Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Nhập Pháp Giới – Cư Sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng giảng giải

QUYỂN BA – Chương 3

Chương ba
11 tháng 11, 1990

Tôi rất lấy làm mừng vì hôm nay là ngày chúng ta tái ngộ sau ba tháng nghỉ xả hơi. Tôi cũng mong rằng sau này chúng ta sẽ cùng hẹn nhau những ngày hội ngộ lớn hơn nữa, hội ngộ ở những kiếp khác và cõi khác, hay hội ngộ ở nơi Cực Lạc. Quí vị đừng cho như thế là hoang đường và vu khoát đâu. Vì nếu ta thành tâm ước muốn như thế thì chắc rằng, sau này, chúng ta sẽ cùng hội ngộ bên Cực Lạc.

Giáo lý của chư Phật thường gọi là “thậm thâm vi diệu pháp.” Ngày xưa tôi cứ hoài nghi mãi những chữ ấy, nhưng sau càng đọc, càng thấy đúng. Vì chỉ có giáo lý ấy mới nói rõ được bí ẩn của pháp giới này, nói rõ được bí ẩn của chính mình, của chúng sanh và sự luân hồi. Trong pháp hội này, chúng ta phần nhiều là những người đã lớn tuổi, bệnh tật cũng nhiều, hoạn nạn cũng nhiều. Nhưng nếu chúng ta chịu khó suy nghĩ sẽ thấy trong pháp giới này, biết bao nhiêu người bệnh tật, biết bao nhiêu người đau khổ, biệt ly, hoạn nạn v.v… thì nếu chúng ta có bị đôi chút thì cũng nên hoan hỉ nhận điều ấy. Vì không có lẽ chúng ta không chịu nhận cái phần tội lỗi, bệnh tật của mình? Những người khác còn bệnh tật hơn chúng ta nhiều, còn bị chia ly hơn chúng ta nhiều. Có những gia đình đi di cư chết một nửa. Nhân loại đau khổ đến thế, nên phải hiểu đã mang cái thân máu thịt này, thì không lúc nào không có bệnh, không lúc nào đời sống không bấp bênh, nên chúng ta cần luôn nhớ rằng, nhân loại này đau khổ nhiều, chìm đắm nhiều thì không lẽ chúng ta lại không chịu nhận cái phần hoạn nạn của mình sao? Khi nghĩ được như vậy, tâm chúng ta sẽ an nhiên được vài phần, mà chúng ta lại biết chắc rằng, dù hoạn nạn, bệnh tật đến đâu thì chỉ chết là cùng, mà sắc thân này vốn đã là huyễn mộng, còn giới thân huệ mạng của ta không thể chết được.

Hôm nay trước khi giảng tiếp phần nhập pháp giới của kinh Hoa Nghiêm, tôi muốn cùng quí vị kiểm điểm sơ lược lại những giáo lý khác, từ Khổng Giáo, Thần Tiên Giáo, Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, Cơ Đốc giáo, và ngay cả triết học và khoa học để quí vị thấy tại sao đức Phật nói giáo lý của ngài là một giáo lý thậm thâm vi diệu…

Chúng ta là những người có túc duyên lớn, gặp được giáo lý đại thừa của chư Phật, lại có thể hiểu được đôi chút, nên cần suy tư về những sự vi diệu ấy, thì sẽ làm tăng trưởng công đức lên nhiều.

Bắt đầu là Khổng Giáo, đó là đạo cho “Nhân thừa,” dạy chúng ta làm người tốt, một quân tử. Khổng giáo chỉ nhằm dạy chúng ta những phép cư xử ở thế gian này, không hơn. Trong khi đạo Phật dạy chúng ta pháp xuất thế gian, đồng thời cũng dạy những pháp nhập thế tích cực để đi vào Đạo. Đạo Khổng chỉ dạy tam cương, quân, thần, phụ tử, phu, phụ, (vua và bầy tôi, vợ và chồng, cha mẹ và con cái), ngũ thường là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Tất cả những thứ ấy đều dạy chúng ta làm một người tốt, một người quân tử. Quân tử, là một loại người có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, giữ được tam cương, đồng thời “hòa nhi bất đồng.” Hòa tức là hòa đồng với tất cả mọi người nhưng không giống họ. Còn kẻ tiểu nhân là “đồng nhi bất hòa” vì những người tiểu nhân đều giống nhau, đều tật đố, vênh vang, tham lam, thích cãi cọ v.v… rất giống nhau nhưng lại không hòa được với nhau. Tóm lại, đạo Khổng dạy về nhân thừa, đạo làm người, mà không có phương pháp nào dạy xuất thế. Tới khi cuối đời, ngài Khổng Tử gặp ngài Lão Tử, thì Khổng Tử phải kêu lên rằng: “Lão Tử như con Rồng, ta không thể bì kịp…” Vì ngài hiểu như thế nên ngài không thể nói xa hơn, hoặc có lẽ nhiệm vụ của ngài, hạnh nguyện của ngài chỉ nói đến đó thôi…

Cao hơn một chút là Thần Tiên giáo, người Trung Hoa vẫn gọi là Lão Giáo, nhưng chính ra Thần Tiên phái không phải của Lão Tử, vì ngài Lão Tử là một vị Bích Chi Phật.

Sau này, Trang Tử, hay những vị tu tiên khác, đặt ra Thần Tiên Phái. Trong kinh Lăng Nghiêm nói, những người tu tiên là tu theo vọng niệm, tức là muốn kiên cố cái hình hài này, mà hình hài này là một vọng tưởng, như vậy, Thần Tiên Phái tu theo vọng niệm, muốn kiên cố một thứ phù du. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói rõ, có những vị luyện đơn, hay dùng những kỳ hoa, dị thảo, uống vào để luyện tinh khí mình thăng hoa, để mong giữ thân xác này không già, có thể trường sinh được vài ngàn năm. Trong khi đạo Phật lại coi cái đó rất thường, hai, ba ngàn năm thì cũng như một trăm năm thôi, sau cũng phải hoại diệt. Nên đạo Phật dạy cho chúng ta mở một cánh cửa bất tử khác, cao sâu hơn, đó là cánh cửa thể nhập vào Tâm, vào pháp giới này… Thêm nữa, vấn đề đặt ra là những vị thần tiên ấy sau khi chết sẽ thọ sanh ở đâu? Các vị đó sẽ chỉ thọ sanh nơi trung giới, tức là khoảng từ quả đất này, lên đến mặt trời, mặt trăng, chứ chưa lên được đến Chư Thiên nữa.

Chúng ta nên nhớ một điều là tất cả các giáo lý, từ cao, sâu, nông, thấp v.v… đều do nhãn lực hay tam muội nông sâu của vị giáo chủ đó nhìn thấy. Khi vị giáo chủ ấy vào tam muội sâu bao nhiêu, thì giáo lý vị đó càng rộng, càng cao, nhìn được xa hơn, có thể có thiên nhãn, huệ nhãn v.v…, còn vào tam muội nông, thì chỉ nhìn thấy được một khúc ngắn thôi, nên giáo lý ấy cũng thấp, nông cạn.

Trong đạo Phật, đức Phật dạy rằng, có vô lượng thứ tam muội, nhưng tam muội nào rốt cục cũng quy về Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, cũng là Chân Như Tam Muội, cũng là Như Huyễn Tam Muội và cũng là Kim Cang Tam Muội. Nếu có thay đổi thì chỉ thay đổi đôi chút về hành xứ, nhịp điệu rung chuyển của tâm của thức, óng ánh ra những sự hiểu biết khác, chứ thực ra thì vẫn là Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội. Đức Phật vào chánh định “vô trụ” đó, nên ngài có được ngũ nhãn, nhìn thấy tất cả những bí ẩn lắt lay của pháp giới này. Trong khi những tôn giáo khác, không một tôn giáo nào có đủ ngũ nhãn, cũng không có vị giáo chủ nào vào được tam muội vô trụ ấy. Như Ấn Độ giáo là một giáo lý cao, nhưng trong đó chỉ nói có hai thứ tam muội, một là “tam muội có đối tượng,” hai là “tam muội không có đối tượng.” Tóm lại, các giáo lý, nông sâu đều qui vào mức tam muội, và ngũ nhãn.

Trong kinh Đại Bát Nhã, Phật dạy, nếu các ông muốn có ngũ nhãn thời phải tu tập bát nhã ba la mật. Trong khi, Ấn Độ giáo chỉ nói đến Thiên Nhãn thôi, rồi dùng Thiên Nhãn ấy, có thể nhìn được tầng trời Phạm Thiên. Và các vị ngoại đạo tu tập thiền định tam muội, lúc chết thọ sanh lên cõi trời Phạm Thiên, ngồi đó, nhìn thấy vị Phạm Thiên Vương hào quang sáng chói, biến hiện tự tại, nên các vị tu sĩ Ấn Độ giáo khởi tâm tà kiến nghĩ lầm rằng vị này sanh ra thế giới này. (Nhà Phật gọi đó là “tam muội đảo điên.”) Rồi cho rằng vị Phạm Thiên Vương đó là Thượng Đế… Bước sang Hồi giáo, các vị tu theo Hồi giáo không có tam muội, chỉ có những giây phút xuất thần, nhìn thấy được Thiên Thần và một số cảnh Trời. Rồi giáo chủ Mohamet nhận mình là Tiên Tri, cho rằng đức Christ cũng chỉ là bậc tiên tri mà thôi. Giáo điều trong Hồi giáo đưa ra là: “Những người nào đi chinh chiến giết quân thù, giết những người không phải Hồi giáo, những kẻ đó sẽ được sanh lên Thiên Đường.” Vậy, Thiên Đường đó là gì? Đó là những vườn cây đẹp, với những võng rất đẹp, lớn, đầy hoa, mà có nhiều Thiên Nữ chào đón mình. Nếu kiểm chứng các cõi trời Phật dạy trong kinh, thì Thiên Đường đó chính là cõi trời của A-Tu-La. A-Tu-La là những người hiếu chiến, nhưng rất hào hiệp, bố thí rất nhiều mới được sinh vào loài này. Thiên nữ A-Tu-La rất đẹp. Cõi trời A-Tu-La nằm dưới cõi trời Đao Lợi. Nên cứu cánh thiên đường của những người theo hồi giáo chỉ đến đó thôi.

Đạo Phật có cái hay nhất là mô tả rõ tất cả, và soi sáng cho chúng ta hiểu rõ mức độ nông sâu của thế giới này. Đọc đạo Phật rồi, khi nhìn tất cả đạo khác, ta sẽ thấy rất rõ tùy theo mức độ tâm thức của vị giáo chủ ấy đi sâu đến độ nào. Ngược lại,những người ở tôn giáo khác, đọc đạo Phật lại thấy mờ mịt, không hiểu gì mấy.

Còn về Cơ Đốc giáo thì Thiên Đường của họ cao hơn, nhưng vẫn không có tam muội lớn. Chỉ có Thánh Joan ngồi trên một hòn đảo, giây phút xuất thần nhìn được một khung cảnh trời dục giới, nên viết ra cuốn Apocalypse. Mặc dù đức Christ là một vị Bồ Tát khá cao, nhưng ngài chỉ nói đến vậy thôi. Còn những giáo sĩ của họ lại nói thấp xuống hơn nữa. Cứ nói là Thiên Đường Vĩnh Cửu, hay vào Địa Ngục Vĩnh Cửu. Vì sao? Vì chúng sanh chỉ cần biết như thế thôi, căn cơ hạn hẹp, chỉ muốn nghe đến một giáo điều đơn giản, hoặc hoàn toàn nương vào một đấng thần linh nào đó để khỏi phải suy nghĩ. Trái lại, trong đạo Phật, phải triển khai trí huệ, phải vượt lên nữa, đến tầng trời sắc giới, rồi vô sắc giới. Lên đến đây, cũng chưa ăn thua gì, phải ra khỏi ba cõi, ra khỏi cả Đại Thiên thế giới, đứng nhìn tất cả thế giới khác, rồi thu tất cả thế giới ấy vào trong thân tâm của mình. Bấy nhiêu cũng đủ thấy sự mênh mang của đạo Phật đến độ nào.

Chúng ta là những người, tuy rằng phiền não chất ngất, vô minh còn dầy đặc, tham, sân, si còn nhiều, nhưng chúng ta tin được những điều đó thì đủ biết túc duyên rất hy hữu. Vì tôi đi thuyết pháp nhiều nơi, tôi thấy không có mấy người tin được Đại Thừa, và cũng không có mấy người hiểu, vì nó mênh mang quá.

Còn thiên đường của Ấn Độ giáo là vào cõi sắc giới và cõi vô sắc giới. Vì vậy, đức Phật mới thị hiện thọ sanh bên Ấn, vì để giáo hóa ngoại đạo, vì họ rất chịu khó tu tập, nhưng chỉ lên được đến tầng trời cõi sắc và cõi vô sắc thôi, rồi dừng ở đó, tưởng đó là Niết Bàn, là giải thoát rồi.

Nay, nói đến triết học của thế gian và khoa học. Ta thấy rằng tất cả những thứ ấy đều nằm trong lưới của vọng thức, chính họ cũng không hay biết. Tôi nghĩ, một người học Phật nếu nói về khoa học, phải biết thâu tóm tất cả pháp thế gian vào trong pháp của chư Phật, vì tất cả những thứ đó đều là vọng thức, đều là kết quả của ý thức thứ sáu, và của đôi mắt thịt. Ngay như nhà khoa học nổi tiếng Enstein, cũng chỉ có một đôi mắt thịt, với bộ óc suy tư bằng ý thức thứ sáu, chưa vào được tiềm thức, chưa vào được vô thức, chưa tập thiền, chưa có đến thiên nhãn nữa. Nên cũng chỉ nhìn được một khúc của pháp giới thôi; Rõ rệt là tất cả những gì ông nghĩ ra cũng không hơn gì chúng ta lắm, một chút thông minh hơn, quan sát sắc bén hơn, sử dụng chất xám nhiều hơn, biết phương trình toán nhiều hơn, biết lý luận trên sự kiện trong pháp giới hơn v.v…, rồi nghĩ ra một màng lưới của vọng thức mà thôi, vẫn còn rơi vào trong vòng nhị biên, có đối đãi, có ta và không ta.

Nay, nói đến triết học, thứ triết học ngày xưa cao siêu nhất của Tây Phương là Platon, nó là cha đẻ của những triết học tây phương sau này. Platon chê thế giới của cảm giác, tức là ông ta chê thọ ấm, thì cái đó đúng như trong nhà Phật đã nói, rồi Platon lại nói rằng, trên thế giới của cảm giác còn có một thế giới nữa đó là thế giới của ý niệm, tức là thế giới của tâm tưởng, như vậy ông đã vào đến tưởng ấm. Nhưng đến đây thì ngừng lại, và bảo rằng thế giới này là cao siêu nhất, là cuối cùng, là đến mức tuyệt đối rồi. Tức là ông đã đi qua được thọ ấm, vào được đến tưởng ấm, mà không vào được đến tưởng ấm, mà không vào được đến hành ấm và thức ấm. Còn Aristos, Descartes v.v… thì còn thấp hơn nữa. Nhưng không phải thế mà người đời không sùng mộ, vì sao? Vì người đời đa số chỉ hiểu được đến đó thôi. Nên có những phong trào Đạo chỉ nói đến những gì rất thấp, ngay cả đưa vàọ giáo điều những sự thiển cận, láo lếu thì thiên hạ họ lại theo ùn ùn, còn những kinh cao siêu mầu nhiệm của Đại Thừa thì họ lại ngại, bỏ đi hết.

Nên phải hiểu rằng, các “tà sư” bây giờ, tất cả những vị nào tự xưng mình là gì gì, rồi chỉ nói đến giáo lý thiển cận, cầu mong được cái này, cái nọ v.v…, đều là những người ĐẠI VỌNG NGỮ. Như có vị tự xưng mình là Ngọc Hoàng Thượng Đế, có vị tự xưng là Pháp Hoa Giáo Chủ, là Di Lặc xuất thế v.v… nhưng cuối cùng chẳng thấy gì khá cả, chỉ thấy lấy nhiều vợ, sinh con đẻ cái, làm những chuyện dâm dục, mà nói pháp thì chỉ tưởng tượng ra mà nói. Có thể những người đó có một chút ma lực hỗ trợ, nói pháp vẫn có người nghe, và mê hoặc được ít người khác.

Trở lại vấn đề triết học, chúng ta thấy rằng không có một triết gia nào hiểu về “tứ cú” cả (có, không, cũng có cũng không, chẳng có chẳng không), không ai có thể hiểu rằng, thế giới này có thể là có, có thể là không, có thể là cũng có cũng không, có thể là chẳng có chẳng không, cũng có thể là không không, tùy theo tâm thức lắt lay của từng chúng sanh mà thôi. Chỉ có mỗi Sartre nói được một câu:

“Tâm thức của con người rỗng lặng, mà nó có khả năng rất kỳ diệu, có thể hư vô hóa sự vật,” nhưng sau đó lại không triển khai được gì.

Bây giờ nói đến khoa học. Chúng ta ai cũng sùng bái khoa học, vì khoa học đi vào ngoại giới khá sâu, cái “ghê gớm” nhất của nó là tạo được một vài thần thông nho nhỏ sáng chế ra các thứ máy, như xe hơi, máy bay, điện thoại, Computer và nhiều thứ khác. Nhưng nếu nghĩ kỹ thì khoa học chỉ có thể tạo những tiện nghi cho thể xác này thôi, không thể tạo được sự bình an cho tâm hồn. Và khoa học càng tiến bao nhiêu thì tâm hồn chúng ta càng lắt lay bấy nhiêu, càng thấy chênh vênh và nhiều phiền toái bấy nhiêu. Suy nghĩ kỹ hơn sẽ thấy rằng khoa học giải quyết “chân lý” có tính cách rất giai đoạn, không có gì gọi là tuyệt đối cả, chỉ là một chân lý tương đối thôi.

Thí dụ như ngày xưa, khoa học tin rằng pháp giới chỉ có một trái đất này thôi, nhưng đến bây giờ, lại thấy có rất nhiều thái dương hệ, mà trong một thái dương hệ có rất nhiều hành tinh quay chung quanh. Ngày xưa, cũng nghĩ rằng chỉ có một kiếp thôi, sống xong rồi, chết đi là hết, đi vào hư vô, đoạn diệt hết. Nhưng bây giờ, có nhiều sách thần bí học nói đến nhiều kiếp khác, lại có nhưng vị bác sĩ thu thập chứng nhân của những người chết rồi trở lại, hay họ dùng thôi miên để khiến người bệnh trở về những kiếp trước, nên một số y sĩ công nhận còn có những kiếp khác nữa. Dân chúng tây phương, dần dần hơi tin rằng còn có kiếp khác, có cõi khác…

Lại có những điều giáo lý nhà Phật nói từ lâu xa rồi, khoa học cần phải đến cả trăm năm mới thấy. Như cách đây khoảng bốn mươi, năm mươi năm, khoa học đi vào lãnh vực của hạt tử, họ hăm hở đi kiếm một hạt tử cuối cùng, lấy đó làm viên gạch cơ bản để vẽ cái mô hình của pháp giới này. Bắt đầu họ thấy được nguyên tử, tưởng đó là mức cùng tận rồi, nhưng xăm soi mãi, (vọng thức nổi lên), thì lại thấy có nhiềụ dương điện tử, âm điện tử và những hạt neutron, rồi lại cho đó là viên gạch cuối cùng, nhưng cũng … không phải. Rồi lại tìm kiếm mãi, bây giờ thấy được khoảng hai trăm thứ hạt tử khác nhau, mà mỗi hạt tử ngày càng biến ảo kỳ diệu, có thứ chỉ tồn tại trong một phần tỷ giây đồng hồ thôi rồi biến mất. Lúc này, khoa học bị rơi vào một vũng lầy, không biết được thế nào là đúng nữa, vì càng đi sâu bao nhiêu, nó lại càng biến ảo bấy nhiêu. Nhưngg trong kinh Lăng Già nói khơi khơi từ lâu rồi, Phật dạy rằng “Cho đến vi trần, phân tích tìm cầu trọn không thể được” (kinh Lăng Già, trang 97). Ý ngài muốn nói rằng, các ông tìm một vi trần cuối cùng thì không thể nào được cả, vì như vậy, ông đi dần vào hư không, mà càng đi sâu bao nhiêu thì càng biến ảo bấy nhiêu, không thể nắm được cái gì, vì cái gì cũng bất khả đắc… Là vì Phật có ngũ nhãn, nhìn thấy vi trần và cõi.

Một điểm nữa tôi muốn nói thêm ở đây là điểm cỗi nguồn. Khoa học từ lâu, từ thời Newton đến giờ, người nào cũng săm săm tuyên bố rằng mình sắp khám phá được cỗi nguồn của vũ trụ này. Nhưng kiếm gần một trăm năm chục năm nay cũng chưa thấy đến đâu cả, càng ngày càng thấy mông lung, mù mịt, vì sao? Vì cái cỗi nguồn ấy là ở chỗ vô hình, không phải ở chỗ hữu hình, mà khoa học chỉ có khả năng đi tìm những gì có hình tướng thôi, muốn tìm được nguyên nhân của nó, phải đi vào thiền định mới hiểu được. Đôi khi, tôi thấy khọa học thật ngớ ngẩn và ngây thơ. Như ngày xưa có thuyết “big bang” của một vị bác học, cho rằng nguyên thủy, vũ trụ này chỉ là một cục vật chất, rất đặc, rồi tự nhiên nó nổ tung ra thành các tinh hà, vũ trụ.

Chỉ nghe thế thôi cũng đã thấy mấy vị khoa học đó ngây thơ chỉ biết chấp vào những gì lăng xăng bên ngoài, những gì có hình tướng (vốn là những vọng thức kết tập từ thời vô thủy), rồi từ đó-cộng thêm những ý thức phân biệt-lý giải lăng nhăng. Cái gì là một cục vật chất có thể hết sức đặc được? lại nữa, cái gì làm cho cái cục “hết sức đặc” ấy tự nhiên lại nổ tung lên? Rồi tạo thành những tinh hà, rồi tự nhiên lại có cây cỏ, người, vật, núi non v.v… xuất hiện? Đủ hiểu, các nhà khoa học tuy có nhiều óc duy lý thật nhưng nhiều khi cũng ngây thơ như trẻ nít vậy. Và nhiều nhà khoa học lại sùng bái thuyết big bang ấy. Như vậy, khoa học không thể hiểu rằng cái cỗi nguồn là ở chỗ vô hình, vì hình tướng là hữu hạn, làm sao có thể làm cỗi nguồn cho pháp giới vô hạn này?

Chúng ta nên nhớ kỹ những điều ấy, mới thấy túc duyên của chúng ta thật là lớn lao, và cũng nên thỉnh thoảng suy nghĩ đến giáo lý tối thắng của chư Phật thì công đức rất nhiều.

Chân lý của kinh là chân lý sống. Tôi đọc kinh từ hai chục năm nay, cũng có lúc chán ứ lên những lời kinh, và thấy nản. Những lúc nản thế, tôi lại ngồi nghĩ lại những khuôn mặt thân yêu của mình từ cha, mẹ, vợ, các người bạn già thân yêu đã khuất v.v…, nghĩ như thế, tôi lại quay ra … đọc kinh trở lại. Vì không còn một cách nào khác làm cho tâm hồn mình có thể nguôi ngoai được. Vì chỉ có kinh mới lý giải được bí ẩn của sự sống chết, bí ẩn của biệt ly, bí ẩn của các cõi, các kiếp, mà không có một sách thế gian nào trả lời được…

Bây giờ chúng ta trở về kinh.

HỎI: A Di Đà Phật! trước khi vào kinh, xin ông vui lòng cho tôi đặt một câu hỏi. Hồi nãy, ông có nói tất cả những tam muội rốt cuộc cũng qui về Lăng Nghiêm tam muội, cũng như là Kim Cang tam muội, cũng là Chân Như tam muội, cũng là như huyễn tam muội. Vậy thì niệm Phật tam muội ở mức độ nào?

ĐÁP: Niệm Phật tam muội là hành giả mới lọt được vào thức ấm. Khi mới lọt vào thức ấm ấy hành giả chưa thanh tịnh hóa được các biến dịch sanh tử, và những vọng tưởng vi tế, nhưng hành giả đã thấy đức A Di Đà.

Vì vậy, quang minh của cõi Cực Lạc là quang minh của thức ấm, nên vi diệu hơn cõi Thiên ở tầng trời sắc giới và vô sắc giới, chỉ thuộc về tưởng ấm mà thôi. Hành giả phải tu lâu hơn nữa, gột rất nhiều biến dịch sanh tử lúc đó mới vào được Kim Cang tam muội, hay Như Huyễn tam muội, vì những tam muội này ở sâu hơn nữa trong thức ấm. Lúc hành giả thấy đức A Di Đà, nhưng chưa biến hiện được, còn vào được những tam muội kia thì biến hiện không cùng. Đức A Di Đà không phải là ngài không đủ thần thông để hiện ra những cõi vi diệu hơn, nhưng ngài chỉ hiện những quang minh ấy thôi thì chúng ta mới có thể qua được. Chứ nếu ngài hiện những quang minh vi diệu quá gần đến chân không thì làm gì có người lọt vào được, nên ngài từ bi, hiện ra một cõi ở bờ mé của thức ấm thì chúng ta mới dễ lọt được vào trong ấy.

HỎI: Ông nói về cái lưới vọng tình vọng tưởng, vậy thì trong các thời kinh, chúng ta thường tụng “lưới đế châu ví đạo tràng…” thì cái lưới đế châu là cái gì?

ĐÁP: Nếu chúng ta nói về nghiệp lực của người thì có thể nói là cái lưới vọng tình, vọng tưởng. Nhưng trong kinh Hoa Nghiêm dạy rất rõ, “Tất cả pháp giới này được dệt nên bằng thiên la võng quang minh của thần lực hải của Chư Phật, nguyện lực hải của Chư Đại Bồ Tát, và nghiệp lực hải của chúng sanh. Khi chúng ta nói vọng tình vọng tưởng là lưới do nghiệp lực của chúng sanh dệt nên, nhưng nó vẫn lồng vào trong những lưới của Thần lực và nguyện lực, nên lưới đế châu là cái lưới của cả thần lực và nguyện lực.

HỎI: Sao ông giảng, hành ấm là cái cột gút chấp ngã của chúng ta, vậy sao vào đến thức ấm cũng hãy còn có ngã?

ĐÁP: Ngã gủa hành ấm là ngã thô, ngã bàng bạc trong thức ấm là cái chấp vi tế, chấp chiếu soi và chấp pháp. Như một người trông thấy đóa hoa hồng, cứ nghĩ rằng tôi biết, tôi là người tri giả, là thọ giả. Hoặc chợt nảy sinh ra một tư tưởng hay ho nào thì cho rằng đó là ta nghĩ. Nhưng thực ra không phải vậy. Không phải ta biết mà chính là cái giác tánh nó tri, nó kiến, nó đi qua ta, lồng vào trong ta, nên ta khởi lên một ảo tưởng về ngã, tựởng rằng ta biết, ta thấy, ta nghĩ.

HỎI: Cái giác tánh nó tích lũy trong nhiều đời nên mới có người biết và người không biết có phải không?

ĐÁP: Giác tánh ấy không tích lũy gì cả vì nó là cái thực tại cuối cùng, chúng ta khởi lên từ cái biển đó.

HỎI: Không! tôi muốn nói đến cái “biết” ấy!

ĐÁP: Nếu như vậy thì “cái biết” ấy nó rơi vào trong vòng tưởng đối rồi. Giác tánh vốn là cái bễ chân tâm diệu minh, nó chính là cái minh của chân tâm. Cái minh nó lồng vào chúng ta giống như điện lồng vào bóng đèn làm cho bóng đèn sáng. Nhưng vì cái bóng đèn ấy cháy từ nhiều kiếp quá, nó quên mất sự thực, mà nghĩ rằng chính là mình soi sáng, và vì lâu đời, tạo nên những ảo tưởng chính mình soi sáng, biết, chiếu soi, tri, kiến, thọ v.v… Rồi dần dần tăng trưởng cái ngã to thêm, gây phiền não chướng nên chúng ta phải luân hồi. Đến khi nào hiểu rằng, đó chỉ là giác tánh chứ không phải cái ta, thì bớt đi được nhiều phiền não, khi hết phiền não thì thoát được luân hồi sanh tử.

HỎI: Đức Phật thuyết kinh Bát Nhă trong vòng hai mươi hai năm, tức là trong suốt cuộc đời hoằng pháp thì Bát Nhã Ngài giảng lâu nhất, vậy mà sao Bát Nhã chỉ vỏn vẹn có mười tám ngàn câu kệ thôi?

ĐÁP: Đây là câu hỏi đã động đến sự bí ẩn của kinh đại thừa. Như kinh Pháp Hoa có khoảng chừng 300 trang, nhưng trong phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát lại nói, khi ngài Thường Bất Khinh sắp tịch diệt thì ngài đắc đại không tịch, nghe được hai mươi na-do-tha ức kệ Pháp Hoa. Vì vậy, kinh xuất hiện trước mắt chúng ta dài hay ngắn là do tâm lượng và phước lực nhiều hay ít của chúng sanh ấy. Nếu phước lực nhỏ, tâm lượng yếu kém thì bộ kinh ấy ngắn. Ngược lại, nếu phước lực và trí lực rộng lớn, thì bộ kinh ấy trở thành mênh mang, có vô lượng bài kệ, mà mắt thịt, cộng với cải tai thô kệch này chưa thể nghe nổi. Kinh Đại Bát Nhã cũng vậy, có mấy bộ kinh Bát Nhã, rồi kinh Kim Cang. Bộ chúng ta đang tụng có 18 ngàn bài tụng, còn những bộ khác có trâm ngàn bài tụng.

Thực ra, tôi cũng không để ý tới chuyện dài, ngắn mấy. Chỉ cần hiểu rằng các kinh Đại Thừa tồn tại mấy ngàn năm nay không bao giờ mất, trừ khi đến kiếp hoại, là do thần lực của kinh, đồng thời do tâm lượng của chúng sanh thời đó. Đến khi vài ngàn năm sau nữa, tâm lượng chúng sanh lúc bấy giờ hẹp đi thì các kinh Đại Thừa sẽ nhỏ lại, ngắn hơn. Rồi đến kiếp hoại, tâm lượng chúng sanh toàn ác, lúc đó, các kinh như Pháp Hoa, A Di Đà, Lăng Nghiêm v.v… tất cả đều biến đi hết, chỉ còn lại một câu duy nhất là câu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Nên tất cả đều do tâm lượng của chúng sanh ở kiếp đó, và trong kinh Lăng Già, lúc nào đức Phật cũng nhắc đi nhắc lại là do tâm lượng biến hiện chứ không có gì khác, tất cả pháp giới đều như vậy. Nếu phước báo của cộng nghiệp đời nay chỉ có từng đó, thì chỉ được như vậy thôi, có xe hơi, nhà lầu và những thức ăn uống v.v…. Còn nếu cộng nghiệp lớn hơn thì tự nhiên có những trân bảo hiện đến.

Ngược lại, khi cộng nghiệp nhỏ dần đến kiếp hoại, người toàn ác, thì tất cả những thức ăn biến mất hết, chỉ còn lại xương khô, người phải nấu xương khô mà húp, quần áo cũng không có mà mặc, lúc đó phải dứt tóc, bện lại để tạm che cái bụng dưới mà thôi. Đó là sự bí ẩn về cái biến hiện của tâm lượng. Thì kinh Đại Thừa cũng vậy, chúng ta chỉ đáng có bộ kinh Phảp Hoa với ba trăm trang, đáng có bộ Đại Bát Nhã với mười tám ngàn câu tụng, nhưng như thế cũng đã nhiều lắm rồi. Nên nếu quí vị giữ được cái tâm không tịch, trong đó có một chút Bát Nhã, và một chút Đại Bi thì đi đến đâu các vị quỉ thần cũng gia trì cho chúng ta cả.

Nay, chúng ta đi vào kinh…

Kinh Hoa Nghiêm tức là kinh nhập pháp giới. Lúc đầu tôi đã trình bày mãi rằng, Thiện Tài lúc bắt đầu đi tìm cầu thiện tri thức, đầu tiên là gặp ngài Đức Vân, là đường tu chứng của Thiện Tài đã xong phần Thập hồi hướng rồi, tâm ý ngài như hư không, tức là được tâm không tịch. Nên Thiện Tài đi gặp từ vị thiện tri thức đầu tiên đến vị cuối cùng chỉ học cách lặn sâu vào tàng thức sơ năng biến, để cuối cùng lấy được hạt minh châu, tức đểm Không hư ấy, và nhập pháp giới trọn vẹn. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm mới chỉ dạy cho chúng ta cách nhập pháp giới. Còn các kinh khác thường chỉ nói đến giải thoát thôi, nên không mấy ai biết đến ý nghĩa của chữ “Nhập pháp giới.” Giải thoát chỉ là vọng tình, mới hóa giải được mạng căn, còn nhập pháp giới là hóa giải được mạng trược đồng thời tới được điểm Tột Không Diệu Hữu. Một đằng lằ vọng tình, một đàng là vọng tưởng, một đằng là phiền não chướng, một đằng là sở tri chướng.

Vì vậy, trên con đường đi tìm cầu thiện tri thức của Thiện Tài không thấy có vị thiện tri thức nào dạy cho Ngài những pháp môn như tứ đế, thập nhị nhân duyên v.v…, mà ngài Đức Vân-vị thiện tri thức đầu tiên-lại dạy cho Thiện Tài môn Niệm Phật tam muội ngay. Vì khi vào đến thức ấm là bắt buộc phải thấy được Đức Phật A Di Đà. Vào thức ấm, ngôn ngữ nhà thiền gọi là “kiên tánh.” Một đằng là thần hóa (nhìn thấy đức A Di Đà), vào được niệm Phật tam muội. Một đằng là phi thần hóa, chứng được cái không tịch, vào được Không tam muội.

Đến đoạn này, ngài Thiện Tài đi gặp vị thiện tri thức thứ 51, là ngài Di Lặc. Thiện Tài thấy một lâu các rất đẹp gọi là Tỳ Lô Giá Na Đại Trang Nghiêm Lâu Các. Trong đạo Phật, chữ “trang nghiêm” để chỉ cho tàng thức sơ năng biến. Lâu các ấy chính là tàng thức sơ năng biến của ngài Di Lặc đã gột rửa dần dần chuyển thành Bạch Tịnh Thức hay Vô cấu Thức, và khi trong tàng thức thanh tịnh ra sao thì sẽ ảnh hiện một y báo trang nghiêm đẹp đẽ như vậy. Cũng như cõi Ta Bà này, chúng ta nhìn thấy đây là sự ảnh hiện ánh ra từ tàng thức cộng nghiệp của chúng ta. Chúng ta chỉ đáng có một y báo ánh ra như thế này mà thôi. Khi Thiện Tài tới lâu các của ngài Di Lặc thì đã đi được nhiều bước đường lắm rồi, vì vậy, nên Thiện Tài trông thấy cảnh giới đẹp đẽ vô chừng. Thiện Tài liền phủ phục xuống vừa niệm vừa quán chiếu ngài Di Lặc, quán chiếu lâu lắm ngài Di Lặc mới hiện ra. Thì đây, trong kinh tả lối quán chiếu của Thiện Tài…

KINH: Vì biết chát như tượng…

GIẢNG: Thực ra pháp giới này vốn không có một vật, tất cả các vật chất chỉ như tượng. Khoa học gia Wheeler ngày nay cũng công nhận là không có vật chất và vật, mà chỉ là những quang minh mắc bẫy (trapped light) mà thôi. Nên kinh gọi là “tượng.” Tất cả phàm phu chúng ta và thế gian này, bị trôi lăn, đánh nhau, giết nhau, yêu thương, giận hờn v.v… chỉ vì tưởng vật có thật, nhưng chính ra kinh dạy, vật chỉ như tượng mà thôi.

KINH: Biết thanh âm như vang.

GIẢNG: Thanh âm cũng thế, chỉ là một tiếng vang trong tâm phát khởi.

KINH: Biết cảnh như mộng, biết nghiệp như huyễn, rõ đời do tâm hiện.

GIẢNG: Tất cả chúng sanh, y báo chỉ do tâm chúng sanh (cộng nghiệp) hiện lên thôi, chứ không có thật.

Khi một hành giả đi trên con đường bồ tát đạo, tu theo lục độ, nhưng trong kinh Hoa Nghiêm lại nói mười độ. Vậy lục độ và mười độ khác nhau ra sao? Tức là trong sáu độ đầu (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ) là hành giả đã nhập địa rồi, nhưng từ địa thứ bảy là độ tu phương tiện, còn địa thứ tám là tu nguyện, địa thứ chín là tu lực, địa thứ mười là tu trí. Khi tu còn ở dưới thấp thì các ngài tu sáu độ thôi, sáu độ này chỉ .có sức biến hóa vừa phải, chưa đi đến chỗ vô cùng tận. Khi tu lên đến độ thứ bảy cho đến thứ mười là biến hóa vô cùng tận, lúc đó tâm hành giả rất cao, nên ở phương tiện độ tức là đại bi, còn nguyện là nhắc lại tâm nguyện của mình một lần nữa, nhắc lại là mình không bao giờ được chứng một cảnh giới nào và hưởng nỗi vui thiền lạc một mình trong đó cả, mà phải nhớ lại bi nguyện của mình từ vô lượng kiếp để lúc nào cũng hóa hiện độ sanh.

Còn đến độ lực và độ trí thì toàn là biến hóa tràn đầy thế gian, những độ này tương xứng với sự sự vô ngại trong pháp giới, còn những độ trước là tương xứng với lý sự vô ngại trong pháp giới. Nên trong Hoa Nghiêm chia ra thành bốn mức độ tu chứng: Lúc đầu là lý vô ngại, rồi đến sự vô ngại cho những bậc tu hành còn ở thập tín, thập trụ, thập hồi hướng. Lên dần đến lý sự vô ngại là cho những bậc nhập địa từ sơ địa đến địa thứ sáu, trên nữa từ địa thứ bảy trở lên là sự sự vô ngại và những bậc có thể biến hóa vô cùng. Nên ngày xưa, những vị thiền SƯ bài bác thần thông là các vị chưa hiểu rộ Hoa Nghiêm, vì pháp giới này đều là biến hóa, nếu không có thần thông biến hóa thì làm thế nào nhập được pháp giới này? làm thế nào độ sanh? Thường các vị thiền sư nói những chuyện rất đơn sơ như chuyện bổ củi, gánh nước v.v… cũng là thần thông, lập luận ấy chĩ gọi là tạm, vì mới là lý vô ngại còn thấp. Lên trên là sự sự vô ngại, ở mức độ này các Ngài có thể biến hóa vô cùng, lúc đó mới có đủ tự tại lực để độ sanh, vì chúng sanh bời bời vô lượng, mà chúng ta lại rất hạn hẹp, chĩ có hai tay, hai chân thì làm sao độ cho hết được? Đó là những điểm quan trọng mà ta cần phải nhớ.

Nay xin trở về kinh…

KINH: Thiện Tài đồng tử nhập quán trí như vậy…

GIẢNG: Quán trí như vậy tức là biết chất như tượng, biết thanh âm như vang, biết cảnh như mộng, biết nghiệp như huyễn, biết đời do tâm hiện v.v…

KINH: Đoan tâm khiết niệm, ở trước lâu các mọp lạy sát đất, bất tư nghì thiện căn lưu trú thâm tâm mát mẻ thơi thới..

GIẢNG: Thiện căn là những luồng lực trong tâm, như khi chúng ta làm một việc tốt thì cái đó tạo trong tâm một luồng lực mát mẻ, đó là thiện căn. Khi một hành giả tu cao, có nhiều thiện căn, phước đức, trí huệ thì những luồng lực lưu chuyển trong thân tâm khiến không còn bệnh tật nữa, trong người lúc nào cũng mát mẻ thơ thới, định tâm rất dễ.

KINH: Rồi đứng dạy, chiêm ngưỡng mắt không tạm rời…

GIẢNG: “Chiêm ngưỡng mắt không tạm rời” là khi mắt một người tu hành không nháy, tức là vị đó có định tâm. Vì vậy, mắt các chư Thiên ở cõi sắc trở lên mắt không nháy, vì thường ở trong định, còn mắt phàm phu chúng ta hay nháy vì không có định tâm. Sau đó Thiện Tài chắp tay cung kính hữu nhiễu chung quanh lâu các ấy vô lượng vòng, vừạ đi vừa tự nghĩ rằng…

KINH: Đại lâu các này là chỗ ở của bậc đạt không, vô tướng, vô nguyện.

GIẢNG: Tức là Không tam muội, là quán chiếu cái gì cũng tiêu dung vào biển Không ấy, vì tất cả những cái  hình tướng như thân căn chúng sanh, nhà cửa, thế giới, quốc độ v.v… thực ra nó đều không có tướng, vì tướng của nó chính là chân không, là vô tướng. Còn vô nguyện tam muội là khi làm một việc gì, hành giả không khởi tâm tác giả, không còn chấp rằng có mình làm. Nếu còn thấy có làm thì tâm còn bị vướng mắc, cần phải coi việc làm ấy là “vô công dụng hạnh,” một hành vị cứu người cũng chĩ như “hư không độ hư không.” Cứ nghĩ những điểm này mới thấy giáo lý nhà Phật là vô đẳng đẳng. Ngày xưa tôi không bao giờ có thể nghĩ đến chuyện “hư không mà độ hư không/’ vì thấy tất cả sự … vô lý của nó, nhưng suy nghĩ kỹ, thì thấy đúng thật, không còn một biện chứng nào có thể hơn thế. Thiện Tài vừa nghĩ, vừa tán thán, ca ngợi bậc đẳng giác của ngài Di Lặc.

KINH: Là chỗ ở của bậc nhất thiết pháp vô phân biệt.

GIẢNG: Bất cứ pháp nào cũng phải biết rõ, nhưng không bao giờ được khởi tâm phân biệt, vì phân biệt thì tâm sẽ dính mắc, chấp vào đó. Tâm phân biệt không phải tâm liễu tri, hành giả vẫn liễu tri rành rẽ tất cả mọi pháp nhưhg không chấp vào đó, không nghĩ những thứ đó đều có thực thể. Đó gọi là nhất thiết pháp vô phân biệt.

KINH: Là chỗ ở của bậc rõ pháp giới vô sai biệt..

GIẢNG: Phải quán tất cả pháp giới núi, sông, cây, cỏ, những loài hữu tình, vô tình v.v… mà vẫn đều là không, là huyễn, là như như, đó là biết rõ pháp giới vô sai biệt.

KINH: Là chỗ ở của bậc biết tất cả chúng sanh bất khả đắc.

GIẢNG: Trong kinh Bát Nhã có mấy danh từ thường được nhắc đi nhắc lại là chữ “ly,” chữ “bất khả đắc,” chữ “vô sở hữu” v.v… Tất cả đều chĩ cái không tánh của Bát Nhã. Bất khả đắc là không thể được, vì không có pháp nào thật có nên không thể nắm. Như phàm phu chúng ta, đưa tay nắm cái ly này, thì ta thấy có cái ly thực để ta nắm, đến khi ta thả ra, thì cái ly sẽ rơi xuống. Hoặc người tu chấp có đức Phật Thích Ca Mâu Ni thật, thành Chánh Đẳng Chánh Giác dưới cội cây Bồ Đề, chấp rằng đức Phật đã đạt được quả vị Phật. Nhưng trong kinh lại dạy ngược lại, tất cả những thứ ấy, chỉ là những hình bóng chập chờn, nhân duyên hiện ra nhưthế thôi, vì tất cả đều chỉ là huyễn mộng, có đấy, nhưng không thật có. Vì tâm khởi phân biệt nên mới chấp có, chấp không. Cũng như Đức Phật đi tu và thành đạo, thì rốt ráo cũng không có người tu, không có con đường tu và cũng không có quả vị chứng đắc, vì tất cả đều như làn vẽ trên nước, khởi lên từ diệu tâm. Nhưng sở dĩ ngài khuyên chúng sanh tu hành, nói có người tu, con đường tu và quả vị chứng đắc vì chúng sanh còn mê, còn chấp chước, phân biệt, chứ thực ra chỉ đều là tu trong mộng cả. Vì vậy ngài Đạt Ma nói rằng: “thánh phàm đều không có, đều là mộng ảo.” Đạo Phật chỉ dạy có thế, tin được thì tin, không tin thì chịu thôi, không thể đi xa hơn được.

KINH: Là chỗ ở của bậc biết tất cả pháp vô sanh. Là chỗ  của bậc chẳng tham chấp tất cả thế gian. Là chỗ ở của bậc chẳng tham chấp tất cả nhà của.

GIẢNG: “Chẳng tham chấp tất cả nhà của” là khi chúng ta thọ sanh được làm người, có nhà cửa của bố mẹ, lớn lên làm quan, làm lớn có nhà to, cửa rộng, có xe hơi, người hầu kẻ hạ v.v… Tất cả những thứ đó, nói tóm lại gọi là nhà của, trong kinh gọi là y báo và ngã sở. Nói cách khác, những vật châ’t gì chung quanh, theo ta do phước báo hiện đến thì gọi đó là nhà của. Nhưng khi tu lên nữa, phước báo nhiều hơn, được thọ sanh làm chư Thiên thì tự nhiên có nhà của sẵn, đồng thời có những Thiên nữ chực sẳn chờ vị thiên tử ấy, đó cũng là những phước báo đi theo sát bên mình trong bất cứ cảnh giới nào. Ngược lại, phước báo kém cỏi, thọ sanh vào loài ngã quĩ, thì chẳng có nhà của gì cả, chiều tà mò ra đi lang thang, đến một dòng sông khát quá định uống nước thì dòng sông biến thành lửa, đó là y báo của loài ngạ quĩ. Còn như chư đại Bồ Tát vào cơn tam muội sâu, thì nhà là cả pháp giới này, từ những lâu các đền đài, các cõi, trang nghiêm đẹp đẽ đều hiện ra. Nên phải hiểu, tùy theo tâm lượng và phước báo chiêu cảm của mỗi loài chúng sanh mà hiện lên những nhà của tương ưng.

Có một điều nữa cần biết là những y báo đó thường theo sát mình. Như phàm phu chúng ta mỗi lần đi đâu thì đi bằng xe, hay bằng kiệu, lọng, và ngay cả người hầu cận v.v… Còn một vị vua, phước báo lớn hơn, mỗi lần đi đâu thì mang theo cả voi, ngựa, quần thần, tôi tớ v.v… Chư thiên đi đâu thì mang cả cung điện nguy nga đi theo, đó đều là “nhà của” từng loài, tùy theo phước báo nhiều hay mà hiện ra những chánh báo như thế.

KINH: Là chỗ ở của bậc chẳng thích tất cả tụ lạc.

GIẢNG: Tụ Lạc là gì?

PHẬT TỬ: Là xóm làng, và những người chung quanh, có đúng chăng?

ĐÁP: Nếu tụ lạc là những người chung quanh thì trong kinh dạy “chẳng thích tất cả tụ lạc” thì các vị Bồ Tát không thích các người chung quanh, xóm làng thì … độ chúng sanh làm sao?

PHẬT TỬ: Thì ông giảng Bồ Tát phải quán tất cả đều không thì có thấy chúng sanh nào đâu để độ?

ĐÁP: Lập luận của ông cũng đúng đấy, nhưng ông lại vấp vào nhị biên nữa rồi, vì làm như thế, chỉ mới có Bát Nhã thôi mà thiếu Đại Bi. Nhưng ở đây, tụ lạc không phải nghĩa ấy, tụ lạc chính là sáu căn của chúng ta. Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ngay cả ý đều là nơi tụ lạc của các nghiệp cũ về sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Chẳng hạn như thân là nơi tụ lạc của vô lượng tế bào, quen tập khí đụng chạm rồi, có những xúc giác khó chịu, hay xúc giác dễ chịu v.v… Tụ lạc nhóm họp tập khí cũ tạo thành căn thân, tâm tưởng nên gọi là tụ lạc, cũng gọi là ngũ ấm. Bồ Tảt biết những thứ ấy đều do nghiệp khởi lên, và cái ngài tu cốt hóa giải những tụ lạc ấy.

KINH: Là chỗ ở của bậc chẳng dựa tất cả cảnh giới.

GIẢNG: “Chẳng dựa tất cả cảnh giới” tức là không trụ vào cảnh giới nào cả. Phàm phu chúng ta có bất cứ gì, như nhà cửa, xe cộ thường Ưa khởi tâm tham đắm, hoặc thương yêu một thằng con học giỏi, cất giữ tiền của, nếu mất đi thì tiếc ngẩn ngơ v.v… Tất cả những thứ đó đều là dựa vào cảnh giới ấy. Trái lại, Bồ Tát không dựa vào bất cứ đâu, tuy vẫn vào mọi cảnh giới để độ sanh, nhưng không luyến mến, không trụ vào bất cứ chỗ nào, tâm các Ngài lúc nào cũng bình đẳng như hư không.

KINH: Là chỗ ở của bậc lìa tất cả tưởng.

GIẢNG: Trong kinh dạy, các vật có đều do tâm tưởng của chúng sanh mà ra, nghĩ rằng đó là những vật thật, như cái bàn, cái ghế, người nam, người nữv.v… Chính thực nó chĩ là khoảng không của Tâm, vì do tâm động, lắt lay, khởi lên một hoặc nghiệp huân thành chủng tử nở ra, nên chiêu cảm một hình ảnh hiện lên, phàm phu chúng ta tưởng đó là một người nam, hay người nữ, một thân cây, một con chó, hay một người vợ, người chồng v.v… nhưng chính thực đều là huyễn tưởng mà thôi.

KINH: Là chỗ ở của bậc biết tất cả các pháp không tự tánh.

GIẢNG: Tất cả pháp không tự tánh là không có một pháp nào có tự tánh của nó cả. Như cái bàn không hề có tự tánh của cái bàn, chỉ do đủ nhân duyên hội tụ nên nó hiện ra vậy thôi. Lên đến mức tột cùng, thì các vật chĩ có một tự tánh chung và tự tánh đó chính là vô tự tánh. Nện không có vật gì cố định lậ vật gì, chỉ do nghiệp lực chiêu cảm nên hiện ra như vậy. Không có vật gì nhất định là vật gì cả, không có vật gì có tự tánh riêng của nó, mà nó chỉ có một tánh chung đó là Pháp tánh hay Phật tánh, mà pháp tánh là vô tự tánh, nói nó có cũng không được, nói không cũng không đúng. Vì nếu một vật có tự tánh riêng của nó thì nó không thể chuyển hiện được. Tỷ dụ như cái cây, nếu có tự tánh riêng của nó thì nó mãi mãi như thế, không thể mọc cao hơn, sẽ xanh tươi hoài hoài không bao giờ héo, chết. Hay một người có tự tánh cố định không thể nào tu hành được vì thiện căn không tăng trưởng, tâm không thể gột rửa được, nên phải hiểu tất cả đều là mộng huyễn nên mới thể thay đổi chuyển hóa được.

KINH: Là chỗ ở của bậc lìa tất cả tưởng, tâm, ý, thức.

GIẢNG: Lìa tưởng là tâm không bị động. Tâm ở sâu trong cùng (tức Tàng thức) chuyển xuống thành ý (mạt na thức). Thức tức là ý thức và 5 thức ngũ quan. Ngài Di Lặc đã lặn sâu, lìa các thức đó.

KINH: Là chỗ ở của bậc chẳng xuất, chẳng nhập tất cả đạo.

GIẢNG: Không nhập, không xuất tức là trung đạo. Không ở bờ bên này, cũng không trụ bờ bên kia, luôn luôn làm con thoi đi đi lại lại mà không trụ ở đâu cả… Tức là tới mức Như như Tịch tĩnh.

KINH: Là chỗ ở của bậc nhập thậm thâm bát nhã ba la mật.

GIẢNG: Thậm thâm bát nhã ba la mật là chỗ tột không, phải lặn sâu xuống đáy biển tâm ấy mới lấy được hạt minh châu, lúc bấy giờ thần thông vô tận để độ sanh, vào đến đó, có thể khởi tất cả cảnh giới diệu hữu, có thể hóa hiện tất cả mọi thứ, hóa hiện cả một cõi. Bát nhã ba la mật rất lạ, chĩ là một điểm không hư, nhưng Bồ Tát có thể lấy bất cứ thứ gì cũng được. Như vị Ma Vương, ngồi trên cõi trời Tha Hóa Tự Tại, lúc ngài buồn, có thể móc trong tâm ra những cung điện và cả trăm ngàn Thiên Nữ múa hát. Như vậy tức là sao? Tức là Ngài Ma Vương móc trong điểm không hư ấy ra thành những hình tướng, cung điện, thiên nữ v.v… Và như đức Christ cũng vậy, ngài chỉ bảo với người mù, anh hãy trông thấy đi, ngài dùng tâm lực tạo trong hư không luồng lực làm tan màng mắt của người mù, thì người mù trông thấy, người què đi được. Bồ Tát vẫn qua lại giữa bờ sanh tử và niết bàn mà không trụ vào đâu cả thì đó mới là “nhập thậm thâm bát  nhã ba la mặt,” mới đúng là bậc Thiện Thệ.

KINH: Là chỗ ở của bậc hay dùng phương tiện phổ môn pháp giới.

GIẢNG: Dùng phương tiện tức là dùng phương tiện khéo độ sanh. Phổ môn là cái cửa cùng khắp pháp giới. Tức là chỗ nào cũng dùng phương tiện hiện thân khắp , pháp giới để độ sanh.

KINH: Là chỗ ở của bậc dùng tăng thượng huệ dứt trừ tất cả kiến, ái, mạn.

GIẢNG: Tăng thượng huệ là huệ Bát Nhã cao, dứt tất cả các gơn chấp kiến giả, thọ giả, pháp giả v.v… Tức là những tâm tưởng, bất cứ một tâm niệm nào đều phải dứt trừ, lúc bấy giờ Bồ Tát mới trôi vào được biển Diệu Giác.

KINH: Là chỗ ở của bậc xuất sanh tất cả thiền, giải thoát, tam muội, thông sáng và du hí trong đó.

GIẢNG: “Vào tất cả thiền, giải thoát, tam muội…” Thiền nào cũng vào được cả. Thí dụ trong Ấn Độ Giáo chĩ có một vài tam muội, còn Cơ Đốc giáo chỉ nói đến những lúc xuất thần, còn đạo Phật thì có vô lượng tam muội, vào một tam muội rồi chuyển từ tam muội này sang tam muội khác, (chuyển tức là thay đổi mức độ rung chuyển những luồng tâm thức) đồng thời du hí trong ấy, có thể tạo những cõi, hay mang một cõi này, dời ra chỗ khác, nhưng tất cả việc làm ấy chỉ vì bi tâm phương tiện độ sanh chứ không phải để rỡn chơi, nhưng kinh gọi là “du hý” vì rất thần kỳ và vô công dụng hạnh. Trong kinh Duy Ma hay Hoa Nghiêm có nói rất rõ về điều này.

KINH: Là chỗ ở của bậc cảnh giới tam muội của tất cả Bồ Tát. Là chỗ ở của bậc an trụ chỗ của tất cả Như Lai. Là chỗ ở của bậc đem một kiếp vào tất cả kiếp, đem tất cả kiếp vào một kiếp mà không hư tướng thời gian.

GIẢNG: Tức là thần thông tự tại của Bồ Tát đối với thời gian. Đạo Phật dạy, thời gian chỉ là một vọng tưởng, mà chỉ tùy theo thế tốc tâm lực mà có thời gian dài hay ngắn. Như vậy một bậc Bồ Tát cao là bậc như thế nào? Thường phàm phu chúng ta có một thế tốc của tâm lực khoảng bao nhiêu đó, nên đời sống con người khoảng từ sáu chục đến một trăm năm. Đời sống con chim thì thế tốc tâm thức lại khác, nên chỉ sống được khoảng vài năm, con bò, con chó cũng có thế tốc tâm lực riêng của nó v.v… Còn Bồ Tát là bậc có thể vào nhiều tam muội, tức có thể thay đổi thế tốc tâm lực dễ dàng, nên mới có thể “đem một kiếp vào tất cả kiếp.” Nói cách khác, các ngài có thể kéo dài một kiếp vào tất cả kiếp, đồng thời có thể thu ngắn tất cả kiếp đưa vào một kiếp được, nên các ngài tự tại về vọng tưởng của thời gian. Vì vậy, tôi thường nói nhiều lần ở đây, điểm không hư ấy vượt cả thời gian và không gian, và khi một vị Bồ Tát trụ trong một điểm không hư ấy thì thời gian và không gian được hóa giải. Các ngài có thể tự tại, muốn trụ thân này bao nhiêu tỷ năm cũng vẫn được, hay muốn thu một cõi vào một hạt cải cũng đều dung thông vô ngại.

KINH: Là chỗ ở của bậc đem một thế giới vào tất cả thế giới, đem tất cả thế giới vào một thế giới mà chẳng hoại tướng không gian.

GIÁNG: Những tướng lớn nhỏ đều do tâm lượng của tâm chúng sanh khởi phân biệt, nên Kinh dạy chúng ta chuyển từ cực độ này sang cực độ kia. Một cõi cực lớn có thể chui vào trong một điểm cực nhỏ, vì vậy kinh Hoa Nghiêm có một huyền môn gọi là “quảng hiệp tự tại vô ngại.” Quảng là rộng lớn, hiệp là nhỏ, hai cái đó chuyển biến cho nhau một cách vô ngại. Nhưng vì phàm phu chúng ta có một tâm thức hạn hẹp, nghiệp như vậy, quả báo như vậy, nên luôn nghĩ rằng cái này là to, cậi kia là nhỏ, và cái nhỏ không thể dung chứa được cái to. Nhưng khi chúng ta có thiên nhãn thì sẽ thấy núi đá kia không to lắm đậu, và hạt bụi cũng không nhỏ lắm, lên đến huệ nhãn thì sẽ tiêu dung tất cả những vọng thức lớn, nhỏ vào trong biển hào quang tâm thức. Rồi lên đến pháp nhãn, lúc đó ta có thể khởi tâm đại bi làm cho núi đá kia thu nhỏ như hạt bụi, hoặc hạt bụi kia trở thành to một cõi cũng được, vấn đề rằng chúng ta có tin nổi hay không mà thôi. Tất cả nghiệp của chúng sanh đều nằm trong không gian và thời gian, nếu một hành giả hóa giải được nó thì sẽ có sự tự tại không cùng.

KINH: Là chỗ  của bậc đem một pháp vào tất cả pháp, đem tất cả pháp vào một pháp mà chẳng hư hoại tướng của pháp. Là chỗ ở của bậc đem một chúng sanh vào tất cả chúng sanh, đem tất cả chúng sanh vào một chúng sanh mà không hư tướng chúng sanh. Là chỗ ở của bậc đem một Phật và tất cả Phật, đem tất cả Phật vào một Phật mà chẳng hoại tướng Phật.

GIẢNG: Đoạn này đại khái cũng tương tự như vậy thôi, bởi vì tất cả đều là biến hiện của diệu tâm.

KINH: Là chỗ ở của bậc ở trong một niệm biết tất cả tam thế.

GIẢNG: “Ở trong một niệm biết tất cả tam thế.” Tất cả mọi vật thường đi theo chiều thời gian. Nói một thí dụ cụ thể là như có một người bạn tới thăm ta, người ấy từ một tiểu bang khác tới gõ cửa nhà ta. Lúc họ đến ta có thể nhìn thấy họ, cười đùa vui vẻ, nhưng sau đó họ lại từ giã ta ra đi, lúc đó ta không nhìn thấy họ nữa và cho rằng thời gian đã qua, sự vật đã hết. Nhưng một vị Bồ Tát có thiên nhãn thì các ngài không nhìn một khúc ngắn như chúng ta đâu, các ngài nhìn thấy người này từ khi đi từ nhà họ đến nhà ta, rồi ra đi rong ruổi mãi trên lộ trình biến chuyển, qua các cõi, các kiếp, nhẫn đến vô lượng, vô số kiếp. Như vậy không còn phân cách quá khứ, hiện tại, vị lai. Nên trong kinh vẫn thường nói “ba đời bình đẳng” là vậy, lúc đó quá khứ, hiện tại, vị lai đều được hóa giải, bình đẳng không khác, nên chư Phật có thể nhìn thấy được tam thế, vì các ngài có nhiều mắt quá. Sở dĩ có thời gian là do con mắt quá hạn hẹp của chúng ta mà ra.

KINH: Là chỗ ở của bậc trong khoảng một niệm qua đến tất cả quốc độ. Là chỗ ở của bậc hiện thân mình ra trước tất cả chúng sanh.

GIẢNG: Nếu tâm chúng ta chiêu cảm đúng mức thì các ngài hiện ra, vì luật tắc của pháp giới là như vậy.

KINH: Là chỗ ở của bậc dù đã thoát ly tất cả thế gian, nhưng vì hóa độ chúng sanh nên hằng hiện thân ở trong thế gian.

GIẢNG: Các ngài thường có tâm đại bi hàng khởi, chính các ngài đã siêu thế gian rồi, nhưng vẫn hiện thân trong thế gian để hóa độ chúng sanh.

KINH: Là chỗ  của bậc chẳng động bổn xứ mà có thể đến khắp tất cả Phật độ để trang nghiêm.

GIẢNG: Ngài vẫn ngồi tịch bất động nơi Không hải nhưng ngài vẫn hiện thân trước mặt chúng sanh, vì quang minh của các ngài cùng khắp, nếu chiêu cảm được thì quang minh ấy tự hiện lên trước mặt chúng ta.

KINH: Là chỗ ở của bậc ở tất cả ma cung mà chẳng đắm nhiễm cảnh dục.

GIẢNG: Ma cung nào các ngài cũng đi qua, không có cảnh giới nào là không vào, nhưng các ngài đi qua mà không nhiễm.

KINH: Là chỗ  của bậc chẳng rời chỗ một đầu sợi lông mà hiện thân khắp tất cả thế giới.

GIẢNG: Các ngài vẫn ngồi tam muội tịch bất động một chỗ, chỗ đó có thể lớn như một khu rừng Bồ đề, hoặc nhỏ như đầu một sợi lông, mà các ngài vẫn hiện thân khắp tất cả mọi chỗ. Có một điểm tôi xin nhắc quí vị là: Khi đọc kinh ta thấy trong kinh tả núi Linh Thứu bên Ấn rất rộng rãi, có thể chứa được bao nhiêu ngàn vị Thanh Văn, Bồ Tát, vua, quan, hàng cư sĩ, voi, ngựa cùng tất cả thánh chúng v.v… vân tập đến, nhưng khi qua Ấn, thăm núi Linh Thứu lại thấy rất chật hẹp. Vì sao thế? Vì trong kinh nói rõ, tất cả nơi nào Phật thuyết pháp, chỗ đó đều được biến hiện rất rộng rãi, ngàn ngàn người, kể cả voi ngựa cũng đều dung chứa hết, không có gì chật hẹp.

KINH: Là chỗ ở của bậc hay diễn thuyết những pháp khó được gặp, khó được nghe.

GIẢNG: Giáo lý nào khó được gặp, khó được nghe? Đó là chân lý duy tâm sở hiện.

KINH: Là chỗ ở của bậc hay trụ pháp khó biết, pháp thậm thâm, pháp không hai, pháp vô tướng, pháp không đối trị, pháp vô sở đắc, pháp không hí luận.

GIẢNG: “Pháp không hai” là vì những kiến chấp nhị biên đều xóa bỏ. “Pháp vô tướng” là tất cả những hình tướng đều như mộng huyễn. “Pháp không đối trị” là vì như như không có sự đối đãi. “Pháp vô sở đắc” là tất cả đều là không hư, không có một pháp nào nắm lấy pháp nào, nên vô sỡ đắc. Trong lịch sử Phật giáo của Nam tông, có kể đức Phật xuất gia tu hành, ngồi dưới cội Bồ Đề, đắc được ngũ nhãn thành Chánh Đẳng Chánh Giác là chỉ thị hiện cho hàng Thanh Văn thôi. Thực ra đắc Chánh Đẳng Chánh Giác là gì? Là thấy rõ trong pháp giới này là một điểm không hư, không có một pháp nào có thể có được, mà vẫn hiện tất cả các pháp, vẫn Nhập pháp giới. Đó gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì vậy, các vị đệ tử Nam Tông, không hiểu được điều đó, cũng không hiểu rõ một vị A La Hán khác Phật ra sao, nên sau cùng, quyết định gọi đức Phật là … Đại A La Hán vậy!

KINH: Là chỗ ở của bậc trụ đại từ đại bi.

GIẢNG: Bao giờ cũng luôn nhớ đến Bát Nhã và Đại Bi.

KINH: Là chỗ ở của bậc đã vượt hẳn trí nhị thừa, đã siêu cảnh giới ma, đã không nhiễm thế pháp, đã đến bờ của Bồ Tát đã đến, đã trụ nơi chỗ trụ của Như Lai.

GIẢNG: Khi đi trên đường Bồ Tát đạo cần cảnh giác là không lạc vào cảnh giới ma cũng không sa vào nhị thừa, vì nếu dừng ở nơi đó điều là chướng ngại của Bồ Tát

KINH: Là chỗ ở của bậc dầu rời tất-cả tướng mà chẳng nhập chánh vị của Thanh Văn.

GIẢNG: Rời tất cả tướng, có nghĩa tiêu dung được hình tướng, nhập vô tướng nhưng cũng không nhập Niết Bàn của Thanh Văn, không hưởng thiền lạc, luôn nhớ đến bi nguyện từ nhiều kiếp là hóa hiện để độ sanh.

KINH: Dầu rõ tất cả pháp vô sanh mà cũng chẳng trụ pháp tánh vô sanh.

GIẢNG: Biết tất cả pháp vô sanh,nhưng cũng không trụ vào pháp tánh vô sanh ấy, thường thọ sanh vì Đại Bi.

KINH: Là chỗ ở của bậc dầu trụ tứ thiền mà chẳng tùy thiền sanh, dầu tu hành tứ vô lượng tâm nhưng vì hóa độ chúng sanh nên chẳng sanh cõi sắc.

GIẢNG: Tu tứ vô lượng tâm là tu từ, bi, hỷ, xả thì có thể thọ sanh ở trời Phạm Thiên, nhưng vì bi nguyện độ sanh, các ngài không sanh ở những tầng trời ấy, mà thọ sanh ở những nẻo thấp hơn để độ sanh.

KINH: Dầu tu vô sắc định nhưng vì đại bi nên chẳng trụ cõi vô sắc.

GIẢNG: Các ngài tu bốn vô sắc định là không vô biến xứ định, thức vô biên xứ định, vô sở hữu xứ định và phi tưởng phi, phi tưởng xứ dịu. Ngay lúc còn sắc thân, các ngài có thể xuất thần thức lên chơi những cõi ấy, khi chết đi thì sanh vào cõi trời đó. Trên cõi đó sung sướng vô chừng, thọ mạng dài những tám vạn bốn ngàn đại kiếp, mỗi một đại kiếp khoảng 1 tỷ năm. Trên đó các ngài không có thân, vì sướng quá chẳng muốn tu lên nữa, nên Phật lại phải cảnh giác người tu không nên trụ trong ấy. Còn những vị Bồ Tát, các ngài cũng có thể thọ sanh trên các tầng trời ấy, nhưng các ngài lại không chọn con đường sung sướng cho riêng mình, mà lại chọn những nơi đầy phiền não, đau khổ để độ sanh.

KINH: …(bỏ một đoạn)… Là chỗ ở của bậc dầu hành cửu thứ đệ định mà chẳng nhàm lìa thọ sanh dục giới.

GIÁNG: Cũng giống như đoạn kinh trên, cửu thứ đệ định gồm có tứ thiền, tứ không định và diệt tưởng định. Một vị tu hành cửu thứ đệ định là một vị tu thiền cao, các ngài có thể chuyển từ sơ thiền, nhị thiền, qua bốn không định, rồi vào diệt tưởng định, xong lại đi xuống, có nghĩa rằng các ngài chuyển tam muội rất giỏi, nhưng các ngài vẫn không thọ sanh ở những tầng trời ấy, mà vẫn đi vào nẻo xấu để độ sanh.

Thiện Tài quán chiếu như thế rất lâu, rồi ngài nói một bài kệ dài, để ca ngợi lâu các của ngài Di Lặc. Sau đó tâm thức Thiện Tài chín mùi có thể chiêu cảm với tàng thức của ngài Di Lặc, vì thế ngài Di Lặc mới xuất hiện. Đây, xin quí vị nghe những câu kinh…

KINH: Sau khi dùng vô lượng pháp xưng tán để tán dương chư Bồ Tát ở trong đại lâu các Tỳ Lô Giá Na Trang Nghiêm, Thiện Tài cung kính đảnh lễ nhất tâm nguyện thấy Di Lặc Bồ Tát để thân cận cúng dường, bèn thấy đức Di Lặc Bồ Tát từ chỗ khác đến, vô lượng Thiên, Long, Bát, Bộ, Đế Thích, Phạm Vương, Tứ Thiên Vương, cùng vô lượng thân quyến và vô số chúng sanh theo Di Lặc Bồ Tát. Thiện Tài vui mừng hớn hở, gieo mình mọp lạy…

GIẢNG: Tất cả những vị Thân Linh lớn, nếu hành giả nhìn thấy được đều là tùy theo tâm hành giả mà ra. Khi tâm ấy đủ mức độ cung kính, khát vọng, thì các ngài sẽ hiện ra.

Tôi xin tạm ngừng đây.

Xin hẹn quí vị kỳ sau.

Bài viết cùng chuyên mục

Một niệm này bạn buông xả được thì chính là Phật Bồ Tát

Định Tuệ

Tây Phương Cực Lạc Thế giới người người đều là người thiện

Định Tuệ

Người tường tận đạo lý, thấu hiểu đúng sai là bậc Thánh nhân

Định Tuệ

Những bộ Kinh Phật thường đọc tụng, người tại gia nên biết

Định Tuệ

Cảnh giác với cuồng huệ – Bảo hộ chúng sinh khỏi rơi vào tà kiến

Định Tuệ

Có bao nhiêu loài Ngạ quỷ? Họ ở đâu, sống bằng cách nào?

Định Tuệ

Truyền hình, vi tính là đại Ma Vương, nó hủy diệt thế giới

Định Tuệ

Hôn trầm thụy miên là gì? Làm sao đối trị hôn trầm thụy miên?

Định Tuệ

Sự tích Thần chú Đại Bi và vì sao người ta không ăn thịt trâu bò?

Định Tuệ

Viết Bình Luận