Đây là loại thứ nhất, những chỗ này chúng ta phải lưu ý. Trong đoạn khai thị này Thế Tôn chủ yếu là thức tỉnh chúng ta, vãng sanh tốt nhất đừng nên sanh vào biên địa.
Đức Phật bảo Ngài Từ Thị: “Nếu có chúng sanh dùng tâm nghi hoặc mà tu các công đức, nguyện sanh về Cực Lạc, không rõ Phật Trí, Bất Tư Nghị Trí, Bất Khả Xứng Trí, Đại Thừa Quảng Trí, Vô Đẳng Vô Luân Tối Thượng Thắng Trí. Đối với các trí này nghi ngờ không tin, nhưng tin tội phước mà tu tập gốc lành, nguyện sanh về Cực Lạc”.
Đây là loại thứ nhất, những chỗ này chúng ta phải lưu ý. Trong đoạn khai thị này Thế Tôn chủ yếu là thức tỉnh chúng ta, vãng sanh tốt nhất đừng nên sanh vào biên địa.
Sanh vào biên địa, thấy Phật nghe pháp phải trễ mất năm trăm năm, thời gian dài như thế đó. Tuy ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, trong thọ mạng của vô lượng thọ, năm trăm tuổi đích thực là vô cùng ngắn tạm.
Tuy nhiên, chúng ta thử nghĩ, nếu ở thế gian này phải rớt lại phía sau năm trăm năm, chúng ta nhất định phải biết có rất nhiều đồng tu ở phía sau sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc vượt qua chúng ta rất nhiều. Chúng ta tuy sanh Tây Phương nhưng rớt ở phía sau họ, là tình trạng này. Phật ở chỗ này rất từ bi mà thức tỉnh chúng ta.
Trong trường hợp này là không thể liễu giải trí huệ không thể nghĩ bàn của Phật mà khởi nghi hoặc, “nghi hoặc tâm”. Tuy là nghi hoặc, họ vẫn “tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc”. Hai điều này rất quan trọng, tuy họ có nghi hoặc, tại sao lại vãng sanh? Có thể thấy rằng họ tu hành đích thật không có rớt sau người ta. “Tu chư công đức” tối quan trọng là Tín, Nguyện, Trì Danh, đây là công đức đấy! Cho nên họ được sanh Tây Phương Tịnh Độ. Tại sao họ không thể nhập phẩm. Chữ “phẩm” này tức là “chín phẩm”. Tại vì họ “bất liễu Phật Trí”. “Phật Trí” nào vậy? Tiếp theo Phật nói bốn thứ trí, “Phật Trí” là nói chung.
“Bất Tư Nghị Trí”, Phật có trí huệ không thể nghĩ bàn. Cổ Đại Đức đem đoạn kinh văn này phối vào trong “tứ trí” mà thuyết minh thì chúng ta dễ hiểu được. Trong Pháp Tướng Duy Thức nói tứ trí này là: Thành Sở Tác Trí, Diệu Quán Sát Trí, Bình Đẳng Tánh Trí và Đại Viên Kính Trí. Chúng ta cũng gọi nó là “tứ trí Bồ-đề”, Bồ-đề nghĩa là giác ngộ. “Tứ trí Bồ-đề” là đối với mê tình phàm phu mà nói. Bởi vì phàm phu đã mê mất tự tánh, đem tự tánh biến thành “tám thức”, tám thức này không phải là giác ngộ, tám thức là do mê hoặc mà có, còn giác ngộ thì đem tám thức chuyển đổi thành bốn trí. Cho nên Giáo Hạ thì nói tu hành quí tại “chuyển thức thành trí”. Câu nói này đích thực nói không sai. Thành tựu của việc tu hành là gì? Là chuyển thức thành trí, chuyển “bát thức” thành “tứ trí”. Tuy nhiên phải thực sự biết chuyển, đích thực rất không dễ dàng!
Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng-nghiêm rất nổi tiếng trong giới Phật giáo Trung Quốc, hầu như không ai không biết đến bộ kinh điển này. Từ xưa đến nay, chú giải Kinh Lăng-nghiêm có trên một trăm loại, có thể thấy sự yêu chuộng của mọi người đối với bộ kinh này, có nhiều người chú giải như vậy. Trong đó, phần chú giải thuộc hạng quyền uy, tức là mọi người đều công nhận chú giải hay, ít nhất có đến mười mấy loại.
Vào cuối đời nhà Minh có Giao Quang Đại Sư, Ngài cùng một thời đại với Liên Trì Đại Sư. Giao Quang Đại Sư cũng là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Nơi phần chú giải Kinh Lăng-nghiêm của Ngài gọi là Chánh Mạch Sớ, trong phần tựa Ngài viết về nhân duyên Ngài chú giải kinh.
Lúc Ngài sắp vãng sanh, cũng tức là thọ mạng đã đến, A-di-đà Phật đến tiếp dẫn, Ngài hốt nhiên chợt nghĩ, Kinh Lăng-nghiêm từ xưa đến nay tuy có rất nhiều chú giải nhưng vẫn chưa nói rõ ràng ý của Phật, đều chỉ ở đó suy đoán mò mẫm. Ngài muốn phát tâm làm phần chú giải cho Kinh Lăng-nghiêm.
A-di-đà Phật đến tiếp dẫn Ngài, Ngài hướng về A-di-đà Phật xin nghỉ phép, thưa rằng: “Cho con chú giải xong kinh này rồi mới vãng sanh”. A-di-đà Phật gật đầu đồng ý rồi đi mất, bệnh của Ngài cũng lành hẳn.
Sau khi lành bệnh, Ngài làm chú giải của Kinh Lăng-nghiêm. Phần chú giải của Ngài khác với phần chú giải xưa, kiến giải đích thực không giống nhau. Chú giải xưa phần nhiều là phối hợp tam chỉ, tam quán của Thiên Thai để giải thích Lăng-nghiêm. Còn kiến giải của Giao Quang Đại Sư là đã thoát ly Thiên Thai, hoàn toàn theo ý thú trong kinh điển đã nói để giải kinh, giải thích về xa-ma-tha, tam-ma, thiền-na. Người xưa đã đem ba thứ này phối hợp với Tam Chỉ Tam Quán của tông Thiên Thai. Trong đó cái quan trọng nhất là Ngài đề xướng “xả thức dụng căn”. Bởi vì chú giải xưa đều không rời khỏi “bát thức”, cách nhìn của Ngài về xa-ma-tha, tam-ma, thiền-na trong Lăng-nghiêm là lìa khỏi tám thức, nhất định không dùng tám thức, 51 tâm sở. Cách nói này thật là cao minh, đích thực khác với cách nhìn của Cổ Đức.
Cách giải thích không sai. Tuy nhiên, có được mấy người có thể “xả thức mà dụng căn” chứ! Chữ “căn” này là cái tánh trong căn. Tỉ như nói nhãn căn: Chúng ta thấy sắc là dùng nhãn thức để thấy sắc. Thức là phân biệt, thức thứ sáu phân biệt. Chúng ta thấy đây là hoa, là lá, đây là đỏ đây là vàng… phân biệt đấy! Cái phân biệt này là thức thứ sáu, ý thức đang khởi tác dụng. Không những phân biệt mà lại còn chấp trước, chấp trước là thức thứ bảy, vẫn lưu lại ấn tượng rất sâu, vĩnh viễn không thể quên, cái ấn tượng này tức là thức thứ tám.
Giao Quang Đại Sư giảng trong Kinh Lăng-nghiêm, tu xa-ma-tha, tam-ma, thiền-na, không dùng thức mà dùng tánh trong căn, cũng tức là bảo: mắt thấy sắc phải dùng tánh thấy để thấy, tai nghe tiếng phải dùng tánh nghe để nghe, không dùng thức thứ sáu, dùng căn tánh của sáu căn, tánh là chân tánh là bản tánh vậy. Người biết dùng tánh thì minh tâm kiến tánh rồi! Kiến tánh thì thành Phật rồi. Đích thật phù hợp với giáo nghĩa của Phật nói trong Kinh Lăng-nghiêm, ý thú này Ngài giải thích không sai, tuy nhiên rất khó. Nếu y theo sự giải thích trong kinh điển, kinh văn cũng dài, cũng khó hiểu, rất khó lĩnh hội.
Đã từng có một số đồng tu hỏi tôi: Dùng lời đơn giản nhất để nói “cái gì gọi là thức, cái gì gọi là căn, cái gì gọi là xả thức dụng căn?”, lời hỏi này rất hay! Cái đơn giản nhất mà chúng ta lĩnh hội được là: Từ trên sự tác dụng của thức mà phân biệt, tác dụng của thức thứ sáu là phân biệt. Tác dụng của thức thứ bảy, Mạt-na, là chấp trước. Tác dụng của A-lại-da là chứa đựng. A-lại-da giống như cái kho chứa. Tất cả những hình bóng của ngũ trần gá vào đều được chứa ở A-lại-da thức. Chúng ta gọi tác dụng của nó là ký ức, bạn vì sao nhớ được? Bởi vì bạn chứa ở trong A-lại-da thức. Làm sao “xả thức dụng căn”? Thực tại mà nói xả thức, vậy khởi tác dụng tức là căn, không cần phải suy nghĩ cái gì gọi là căn nữa. Khi nghĩ những thứ này thì lại rơi vào trong ý thức. Cổ Đức gọi là “chỉ cần lìa vọng, không cần cầu chân”, lìa khỏi vọng thì tự nhiên là chân. Nếu bạn lại đi cầu chân thì lại biến thành vọng rồi, bạn có cái tâm cầu thì đó tức là vọng tâm, không phải là chân tâm.
Chỉ cần xả bỏ hết vọng, chỉ cần xả bỏ hết thức, chỗ bạn khởi tác dụng đó đương nhiên là tự tánh vậy. Vậy thì chúng ta thấy sắc, phải “thấy” cách nào? Không có phân biệt, không có phân biệt cũng thấy được rất rõ ràng. Không phải không có phân biệt thì thấy không rõ. Giống như một tấm kính, kính chiếu vào cảnh vật bên ngoài không phải chiếu rất rõ ràng đó sao? Nó có phân biệt không? Nó không có phân biệt. Chúng ta dùng tâm phải giống như tấm kính. Thấy sắc không phân biệt sắc tướng. Sắc tướng rõ ràng minh bạch. Không dùng tâm phân biệt, cũng đừng chấp trước, không có phân biệt, không có chấp trước, xin thưa quí vị, sắc tướng mà bạn thấy đó, tất cả sắc tướng nhất định là bình đẳng. Tại sao không bình đẳng? Bởi vì bạn có chấp trước, có phân biệt thì nó không bình đẳng, lìa khỏi phân biệt chấp trước thì là bình đẳng, nhất định không rơi vào ấn tượng, điều này rất khó. Không lưu lại ấn tượng tức là không dùng A-lại-da thức, không chấp trước tức là không dùng Mạt-na thức, không phân biệt tức là không dùng thức thứ sáu, đây gọi là xả thức. Tác dụng sau khi xả thức là chúng ta mắt thấy sắc là cái thấy của tánh thấy, tai nghe tiếng là cái nghe của tánh nghe, nhà thiền gọi đó là minh tâm kiến tánh, cảnh giới là như vậy. Nói sơ lược thì chúng ta mới có thể lĩnh hội được một chút ý nghĩa này, nói sâu nói rộng thì không thể nghĩ bàn!
Chỗ này thêm vào Bất Tư Nghị Trí, tức là Thành Sở Tác Trí là năm thức đầu, Thành Sở Tác Trí có thể thành tựu tất cả Phật pháp. Phật pháp là pháp giác ngộ. Chư vị phải ghi nhớ, Phật nghĩa là giác ngộ, nói Phật pháp tức là pháp giác ngộ, nói Phật học là môn học của giác ngộ, phải biết điều này. Trong tất cả cảnh giới đều có thể giác mà không mê, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm. Phật cùng chư đại Bồ-tát ở trong chín pháp giới, trong lục đạo, đặc biệt trong tam đồ độ hóa tất cả chúng sanh, bản thân các Ngài không mê. Nói một cách khác, các Ngài không phân biệt, không chấp trước, không lưu giữ ấn tượng. Đây là không mê, không tà, không nhiễm, có thể khiến tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ. Nghiệp chướng tập khí của chúng sanh dù nặng đến đâu, các Ngài đều có thiện xảo phương tiện giúp đỡ chúng sanh. Việc khai ngộ này không phải trong một, hai ngày thì khai ngộ, những người nghiệp chướng nặng thì phải mất nhiều đời nhiều kiếp.
Chúng ta trong phần kinh văn phía trước đã đọc qua, người có thể niệm Phật phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta vốn không biết được, ngỡ rằng bảo người này niệm Phật thì họ liền niệm Phật, rất vâng lời, đâu có biết người này trong đời quá khứ đã từng cúng dường vô lượng vô biên chư Phật, thiện căn sâu dày của họ đã hiện tiền. Cho nên họ nghe rồi mới chịu tiếp nhận, mới hoan hỷ, không phải là việc dễ dàng. Chúng ta nhìn thấy phàm phu thì chỉ thấy một đời này, không nhìn thấy đời trước. Phật và Đại Bồ-tát nhìn được sự việc trong đời quá khứ của người này rất rõ ràng, rất minh bạch! Cho nên các Ngài biết được thiện căn của người này chín muồi, quả thật là không dễ dàng, thật là rất hiếm có! Trong một thời gian dài như vậy, A-di-đà Phật, chư Phật Bồ-tát không xả bỏ chúng ta một lần nào. Nói một cách khác, đời đời kiếp kiếp thường xuyên chiếu cố chúng ta, giúp đỡ chúng ta, đời này duyên này đã thành tựu viên mãn. Chúng ta đột nhiên phát tâm cầu sanh Tịnh Độ, “tín nguyện trì danh”, quả thật là trí huệ không thể nghĩ bàn, đây là “Thành Sở Tác Trí”. Thích-ca Mâu-ni Phật không nói thì chúng ta làm sao biết được, cho nên một số người hoài nghi vấn đề này cũng không lạ, đích thực là khiến người ta phải hoài nghi.
Trí thứ hai là Bất Khả Xưng Trí, “xưng” là xưng dương, bao gồm tán thán, không có cách gì tán thán. Nói về Diệu Quán Sát Trí, “quán” là một nguyên tắc tu hành quan trọng trong Phật môn. Trong Phật môn, có thể nói Bát-nhã Tâm Kinh được lưu thông phổ biến nhất. Không có ai không biết, không có người nào chưa niệm qua Bát-nhã Tâm Kinh. Trong Bát-nhã Tâm Kinh, chữ thứ nhất là “quán”, bạn quán được thì bạn liền tự tại. Bạn không biết quán thì bạn không tự tại. Quán là gì? Là lúc nãy vừa nói, không dùng thức thứ sáu, không dùng thức thứ bảy, không dùng thức thứ tám, đó gọi là quán. Nếu dùng tâm ý thức thì không gọi là quán mà gọi là tình. Cho nên bạn thấy gọi là “tình kiến”. Kiến giải của bạn mang theo tình cảm, chúng ta gọi là tình cảm, Phật pháp gọi là mê tình. Phàm là tình đều là mê cả, đều không phải là trí huệ, không phải là thứ tốt. Tình kiến tức là mê hoặc điên đảo. Còn quán là lý tánh, lý trí. Lìa khỏi tâm ý thức, không dùng tâm ý thức thì gọi là quán, quán mới có thể thấy được chân tướng sự thật. Nếu có tình bên trong thì không thấy được chân tướng sự thật, tại vì sao? Bởi vì bạn sanh ra “thiên kiến”, ưa thích thiên vị, không thấy được chân tướng sự thật.
Tục ngữ chúng ta thường nói “đương cuộc giả mê, bàng quan giả tỉnh” (người trong cuộc thì mê, người bên cạnh thì tỉnh). “Bàng quan” là đối với chính họ không có quan hệ lợi hại, họ nhìn được rất rõ ràng. Còn đối với kẻ trong cuộc kia thì họ có quan hệ lợi hại được mất. Sự lợi hại được mất này liền che lấp trí huệ của họ, họ quan sát mọi sự việc trước hết từ trên sự lợi hại được mất của chính mình. Từ góc độ này mà nhìn thì chúng ta gọi đó là chủ quan mà không phải khách quan. Bất Khả Xưng Trí tức là Diệu Quán Sát Trí, chuyển ý thức thứ sáu. Ý thức thứ sáu không có phân biệt thì cái quán sát đó là diệu.
Đại Thừa Quảng Trí, tức là chuyển Mạt-na thức thành Bình Đẳng Tánh Trí, bình đẳng thì rộng rồi. Trí huệ của người thế gian chúng ta rất nhỏ, nguyên nhân ở đâu? Bởi vì tâm của mình không bình đẳng. Nó vốn là bình đẳng, vốn tâm lượng này là vô lượng vô biên, hiện nay tâm lượng này biến thành rất nhỏ, tự tư tự lợi, đối với ai cũng chia cách ra giới tuyến. Chia cách rất nhiều giới tuyến thì giống như con tằm “làm kén tự trói mình lại”. Vốn là biển trời thênh thang bao la mà tự mình làm cái kén đem nhốt mình vào trong đó. Bạn bảo việc này khổ biết bao! Đây tức là chấp trước, “pháp chấp, ngã chấp”, lìa khỏi tất cả chấp trước thì tâm bình đẳng liền hiện tiền, tâm bình đẳng rộng lớn không có bờ mé.
“Vô Đẳng Vô Luân Tối Thượng Thắng Trí, “vô đẳng” là không có gì bằng với nó, “vô luân” là không có gì đồng loại với nó, đây là nói đến chỗ cùng cực rồi, cái trí huệ tối thượng thù thắng, đây là Đại Viên Kính Trí. “Đại viên kính” này là tỉ dụ quảng đại viên mãn. Giống như một tấm kính, tận hư không khắp pháp giới, quá khứ, hiện tại, vị lai đều chiếu cả trong đó, chiếu được rõ ràng minh bạch.
Năm loại trí này (Phật Trí, Bất Tư Nghị Trí, Bất Khả Xưng Trí, Đại Thừa Quảng Trí, Vô Đẳng Vô Luân Tối Thượng Thắng Trí) đều là chân tâm bản tánh của chúng ta. Câu sau cùng là nói về cái thể của chân tâm bản tánh, bốn câu phía trước đều là nói về tác dụng.
“Ư thử chư trí”, đây là chỉ cho năm loại trí huệ không thể nghĩ bàn của Phật. Họ có hoài nghi, những người hoài nghi trí huệ của Phật, chúng ta có thể thông cảm cho họ được, chân chánh “đoạn nghi sanh tín” thật tế không phải là một việc dễ dàng, ngược lại thì những người lão thật niệm Phật không hoài nghi.
Hạng người nào hoài nghi? Những người nghiên cứu giáo hoài nghi, Pháp Sư giảng kinh thuyết pháp hoài nghi. Tại vì sao? Vì họ đọc kinh quá nhiều, họ hiểu Phật pháp quá nhiều. Họ suy nghĩ, Phật thật sự có trí huệ lớn như vậy sao? Có thể đây chỉ là lời tán thán Phật, không phải là thật.
Giống như chúng ta thường hay nói: Phật vạn đức vạn năng, “vô sở bất tri, vô sở bất năng”, đây là lời của các nhà tôn giáo tán thán Thượng Đế, chúng ta tán thán Phật cũng tán thán như vậy.
Xưa kia người dân tán thán hoàng đế “vạn tuế! vạn tuế! vạn vạn tuế!”, có vị hoàng đế nào sống được vạn tuổi đâu? Còn người làm hoàng đế cũng rất dại dột! Bạn xem, nói lời vọng ngữ ngay trước mặt họ, họ không cản ngăn mà còn mỉm cười tiếp nhận… Lừa ngay trước mặt, “Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn vạn tuế!” Là giả!
Trong Giáo Hạ có rất nhiều Pháp sư, đại Pháp sư, lão Pháp sư, nếu bạn thỉnh giáo họ rằng: “Trí huệ của Phật có phải là viên mãn không?” Họ sẽ nói: “Phật đích thật là đại trí huệ, tuy nhiên không phải là viên mãn thật sự”. Họ hoài nghi, vì sao? Vì Phật còn có chỗ “bất năng” (không thể làm được). Vậy thì trí huệ của Phật không viên mãn rồi.
Kỳ thật, trí huệ của Phật là viên mãn, Phật không có gì là “bất năng”. Chúng ta thấy vẫn còn nhiều chúng sanh không thể được độ, đó không phải là Phật không có khả năng độ, không phải là Phật không có trí huệ, không phải là Phật không có phương pháp để độ, mà là chúng sanh không tiếp nhận để Ngài độ, điều này thì không còn cách nào nữa.
Cho nên Phật nói rất hay: “Phật không độ người vô duyên”, thế nào gọi là vô duyên? Là không chịu tiếp nhận. “Tôi muốn giúp bạn, quả thật có khả năng giúp bạn, nhưng bạn không chịu không tiếp nhận”. Vậy là vô phương! Phải hiểu rõ chân tướng sự thật này, không phải là trí huệ của Phật có vấn đề, khả năng của Phật có vấn đề. Đặc biệt là sau khi chúng ta đọc xong bộ kinh này (Kinh Vô Lượng Thọ) thì nghi vấn này có thể nói là đã được giải quyết rồi.
Trước kia, khi chúng tôi mới học Phật cũng đã từng khởi vọng tưởng như vậy. Nếu một người đã tạo ngũ nghịch thập ác, tội nghiệp cực nặng lập tức phải đọa địa ngục, Phật có khả năng khiến họ lập tức thành Phật chăng? Nếu có thể khiến họ lập tức thành Phật thì chúng tôi thừa nhận, không có lời nói nữa, trí huệ của Phật là viên mãn, năng lực của Phật là viên mãn. Quả đúng là “vạn đức vạn năng”. Nếu Phật không thể khiến người này lập tức thành Phật thì trí huệ của Phật không viên mãn. Chúng ta ở trong kinh này thấy được đích thật chúng sanh “ngũ nghịch thập ác” lúc lâm chung hối cải lỗi lầm, một niệm mười niệm thì được vãng sanh bất thoái thành Phật. Đáp án tại trong kinh này khiến cho chúng ta hiểu được trí huệ của Phật đích thực là viên mãn. Chúng ta hoài nghi trí huệ của Phật, tạo thành chướng ngại cho chính mình.
Loại người thứ nhất này tuy hoài nghi trí huệ của Phật nhưng họ vẫn có nguyện vọng kiên định cầu sanh Tịnh Độ. Họ cũng niệm Phật, cũng tu thiện, cũng tích đức. Lúc họ lâm chung, Phật vẫn đến tiếp dẫn, nếu Phật không tiếp dẫn thì họ làm sao biết được Tây Phương ở đâu! Phật vẫn đến tiếp dẫn họ, họ ở lại biên địa, trên thật tế, biên địa hóa thành đều là tỉ dụ, tiếp dẫn họ vẫn là hoa sen hóa sanh, tuy nhiên họ ở trong hoa sen thì không thấy được Phật, không nghe được Phật nói pháp. Như phía trước đã nói, ở trong hoa sen rất là sung sướng, giống như ở tại cung trời Dạ-ma vậy, đợi đến khi nào họ giác ngộ, biết được “Ồ! ta sai rồi, ta không nên hoài nghi trí huệ của Phật”. Họ khởi được một niệm này rồi thì họ liền nhập phẩm, liền thấy Phật nghe pháp.
Tuy họ nghi hoặc trí huệ của Phật, “do tín tội phước”, họ vẫn tin nhân quả báo ứng, những đạo lý, lợi ích, công đức thù thắng của việc vãng sanh, cho nên họ “tu tập thiện bổn, nguyện sanh kỳ quốc”. Chữ “thiện bổn” nói ở chỗ này tức là niệm Phật, niệm Phật là chí thiện, vượt hơn tất cả thiện pháp thế xuất thế gian, không có gì thiện hơn việc này. Điều này chư vị phải biết, người không niệm Phật đúng như trong kinh đã nói, là kẻ đáng thương, vì sao họ không niệm Phật? Vì thiện căn của họ chưa chín muồi. Dù bạn nói với họ, họ vẫn không tin, không chịu tiếp nhận. Họ không chịu niệm, bạn vẫn cứ nói với họ, về sau họ hồi đầu, chịu niệm rồi thì điều này rất hiếm có! Đây là tại sao? Thiện căn của họ chưa chín muồi, chỉ còn thiếu một tí ti, bên ngoài có tăng thượng duyên tốt giúp đỡ thì thiện căn của họ liền chín muồi. Là sự việc như vậy. Cho nên thiện hữu, thiện duyên là hoàn cảnh niệm Phật rất tốt! Họ thường tiếp xúc với các đồng tu niệm Phật, được bồi dưỡng hun đúc, dần dần họ cũng hiểu rõ, hồi đầu rồi, đây là thiện tri thức chân chánh! Đây là nói về nguyên nhân thứ nhất sanh nơi biên địa.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH – TẬP 26
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE
(Tháng 11 năm 1994)
Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí
Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức