gian, quan niệm về vũ trụ và hữu tình, phương thức truyền giáo, nhân quả nghiệp lực, thiện ác báo ứng, việc tu tập và đức hạnh phải có của hai chúng tăng tục, phân loại Thánh phàm, giới luật và thiền quán, thần thông và chú ngữ, danh tướng pháp số, chùa tháp và pháp khí, âm nhạc và hình tượng, nghi lễ và phép tắc oai nghi, vệ sinh giữ gìn sức khóe… Nhưng quan trọng hơn, sách này đã luận bàn rộng đến những hiện tượng xã hội và quan niệm đúng sai về luân lí thế gian. Vì thế có thể nói đây là một bộ sách lớn gom tập tất cả tư tưởng xuất thế và nhập thế.
Sách đã được Hội đồng dịch thuật do Hoà Thượng Thích Tịnh Hạnh chủ trì dịch và nhà xuất bản: Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản lần đầu tiên trong dự án Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh bắt đầu từ năm 1997.
Vào năm 2011 sách được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt, gồm bảy tập với tên mới là Hương Hoa Vườn Giáo Pháp và hiện tại đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.
Quý độc giả và các nhà nghiên cứu Phật học có thể đọc nguyên bản dịch Việt của cố Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh dưới đây.
TỰA
Triều nghị Đại phu, Lan đài Thị lang: Lý nghiễm, tự Trọng Tư, người Lũng Tây biên soạn.
Từ khi Lục hào chế tác, Bát quái thành hình, mới có văn tự, chiếu diệu Thi thư. Phụng chạm rồng tô, thẻ vàng chữ ngọc, Bách gia chi phái, vạn quyển phân ngành. Dù lý đạt tinh vi, lời mòn vật loại, nhưng gom tình góp tính, chưa siêu việt khỏi nhân gian, suy trước xét sau, há bao trùm ngoài vũ trụ? Cũng có Đạo đức kinh của Lão Đam, Nam hoa kinh của Trang Tử, quý báu mà viễn vông, gấm hoa mà quái đản, đều chạm trên tuyết không ra dáng dấp, vẽ giữa không chẳng được thật hình. So với bảo kệ nhiệm mầu, bối kinh vi diệu, Nhị thừa bác học, Bát tạng uyên thâm, cạnh tranh cạn sâu, đối chọi hơn kém, khác gì tổ kiến nhỏ nhoi muốn lớn hơn núi Tung núi Thái, vũng trâu cạn cợt mong dài hơn sông Hán sông Giang? Than ôi! Nghĩa lý rốt ráo của Hiển tông, phép tắc huyền vi của Mật giáo, pháp môn giải thoát, thần chú Tổng trì, bến trước bờ sau, đều khớp lý Chân như, niệm cuối niệm đầu, cùng về nơi Chánh giác. Chỉ bảo đám u mê trong trong biển dục, khiến tình phàm tâm tục đều tiêu, chăn dắt kẻ khốn khó giữa nhà lành, ngọc búi tóc, chéo y đem cho hết. Giáo hóa đã đầy dẫy trần sa bát ngát, công ơn còn bao phủ kiếp bụi mỏng manh. Vĩ đại thay! Chu đáo quá! Lấy lời nào ca tụng cho vừa!
Kịp đến nhà Châu, sao lạ hai lần ứng hiện, sang qua triều Hán, mặt nhựt sáng tỏa điềm lành. Sái Âm qua Tây quốc, Pháp Lan đến Đông độ. Lời vàng trên pháp hội, diệu chỉ ở bảo đài, tích lũy chan chứa lụa tre, loa truyền phổ biến Hoa Hạ. Song kinh điển bao la, tông phái sâu rộng, thật tướng chân nguyên khó lòng xem khắp. Từ ngày nhà Đường ta dựng nghiệp, trải đến khi Tánh thượng lên ngôi, Phật pháp lại được xiển dương, tăng đồ càng thêm đông đảo. Truyền bá đèn pháp, ban bố sữa mầu, rực rỡ sáng tươi đất nước. Lời kinh tiếng kệ ngân nga vang dội khắp chốn quận triều. Sự nghiệp hoằng hóa xem rất hưng thịnh, phương tiện giáo hóa lại càng vô tận.
Nay có Pháp sư Đạo Thế, tự Huyền Uẩn, ở chùa Tây Minh, xứng đáng là bậc lãnh tụ nơi cửa Phật. Nhóm thiện duyên từ thời tấm bé, quyết dứt màu áo gấm giữa tuổi thanh xuân, nuôi từ tâm cứu độ sinh linh, tạo phước đức lên đàn thọ cụ túc giới. Đạo hạnh sáng ngời, giữ gìn nghiêm minh như ngan nuốt ngọc mà giữ giới, giới luật tinh thông, hoan hỷ tựa hành giả sửa mình trước kính. Hâm mộ Đại thừa, thấu triệt thật tướng. Bác học đa tài rất nổi tiếng, được triệu làm Tọa chủ Tây Minh. Thường khi tu tập thanh nhàn, để mắt xem suốt thông Tam Tạng. Suy nghĩ rằng xưa nay nhiều đời, lắm người chế tác . Tuy ý đẹp lời hay, việc trước thuật vẫn chưa viên mãn. Do đó, mới thâu tóm tinh hoa trong vườn pháp, chọn lọc tuyệt phẩm của Đại thừa, phân chia từng mục, biên soạn thành sách, nhan đề là Pháp Uyển Châu Lâm, gồm có một trăm thiên, đóng thành mười tập.
1. Duyệt trọn sách, nghĩa nhiều lời ít, nắm chặt lối toát yếu của họ Ngu, nối pháp đăng truyền bá đạo tâm, cố phò Thánh thượng phát huy minh đức. Ngôn từ hoa mỹ, nghĩa lý tinh tường. Chỗ ẩn áo nhiệm mầu, tuyên dương không thiếu sót, pháp môn vi diệu, bao quát tận ngọn nguồn. Thế nhưng, văn chương phồn tạp thì sướt mướt trữ tình, nghĩa lý đơn sơ thường hẹp hòi kiến thức. Nên Pháp sư không muốn hư cấu lời suông, giả dối khoa trương đầy trang đầy quyển. Trọng sách biên soạn, xem ra không thể chối từ, hiềm nỗi thư tịch bộn bề, sách đọc lâu ngày mới tỏ chỗ thiết yếu. Vì thế, đến niên hiệu Đại Đường Tổng chương nguyên niên, nhằm ngày ba mươi tháng ba năm Mậu Thìn, chi ứng Chấp từ, luật đúng Cô tẩy, công tác soạn thuật mới thật hoàn thành.
2. Ước mong sao kẻ sưu tập lời huyền, tìm trong sách, ngộ đạo vô thượng, người tu theo Chánh giáo, đọc văn chương, uống nước cam lồ. Nghiền ngẫm sách, hiểu thấu tinh vi, xem xét sách, thấy tới thâm diệu. Cùng thế gian, sách hằng soi sáng, với vũ trụ, sách mãi lưu truyền!
[pvfw-link viewer_id=”3451″ text=”Pháp Uyển Châu Lâm quyển 1-33″ class=”pdf-viewer-link-single” target=”_blank” default_zoom=”auto” pagemode=”none”][pvfw-link viewer_id=”3457″ text=”Pháp Uyển Châu Lâm quyển 34-66″ class=”pdf-viewer-link-single” target=”_blank” default_zoom=”auto” pagemode=”none”][pvfw-link viewer_id=”3458″ text=”Pháp Uyển Châu Lâm quyển 67-100″ class=”pdf-viewer-link-single” target=”_blank” default_zoom=”auto” pagemode=”none”]