Chánh báo và y báo là thuật ngữ chuyên môn của Phật giáo. Nói chánh báo là chỉ chung cho các loài hữu tình chúng sanh. Còn y báo là chỗ nương tựa cho các loài hữu tình.
1. Chánh báo và y báo là gì?
Chánh báo và y báo là thuật ngữ chuyên môn của Phật giáo. Nói chánh báo là chỉ chung cho các loài hữu tình chúng sanh. Đặc biệt tiêu biểu là loài người. Vì loài người là loài hữu tình cao cấp thượng đẳng. Không có loài hữu tình nào có trí khôn thông minh bằng loài người.
Còn y báo là chỗ nương tựa cho các loài hữu tình. Chữ y là nương; báo là đáp lại. Nghĩa là chỗ để cho các loài hữu tình nương tựa mà sống. Nói cách khác, đây thuộc về loài vô tình chúng sanh hay khí thế gian.
Theo sinh vật học, thì hữu tình thuộc về loài động vật. Còn vô tình hay y báo thuộc về loài thực vật và khoáng vật. Nói gọn cho dễ hiểu hơn, chánh báo thuộc về con người. Y báo thuộc vể môi trường cảnh vật chung quanh. Như vậy, giữa chánh báo và y báo có sự sống hỗ tương liên quan mật thiết với nhau. Nhưng chánh báo là chủ động tạo tác, còn y báo là phụ thuộc vào chánh báo. Như những thứ: nhà cửa, xe cộ, vườn tượt, cây cối, ao hồ, đất đá, sông biển v.v… tất cả đều thuộc về y báo.
Một chánh báo tốt đẹp trang nghiêm, thì y báo cũng tùy đó mà trang nghiêm tốt đẹp theo. Muốn cho y báo, tức hoàn cảnh môi trường sinh thái chung quanh được an lành tốt đẹp, thì trước hết phải giáo dục xây dựng chánh báo, tức giáo dục xây dựng con người. Nghĩa là phải giáo dục xây dựng con người có một đời sống đạo đức văn minh, văn hóa cao đẹp cả hai phương diện về thể chất cũng như tinh thần.
Muốn biết một quốc gia có nền văn hóa mức sống tiến bộ cao hay thấp, hãy thử nhìn vào y báo, tức hoàn cảnh môi trường sống chung quanh của quốc gia đó, thì chúng ta sẽ biết ngay. Nhất là những nơi sinh hoạt công cộng như: bến xe, đường xá, cầu xí, phố thị v.v…Cứ nhìn vào những nơi nầy, thì chúng ta cũng có thể đánh giá biết được phần nào đời sống trình độ dân trí của người dân, cũng như hệ thống tổ chức cai trị của quốc gia đó. Nhất là đời sống kinh tế của họ. Không cần phải tìm hiểu ở đâu xa. Cứ nhìn vào y báo người ta có cũng thể biết được chánh báo. Ngược lại cũng thế. Thí như nhìn vào sự trang trí của một căn nhà, hay khu vườn (y báo) ta cũng có thể đoán định được phần nào về cá tánh khuynh hướng đời sống của những người (chánh báo) trong căn nhà đó. Trái lại, nếu là người có nếp sống bê bối cẩu thả, thì cảnh trí chung quanh họ cũng bê bối không trang nhã ngăn nắp trật tự.
Dựa theo ý nghĩa cụ thể nầy, nếu ta khéo biết ứng dụng chánh báo và y báo vào đời sống tu hành của chúng ta, thì cũng rất là hay và có nhiều điều lợi ích thiệt thực. Sự tu hành, trước hết là ta phải sửa ở nơi chánh báo, tức sửa ở nơi thân tâm của ta. Nếu thân tâm của ta được an bình tốt đẹp, thì cảnh vật chung quanh ta (y báo) cũng theo đó mà an ổn tốt đẹp theo. Đó là chúng ta khéo biết tu sửa ở nơi cái gốc. Hễ cái gốc vững chắc lành mạnh tốt đẹp rồi, thì cái ngọn cũng theo đó mà có nhiều khởi sắc tốt đẹp. Bởi vì mọi vật đều do chính con người tạo ra. Con người có đạo đức tốt đẹp, thì tạo ra cảnh vật chung quanh cũng trang nhã xinh lịch tốt đẹp. Nghĩa là, ai trông thấy cũng khen ngợi thích thú.
Kinh A Di Đà đã diễn tả cho chúng ta thấy rõ điều đó. Những nét đẹp thù thắng cực kỳ trang nghiêm thanh tịnh ở thế giới Cực lạc, đều do đức Phật A Di Đà và nhơn dân ở cõi đó tạo ra. Từ chánh báo đến y báo, tất cả đều cực thắng trang nghiêm thanh tịnh. Được thế do đâu? Phải chăng tất cả đều do chánh báo tạo tác mà ra. Điều đó, đủ chứng minh cho thấy, việc giáo dục xây dựng chánh báo (con người) mới là điều quan trọng tối thiết yếu. Câu nói: “Tâm bình thế giới bình” hay “Tâm xuân thế giới xuân”, đó là nói lên ý nghĩa của chánh báo và y báo. Muốn thế giới hòa bình, thì trong tâm của mỗi người phải có hòa bình trước. Nếu không được vậy, thì đó chỉ là điều mơ mộng ảo huyền mà thôi!
Mong sao mỗi chánh báo (tức mỗi con người) tự trau dồi đạo đức, tu tâm sửa tánh, xây dựng đời sống thân tâm an bình tốt đẹp, đừng tiếp tục gây nên thảm họa chiến tranh và làm ô nhiễm môi trường. Được vậy, lo gì y báo (môi trường sống) không mang lại cho con người có nhiều tinh khiết mát mẻ trong lành tốt đẹp để cho con người thụ hưởng tạo nên một đời sống hòa bình an vui hạnh phúc tuyệt vời vậy.
2. Chánh báo và y báo của cõi Cực lạc
Ta nghe như vầy: Một thuở nọ Ðức Phật ở nơi vườn Kỳ Thọ, cấp Cô Ðộc nước Xá-Vệ, cùng với một nghìn hai trăm năm mươi vị đại Tỳ kheo câu hội: đều là bậc A La Hán mọi người đều quen biết, như là:
Trưởng lão Xá-Lợi-Phất, Ðại Mục-Kiền-Liên, Ðại Ca-Diếp, Ma-Ha Ca-Chiên-Diên, Ma-Ha Câu-Hy-La, Ly-Bà-Ða, Châu-Lợi-Bàn-Ðà-Già, Nan-Ðà, A-Nan-Ðà, La-Hầu-La, Kiều-Phạm-Ba-Ðề, Tân Ðầu-Lư-Phả-La-Ðọa, Ca-Lưu-Ðà-Di, Ma-Ha Kiếp Tân Na, Bạc-Câu-La, A-Nâu-Lầu-Ðà, những vị đại đệ tử như thế.
Và hàng Ðại Bồ Tát, Văn-Thù-Sư-Lợi: Pháp-Vương-Tử, A-Dật-Ða Bồ Tát, Càn-Ðà-Ha-Ðề Bồ Tát, Thường-Tinh-Tấn Bồ tát… cùng với các vị Ðại Bồ tát như thế và với vô lượng chư Thiên như ông Thích-Ðề-Hoàn-Nhơn..v..v.. đại chúng cùng đến dự hội.
Bấy giờ đức Phật bảo ngài Trưởng lão Xá-Lợi-Phất rằng: “Từ đây qua phương Tây quá mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc, trong thế giới đó có đức Phật hiệu là A Di Ðà hiện nay đương nói pháp.
Xá Lợi Phất! Cõi đó vì sao tên là Cực lạc?
Vì chúng sanh trong cõi đó không có bị những sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên nước đó tên là Cực Lạc.
Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có bảy từng bao lơn, bảy từng mành lưới, bảy từng hàng cây, đều bằng bốn chất báu bao bọc giáp vòng, vì thế nên nước đó tên là Cực Lạc.
Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có ao bằng bảy chất báu, trong ao đầy dẫy nước đủ tám công đức, đáy ao thuần dùng cát vàng trải làm đất.
Vàng bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành những thềm, đường ở bốn bên ao; trên thềm đường có lầu gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não.
Trong ao có hoa sen lớn như bánh xe: hoa sắc xanh thời ánh sáng xanh, sắc vàng thời ánh sáng vàng, sắc đỏ thời ánh sáng đỏ, sắc trắng thời ánh sánh trắng, mầu nhiệm thơm tho trong sạch.
Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy.
Xá Lợi Phất! Lại trong cõi nước của đức Phật đó, thường trổi nhạc trời, đất bằng vàng ròng, ngày đêm sáu thời rưới hoa trời mạn đà la.
Chúng sanh trong cõi đó thường vào lúc sáng sớm, đều lấy đãy hoa đựng những hoa tốt đem cúng dường mười muôn ức đức Phật ở phương khác, đến giờ ăn liền trở về bổn quốc ăn cơm xong đi kinh hành.
Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy.
Lại nữa, Xá-Lợi-Phất! Cõi đó thường có những giống chim mầu sắc xinh đẹp lạ thường, nào chim Bạch hạt, Khổng-tước, Anh-võ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già, Cọng-mạng; những giống chim đó ngày đêm sáu thời kêu tiếng hòa nhã.
Tiếng chim đó diễn nói những pháp như ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần..v..v.. Chúng sanh trong cõi đó nghe tiếng chim xong thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng!
Xá-Lợi-Phất! Ông chớ cho rằng những giống chim đó thiệt là do tội báo sanh ra. Vì sao?
Vì cõi của đức Phật đó không có ba đường dữ. Xá-Lợi-Phất! Cõi của đức Phật đó tên đường dữ còn không có huống gì lại có sự thật. Những giống chim đó là do đức Phật A Di Ðà muốn làm cho tiếng pháp được tuyên lưu mà biến hóa làm ra đấy thôi.
Xá-Lợi-Phất! Trong cõi nước của đức Phật đó, gió nhẹ thổi động các hàng cây báu và động mành lưới báu, làm vang ra tiếng vi diệu, thí như trăm nghìn thứ nhạc đồng một lúc hòa chung.
Người nào nghe tiếng đó tự nhiên đều sanh lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Xá-Lợi-Phất! Cõi nước của đức Phật đó thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy.
Xá-Lợi-Phất! Nơi ý ông nghĩ sao? Ðức Phật đó vì sao hiệu là A Di Ðà?
Xá-Lợi-Phất! Ðức Phật đó, hào quang sáng chói vô lượng, soi suốt các cõi nước trong mười phương không bị chướng ngại vì thế nên hiệu là A Di Ðà.
Xá-Lợi-Phất! Ðức Phật đó và nhân dân của Ngài sống lâu vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, nên hiệu là A Di Ðà.
Xá-Lợi-Phất! Ðức Phật A Di Ðà thành Phật nhẫn lại đến nay, đã được mười kiếp.
Xá-Lợi-Phất! Lại đức Phật đó có vô lượng vô biên Thanh Văn đệ tử đều là bực A La Hán, chẳng phải tính đếm mà có thể biết được, hàng Bồ tát chúng cũng đông như thế.
Xá-Lợi-Phất! Cõi nước của đức Phật đó thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy.
Xá-Lợi-Phất! Lại trong cõi cực lạc, những chúng sanh vãng sanh vào đó đều là bực bất thối chuyển.
Trong đó có rất nhiều vị bực nhất sanh bổ xứ, số đó rất đông, chẳng phải tính đếm mà biết được, chỉ có thể dùng số vô lượng vô biên a-tăng-kỳ để nói thôi!
Xá-Lợi-Phất! Chúng sanh nào nghe những điều trên đây, nên phải phát nguyện cầu sanh về nước đó.
Vì sao? Vì đặng cùng với các bậc Thượng thiện nhơn như thế câu hội một chỗ.
Trích: Phật thuyết Kinh A Di Đà!
Tâm Hướng Phật/TH!