Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Sự và Lý – Sự trì, Lý trì – Sự nhất tâm, Lý nhất tâm

“Lý” là lẽ phải, là điều suy luận, là cảnh giải ngộ, thuộc về phần tánh. “Sự” là phương tiện, là công hạnh, là hình thức, thuộc về phần tướng.

Tiết 46. Sự Và Lý

“Lý” là lẽ phải, là điều suy luận, là cảnh giải ngộ, thuộc về phần tánh. “Sự” là phương tiện, là công hạnh, là hình thức, thuộc về phần tướng. Tuy nhiên, đi đến chỗ cùng, Sự tức là Lý, tánh tức là tướng, đồng một thể như thật tròn sáng dung thông. Trên đường tu, Lý và Sự làm trong ngoài cho nhau, phối hợp nhau, giúp đỡ lẫn nhau để thành tựu. Có Lý, việc làm mới có căn cứ, có cương lãnh, có mục tiêu để khởi sanh tác dụng. Có Sự, mới thật hiện được điều suy luận, chứng minh được chỗ lý giải, đi đến mục tiêu, và cuối cùng đoạt lấy kết quả. Lý như đôi mắt để nhìn đường. Sự như đôi chân để tiến bước. Không có mắt, hoặc mắt lờ lạc, tất dễ lầm đường. Không có chân, dù mắt sáng tỏ bao nhiêu, cũng chẳng làm sao đi đến nơi đến chốn. Lại, có Lý không Sự, như người có họa đồ, biết đường lối mà chẳng chịu đi. Có Sự không Lý, như kẻ tuy đi nhưng thiếu người hướng đạo, lộ tuyến mê mờ. Có Lý có Sự, như đã thông suốt đường lối, lại vừa cất bước hành trình, tất sẽ về nơi bảo sở.

Sự và Lý đã nương nhau như thế, nếu thiếu một tất chẳng có hy vọng thành công. Nhưng người tu tuy thiếu phần giải ngộ, song nếu chịu y theo lộ trình của bậc tiên đức đã chỉ dạy mà thật hành, cũng đi đến mục tiêu và sẽ thành công, đồng với cổ nhơn không khác. Kinh luận, sự tích cùng các pho trứ tác của người xưa, hay lời chỉ dạy của bậc thiện tri thức đời nay, chính là lộ trình đích xác, nếu y theo mà thật hành, tất sẽ đạt thành kết quả. Cho nên có Sự mà thiếu phần lý giải chẳng đủ lo ngại. Đáng lo là những kẻ hiểu lý nhưng không thật hành, chỉ ngồi nói suông, dù có đàm huyền luận diệu thao thao, suốt đời vẫn chẳng tiến được nửa bước. Cứ thật mà nói, người thiếu Sự cũng quyết định không có Lý. Tại sao thế? Ví như kẻ đã biết nhà cháy, mà không chịu chạy thoát vẫn mãi ngồi yên, nào khác chi người không biết? Vì thế, Phật pháp có thể độ hạng ngu dốt chẳng thông một chữ, nhưng không phương độ kẻ thế trí thông biện, thiếu sự hành trì.

Thuở xưa, ngài Châu Lợi Bàn Đà ngu tối, đức Phật chỉ đem hai chữ “chổi” và “quét” bảo cố gắng tham chiếu. Ông tối tăm đến đổi hễ nhớ chữ này lại quên chữ kia, nhưng nhờ sức kiên trì không giây phút nào xao lãng, nên kết cuộc chứng được quả A La Hán. Còn Đề Bà Đạt Ma tuy thông minh đĩnh ngộ, thuộc sáu môn pháp tạng, luyện thành năm phép thần thông, nhưng bởi tham danh lợi chẳng thiết thật tu hành, nên kết quả bị đọa địa ngục. Xem đây thì biết dù kẻ suốt thông tam tạng, song chẳng thật hành, tất nghiệp hoặc từ vô thỉ vẫn còn nguyên không giảm được tơ hào, sự tri giải trở thành vô dụng. Sao bằng một bà lão dốt nát nơi nhà bếp, mặt mày lem lọ, nhưng thường chuyên niệm Phật, ngày kia tâm yên không loạn, ngồi ngự đài sen! Cho nên kẻ suốt đời chỉ cầu sự thông hiểu trên danh tướng lý luận, để mong thành một vị bác học về Phật pháp, không thiết thật tu hành; tất phải lâm cảnh kể thức ăn ngon mà mình chịu đói, đếm tiền kẻ khác mình vẫn nghèo nàn, kết cuộc hoàn toàn vô bổ. Nhà Phật đã ví những vị ấy như người điếc khảy đàn cho đại chúng nghe; kẻ quảy gánh đi khắp nơi rao bán đủ thứ thuốc hay, song quên hẳn chính mình đang mang nhiều chứng bịnh. Bậc có chí học Phật, nên lưu ý đến điểm này.

Tiết 47. Sự Trì, Lý Trì

Niệm Phật có sự Sự trì và Lý trì. Theo Ngẫu Ích đại sư: “Sự trì là tin có cõi Cực Lạc và Phật A Di Đà, mà chưa đạt lý tâm này làm Phật, tâm này là Phật, chỉ quyết định cầu sanh, tha thiết thì niệm như con nhớ mẹ không lúc nào tạm quên. Lý trì là tin hiểu Phật A Di Đà ở Tây Phương, do tâm ta sẵn đủ, tâm ta tạo nên; đem câu hồng danh sẵn đủ và tạo nên của tâm mình làm cảnh buộc niệm, chẳng giây phút nào xao lãng.”

Nói giản lược, Sự trì là cách trì niệm của kẻ không biết chi về nghĩa lý, chỉ tin có cõi Cực Lạc và Phật A Di Đà, rồi chí thành tha thiết niệm Phật để cầu tiếp dẫn vãng sanh. Lý trì là lối trì niệm của người cũng thật hành đồng như cách Sự trì ở trên, nhưng giải ngộ cảnh Tịnh Độ cùng Phật A Di Đà đều ở trong chân tâm, do công đức thanh tịnh của chân tâm hiện thành.

Như thế, Sự trì với Lý trì có gì sai biệt? – Tất nhiên là có. Bởi kẻ tu theo Sự trì thấy Phật ở ngoài tâm, thành ra có tướng năng sở đối đãi, chưa được dung thông. Người thật hành theo Lý trì, do giải ngộ chân tâm, nên tuyệt được tướng năng sở, tức niệm là Phật, tức niệm là tâm, dung hòa cùng tâm cảnh. Xin thuật một câu chuyện:

Ông bạn xuất gia đồng tu của bút giả một đêm nằm mơ, thấy vị sư áo vàng đến hỏi: “Người niệm Phật, mà Phật là chi?” – Đáp: “Phật là tâm”. Vị sư hỏi tiếp: “Ngươi thử giải thích thế nào Phật là tâm cho ta nghe?” Trong giấc mơ ông bạn bèn ứng khẩu đọc:

Mỗi câu tràng hạt Phật là tâm
Phật rõ là tâm, uổng chạy tìm!
Bể Phật dung hòa tâm với cảnh
Trời tâm bình đẳng Phật cùng sanh
Bỏ tâm theo Phật còn mơ mộng
Chấp Phật là tâm chẳng trọn lành.
Tâm, Phật nguyên lai đều giả huyễn
Phật, tâm đồng diệt đến viên thành.

Ông bạn trên đây đã hiểu cách Lý trì, dung hòa được câu niệm Phật vào tâm cảnh.

Có một lối nhận định sai lầm, mà những kẻ thiên về huyền luận tự cho là hành trì theo lý, cũng cần nên biện minh. Nhiều người trọng lý khinh sự, thường chấp nê theo lý luận: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ,” rồi phủ nhận cõi Cực Lạc và sự tiếp dẫn vãng sanh. Những người này lý thuyết hóa các kinh nói về Tịnh Độ và bảo: “Di Đà tức là bản tánh Phật của mình; cõi Tịnh Độ là cảnh tịnh ở trong tâm, sao lại tìm bên ngoài?” Đây là điểm sai lầm rất lớn của thiên lý luận. Họ chấp lý bỏ sự, chuộng tánh quên tướng, đem chân đế mà bác hiện tượng của tục đế, chẳng biết rằng song phương không thể rời nhau.

Theo Đại Thừa Khởi Tín Luận, chân tâm có hai phần: tánh và tướng. Phần tánh gọi là Chân Như môn, phần tướng là sanh diệt môn; Chân Như không rời sanh diệt, sanh diệt tức là Chân Như. Bởi thế Mã Minh Bồ Tát gọi phần Chân Như là Tạng Như thật không, phần sanh diệt là Tạng Như thật bất không; cả hai đồng chung một thể tánh như thật. Ví như mặt biển to rộng, không thể chỉ chấp nhận phần nước mà bỏ phần sóng bọt; vì chấp như thế tức đã sai lạc với hiện tượng của biển, mà cũng chẳng biết biển là gì? Cho nên, bỏ sự tức lý không thành, bác tướng thì tánh không đứng vững. Rất nhiều kẻ có chút học thức thế gian, khi nghiên cứu các kinh Đại Thừa nói về lý Bát Nhã, bởi không hiểu thấu đáo, nên thường mang chứng bịnh chấp “lý không” này. Do đó, họ đem các kinh nói về sự tướng, như các kinh Tịnh Độ hoặc Kinh Địa Tạng, mà lý thuyết hóa tất cả. Họ cho những kinh thuyết về sự tướng này là phương tiện để dẫn dắt hạng ngu thấp, những người tin có Tịnh Độ hoặc địa ngục, đều mê tín; nhưng thật ra, chính họ mới là kẻ lạc lầm! Nhân tiện, xin dẫn vài đoạn kinh ra biện minh, để phá lỗi chấp không ấy.

Như Bát Nhã Tâm Kinh nói: “… Không trí cũng không đắc, vì không sở đắc, nên Bồ Đề Tát Đỏa y Bát Nhã Ba La Mật Đa, tâm không quái ngại. Chư Phật ba đời y Bát Nhã Ba La Mật Đa, nên đắc quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.” Trước y theo chân đế nói “không đắc”, tiếp đó y theo tục đế lại nói “đắc”. Thấy “đắc” là chấp có, thấy “không đắc” lạc vào chấp không, nên người học Phật phải khéo hiểu ý kinh để đi vào trung đạo.

Trong Kinh Kim Cang, đức Phật bảo: “Kẻ nào dùng sắc tướng âm thanh thấy và tìm cầu ta, là hành theo tà đạo.” Nhưng tiếp đó Ngài lại bảo: “Tu Bồ Đề! Ông đừng nghĩ rằng Như Lai không dùng tướng Cụ Túc đắc quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Tu Bồ Đề! Nếu ông suy nghĩ: phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề là nói các pháp đoạn diệt. Đừng nghĩ như thế! Tại sao? Vì phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, đối với các pháp không nói tướng đoạn diệt.” Trước tiên, Phật dạy đừng theo âm thanh sắc tướng mà tìm đạo; nhưng kế tiếp Ngài lại nhắc nhở; cũng như đừng rời bỏ âm thanh sắc tướng hoặc diệt hết các pháp để phát tâm cầu đạo. Như thế, ta thấy “đạo” chẳng phải thuộc về “sắc”, cũng chẳng phải thuộc về “không”; tìm chấp một bên đều sai lầm. Ngài Thanh Nguyên Duy Tín thiền sư nói: “Ba mươi năm trước, khi lão tăng chưa vào đạo, thì thấy sông là sông, núi là núi. Đến khi gặp thiện tri thức chỉ dạy cho đường lối tu hành, thấy sông không phải là sông, núi không phải là núi. Ngày nay ngộ đạo, vào nơi tịch tĩnh, thấy sông vẫn là sông, núi vẫn là núi.” Một vị thiền sư khác cũng diễn tả:

Tiếng gà tức tiếng quảng trường thiệt.
Sắc núi nguyên là tịnh pháp thân!

Đây là ý chỉ: sắc tướng âm thanh vốn thật đại đạo, ta nên đem tâm vô phân biệt mà thể nhận, đừng chấp lấy cũng đừng bác bỏ rồi tìm đạo nơi chỗ không không. Cho nên câu “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ,” không phải phủ nhận cõi Tịnh Độ và đức A Di Đà, mà chính là lối nói: nhiếp tướng về tánh, đem dụng về thể, để hiển bày lý Đệ nhất nghĩa không. Trong Đệ nhất nghĩa không, Phật còn chẳng lập, huống chi là các pháp khác.

Tiên đức bảo: “Lý tuy đốn ngộ, Sự phải lần lượt tu hành.” Cho nên Thiền Tông tuy nói là môn tu trực chỉ, nhưng khi còn ngồi thiền, còn nhiếp tâm, còn tham thoại đầu, còn nhập định xuất định, đều còn ở trong vòng phương tiện. Và thật ra cảnh nội chứng còn bước những nấc thang từ thấp đến cao. Chừng nào đến bậc vô tu, mới không còn dùng phương tiện, mới có thể nói các pháp đều không. Nếu chưa được như thế, thì một pháp nhỏ như mảy bụi cũng đều có thật; vì gần lửa còn thấy nóng, ở giữa sương tuyết còn thấy lạnh, một mũi gai nhỏ đâm vào thịt còn biết đau, đâu có cái gì là không? Cho nên những kẻ thích đề xướng cao diệu “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ,” rồi bác bỏ hình thức niệm Phật cầu vãng sanh thuộc về “Sự tu”, sẽ lâm vào cảnh: “chưa bước lên bờ đã vội phá bỏ chiếc bè,” tất không khỏi bị chết chìm dưới nước. Xưa nay những bậc hiểu sâu về Lý lại còn chú trọng đến Sự, vì Sự tiêu biểu cho Lý.

Cổ đức đã bảo: “Với môn Tịnh Độ, duy bậc trí huệ mới dung thông tánh tướng hiểu đến chỗ tận cùng. Bằng không, thà chấp tướng tu hành, càng chấp lại càng mầu nhiệm!” Bởi càng chấp tướng, chí nguyện cầu sanh lại càng thiết tha, khi đã sanh về Tây Phương lo gì không chứng ngộ được thật tướng? Vấn đề sự lý tánh tướng, nói ra vẫn không cùng, nhưng nếu hiểu được một sẽ hiểu tất cả. Mong các đồng nhơn khéo suy nghĩ, để tránh khỏi sự sai lạc trên bước đường tu.

Viết đến đây, có một Phật tử nhân khi lại thăm chơi, hỏi: – “Thưa thầy, con nghe vài vị tu thiền khá cao, bảo: Cõi Cực Lạc là quyền thuyết, là một ảo tượng của Phật phương tiện nói ra, để cho những kẻ thấp kém nương vào đó tin tưởng hâm mộ, phát lòng chuyên nhứt niệm Phật đặng để đi đến cảnh giới nhứt tâm. Ví như người cha có hai đứa con, một đứa thông minh biết lo học không cần phải nhắc nhở; một đứa tối tăm biếng trễ, nên cha phải dẫn dụ, bảo nếu cố gắng siêng học khi thi đỗ sẽ cho một chiếc xe đẹp. Chiếc xe đẹp là một ảo tượng hay phương tiện, sự học giỏi thi đỗ mới là chân mục đích hay cứu cánh. Bởi thế cho nên Tịnh Độ là lối tu của hạng thường dân tối dốt, còn hạng trí thức đều ưa thích về môn Thiền. Nếu hiểu được lẽ này thì người sáng suốt chỉ nên nhiếp tâm tịnh niệm, không cần phải theo ảo tượng niệm Phật làm chi cho lao hơi nhọc sức. Hãy để chiếc xe trống không chạy đi mới nhẹ nhàng, không nên chuyên chở thêm cho nặng! Con nghe như thế song chưa biết trả lời làm sao, mong nhờ Thầy giải thích.”

Bút giả đáp: – Trong lối điều trần trên, có ba chủ điểm:

1. Cho Cực Lạc là ảo tưởng, quyền thuyết.

2. Bảo Tịnh Độ là lối tu thuộc hạng thấp kém thường dân.

3. Đưa ra mục đích trừ vọng nhứt tâm, cho rằng phương tiện niệm Phật làm tổn hơi nhọc sức như chiếc xe chở nặng, không được nhẹ nhàng thanh thoát như lối tu Thiền.

Về điểm thứ nhứt, Cực Lạc không phải là cảnh ảo tượng hay quyền thuyết, mà là thế giới có thật như cõi Ta Bà này; vì Phật không khi nào nói dối, và có rất nhiều người niệm Phật được vãng sanh, hiện tiền hoặc lúc lâm chung đã mục kích cảnh giới ấy, như trong Vãng Sanh Truyện và Tịnh Độ Thánh Hiền Lục đã có chép. Trong tập này nơi đoạn trước đã dẫn minh về ba lượng để giải thích, xem qua sẽ tự rõ, không cần phải biện luận thêm nhiều.

Về điểm thứ hai, nếu cho rằng Tịnh Độ không phải lối tu của hàng trí thức, chỉ sợ e trí “trí thức” của những vị ấy chưa đủ sức thấu hiểu Tịnh Độ mà thôi. Như khi xưa Phật nói Kinh Pháp Hoa, có đến năm ngàn bậc Đại Đức Thanh Văn chứng từ Sơ Quả đến Tứ Quả, vì chưa tin hiểu nổi nên lui ra khỏi pháp hội. Những vị ấy đã vào hàng Thánh, đâu phải tầm thường, nhưng trước diệu lý quá cao, họ đành thối bại. Nếu bảo rằng hàng trí thức sáng suốt đều phải tu Thiền, niệm Phật để cho hạng dốt nát tầm thường, tại sao vị Tổ thứ mười bốn bên Thiền Tông là Long Thọ Bồ Tát sau khi chứng ngôi Sơ Hoan Hỷ Địa rồi, lại niệm Phật “cầu sanh Cực Lạc?” Và tại sao có rất nhiều bậc thạc đức bên Thiền Tông, như các ngài Vĩnh Minh, Triệt Ngộ, Liên Trì, sau khi tham thiền ngộ đạo, lại chuyển hướng cầu về Tịnh Độ? Phải biết Niệm Phật là pháp môn cao siêu mầu nhiệm, gồm nhiếp ba căn, từ đức Thích Tôn cho đến các bậc đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ đều tuyên dương. Cho nên khi đức Thích Ca nói Kinh A Di Đà, hằng hà sa chư Phật ở sáu phương đều hiện tướng lưỡi rộng dài mà khen ngợi. Và trong Kinh Hoa Nghiêm, sau khi đức Phổ Hiền nói mười đại nguyện vương rồi, liền khuyến tấn các bậc Bồ Tát ở những ngôi Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, đều nên phát nguyện cầu sanh về Cực Lạc? Nếu cảnh Cực Lạc là ảo tượng không phải thật có, và môn Tịnh Độ là tầm thường, tại sao các vị ấy lại cầu sanh? Cho nên Ấn Quang đại sư đã bảo: “Sự cao siêu mầu nhiệm của pháp môn Niệm Phật, chư Tổ bảo là chỉ có Phật với Phật mới hiểu biết hết được. Những kẻ khinh chê Niệm Phật, không phải chỉ khinh chê hạng ông già bà cả tu Tịnh Độ đâu, mà chính là khinh chê luôn cả chư Phật và các bậc Đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ đó!”

Về điểm thứ ba, xin giải thích rõ hơn. Chỗ cứu cánh của Thiền là Chân Như Tam Muội. Điểm cứu cánh của Tịnh Độ là Niệm Phật Tam Muội. Chân Như Tam Muội như vàng khối, Niệm Phật Tam Muội như vòng, xuyến và các món trang điểm chạm trổ xinh đẹp, mà trong vòng xuyến nguyên đã có vàng. Cho nên khi chứng Niệm Phật Tam Muội, tức đã bao gồm cả Chân Như Tam Muội. Chân Như Tam Muội chỉ thuần về mặt trí huệ, Niệm Phật Tam Muội đã có trí huệ còn gồm thêm phần phước đức; bởi người tu Tịnh Độ cũng lấy nhứt tâm thanh tịnh làm căn bản, trên chỗ nhứt tâm ấy lại có thêm công đức niệm Phật. Nhưng Chân Như Tam Muội với Niệm Phật Tam Muội không phải tu một đời mà chứng được, cần phải liên tục tu trong nhiều kiếp; nhứt là chúng sanh thời mạt pháp này khó mà hy vọng. Vì thế Niệm Phật Tam Muội tuy là chỗ cứu cánh của môn Niệm Phật, nhưng chỉ đứng về hàng thứ yếu, mà sự cầu vãng sanh Tịnh Độ trong một đời để được bất thối chuyển, mới là tông chỉ chánh yếu cần thiết của tông này. Do đó pháp môn Niệm Phật mới có tên là tông Tịnh Độ. Cho nên sở dĩ các bậc tu Thiền sau khi ngộ đạo, tự biết con đường chứng đạo còn xa, sợ e kiếp người ngắn ngủi, khi luân hồi sang đời khác phải bị mê lạc, nên mới chuyển hướng Niệm Phật cầu vãng sanh là thế. Niệm Phật, lễ Phật dù rằng nhọc, nhưng được thêm công đức phước báo do công năng tu trì của hai nghiệp thân và khẩu. Như chiếc xe từ Đà Lạt về Saigon, chạy xe không tất nhiên nhẹ nhàng, nhưng nếu chuyên chở thêm bông hoa rau cải, thì đã về đến Thủ Đô mà còn được có thêm phần hàng hóa. Đem công năng siêng nhọc niệm Phật để được thêm nhiều phước báo, đó chính là phần công và thưởng đương nhiên theo luật nhân quả, đâu có chi phải thiệt thòi? Song mỏi nhọc nếu có, chỉ là lúc mới tu. Khi niệm Phật thuần thục đến chỗ vô tâm, nào có chi là mỏi nhọc!

Nghi vấn trên thấy cũng cần thiết, nên dù không phải đoạn quyết nghi, cũng xin ghi tiếp vào đây. Những điểm hiểu lầm chưa thấu triệt về Tịnh Độ hãy còn nhiều, vì e tâm niệm phạm lỗi đấu tranh, nên đối với các sự biện minh tạm xin ngừng bút.

Tiết 48. Sự Nhứt Tâm, Lý Nhứt Tâm

Người niệm Phật phải thiết thật dụng công, trong tuyệt cả tướng thị phi nhơn ngã không thấy thân tâm, ngoài dứt hết tướng không sắc dục trần chẳng còn cảnh giới, duy có một câu Phật hiệu rành rạnh hiện tiền. Sự dụng công chí cực này, như người xưa đã nêu lên câu hỏi: “Trước mặt có cọp dữ, sau lưng có bầy chó sói, bên trái là vách núi cao, bên mặt là vực sâu thẳm; trong hoàn cảnh ấy hành nhơn phải vượt đi ngả nào?” Bên Tịnh Tông cũng bảo: “Ao sen bảy báu trước mặt, vạc dầu lò lửa phía sau, người niệm Phật phải nhứt hướng đi tới.” Khi tu hành chưa thấy có điểm tiến bộ nào, là bởi chính mình còn yếu hèn biếng trễ. Cũng trong tình trạng ấy, khi xưa ngài Đổng Sơn đã nghiêm trách trong chúng:

Người nay học đạo nghĩ mà than
Ngoài cửa phân vân biết mấy ngàn!
Tưởng đến ngọc kinh triều thánh chúa
Giữa đường dừng bước ải Đồng Quang!

Nếu dụng công đến mức cùng cực, lâu ngày không gián đoạn, hành giả sẽ đi đến cảnh giới nhứt tâm. Cảnh nhứt tâm bất loạn này có hai mức cạn sâu, gọi là Sự nhứt tâm và Lý nhứt tâm.

Sự nhứt tâm là thế nào? – Khi hành giả chuyên tâm chú ý trên sáu chữ hồng danh, lâu ngày tất cả tạp niệm đều dứt bặt, lúc nằm ngồi đi đứng duy có một câu Phật hiệu hiện tiền, gọi là cảnh giới Sự nhứt tâm. Đây là định cảnh của người tu Tịnh Độ, cũng ngang hàng với sự nhập định của bậc tu Thiền.

Lý nhứt tâm là thế nào? – Trên Sự nhứt tâm nếu tiến thêm một bước, dụng công đến chỗ chí cực, ngày kia tâm địa rỗng suốt, thoát hẳn căn trần ngộ vào thật tướng. Khi ấy hiện tại tức là Tây Phương mà chẳng ngại gì riêng có cõi Cực Lạc, tánh mình chính là Di Đà cũng chẳng ngại gì riêng có đức A Di Đà. Đây là cảnh giới Lý nhứt tâm. Địa vị này là cảnh “định huệ nhứt như” của người niệm Phật, ngang hàng với trình độ khai ngộ bên Thiền Tông.

Với thuyết Sự, Lý nhứt tâm, Ngẫu Ích đại sư đã giản biệt tường tận. Ngài bảo: “Không luận sự trì hay lý trì; niệm đến hàng phục phiền não, kiến hoặc tư hoặc không khởi hiện, là cảnh giới Sự nhứt tâm. Không luận sự trì hay lý trì, niệm đến tâm khai, thấy rõ bản tánh Phật, là cảnh giới Lý nhứt tâm. Sự nhứt tâm không bị kiến, tư hoặc làm loạn. Lý nhứt tâm không bị nhị biên làm loạn.” (Nhị biên: có, không – đoạn, thường v.v…)

Như thế chẳng nói chi Lý nhứt tâm, với Sự nhứt tâm người đời nay cũng chẳng dễ gì đi đến. Tuy nhiên, với công đức của câu niệm Phật cộng thêm sự chí thiết hành trì, trong mỗi niệm sẽ diệt được một phần vô minh thêm một phần phước huệ, lần lần tất sẽ đi đến cảnh giới tốt. Và hành trì lâu ngày như thế, lo gì không tiến đến chỗ mỗi niệm khai ngộ, được hảo cảnh gọi là “Nhứt phiên đề khởi nhứt phiên tân” (Một phen đề khởi niệm, một phen lộ bày cảnh mới).

Cho nên, dù là căn tánh thời mạt, nếu thiết thật dụng công, trình độ Sự, Lý nhứt tâm đối với chúng ta chẳng phải tuyệt phần hy vọng…

Trích: Niệm Phật Thập Yếu – Quyết Định Cầu Nghiệm!

Bài viết cùng chuyên mục

Phàm những gì có tướng đều là hư vọng

Định Tuệ

Buông bỏ phiền não, chuyển Mạt Na trí thành bình đẳng tánh trí

Định Tuệ

7 chướng ngại vãng sanh cõi Cực Lạc của người tu Tịnh độ

Định Tuệ

Niệm Phật tâm miệng phải tương ưng, thiết tha chân thành

Định Tuệ

Ngũ trược ác thế là gì? Ngũ Trược ác thế thệ tiên nhập là gì?

Định Tuệ

Từ bi nhất định phải có trí huệ

Định Tuệ

19 điều cảnh sách tu thân

Định Tuệ

Cõi Sắc giới là gì? Tìm hiểu những cõi trời thuộc Sắc giới

Định Tuệ

Lợi ích khi trì tụng kinh Phổ Hiền Quảng Nguyện Vương

Định Tuệ

Viết Bình Luận