Tất cả những gì đã qua tay của bạn mà bạn lãng phí thì đều là đang lãng phí phước báo của chính mình. Vì sao vậy?
Ví dụ như bạn dùng điện trong công ty, bạn dùng máy tính xong nhưng không tắt, tuy bạn không bị trừ lương nhưng phước báo của bạn đã bị tiêu hao đi rồi.
Đừng cho rằng xài tiền trong ví của mình mới là tiêu hao phước báo. Cũng đừng chỉ cho rằng lãng phí vật dụng của chính mình mới là lãng phí phước báo.
Tất cả những gì đã qua tay của bạn mà bạn lãng phí thì đều là đang lãng phí phước báo của chính mình.
Ví dụ như bạn bè mời bạn ăn cơm, gọi một bàn đầy thức ăn, nhưng bạn đã lãng phí đồ ăn hơn một nửa, vậy thì bạn đang lãng phí phước báo của ai vậy? Vẫn là phước báo của chính bạn.
Một ví dụ khác, công ty cử bạn đi làm việc, cước phí sẽ được hoàn trả cho bạn, vốn là nên đi xe công cộng, nhưng bạn lại đi bằng xe taxi, vậy bạn đã lãng phí phước báo của ai vậy? Vẫn là phước báo của chính bạn.
Phàm những gì qua tay bạn đều là phước báo của bạn cả, vì sao vậy? Bạn hãy nghĩ đi, bởi vì bạn có phước báo nên bạn bè mới mời bạn ăn cơm, bạn đi công tác mới có thể được hoàn lại tiền cước phí, nhưng chúng ta lại lãng phí, cảm thấy đó là đồ của người khác nên có thể lãng phí. Đây là sai lầm rất lớn!
Kỳ thực, thứ mà bạn lãng phí chính là phước báo của chính mình. Phước báo là do chính mình vun bồi, cũng do chính mình làm hao tổn, khi nào bị tổn phước, mình cũng không hay biết.
Trước đây, có người tặng cho đại sư Thái Hư một củ nhân sâm, đại sư Thái Hư cảm thấy mình không có phước để dùng, nên đã chuyển tặng cho đại sư Đàm Hư.
Khi có người tặng đồ cho đại sư Hoằng Nhất, bao gồm cả thuốc thang, ngài cũng đều đem tặng cho người khác. Thế nên, phước báo của những vị cao tăng đều lớn như thế.
Bạn hãy nghĩ xem, trước khi học Phật, mình đã bị hao tổn bao nhiêu phước báo rồi, chiếm tiện nghi của người khác cũng chính là cách khiến mình bị tổn phước.
Chúng ta cứ nghĩ đó là đồ của người khác, là đồ của chung, đồ của ông chủ, nên mình có thể lãng phí. Nhưng trên thực tế, những thứ mà chúng ta lãng phí đều là phước báo của chính mình.
Ân Sư Hòa Thượng Thượng Tịnh Hạ Không chủ giảng!
Xin thường niệm Phật – Nam Mô A Di Đà Phật!
(Ngoài việc cần kiệm phước báo thì những đồ gì chưa cần thiết không nên mua, nếu có đồ dùng dư thừa, không sử dụng nữa, ít sử dụng… thì nên đem tặng, đem cho để bồi dưỡng phước báo, giúp đỡ mọi người. Giống như lối sống của người Nhật Bản và người xưa là Thiểu dục tri túc – muốn ít biết đủ, cái gì thật sự cần thiết mới giữ lại, đủ dùng. Sống càng đơn giản, càng dễ tu! Nam Mô A Di Đà Phật).