Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Nhập Pháp Giới – Cư Sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng giảng giải

QUYỂN BA – Chương 6

Chương sáu
06 tháng 01, 1991

Hôm nay là buổi thuyết giảng thứ 118 về kinh Hoa Nghiêm phẩm Nhập Pháp Giới.

Trước khi đi vào kinh, và ngài Thiện Tài, chúng tôi muốn nói với quí vị về một vấn đề quan thiết là: Người là một chúng sanh như thế nào? có những sở trường, sở đoản gì? Và “Người” ỡ tôn ti trật tự nào của chúng sanh trong pháp giới? Nếu chúng ta hiểu rõ vấn đề này thì con đường tu hành sẽ dễ dàng hơn.

Khoa học dùng danh từ “vũ trụ” để chỉ thế giới này, còn đạo phật thì dùng danh từ “pháp giới.” Nhưng “vũ trụ” của khoa học là chỉ để nói về những gì có hình tướng thôi, như núi, sông, tinh hà, không gian, thái dương hệ v.v… Còn chữ “pháp giới” của nhà Phật thì rộng lớn hơn nhiều, không những gồm những vật có hình tướng mà chúng ta nhìn thấy bằng mắt thịt, lại còn bao gồm tất cả chúng sanh và sự vật mà chúng ta không nhìn thấy bằng nhục nhãn, như núi Tu Di và các từng trời cao hơn. Nên “pháp giới” trong đạo phật rộng hơn vũ trụ của thế gian và khoa học rất nhiều.

Vậy thì cái pháp giới kỳ ảo này, chúng ta cũng cần biết, để hiểu rõ thân phận “Người” như chúng ta ở mức độ nào?

Chúng ta thường chỉ nhìn thấy hai loại chúng sanh. Loài người và súc sanh. Ngoài ra, không thấy những loài chúng sanh khác. Tỷ dụ như trên cung trăng, khoa học nói không có chúng sanh, là vì họ không nhìn thấy, nên chưa chắc gì đã đúng. Trong đạo Phật lại khác, Kinh kể cho chúng ta nghe ngoài loài người và súc sanh, còn có nhiều loài chúng sanh khác nữa, ngay trong hư không này cũng có nhiều loài chúng sanh cư ngụ. Như trong hư không, có một vị thần cai quản gọi là Thuấn-Nhã-Đa (Akasa), và có nhiều chúng sanh sống trong ấy, nhưng thân họ không giống sắc thân máu thịt này, nên chúng ta không nhìn thấy.

Vấn đề đặt ra: “Người là gì?” Nếu xét qua lịch trình tư tưởng của nhân loại. Ngày xưa, cũng có một vài vị đã đặt ra câu hỏi ấy, còn phần đông chúng ta cũng chỉ biết ta là một sinh vật gọi là người thôi, chứ không biết rõ mình là thế nào. Ngay cả tư tưởng gia, hay khoa học gia, cũng chưa chắc có thể trả lời được.

Có một triết gia rất nổi tiếng của Hy Lạp là Aristote, có thể coi ông đứng chấn nhiều cửa ải của tư tưởng,lại viết những cuốn sách rất dầy, tôi không đọc nhiều lắm, nhưng chỉ nhớ ông nói một câu: “Người là một sinh vật, hay là một súc vật có lý trí.” Như vậy, Aristote đặt trọng tâm vào lý trí. Đến thế kỷ thứ 17 bên Pháp, Decartes là một triết gia cũng rất nổi tiếng, ông ta tuyên bố về người là: “Tôi suy nghĩ, tức là tôi hiện hữu.” Ý Decartes muốn nói rằng, người là con vật biết suy nghĩ, do sự suy nghĩ đó, nên tôi hiện hữu. vẫn là đặt trọng tâm ở lý trí. Nhưng trong kinh Lăng Nghiêm, khi đức Phật hỏi ngài A Nan rằng, “Này ông A Nan, ông lấy gì để nghe kinh và hiểu pháp?” Ngài A Nan trả lời “Bạch đức Thế Tôn, con lấy cái tâm suy nghĩ của con để nghe kinh và hiểu pháp.” Đức Phật bác ngay, đó chỉ là cái vọng tâm chứ không phải cái tâm thật của ông đâu. Ý Phật dạy cho chúng ta thấy rõ rằng, ngoài cái ý thức ấy, còn có cái tiềm thức và vô thức hết sức quan trọng và trong cùng là CHÂN TÂM.

Lắm lúc, sau khi nghiên cứu về đạo Phật, tôi thấy những vị triết gia chỉ như những đứa trẻ thơ, tuyên bố những câu thật ngớ ngẩn, sự hiểu biết của họ về pháp giới này thật là ngây thơ và cục hạn. Tương tự những những đứa trẻ chơi ngoài biển, đi nhặt những vỏ trai, vỏ ốc múc được tí nước biển lên mà cứ tưởng rằng mình múc tất cả nước biển rồi. Phần lớn triết học Tây Phương đều đặt trọng tâm vào Ý Thức. Đến triết gia Pascal, tuyên bố rằng: “Cơn người là một cây sậy yếu ớt, nhưng lại là cây sậy biết suy tư.” Qua đến những giáo lý Trung Hoa, đạo Khổng và Dịch học đưa ra quan niệm cao hơn, quan niệm “thiên nhơn tương giữ.” Thiên là trời, nhơn là người, Trời người liên hệ nắm giữ lẫn nhau. Rồi đến Thần Tiên Phái, thì thấy rõ sự tu luyện của Trung Hoa chưa đến mức độ của Chân Tâm. Vì về sau, Trung Hoa phát triển ra thuyết “ngũ hành” để xem bói toán hoặc chữa bệnh v.v… cùng Iối tu “tinh khí thần.” Tu “tinh” là phương diện vật chất phía dưới, lên đến “khí” là phương diện khí hóa thôi, còn thần thì vẫn ở bình diện vọng tâm, chưa hiểu được chân tâm. Bước sang Cơ Đốc Giáo, Kinh thánh nói theo lối “ngụ từ,” cô đọng.

Đại khái kể rằng, thuở nguyên sơ, có ông Adam và bà Eva. Ông Adam do Thượng Đế lấy cát bụi nặn thành hình người, rồi hà hơi vào lỗ mũi (tức là phổ tâm thức vào). Sau ‘ đó,thấy Adam sống một mình buồn, Thượng Đế thương tình lấy xương sườn của Adam tạo thành Eva. Trong thời kỳ nguyên sơ, hai người sống ngây thơ mà chưa có sắc dục, cả hai chưa biết hổ thẹn, sống trần truồng trong vườn địa đàng. Một ngày kia, Thượng Đế bảo họ rằng: “Ta cho các ngươi sống trong vườn địa đàng của ta, Trong vườn có hai thứ cây, một cây gọi là “cây của sự sống” và một là “cây của sự biết.” Rồi Ngài bỏ đi. Sau, con rắn sui dục Eva, (con rắn này tượng trưng cho chiều hướng muốn đi xuống) Nói rằng: “Cô ăn thứ cây Biết này,sẽ biết được mọi điều, sau sẽ được ngang hàng với Thượng Đế.” Eva ăn xong lại cho Adam ăn theo, sau khi ăn có được sự biết, lúc ấy mới có tâm tưởng phân biệt, biết có nam, có nữ, biết sự hổ thẹn. Rồi hai người nhìn nhau, chấp mình là nữ, người kia là nam, từ đó trở đi, có sự phân chia nam, nữ nên bắt đầu khởi tâm tham dục. Trong Cơ Đốc giáo mới gọi đó là tội tổ tông truyền. Tội này tương tự như bên đạo Phật nói về lòng ái dục của con người, phần nhiều tội lỗi là do ái dục mà có.

Đại cương các triết gia và những giáo lý nói về con người như thế. Còn khoa học thì sao? Họ cũng chưa hiểu gì hơn mấy đỗi, tuy rằng mổ sẽ rất nhiều, hay gắn vào óc con người những máy điện để đo lường những làn sóng não bộ v.v… Nhưng thực sự họ chưa hiểu gì mấy đỗi, vì họ phạm một sai lầm lớn là sau khi nghiên cứu những bộ phận trong người, họ vẫn nghĩ rằng, thân xác là có thật và tất cả những gì thuộc về tinh thần, tâm tưởng, tâm từ, bi, hỉ, xả v.v… là do bộ óc tiết ra thành những tâm tưởng ấy. Tóm lại, họ cho rằng bộ óc hữu hình chất sinh ra cái vô hình chất. Đạo Phật nói ngược lại, rằng bộ óc ấy không phải tiết ra những tâm tưởng ấy mà nó chỉ là một công cụ để tâm thức dùng chi phối cái thân xác này, đồng thời để tiếp xúc với pháp giới bên ngoài.

Lấy một thí dụ như con mắt, khoa học cứ nghĩ rằng con mắt nhìn sự vật, nhưng đạo Phật lại bảo, đó chỉ là một ống kính để cho tâm thức nhìn sự vật mà thôi, nếu tỷ dụ không có con mắt ấy một hành giả, vẫn có thể nhìn thấy được nếu biết cách tu luyện. Như trong kinh, có ngài A Nâu Luật Đa, bị Phật quở rằng ưa ngủ như súc sanh, ông khóc đến lòa cả hai mắt. Sau đó Phật dạy ông tu một pháp môn gọi là “Lạc chiếu minh tam muội,” sau có thiên nhãn, nhìn thấy rõ tất cả, không những thế giới Ta Bà này, ông còn nhìn suốt tam thiên, đại thiên thế giới mà chúng ta với con mắt thịt không thể nhìn thấy nổi. Một thí dụ khác, gần chúng ta hơn. Có một người Nga mù từ thưở nhỏ, bà bèn dùng tay sờ mọi vật, ngay cả những chữ trong sách, sờ riết bà có thể đọc được bằng tay. Đủ chứng tỏ rằng, ta có thể nhìn thấy mà không cần đến mắt, nếu ta biết tu tập.

Nên trong đạo Phật dạy rằng, tất cả như cái hoa nở, do sự hiện hành chủng tử của tâm thức.

Trở lại vấn đề người…

Trước hết, trong pháp giới này, đạo Phật nói có nhiều loại chúng sanh, chính yếu thì có sáu loại: Có những loại chúng sanh ở địa ngục, rồi đến ngạ quỉ, rồi súc sanh, rồi đến người, A Tu-La và chư Thiên.

Vậy trong sáu loài ấy, thân phận người ra sao? hơn chỗ nào, kém chỗ nào? Trong 6 loại chúng sanh này, đặc biệt chỉ có hai loại là người và súc sanh có thân máu mủ thô kệch, dệt bằng quang minh thô kệch nhất, nên hiện tướng, còn những chúng sanh khác đều mang một sắc thân hào quang, ngay cả trong địa ngục và loài ngạ quỉ cũng vậy, chỉ có điều là hào quang cao hay thấp mà thôi. Chúng ta mang thân máu mủ thai sanh, thì chúng ta bị những nhược điểm sau đây: Thứ nhất là thường đói khát, phải kiếm cái gì mà ăn, lại ăn theo lối đoạn thực, tức là nuốt từng khúc thức ăn vào người. Nhiều chúng sanh khác họ không cần ăn đoạn thực. Thứ nhì là chịu nóng lạnh, thứ ba là bị bệnh tật, mà đến tuổi nào đó thì bệnh tật có thể xảy ra liên miên, thứ tư là việc thai sanh rất đau khổ. Sang đến loài súc sanh cũng vậy, chúng cũng bị đói khát, cũng bị nóng lạnh, song những điều này có phần bớt hơn người, không bị rày vò nhiều, và bệnh tật cũng ít hơn. Nên Lão Tử nói rằng, đã có thân là có khổ, mà muốn không có thân, cần diệt vọng tâm.

Nay sang đến sự so sánh giữa người và ngạ quỉ. Trong kinh nói rõ, có ba mươi sáu thứ quỉ, từ những quỷ thần có chút oai đức, đến loài nghiệp nặng nhất là ngạ quỉ. Loài người thường chỉ hơn loài quỷ ở một điểm duy nhất là trí huệ mà thôi, còn những cái khác thì người rất dở, vì loài quỉ có thần thông khá nhiều. Loài ngạ quỉ cũng bị đói, khát, cái khát của nó rất nặng, như khi đi đến một dòng sông, muốn uống vào thì nước sông biến thành lửa. Nhưng về cái nóng, lạnh thì loài quỷ bị nhẹ hơn loài người, về tật bệnh thì loài ngọa quỉ lại không bị, còn loài người lại hay đau ốm liên miên. Ngoài ra, loài quỷ lại có thần thông, có thể đi qua tường, qua núi đá, cây cỏ, ngay cả thân căn chúng ta cũng được, loài người chúng ta không làm được điều ấy. Thứ nữa, ngạ quỉ chuyển động rất nhanh, có thể bay một vòng trái đất trong vòng vài phút, chúng ta thì phải chế tạo ra tầu bay hì hà, hì hục mãi mới bay được, loài này cũng có thể đi xuống nước được, còn chúng ta thì… chịu! Còn nữa, loài quỷ thần có chụt oai đức có thể tiên tri được, họ có thể biết các việc sắp xảy ra trong mấy ngày trước, hay một vài tháng trước, vì họ có thân hào quang, mắt có một chút thiên nhãn có thể nhìn thấy trước những việc sẽ xảy ra trên tại thế gian này, vì những việc ấy luôn luôn hiện trên những bình diện cao hơn trước khi hiện tướng. Vì vậy, nhiều gia đình hay thờ quỉ thần, vì họ có thể cầu được ngay những chuyện thiển cận, trong khi những người ưa đạo lớn rất ít, vì xa vời quá, lâu có kết quả, mà đường lại dài xa cần khổ, nên ít ai theo.

Những đạo càng thấp bao nhiêu lại càng dễ phổ biến bấy nhiêu, vì quỉ thần có một ít thần thông, có thể giúp người tin được một chút lực, có thể chuyển được những lộ tuyến lực chạy trong người bệnh khác đi một chút, thay đổi một chút thọ ấm thì sẽ thấy người khỏe ra đôi chút, nhưng chưa chắc đã khỏi được, sau đó người bệnh cũng phải trả một giá nào đó cho việc mượn lực quỉ thần. Đó là đại cương những điểm khác biệt giữa loài người và quỉ thần.

Còn đối với loài súc sanh, thì trí huệ thấp hơn người rất nhiều, nhưng về sức lực lại hơn loài người. Nay ta nói về cái mắt trước, mắt của súc sanh nhìn tinh hơn loài người nhiều, như mắt con ó, có thể nhìn xa hàng mấy dặm. Còn một loài bàng sanh đặc biệt mà mắt thịt chúng ta không thể thấy, đó là loài Rồng. Trong kinh nói, loài Rồng so với người thua về trí huệ, nhưng phước báo lại hơn người nhiều. Rồng thường sống ngoài biển khơi hay nơi trung giới và có thần thông biến hóa, ngoài ra Rồng có rất nhiều ngọc ngà, châu báu, điện đài lâu các, sống lâu và khỏe mạnh. Loài Rồng thường có phước nhiều, nhưng thiếu trí huệ. Loài Rồng thua loài người ở một điểm là không hiểu được kinh, không thọ giới được, mà nếu có thọ giới cũng không thể đắc giới. Như trong kinh kể, có một con Rồng thọ giới xong đến hỏi đức Phật, thì Ngài trả lời rằng, Rồng thọ giới thì rất tốt, nhưng chỉ thêm thiện căn thôi chứ chưa đủ trí huệ để hiểu giới và đắc giới.

Qua đến loài A Tu La. Đây là một loài trên loài người một bậc, sống gần cung trời và có nhiều thần thông. Những ai có nhiều lòng hào hiệp, thích bố thí, nhưng lại còn nhiều tâm sân hận,nóng nảy, hay chửi bới, quát mắng, đánh người v.v… thì có thể thọ sanh vào A Tu La. Thỉnh thoảng, cũng có những vị tu hành nghiêm túc, nhưng vẫn còn dễ nổi quạu, vì các vị phải đè nén tham dục nhiều quá, nên có thể sau này trở thành loài A Tu La được.

Lên đến chư Thiên thì rất sung sướng, vì vậy có nhiều tôn giáo tu hành chỉ là muốn lên thiên thôi. Thọ mạng của chư Thiên rất dài, khoảng năm trăm năm, mà một ngày trên trời bằng một trăm năm dưới trần gian, họ không bị đói khát, ăn bằng xúc thực,chỉ ngửi mùi hương hoa trân bửu trên cõi trời cũng đủ no rồi. Lên cao hơn nữa là tư thực, và thức thực, những vị này thường ở tầng trời sắc giới và vô sắc giới, cả ngày chỉ ngồi thiền định, dùng cái sức của tâm tư để nuôi dưỡng thân mình và kéo dài thọ mạng, có thể dùng quang minh đọc được tư tưởng của nhau. Nên phải hiểu rằng pháp giới kỳ ảo này hiện những hình thái biến hiện ghê gớm thần kỳ. Con người, với tất cả trí tưởng tượng, cũng khó thể tưởng tượng nổi, thường chỉ biết rằng, trong vũ trụ này, có một vài hành tinh, xa hơn nữa nhiều giải ngân hà, gần hơn nữa thì những nhà máy, đường xá, vợ con, nhà cửa v.v… Đó là những chướng ngại ghê gớm của bộ óc loài người, vì thực ra so với pháp giới này chẳng đi đến đâu cả, và “Người” chỉ là một thứ sâu bọ biết suy tư thôi.

Tóm lại, loài người gần như thua những loài khác nhưng chỉ hơn độc nhất là có trí huệ. Có trí huệ để hiểu được kinh, hiểu được giới, hiểu được con đường ta đi lên. Người, nếu thọ giới thì có thể đắc giới, và một ưu điểm khác của người là có thể phát bồ đề tâm, và trong 6 loài, chỉ có loài Người và Trời mới phát được bồ đề tâm. Và phải phát bồ đề tâm thì con đường tu hành mới đi xa được, nên trong kinh thường nói được thân người rất quí. Trên cái diễn trình của Diệu tâm nở ra một con đường đi xuống hiện tướng hóa, khi xuống đến mức cuối cùng, tức là loài người, đồng thời cũng là cái mầm bắt đầu đi lên để trở về diệu tâm. Vì vậy, Người không phải là thần linh mà cũng không phải là súc sanh, vì nó là nơi chiến trường của sự giằng co giữa thiện và ác, giữa súc sanh và thần linh. Nếu ta chiến thắng về phía thần linh, thì trở thành thần linh, mà nếu để buông trôi theo dục vọng, thì trở lại súc sanh. Vì vậy, cửa tu thứ nhất mà ta phải vượt chính là ái dục, phải ra khỏi Dục giới mới dễ đi lên được.

Đạo Phật cũng giải thích rõ, loài người bao gồm năm Ấm. “Ấm” theo tiếng hán có nghĩa là chứa nhóm, đồng thời cũng có nghĩa là “che ngăn.” Năm lớp ấm ấy giống như năm lớp sương mù, ngoài cùng, thô kệch nhất là sắc ấm, sau đến lớp sương mù của cảm giác là thọ ấm, sâu hơn là lớp sương mù của tâm tưởng, sâu hơn nữa là lớp sương mù của hành ấm, là cái chấp ngã kiên cố của chúng ta, sau cùng mới đến biển thức sơ năng biến. Tất cả những lớp sương mù ấy, che kín Chân tâm nên ta không nhìn thấy được diệu tâm, mà luôn luôn có khuynh hướng đi xuống, chạy theo vật.

Thuở nhỏ thì chạy theo những cánh diều, bong bóng, hòn bi v.v… Lớn lên đi học thì chạy theo quần áọ, một vài bóng người nữ đi qua, rồi chạy theo bằng cấp, lấy vợ, chạy theo người vợ đẹp, có con, chạy theo những đứa con, lớn lên nữa thì tậu xe hơi, nhà lầu, chạy theo công danh, sự nghiệp v.v… Không bao giờ có thì giờ thảnh thơi nhìn lại cái Tâm mình. Gần về già, do cơ duyên từ nhiều kiếp trước, mới bắt đầu biết đọc kinh, bắt đầu hiểu được một chút, lúc đó bắt đầu quay lại nhìn tâm ấy, chợt thấy rằng, tất cả những điều ta làm gần cả một đời đều là … chuyện tầm phào cả. Không có một chút lợi nhỏ bé nào cho giới-thân-huệ-mạng này, ngược lại còn tạo nghiệp thêm là đằng khác. Nhưng nếu biết ra, chỉ cần ngồi đọc kinh độ vài ngày, nghiền gẫm lời kinh, cảm thấy vui mừng hớn hở, rồi theo đó mà tu hành thì công đức ấy, ăn cả nhiều kiếp cũng không hết.

Theo tôi thiển nghĩ, chúng ta thông thường chỉ nên để khoảng độ hai phần ba đời mình để đi vào cuộc đời, biết tất cả cảnh giới, hiểu cuộc đời, còn một phần ba cuối cùng thì nên tìm đường đi ra. Phải đi vào rồi lại đi ra, nếu chỉ đi vào mà không đi ra thì… hỏng, mà chưa vào thì khó hiểu được kinh Đại Thừa. Điều này, nhà Phật gọi là “Thiện Thệ” (khéo qua lại).

Tôi cũng xin nói thêm về mấy cái “ấm” trong nhà Phật. Chúng ta nên nghĩ thân của chúng ta như tỉnh Los Angeles, có mười triệu dân. Trong thân ta còn hơn thế nữa, có hàng tỷ tỷ những tế bào lổm ngổm, nếu tất cả mọi thứ đều bình thường thì thành phố yên ổn. Nhưng nếu một ngày nào đó, bất thình lình bị tắt điện, hay có một biến cố nào, thì lập tức những người trong tỉnh nhốn nháo, cướp bóc nổi lên. Trong thân căn ta cũng y hệt như thế, khi có bệnh thì những con hộ trùng cùng lăng nhăng, nhộn nhạo làm ta mệt mỏi không ít. Nay tôi nói riêng về sắc âm, cho quí vị thấy sự quan trọng của tâm thức. Thường chúng ta sống khoảng độ sáu, bảy chục năm, chỉ trụ tâm thức trên bình diện sắc ấm (thân sắc) nhiều nhất, và một ít trên bình bình diện ý thức. Đó là vì nghiệp lực sinh ra như thế. Khi chúng ta trụ trên sắc ấm, ta thường phải chịu nhiều khổ lụy về thân như đói, khát, nóng, lạnh, bệnh tật v.v… Đồng thời có một sự khoái lạc trên bình diện sắc ấm mà phần đông năm tỷ người trên thế giới này đều ưa thích, là sự khoái lạc về sắc dục nam, nữ. Khi tu hành phải trừ bỏ cái đó để tiến lên được những bình diện trên của thọ ấm, của tưởng ấm.

Có nhiều người hỏi tôi, trên đời chỉ có một cái đó là khoái lạc nhất, tu hành bắt phải bỏ để đi lên trên, vậy lên trên ấy được cái giống gì? Có gì khoái lạc hơn? Ta nên nhớ một điều, chư Phật dạy không có điều gì dư thừa luống uổng cả. Trong kinh nói rõ, khoái lạc thể chất này không ăn thua gì cả vì khi lên đến bình diện thọ ấm, tưởng ấm làm chư Thiên, hay vào sâu hơn nữa, lúc đó chúng ta có được một sự an lạc ghê gớm, mà tất cả khoái lạc thế gian này không thể bì được. Vì vậy mới có những vị tu trên núi ba mươi năm mà cũng không cảm thấy nhàm chán, vì họ ngồi trong cơn thiền định rất an lạc nên không bao giờ thèm ngoái cổ lại thế gian này. Nên cần hiểu, khi tâm thức mở ra, nó là một nguồn suối an lạc vô tận, và từ sơ thiền đến đệ tam thiền đã là vào được niềm an lạc, thế mà vẫn chưa ăn thua gì cái Diệu lạc trên cao hơn, sâu hơn nữa. Điều này cần biết rõ thì mới chí tâm tu hành được.

Ái dục là khoái lạc thấp nhất và rất phù du. Cũng như trong kinh Lăng Nghiêm nói, các vị tu lên được cõi trời dục giới, mỗi khi nghĩ lại chuyện tình dục, mới thấy rõ con người đang ngụp lặn trong biển ái dục tương tự nhưng một đám ròi đương ngụp lặn trong đống phân, cũng thấy ái dục vô vị như ăn sáp vậy. Tu là đi tìm hạnh phúc, tự do miên viễn, không hệ lụy và nếu tu không có hạnh phúc, tự do thì tu làm gì? Giải thoát tức là tự do, an lạc (thường, lạc, ngã tịnh). Tự do đến mức độ ta có thể cầu bất cứ gì cũng được. Đừng nói chi phải tu thành Phật, chỉ tu lên đến cung trời Tha Hóa Tự Tại hay cung trời Lạc Biến Hóa trong tầng trời dục giới này thôi, lúc đó cần gì thì có ngay cái đó, muốn có cả trăm thiên nữ múa hát cho nghe cũng có ngay. Vì mức độ tự do và tự tại biến hóa rất ghê gớm. Còn chúng ta đây, cả ngày chỉ lẩm cẩm cầu mong những chuyện lăng nhăng, một cái áo đẹp, một chiếc xe đẹp, nhà cửa v.v…, thế là đã mãn nguyện hài lòng lắm rồi. Nhưng ta quên một điều, nếu được làm thần linh thì có thể hóa hiện cả một cõi. Đó là sự khẳng định của kinh nói như thế. Nên trong kinh thường hay gọi người thế gian là có tâm hạ liệt. Hạ liệt là một tâm hèn kém, chỉ thích những thứ tầm thường lăng nhăng, mà không nghĩ đến cầu sự tự tại lớn lao.

Tiện đây, tôi cũng xin nói một chút về vân đề tu hành. Thường thường người là như vậy, chỉ có trí huệ là hơn một vài loài khác, nên ta cần phải nhìn vào tâm mình, bắt đầu tập chơi với Tâm ấy. Biết chơi với tâm ấy, ta thấy rất tự tại, không cần tốn tiền bạc của cái gì để mua nó, cũng không cần chạy đông, sang tây tìm cầu. Chỉ cần tịnh tâm một chút, khép hờ mắt lại là có thể thấy nó, rồi đếm những tâm tưởng. Tu hành chỉ là ngồi đếm tâm tưởng của mình thôi. Ngồi thiền là gì? Chỉ để soi Tâm ấy, và đếm những tâm niệm. Tại sao phải soi tâm niệm? Như tôi đã trình bày ở trên, con người là một bãi chiến trường giằng co giữa thiện và ác. Và trong tâm chúng ta chỉ có ba loại tâm niệm thôi. Tâm niệm thứ nhất là tâm niệm của súc sanh, tâm niệm thứ hai là tâm niệm của yêu quái, tâm niệm thứ ba là tâm niệm của thần linh. Tu hành để cốt loại trừ hai loại tâm niệm đầu, chỉ giữ lại tâm niệm thần linh thôi.

Còn tâm niệm của súc sanh là thế nào? Là chỉ thích ăn, thích ngủ, thích ái dục, và thích chiều chuộng sắc thân này như mặc áo đẹp, bôi nước hoa v.v… Ngày nào còn muốn nâng niu chăm sóc thân xác này thì ngày đó vẫn còn tâm niệm súc sanh. Thân này, nhà Phật nói nó là pháp khí thôi, chỉ cần nuôi dưỡng vừa đủ. Theo trong tứ y nhà Phật dạy, khi đau thì uống thuốc thừa của thiên hạ, không nên rối rít, coi cái thân quá quan trọng, vì như vậy sẽ rơi vào tâm niệm xúc sanh. Có nhiều người, chịu khó bỏ ra mỗi ngày mấy giờ đồng hồ chạy bộ, hì hục tập thể dục cho bắp thịt nở nang, sau đó đi chơi phố, chỉ mặc áo maillot phơi bày bắp thịt vạm vỡ, như khoe cho thiên hạ trầm trồ. Đó chỉ là nuôi dưỡng tâm niệm súc sanh thôi. Và nếu ta có nhiều tâm niệm ấy, thì sẽ chỉ thọ sanh được thân bầy nhầy máu mủ này, không thể hơn được. Nhưng nếu những giờ tập thể dục ấy, chúng ta dành khoảng một tiếng tụng kinh, ngồi thiền hay tụng chú, thì công đức ấy sẽ theo chúng ta nhiều đời, nhiều kiếp, ta sẽ có cơ hội đi lên, có nhiều cơ hội bỏ thân máu thịt này mà khoác một thân hào quang hơn, thanh tịnh. Nên người trí biết chọn những gì có lợi, mà bỏ những việc ít lợi ích, chỉ cần dụng công ít mà được lợi nhiều.

Qua đến tâm niệm yêu quái. Tâm niệm yêu quái là gì?

Khi nào chúng ta còn chấp vào cái “ngã” như muốn có một khuôn mặt đẹp đẽ để mê hoặc người khác, hoặc vào đời tranh đấu hơn thua, muốn quyến dụ cho người khác nghe mình, hùng biện đủ cách để chứng minh rằng cái lý của mình là đúng v.v… Tóm lại, những tâm niệm có ngã là tâm niệm yêu quái. Chúng ta phần đông đều có những tâm niệm này.

Còn tâm niệm của thần linh là thế nào? Là những tâm niệm vô ngã, không còn nghĩ đến mình nữa mà chỉ có tâm từ, bi, hỉ, xả, tâm bát nhã, biết pháp giới và thân căn mình cũng chỉ là mộng huyễn. Người nào có nhiều tâm niệm này, người đó đã một nữa là thần linh rồi.

Nên khi ta gặp một người nào, vỗ ngực tự nhận mình là đạo sư, thiền sư, hay khoe khoang sự chứng đắc của mình, tham dục còn đầy rẫy, vẫn lấy vợ, sinh con, hoặc ngủ với tín đồ, và có thể vì có một chút lực của ma, hay của một loài tinh mị nào đó gá vào, nên chiêu dụ được đông người nghe, rồi vênh vang tự đắc, có thể được chút thần thông của loài quỉ, mị tạm gá cho, tự cho mình đắc thánh, tuyên bố nhiều điều trái với luật nghi của nhà Phật, thì người đó là đại vọng ngữ, họ chưa nếm được mùi thiền định, vì nếu có thiền định, hưởng, được an lạc trong thiền thì không bao giờ họ nghĩ đến chuyện lấy vợ, hay vênh vang tự ngã cả.

Nay xin trở về kinh…

Trong kinh Hoa Nghiêm có dạy, khi một người phát bồ đề tâm thì tất cả những công đức từ lúc mới phát tâm đến lúc thành Phật, họ đã được một nửa rồi, nên tôi muốn nhắc lại cho quí vị nhớ. Đồng thời, khi phát bồ đề tâm là trụ thọ mạng của mình dài thêm ra. Chúng ta cũng đừng ngại tâm còn hạ liệt, chưa có tâm từ bi, và tâm bát nhã, cứ dũng mãnh phát bồ đề tâm rồi những vị quỉ thần sẽ giúp cho chúng ta thêm tinh tân, thêm trí huệ, thêm từ bi…

Tôi cũng xin nhắc lại về ý nghĩa bồ đề tâm để quí vị nhớ. Bồ đề tâm chính là diệu tâm của chúng ta, nhưng nói bồ đề tâm là để triển khai hai mặt. Một mặt là như thật không (bát nhã). Một mặt là như thật bất không (đại bi). Khi chúng ta phát bồ đề tâm, chúng ta đồng thời phải chiếu soi theo hai mặt, một mặt hiểu rằng tất cả pháp giới này, và ngay cả tâm mình đều Không, đồng thời không có nghĩa rằng “Không” như thế là buông suôi, mặc kệ đâu. Biết rằng Không, nhưng cũng hiểu rằng trong Không ấy chuyển hiện ra tất cả cái có, nên phải làm tất cả mọi việc vị tha, giúp đỡ người khác, mà không cho riêng mình. Trong một ngày, nếu ta có khoảng một trăm tâm niệm, mà trong đó có bôn chục đến năm chục tâm niệm ta nghĩ đến người, hoặc vì người thì đã khá rồi.

KINH: Ví như có người cầm thuốc ma-ha-ưng-già, rắn độc nghe mùi thời liền tránh xa. Cũng vậy, đại Bồ Tát gìn lấy thuốc đại ưng già bồ đề tâm, thời tất cả rắn độc ác phiền não nghe hơi thảy đều tan mất.

GIẢNG: Ở đây, ngài Di Lặc nói đến rất nhiều thứ thuốc,ngoài đời có loại thuốc ma ha Ưng già thật làm cho rắn nghe mùi tránh xa, nhưng nghĩa bên trong khi đại Bồ Tát gìn bồ đề tâm cũng giống như thuốc ưng già, các ác phiền não đều tan mất.

KINH: Ví như có người cầm thuốc vô thắng, tất cả oán địch không hơn được. Cũng vậy, đại Bồ Tát cầm thuốc vô thang đại bồ đề tâm, thời hàng phục được tâ’t cả ma quân.

GIẢNG: Phần nhiều các loại thuốc trong kinh nói đến đều lấy ở núi Tuyết Sơn. Từ đây về sau, kinh nói đến mấy chục thứ thuốc mà vì phước mỏng, chúng ta không hề biết tới. Nhưng có nhiều người đọc đến đoạn kinh này, cứ cho rằng trong kinh nói chỉ có nghĩa tượng trưng thôi, chỉ là tưởng tượng, nhưng chính nó có thật, nhưng phải có người có đủ phước đức, trí huệ mới nhìn thấy và lấy được. Tuyết Sơn là ngọn núi cao nhất, tượng trưng cho tâm địa, vì vậy trong đó có đủ mọi thứ thuốc chữa được bệnh của chúng sanh. Trong kinh còn nói trong ấy có một cái ao gọi là ao A Nậu Đạt do một vị Long Vương, một vị Bồ Tát ở thất địa (Viễn hành địa) trông coi, do thần lực của vị Bồ Tát đó nước ao không bao giờ đầy, không bao giờ vơi, và nó chảy ra bốn sông lớn, trong đó có sông Hằng.

KINH: Ví như có người cầm thuốc tỳ cấp ma, có thể làm cho độc tiễn tự nhiên rơi rớt. Cũng vậy, đại Bồ Tát cầm thuốc tỳ cấp ma bồ đề tâm, làm cho tên độc tham, sân, si ác kiến tự nhiên rơi rớt.

GIẢNG: Nếu người cầm thuốc tỳ cấp ma thì tên bắn chưa tới mình đã bị rớt rồi. Như trong kinh kể câu chuyện, có một bà hoàng hậu tu được từ tâm tam muội, nhưng bị một cung phi khác ghen ghét, súi dục vua giết hoàng hậu, nhà vua liền cầm cung bắn bà nhưng tên bay đến gần đều rơi xuống hết, không đụng được người bà. Đến lần thứ ba vua cũng dương cung lên muốn bắn nữa thì hoàng hậu bảo rằng: ” Vua chớ nên bắn nữa, vì còn chút tình nghĩa vợ chồng, nên thiếp bảo thật, vua không thể giết được thiếp đâu, vì thiếp là đệ tử của Phật, đã được từ tam muội, tức là tâm không muốn hại người, thì tất cả độc tiễn không thể hại được.” Thuốc tỳ cấp ma trong kinh này cũng vậy.

KINH: Ví như có người cầm thuốc thiện kiến, có thể trừ tất cả bệnh tật đã mang. Cũng vậy, đại Bồ Tát cầm thuốc thiện kiến bồ đề tâm, trừ hết tất cả bệnh phiền não.

GIẢNG: Sở dĩ chúng ta chưa kiếm được những thuốc này là vì phước đức và trí huệ của chúng ta kém quá, chưa tương Ưng, nên phải dùng tạm thuốc thế gian vậy.

KINH: Như có dược thọ tên san đà na, có ai lấy được vỏ dùng thoa ghẻ, thời ghẻ liền lành, vỏ cây ấy vừa lấy là sanh lại liền, lấy không hết dược. Cũng vậy, đại Bồ Tát từ bồ đề tâm sanh cây nhất thiết trí, có ai thấy mà sanh lòng tin, thời ghẻ phiền não nghiệp đều được tiêu diệt, cây nhất thiết trí không hề tổn. Như có cây thuốc tên là vô sanh căn, do sức của cây này mà tăng trưởng tất cả cây ở Diêm Phù Đề…

GIẢNG: Trong núi Tuyết sơn có một loại cây vô sanh căn, do sức của cây đó mà tất cả cỏ cây ở trái đất này mọc lên được. Lời kinh có ý nghĩa tượng trưng rằng, chính ra tất cả cỏ cây đều mọc từ biển tâm mà ra, nhưng đồng thời cũng có cây vô sanh căn thật. Pháp giới này rất kỳ ảo, tâm chúng ta với phước đức trí huệ nào thì sẽ thấy pháp giới ở mức độ đó, chứ không phải pháp giới này ù lỳ thế này mãi đâu, mà luôn biến hiện tùy theo nghiệp tương ưng của chúng sanh.

KINH: Cũng vậy, do sức cây của Bồ đề tâm của Đại Bồ Tát làm cho tất cả thiện pháp của hàng hữu học, vô học và chư Bồ Tát đều được tăng trưởng.

GIẢNG: Đai Bồ Tát phát bồ đề tâm rồi làm tăng trưởng cây bồ đề tâm ấy. Bồ đề tâm là cây của tâm thức mọc một cách vô hình tướng. Vị Bồ Tát mang bồ đề tâm ấy qua lại trong thế gian, đi đến đâu giúp ích chúng hữu tình ! Đến đó, tùy theo phương tiện độ sanh, hoặc bằng lời thuyết pháp, hoặc bằng bát cơm, hay bằng manh áo ấm v.v… Do bồ đế tâm cũa các ngài đi qua lại, khiến cho những người khác cũng sanh tâm bồ đề. Như vừa rồi, chúng ta tụng một đoạn kinh đại Bát Nhã, nói rõ, có những vị Bồ Tát qua lại thế gian này làm phát sanh tất cả những thiện pháp cho những vị Thanh Văn, Bích Chi Phật và những Bồ Tát khác. Dụ như trong một nhà, có một chủ rất nhân từ, đạo đức, thì không khí trong nhà rất vui vẻ, an nhiên, vì người nào cũng sanh tâm hòa nhã, ngược lại nếu người chủ ác độc, hay nói những lời thô tháo, hay mắng chửi, dằn vặt, tâm thức luôn quanh co, vặn vẹo v.v… thì cả nhà dễ sinh ác tâm, không khí luôn luôn nặng chích, ít khi nghe được tiếng cười hồn nhiên, thoải mái. Đó là chỉ lấy khung cảnh ngôi nhà nhỏ hẹp, huống chi trong một , thành phố, một làng, một quốc độ, một thế giới… Nên khi có một vị Bồ Tát mang bồ đề tâm xuất hiện, thì tâm bồ đề của ngài khiến kẻ khác dễ khởi tâm từ, bi, hòa nhã.

Nên phải hiểu, chúng ta là những cái đèn, ta phải mang ngọn đèn bồ đề tâm của mình thắp vào những ngọn đèn khác. Nói một cách dễ hiểu, lúc nào chúng ta cũng nên cư xử hòa nhã, từ, ái với mọi loài, trải rộng lòng mình để những người khác thấm được những gì tốt đẹp, và cố tránh đừng gây phiền não, cáu kỉnh, khó chịu, tham lam, tật đố v.v… cho những người chung quanh. Đó cũng là một cách tích tập bồ đề tâm rồi vậy.

KINH: Ví như thuốc a-lam-bà, nếu dùng thoa thân, thời thân và tâm đều co kham nắng. Cũng vậy, bồ đề tâm của đại bồ tát làm cho thân tâm tăng trưởng pháp lành. Ví như có người được thuốc niệm lực, phàm những người đã được nghe thời ghi nhớ chẳng quên. Đại bồ tát được tâm bồ đề thời nghe trì tất cả Phật pháp đều không quên mất. Ví như thuốc đại liên hoa, nếu ai uống thuốc này thời sẽ sống lâu một kiếp. Cũng vậy, đại bồ tát uống bồ đề tâm thời được thọ mạng tự tại trong vô số kiếp.

GIẢNG: Thuốc đại liên hoa chắc là thuốc hoa sen trong Tuyết Sơn, khi uống vào thì tuổi thọ tăng lên một kiếp, nhưng nếu ta có bồ đề tâm tròn đầy “thời được tự tại trong vô số kiếp.” Ta dùng thuốc thế gian chỉ để dùng tạm thời thôi, còn muốn đến mức độ tuyệt vời thì phải dùng chính tâm lực của ta, phải biết mở nguồn suối vô cùng tận ấy, mà muốn mở được nguồn suối ấy, điều căn bản là phải phát bồ đề tâm.

KINH: Ví như thuốc ẩn hình, người cầm thuốc này thời nhơn và phi nhơn đều không thấy được.

GIẢNG: Có thứ thuốc ẩn hình, không ai thấy được, muốn bắt cũng không thấy, ví như người đến số chết, mà có thuốc này, quỉ đến bắt đi cũng không thấy được.

KINH: Đại Bồ tát cầm bồ đề tâm thời tất cả ma chúng không thấy được.

GIẢNG: Vì vậy, bồ đề tâm rất quan trọng. Bồ đề tâm là tất cả Phật pháp, tất cả Chư Phật, các đại Bồ Tát, những người tu hành, nhơn, phi nhơn v.v… đều là những bông hoa nở trên cây bồ đề tâm, ngoài ra không có một pháp nào là có thật, chỉ có bồ đề tâm ấy, là một cây vô căn, mọc trên biển tâm ấy là có thật thôi.

KINH: Này thiện nam tử, như biển có châu vương tên là Phổ Tập Chúng Bửu.

GIẢNG: Phổ là rộng rãi. Tập là tập hợp lại. Chúng là bao gồm tất cả những hòn ngọc khác. Bửu là quí giá.

KINH: Châu này nếu còn, giả sử kiếp hỏa đốt cháy thế gian cũng không thể làm cho biển này giảm được một giọt nước.

GIẢNG: Ở đây, cần nhắc qua kiếp hoại là gì? Khi đến kiếp hoại, có bảy mặt trời mọc lên đốt khô tất cả nước ở biển, sức nóng lúc đó thật khủng khiếp, không có vật gì ra ngoài sự tàn phá của sức nóng ấy. Nhưng nếu trong biển có hạt châu Phổ Cập Chúng Bửu này, thì sức nóng ấy cũng không thể làm biển giảm đi một giọt nước. Đủ biết sức kỳ ảo của hạt châu này đến thế nào. Nhưng chúng ta hay bị cái nghi ám chướng nên khó có thể tin lời Kinh.

KINH: Cũng vậy, tâm bồ đề ở trong biển đại nguyện của Bồ Tát, nếu thường ghi nhớ gìn giữ chẳng thối thất, thời không thể hư hoại một thiện căn của Bồ Tát.

GIẢNG: Tâm như biển lớn, nếu có những thiện căn thì như những chủng tử nhỏ, và tâm bồ đề khiến không bao giờ những thiện căn ấy mất, ngược lại, những thiện căn ấy ngày càng tăng trưởng. Vì vậy, chúng ta nên gấp phát bồ đề tâm, vì không có cái gì trên thế gian mà hơn cái tâm bồ đề này, không có gì quí hơn tâm ấy. Dù muốn mong cầu những phước báo hữu lậu,(kiếp sau được sung sướng, được làm người nữ có thân căn đẹp đẽ, hay một nam tử tài trí, có thể là vương làm Tướng v.v…) hoặc cầu làm Tiên Nữ, Bửu Nữ, Ngọc Nữ, hay Vua trời Đế Thích, Chuyển Luân Vương, các hàng Đại Bồ Tát v.v… cũng đều phải phát bồ đề tâm, để khiến cho những thiện căn không mất mà ngày càng tăng trưởng. Đó là sự bảo đảm chắc chắn đời đời giữ chúng ta không bị đọa, và cuộc sống thật an ổn.

KINH: Nếu thối tâm bồ đề thời tất cả pháp lành đều diệt tan.

GIÁNG: Nếu chúng ta phát nản, vì một lý do nào đó, khiến tâm bồ đề bị thối thất, thì tất cả những pháp lành đều dễ tiêu mất.

KINH: Như có châu ma ni tên là Đại Quang Minh, nếu ai đeo châu này thời bao nhiêu quang minh của tất cả đồ trang sức khác đều bị che chói khuất cả. Cũng vậy, bồ đề tâm trang nghiêm nơi thân củạ Bồ Tát thời tất cả tâm nhị thừa đều khuất mất.

GIẢNG: Một vị Bồ Tát mang tâm bồ đề cũng tương tự như người đeo một hạt châu lớn có thể ánh sáng của những hạt châu khác. Đi đến đâu, tâm bồ đề sáng chói, che mờ những tâm thấp kém khác.

KINH: Như thủy thanh châu có thể lóng trong nước đục. Cũng vậy, bồ đề tâm của bồ tát có thể lóng sạch phiền não. Như có người đeo châu tỵ thủy xuống biển không bị nước làm hại. Cũng vậy, đại bổ tát được bồ dề tâm vào trong tất cả biển sanh tử trọn không bị chìm.

GIẢNG: Những của báu ở trần gian rất ít và chỉ có một chút quang minh óng ánh, nhưng báu ở cõi trời thì đẹp hơn, sáng chói hơn, lại có huyền lực lớn. Trong bộ Đại Trí Độ Luận có giảng rõ sự khác biệt về những báu vật của trần gian, của chư Thiên và của các vị Đại Bồ Tát. Khi một người đeo châu Tỵ Thủy xuống biển không bị nước làm hại. Cũng vậy, khi ta có tâm bồ đề thì đi đến chỗ nào cũng dễ thoát nạn, đi đến đâu cũng có cơ duyên đưa đẩy để cứu chúng ta. Vì vậy, có những vị ngồi thiền cao trong rừng sâu chung quanh hổ, báo đến chầu hầu, chim chóc mang hoa đến cúng dường, vì tâm vị đó cao.

KINH: Như có người được bửu châu của Rồng rồi cầm đi vào long cung, không bị các loài rồng răn làm hại.

GIẢNG: Trong kinh Hiền Ngu kể rõ có một vị Thái Tử tên là Đại Thí, khởi tâm muốn bố thí cho chúng sanh, nhưng kho tàng của vua cha vẫn không đủ ngài bèn xuống Long Cung xin châu như ý của Long Vương. Con đường xuống Long Cung thật dài xa, cần khổ, qua bao nhiêu gian nan chướng ngại. Sau cùng, trước khi vào đến Long cung thì chung quanh cung có rất nhiều rắn độc nằm cuộn mình trên hoa sen. Nhưng khi ngài đi qua hàng rào rắn độc, ngài chỉ đề khởi tâm từ, không muốn sát hại ai, ngược lại, tâm từ ấy chỉ muốn tất cả chúng sanh đều sung sướng, vì vậy, quang minh của ngài tác động vào tâm thức những con rắn độc, nên con nào cũng ngoan ngoãn nằm yên.

Ta cũng nên biết một điều, rồng chính là rắn biến hóa ra, khi một con rắn sống lâu năm tu hành có thần thông thì có thể biến thành rồng, dưới rắn là con giun, chỉ khác nhau ở thứ bậc tâm thức thôi.

KINH: Cũng vậy, đại Bồ tát được tâm bồ đề vào trong dục giới, tất cả phiền não không làm hại được.

GIẢNG: Dục giới là nơi dễ bị đọa, dễ sa ngã nhất vì nơi đó có ái dục, có ăn, ngủ, thai sanh, bệnh tật v.v… Nhưng những vị đại Bồ Tát phát tâm đi vào trong những cảnh khó khăn ở Dục Giới, nếu bồ đề tâm vững, sẽ không còn bị những phiền não làm hại, cũng tương tự như người cầm ngọc châu của rồng, đi vào biển sâu mà không bị rồng rắn làm hại.

KINH: NhưThiên Đế Thích đội mão ma ni, che khuất tất cả thiên chúng khác.

GIẢNG: Trên tầng trời thứ 33 có vua trời Đao Lợi là vua Đế Thích, người thế gian vẫn gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế, khi ngài đội mão ma ni thì hào quang chiếu ra khiến tất cả hào quang của thiên chúng khác đều mờ đi.

KINH: Cũng vậy, đại Bồ Tát đội mão đại nguyện bồ đề tâm thời vượt hơn tất cả chúng sanh trong tam giới.

GIẢNG: Khi một vị Bồ Tát phát những đại nguyện, như: “Tôi sẽ cứu độ tất cả chúng sanh, cho đến khi chúng sanh hết thì tôi mới thành Phật.” Dần dần bồ đề tâm của Bồ Tát lóe sáng, vượt hơn tất cả chúng sanh trong tam giới, cũng như vị vua đội mão ma ni, khiến hào quang che mờ những hào quang khác.

KINH: …(bỏ một đoạn)… Như Chuyển Luân Vương có ma ni bủu để trong cung, phóng ánh sáng lớn phá tất cả tối. Cũng vậy, đại Bồ Tát dem bồ dề tâm để ở trong dục giới phóng đại trí quang phá vô minh của mọi loài.

GIẢNG: Ngày xưa, có những vị vua Chuyển Luân Vương có bửu châu để trong cung, bửu châu đó tự nó phát ra ánh sáng diệt trừ tất cả tối tăm. Cũng vậy, đại Bồ Tát có bồ đề tâm sống giữa dục giới, (sống giữa một nơi tối om, nhiều chướng ngại), quang minh của bồ đề tâm cũng phát ra, khiến cho chung quanh đều được sáng sủa, đỡ khổ đau đi nhiều.

KINH: Như châu lưu ly trăm ngàn năm ở trong chỗ nhơ uế mà chẳng nhiễm nhơ uế, vì tánh nó bổn lai trong sạch. Cũng vậy, bồ đề tâm của dại Bồ Tát ở dục giới trăm ngàn kiếp mà chẳng bị sự lỗi ác của cõi dục làm nhiễm, vì tánh nó thanh tịnh như pháp giới.

GIẢNG: Trong kinh luôn nhắc đến dục giới, vì dục giới của chúng ta là chỗ đáng sợ nhất, chúng ta thường có rất nhiều cơ hội đi xuống, mà chỉ có ít cơ hội đi lên.

Nên tất cả sự tu hành đều phải bắt đầu từ chỗ ly dục, phải ra khỏi dục giới, sau đó được lên đến sắc giới, vô sắc giới thì sự tu hành có phần dễ dàng hơn.

KINH: Như trong biển có vô giá bửu, người đi buôn châu báu lượm được đem về thành thị, tất cả quang sắc của những châu ngọc khác không bằng được. Cũng vậy, bồ đề tâm ở trong biển lớn sanh tử, đại Bồ Tát dùng thuyền đại nguyện chở đem vô thành giải thoát, công đức của hàng nhị thừa không bằng được.

GIẢNG: Tâm bồ đề của Bồ Tát khác xa với tâm Thanh Văn, vì tâm thanh văn chỉ muốn tự cứu lấy mình thôi, còn tâm bồ đề không nghĩ đến chuyện cứu mình, mà chỉ nghĩ đến cứu người trước, nên cái tâm đó vô giá bửu.

KINH: Như có bửu châu tên là tự tại vương ở tại châu Diêm Phù Đề cách mặt nhật, mặt nguyệt bốn vạn do tuần, bao nhiêu cảnh vật trang nghiêm của nhật nguyệt đều hiện bóng rõ ràng trong bủư châu này. Cũng vậy, công đức thanh tịnh của đại Bồ Tát phát bồ đề tâm ở trong sanh tử chiếu pháp giới không, tất cả công đức của phật trí đều hiện trong đó.

Đến đây cũng hết giờ rồi, tôi xin tạm dừng. Không biêt có vị nào cần hỏi điều gì không?

Vậy xin dừng nơi đây. Hẹn quí vị kỳ sau.

Xin cảm ơn quí vị.

Bài viết cùng chuyên mục

Kinh Bát Đại Nhân Giác điều giác ngộ thứ nhất giảng giải

Định Tuệ

Đọc Kinh nghe Pháp có ý nghĩa và lợi ích gì hay không?

Định Tuệ

Không đoạn tâm dâm mà tu thiền định, như nấu cát mong thành cơm

Định Tuệ

Đạo cao một thước, Ma cao một trượng

Định Tuệ

Người chân thật tu hành nhất định không thể xa rời Giới Định Tuệ

Định Tuệ

Người sống trên đời chỉ là khách qua đường

Định Tuệ

Có tâm đại bi thì tự nhiên có thể đoạn ác, có thể tu thiện

Định Tuệ

Lâm chung một niệm sau cùng là A Di Đà Phật chắc chắn được vãng sanh

Định Tuệ

Thân người khó được, Phật pháp khó nghe

Định Tuệ

Viết Bình Luận