Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Phẩm Bồ Tát Tâm Địa được Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập (đời Diêu-Tần) dịch tiếng Phạm ra tiếng Hán, việt dịch Thích Viên Thành – Nguyễn Hữu Kha.
Lời nói đầu
Đức Như Lai ra đời hoằng hoá trong suốt 49 năm chỉ có một mục đích duy nhất là: Khai thị tri kiến Phật cho chúng sinh ngộ nhập. Mục tiêu chủ yếu của Phật cũng là nhằm giáo hoá cho các Bồ Tát, cho những người có căn khí lớn có thể: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sinh” hay nói khác đi là để dìu dắt những con người mà có chí lớn, từ cái hiểu biết chưa chọn vẹn vươn tới cái hiểu biết tối thượng, cái tuệ giác cao nhất.
Muốn đạt mục đích ấy, người tu hành trong pháp Phật phải nương vào trí tuệ siêu việt để tiến thủ. Trí tuệ siêu việt nói ở đây không phải là những tri thức, những kinh nghiệm phổ thông ở xã hội mà là một thứ trí tuệ đặc biệt, trí tuệ xuất thế gian. Thường được gọi là trí tuệ vô lậu. Nhưng muốn thể hiện được trí tuệ đó để hiển bày Phật tính quảng lợi quần sinh, gánh vác sứ mệnh của Như Lai thì trước hết phải lấy thuyền định để nhiếp trì các căn, tập trung dư duy, gạt bỏ vọng niệm thì diệu trí kia mới khai phát hiển bày ra được. Nhưng trí tuệ và thuyền định là do công phu trì giới mà có, vì vậy điều đầu tiên của người tu hành (bất kể tại gia, xuất gia) phải lấy giới Ba-La-Đề-Mộc-Xoa (Prastimoksa, Prastimokkha), để đoạn trừ ác hành, ngăn ngừa lỗi trái sau lấy thuyền định làm cho thân tâm vọng niệm không khởi ra, rồi mới dùng gươm trí tuệ cắt đứt mê hoặc chứng nhập Chân-Như, rộng độ chúng sinh, hoàn thành bản nguyện. Nói đến giới của Phật Pháp hiện nay thì có hai thứ là giới Tiểu Thừa và giới Đại Thừa. Giới Tiểu Thừa do Nam truyền chỉ có giới học Thanh Văn mà không có giới học của Bồ Tát. Giới Đại Thừa là giới Bắc truyền bao gồm cả giới học Thanh Văn và Bồ Tát. Ở đây chúng tôi muốn đề cập đến giới Đại Thừa của Bồ Tát, đó là giới Phạm Võng.
Nói đến giới Bồ Tát thì hiện nay trong Hán Tạng có nhiều loại, cụ thể như: Bản 1 lá kinh Phạm Võng do ngài La-Thập dịch. Bản 2 và bản 3 đều của Luận Du-Già do ngài Đàm-Vô-Sấm và ngài Huyền Trang dịch khác nhau. Bản 4 là giới kinh Ưu-Bà-Tắc cũng do ngài Đàm-Vô-Sấm dịch, nhưng bản 4 không phổ cập. Bản 2 và 3 ít phổ cập nhưng khá đặc biệt nên vẫn có nhiều người thụ trì. Chỉ có bản 1 là phổ cập nhất.
Điều đặc biệt hơn nữa là giới Bồ Tát này không giống như biệt giới của Thanh Văn là thất chúng bẩm thụ riêng mà là thông giới (giới chung cho tất cả) không cứ gì người nào, loài nào hoặc tại gia, xuất gia hoặc già trẻ, nam nữ, hễ có tâm tin Phật, hiểu được tiếng nói của giới sư thì đều có thể được truyền giới và bẩm thụ. Chỉ có một điều kiện đặc biệt là phải phát tâm Bồ Đề, hành Bồ Tát đạo.
Hơn thế nữa, giới Bồ Tát tâm địa này còn có 3 điều:
1. Đức Phật Lô-Xá-Na (báo thân của đức Thích Ca) truyền pháp, ngàn Phật Thích-Ca thừa thụ.
2. Ngàn Phật Thích-Ca truyền pháp, ngàn trăm ức Phật Thích Ca thừa thụ.
3. Ngàn trăm ức Phật Thích-Ca truyền pháp, tất cả chúng sinh đều thừa thụ.
Cứ như thế lần lượt triển chuyển xuống mãi, thì chúng sinh hiện tại truyền pháp, chúng sinh tương lai lần lượt thừa thụ vĩnh viễn không cùng. Điều này được mệnh danh là vô tận giới pháp.
Mùa an cư năm nay (2541 – 1997) theo yêu cầu học tập và nghiên cứu, thụ trì của một số Tăng Ni cũng như Phật tử. Đạo Tràng Chân-Tịnh chúng tôi phát tâm biên tập phiên dịch và ấn hành để cống hiến các pháp hữu. Trong tập này chúng tôi chia làm hai phần, phần đối chiếu Hán-Việt để phục vụ cho Tăng Ni thuyết giới, bá tát. Phần tiếng Việt để phục vụ cho Phật tử tại gia nghiên cứu, đọc tụng. Bởi vì Bồ Tát giới là công hạnh lớn lao của những tâm hồn quảng đại, vô ngã vị tha, cần phải được nghiêm trì và phổ biến sâu rộng cho tất cả chúng sinh được hưởng phần lợi lạc tối thắng. Ước mong với bản hoài “Tụ hành hoá tha” này, được đông đảo chư quý vị và bà con Phật tử ứng dụng, thực hành và tán trợ.
Được bao nhiêu công đức, xin đem hồi hướng cho tứ ân, lục đạo và pháp giới chúng sinh đều phát tâm Bồ Đề thực hành Phật đạo cùng sinh Cực-Lạc cùng chứng Bồ Đề.
Nguyệt Trí Thích Viên Thành.
Mời quý bạn đọc Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Phẩm Bồ Tát Tâm Địa tại file PDF dưới đây.
[pvfw-embed viewer_id=”2219″ width=”100%” height=”600″ iframe_title=”Tâm Hướng Phật” zoom=”auto” pagemode=”none”]