Quán các pháp là Không, nên gọi là Không. Trong cái Không đó, chẳng thể giữ lấy tướng, ngay khi ấy, cái Không đổi tên là Vô Tướng.
“Hựu vân: Quán chư pháp Không, thị danh Không. Ư Không trung, bất khả thủ tướng, thị thời, Không chuyển danh Vô Tướng. Vô Tướng trung, bất ưng hữu sở tác vi tam giới sanh, thị thời, Vô Tướng chuyển danh Vô Tác (tức Vô Nguyện)” (Lại nói: “Quán các pháp là Không, nên gọi là Không. Trong cái Không đó, chẳng thể giữ lấy tướng, ngay khi ấy, cái Không đổi tên là Vô Tướng. Trong Vô Tướng, chớ nên có thứ gì được làm để sanh trong tam giới, nên ngay khi ấy, Vô Tướng đổi tên là Vô Tác, tức là Vô Nguyện).
Chúng ta xem từ chỗ này, vẫn là những điều được nói trong Trí Độ Luận, dạy chúng ta trong cuộc sống hằng ngày thấy thấu suốt và buông xuống như thế nào. “Quán chư pháp Không” được kinh Bát Nhã giảng nhiều nhất.
Trong các đồng học, rất nhiều vị đã đọc kinh Kim Cang Bát Nhã. Kinh Kim Cang chẳng dài, Thiền Tông Lục Tổ Huệ Năng đại sư khai ngộ do kinh ấy. Do vậy, bộ kinh ấy trở thành kinh bậc nhất và cơ bản trong Thiền Tông, biến thành một khóa trình phải tu học. Kinh văn chẳng dài lắm, đại khái chỉ có hơn năm ngàn chữ, do ngài Cưu Ma La Thập phiên dịch, vô cùng thích hợp khẩu vị của người Trung Quốc, nên người niệm kinh Kim Cang đặc biệt nhiều.
Câu quan trọng nhất trong kinh, cũng là câu khiến cho ngài Huệ Năng khai ngộ là “ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” (đừng nên trụ vào đâu để sanh tâm). Câu ấy dạy chúng ta cách nhìn vạn sự vạn vật trong toàn thể vũ trụ, nói rất đơn giản, rất rõ ràng, dạy chúng ta thấy hết thảy sự vật: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”. Đó là quán các pháp Không, tức là Không Giải Thoát môn trong ba môn giải thoát.
Không ở chỗ nào? Không ở trong Sắc, Sắc tức là Không. Không chẳng ở bên ngoài, mà từ ngay trong vạn sự, vạn pháp, quý vị thấy Không. Vì sao có thể thấy Không? Quý vị thấy tất cả hết thảy các pháp đều do nhân duyên sanh, như Trung Quán Luận đã nói: “Nhân duyên sở sanh pháp, ngã thuyết tức thị Không” (pháp do nhân duyên sanh, ta nói chính là Không), “ta” ở đây là đức Phật nói. Các pháp do nhân duyên sanh, chẳng có tự thể.
Chúng ta thường cầm tràng hạt (xâu chuỗi), chúng ta thấy nó là một chuỗi, hãy thấy bản thể của nó là Không. Tràng hạt là từng hạt một, do một sợi dây xâu lại, nó là duyên sanh (do các duyên hội tụ mà sanh ra). Chúng ta tháo sợi dây ấy ra, từng hạt từng hạt một tách rời, tướng tràng hạt chẳng còn nữa. Đối với từng hạt, chúng ta thấy nó là hạt cây, do cây sanh ra, nên mỗi hạt cũng là pháp sanh bởi nhân duyên. Duyên tụ, bèn có một hạt xâu chuỗi; khi duyên tán, hạt xâu chuỗi chẳng còn nữa, biến thành bột! Bỏ đó đã lâu, quý vị chẳng dùng đến nó, bỏ mặc đó, nó sẽ biến thành bột, gió vừa thổi bèn tan mất. Tụ thì nó có tướng; tán thì tướng chẳng còn nữa!
Chẳng cần chờ nó tán, quý vị mới biết là Không, mà hiện thời đã biết nó là Không. Tướng của nó chẳng thể duy trì vĩnh cửu! Nói chung, sẽ có ngày nó hư hoại, tan mất, bản thể chính là Không, đó là trí huệ. Chúng ta thấy hết thảy các pháp đều như thế, kể cả các tinh cầu cũng chẳng ra ngoài lệ ấy. Nếu chúng ta có dịp đến thăm đài Thiên Văn, gần như sẽ thường thấy các tinh cầu bùng nổ trong không gian, những tinh cầu ấy chẳng còn nữa. Vì thế, đối với với sự tồn tại của tinh cầu, kinh Phật nói là “thành, trụ, hoại, không”, tinh cầu chẳng có!
Cũng rất có thể là chúng ta thường phát hiện: Ở nơi đây vốn chẳng có tinh cầu, đột nhiên xuất hiện một ngôi sao sáng lấp lánh, chúng ta biết là một ngôi sao mới hình thành. Đấy cũng là nói các ngôi sao già đã tử vong, hủy diệt; trong vũ trụ có thành, trụ, hoại, không.
Quý vị biết thứ gì cũng đều là vô thường, không chỉ là “biển xanh, nương dâu”. Nếu chúng ta rất lắng lòng quan sát, sẽ biết hết thảy các pháp “hễ duyên tụ bèn có, duyên tán bèn không”, nên biết là Không! Đã biết là Không, nên đối với Không, chớ nên chấp tướng!
Gì là Không? Tướng là Không, tất cả các tướng là Không. Tất cả các tướng, động vật có sanh, lão, bệnh, tử, thời gian tồn tại chẳng dài. Con người sống trong thế gian này, chúng ta nghĩ tới các thế hệ trước, thế hệ cha mẹ đã khuất, thế hệ ông bà đã khuất. Trong dòng thời gian dài vô hạn, họ chỉ tồn tại một thời gian ngắn, trước giai đoạn ngắn ngủi đó, chẳng có họ, sau giai đoạn ngắn ngủi đó, cũng chẳng có họ, đều chẳng còn!
Sau đấy, lập tức nghĩ đến chính mình, bản thân chúng ta cũng chiếm một khoảng ngắn trong dòng thời gian dài dằng dặc. Có người thời gian ngắn một chút, ba bốn mươi tuổi đã mất, thời gian ngắn chủn! Có người thời gian dài hơn một chút, nhưng bảy tám mươi tuổi cũng đi.
Cổ nhân Trung Quốc nói người ngoài bảy mươi tuổi là: “Nhân sanh thất thập cổ lai hy” (người bảy mươi tuổi xưa nay hiếm), người trên bảy mươi chẳng nhiều lắm, người chưa đến bảy mươi đã mất rất nhiều. Do vậy, chúng ta phải hiểu toàn là rỗng tuếch. Nếu toàn là rỗng tuếch, ở đây, “bất khả thủ” (chẳng thể chấp lấy) là “đừng chấp tướng”. Chấp tướng là sai mất rồi!
Đối với những tướng ấy, chớ nên chấp trước, chớ nên phân biệt. Đại Thừa Bồ Tát không chỉ chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, mà đối với hết thảy các tướng đều chẳng khởi tâm, không động niệm, hạng người nào vậy? Kinh nói những vị đại sĩ, các vị Bồ Tát, được gọi là cao nhân, các Ngài chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng có phiền não, chẳng tạo nghiệp, vô cùng cao minh. Các Ngài trọn chẳng bỏ tướng, vì sao? Chẳng cần thiết! Tướng là huyễn tướng, đều là chẳng thật. Đã hiểu rõ, đối với những tướng ấy, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, những vị ấy là Phật, là Pháp Thân Bồ Tát. Khi đó, chẳng gọi là Không, mà gọi là Vô Tướng. Thấy những tướng ấy, chẳng dùng danh từ Không, mà dùng chữ Vô Tướng.
Tiếp đó, chúng ta biết tướng là giả. Do tướng là giả, chớ nên có những “tác vi” (tạo nghiệp) khiến phải sanh trong tam giới. Tam giới là Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới, đó là nói tới lục đạo luân hồi, chớ nên có những tác vi trong lục đạo. “Tác vi” là gì? Làm thiện, làm ác, làm vô ký (chẳng thiện, chẳng ác). Khoan nói đến vô ký, chúng ta chỉ bàn về thiện và ác, chớ nên tạo tác. Nếu quý vị làm lành, sẽ là ba thiện đạo, quả báo ở trong ba đường lành. Nếu quý vị tạo nghiệp bất thiện, quả báo ở trong ba đường ác, nhưng làm lành hay làm ác đều là tạo nghiệp luân hồi.
“Bất ưng hữu sở tác” (chớ nên có tác vi) là gì? Học theo Phật, Bồ Tát. Thích Ca Mâu Ni Phật cũng thị hiện trụ trong thế gian này tám mươi năm, người ngoại quốc nói là bảy mươi chín tuổi, nói theo tuổi thật, người Trung Quốc nói theo “hư tuế” (tuổi ta) là tám mươi tuổi, cũng là sống một khoảng thời gian dài ngần ấy. Quý vị thấy Ngài có thể “làm mà chẳng làm, chẳng làm mà làm”, đó là đúng. Suốt cả một đời là như thế nào? Chẳng tạo nghiệp, chẳng tạo ác nghiệp, thiện nghiệp cũng không tạo, cao lắm! Ngài chẳng luân hồi.
Trong phần trước, chúng tôi đã nói với quý vị về mười hai nhân duyên. Trong mười hai nhân duyên, Ái, Thủ, Hữu là tạo nhân trong một đời này, các Ngài có bản lãnh. Quý vị thấy: Biểu hiện Ái, biểu hiện Thủ, nhưng sau đó chẳng có Hữu. Đó là chuyện như thế nào? Vị ấy chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, đó là Tiểu Thừa. Nếu vị ấy chẳng khởi tâm, không động niệm thì là Đại Thừa. Chúng ta có thể lý giải vì sao các Pháp Thân Bồ Tát chẳng tạo nghiệp. Pháp Thân Bồ Tát ai nấy đều là bậc minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ, các Ngài có thể hằng thuận chúng sanh, hòa quang đồng trần cùng chúng sanh, chẳng khởi tâm động niệm, chẳng phân biệt, chấp trước. Biểu hiện giúp đỡ chúng sanh bằng vô tận phương tiện thiện xảo. Giúp đỡ chúng sanh, thành tựu chúng sanh; trong ấy, quan trọng nhất là khơi gợi, dẫn dắt chúng sanh, giúp họ khai trí huệ, khiến cho họ dần dần giác ngộ. Chưa thể giác ngộ thì kéo họ tới gần giác ngộ; rất gần với giác ngộ, giúp cho họ hoát nhiên đại ngộ. Các vị Phật, Bồ Tát có năng lực như thế, xác thực là trong tự tánh tỏ lộ trí huệ và đức năng. Nếu nghiệp chướng của chúng ta không quá nặng, sau khi gặp gỡ, chắc chắn sẽ thành tựu trong một đời.
Kẻ nghiệp chướng sâu nặng gặp gỡ, phải tiêu trừ nghiệp chướng trên một mức độ lớn. Chúng ta dùng mười hai nhân duyên để nói thì: Về biểu hiện, bèn có Ái và Thủ, nhưng chẳng phân biệt, chấp trước; khi ấy, gọi là Vô Tác. Trong Phật pháp thường nói: “Làm mà chẳng làm, chẳng làm mà làm” chính là ý nghĩa này. Chẳng làm, nhưng có làm thì vẫn là không làm, vô nguyện mà! Nguyện và Tác có cùng một ý nghĩa.
“Thí như thành hữu tam môn” (Ví như cái thành có ba cửa). Một người là một thân thể, chẳng có cách nào cùng một lúc vào cả ba cửa, muốn vào chỉ có thể theo một cửa. “Chư pháp Thật Tướng” (Thật Tướng của các pháp) được tỷ dụ là “Niết Bàn thành”. “Thành hữu tam môn: Không, Vô Tướng, Vô Tác. Nhược nhân nhập Không môn, bất đắc thị Không, diệc bất thủ tướng” (thành có ba cửa: Không, Vô Tướng, Vô Tác. Nếu người theo cửa Không mà vào, chẳng thấy là Không, cũng chẳng chấp tướng). Tốt lắm, theo cửa Không để vào. “Bất đắc thị Không” là chẳng chấp trước Không, “diệc bất thủ tướng” là chẳng chấp Có, trong phần trước nói là “chẳng trụ vô vi, chẳng trụ hữu vi”. “Vi” là làm. “Chẳng chấp trước vô vi” là chẳng chấp trước Không; “chẳng chấp trước hữu vi” là chẳng chấp trước Có. Hai bên Không và Có đều chẳng chấp trước, người ấy đã tiến nhập. Nhập là gì? Đã khai ngộ, minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ. Do vậy, đối với hai môn sau là Vô Tướng và Vô Nguyện, chẳng cần phải quan tâm tới, vì đã vào được cửa rồi! Chỉ cần nhập một môn, môn nào công đức cũng viên mãn, thành tựu viên mãn.
“Nhược nhân nhập Không môn thủ tướng đắc thị Không”, nghĩa là người ấy theo cửa Không để vào bèn chấp Không, chấp lấy tướng “đã đắc Không”, người ấy là ai? Tiểu Thừa A La Hán, hoặc Tiểu Thừa Bích Chi Phật, họ đích xác là như thế, cho nên cảnh giới họ chứng đắc gọi là Thiên Chân Niết Bàn, chấp trước Không!
Niết Bàn ấy chẳng phải là Niết Bàn thật sự, chấp trước Không mà! Hàng Nhị Thừa chấp Không, Quyền Giáo Bồ Tát chấp Có. Quyền Giáo Bồ Tát tức là Bồ Tát trong mười pháp giới. Chấp Có, bèn chẳng có cách nào chứng Đại Bát Niết Bàn. Thanh Văn và Duyên Giác chứng Tương Tự Tiểu Niết Bàn, tự cho là đã tiến nhập ba giải thoát môn, nhưng do chấp vào tướng “tiến nhập”, nên chẳng có tác dụng!
Trong giáo pháp Đại Thừa, đức Phật gọi chấp tướng là “hầm vô vi”. Hàng Tiểu Thừa rớt vào hầm vô vi, nhưng họ có thể thoát ra. A La Hán chậm lụt hơn, phải hai vạn kiếp mới hồi Tiểu hướng Đại, thoát ra. Chỉ cần chẳng chấp trước bèn thoát ra. Duyên Giác thông minh hơn, một vạn đại kiếp bèn giác ngộ, cũng thoát ra. Vừa thoát ra, Ngài bèn thành Bồ Tát, thuộc tầng thứ ba trong bốn thánh pháp giới. Tầng cao nhất là Phật. Thiên Thai đại sư gọi vị Phật ấy là Tương Tự Tức Phật, chẳng phải là Chân Phật, mà là tương tự. Vì sao chẳng phải là chân Phật? Phật và phàm phu khác biệt ở chỗ: Phật dùng chân tâm, phàm phu dùng vọng tâm, tức là dùng A Lại Da, ngỡ A Lại Da là chân tâm. Phật và Bồ Tát trong bốn thánh pháp vẫn dùng A Lại Da, cũng có thể nói là chưa thể “chuyển tám thức thành bốn trí”. Nếu thật sự chuyển được, chuyển biến A Lại Da thành Đại Viên Kính Trí, sẽ là chân Phật, chẳng phải là giả Phật! Hễ chuyển, mười pháp giới chẳng còn nữa! Chư vị phải biết vì sao? Mười pháp giới do A Lại Da biến, A Lại Da vừa chuyển thành Đại Viên Kính Trí, cái nhân chẳng còn, nhân của mười pháp giới bèn đoạn. Do vậy, họ từ mười pháp giới tỉnh ngộ, giống như nằm mộng, đã tỉnh mộng rồi! Tỉnh ngộ là cảnh giới gì? Là cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai, thật sự đã thành Phật; lúc ấy, Thiên Thai đại sư gọi người đó là Phần Chứng Tức Phật.
Sau đó còn có những quả vị viên mãn hơn, người ấy chưa chứng đắc viên mãn, viên mãn là Thường Tịch Quang. Người ấy phải đợi một thời gian trong cõi Thật Báo, ở trong ấy để làm gì? Chờ cho tập khí vô thỉ vô minh tự nhiên tiêu trừ. Ở đây, chẳng có phương pháp! Nếu nói ta dùng phương pháp gì để diệt trừ tập khí vô minh, thì vừa động niệm bèn hỏng mất rồi, lại mê rồi! Vì thế, trong cảnh giới ấy, cứ để mặc nó. Sau một thời gian dài, sẽ tự nhiên chẳng còn nữa! Phải mất thời gian bao lâu? Kinh Đại Thừa nói là ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Vì thế, ba đại A-tăng-kỳ kiếp chẳng phải là nói gì khác, mà là nói về chuyện này, tính từ ngày đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh! Tức là nói: Tính từ lúc quý vị chứng đắc địa vị Sơ Trụ trong Viên Giáo, tính từ lúc quý vị sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm, trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp, tập khí tự nhiên chẳng còn nữa. Bồ Tát khi đó, trong kinh này cũng có một thuật ngữ là “vô công dụng đạo”, trong Tông môn gọi là “thử xứ dụng bất đắc lực” (ở nơi đây, sử dụng chẳng đắc lực), chẳng có cách nào ra sức, có muốn cũng chẳng thể được, nó tự nhiên sẽ chẳng còn. Thật sự đoạn vô minh phiền não, thật sự chẳng khởi tâm, không động niệm. Vì thế, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, nói theo thực tế là pháp giới bình đẳng, thật sự bình đẳng, trí huệ, thần thông, đạo lực đều bình đẳng, một chút tập khí vô thỉ vô minh chẳng trở ngại sự. Trong cảnh giới ấy, Bồ Tát còn có sự hay không? Có chứ! Quý vị thấy Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh, vị ấy có đến nghe hay không? Đến làm Ảnh Hưởng Chúng, đó là Sự. Ngài đến thế giới này để nghe kinh, đến đi tự tại. Đồng thời, nếu Ngài và chúng sanh có duyên, Ngài bèn có thể ứng theo khả năng hiểu biết của chúng sanh; đó là “Sự” của Ngài. Tuy có vô lượng vô biên sự, Ngài chẳng hề khởi tâm động niệm; đó là Vô Tác. Chẳng làm mà làm, làm mà chẳng làm!
Tuy cảnh giới ấy cách biệt chúng ta rất xa, nhưng chúng ta biết. Trong kinh, chúng ta đã nghe đức Phật dạy như thế, chúng ta đã hiểu rõ, đã nghe hiểu. Đã nghe hiểu, sẽ có ích rất lớn cho sự tu hành của chúng ta. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta phải học tập, bất luận làm chuyện gì, chúng ta đều có tập khí, phải học như thế nào? Tập khí của chúng ta nhạt bớt một chút thì tốt! Mỗi năm một nhạt bớt hơn, điều này cũng rất đắc lực. Nếu có thể là mỗi tháng một nhạt bớt hơn, quý vị sẽ nhanh chóng đạt đến cảnh giới thành công. Đặc biệt là phải cảnh tỉnh chính mình, chính mình phải có tánh cảnh giác; trong hết thảy các cảnh giới, chớ nên có tình chấp quá nồng đậm, đó chẳng phải là chuyện tốt đẹp, mà là nghiệp chướng. Phải dần dần nhạt bớt tình chấp, phải dùng Phật pháp để cảm hóa người nhà, quyến thuộc. Chúng ta tu rất khá, một nhà hòa thuận, một nhà hoan hỷ. Người khác thấy quý vị rất vui vẻ, tự nhiên hướng về quý vị học tập. Đối với những chuyện chẳng đúng pháp của họ, quý vị phải có phương tiện thiện xảo, chớ nên nói “chẳng quen nhìn”, quý vị đang tạo tội nghiệp đấy! Nhất là quý vị học Phật, ăn chay, họ vẫn còn ăn thịt, chớ nên chướng ngại họ, hãy tùy thuận, họ sẽ vui vẻ. Nếu quý vị phê bình họ, trong tâm họ rất khó chịu, họ và quý vị trở thành hai phía đối lập, sai mất rồi! Hãy làm cho họ dần dần tự giác ngộ, quay đầu.
Điều được giảng ở đây cũng là một pháp môn hết sức trọng yếu, chúng ta hãy vận dụng linh hoạt trong cuộc sống. Quán Không hết sức trọng yếu, hãy thường nghĩ kinh Kim Cang đã dạy: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, hoặc nghĩ kinh Đại Bát Nhã đã nói: “Hết thảy các pháp vô sở hữu, rốt ráo không, bất khả đắc”. Trong lúc lợi danh bày ra trước mặt mà chúng ta động tâm, hãy niệm những câu ấy nhiều lượt thì ý niệm vừa nghĩ ấy, tức là ý niệm vọng tưởng sẽ ngưng dứt. Có những kẻ nghiệp chướng nặng nề, khi danh lợi hiện tiền, bèn quên bẵng Phật, chẳng nghĩ tới nữa. Vì thế, phải có lòng cảnh giác cao độ, hễ cảnh giới hiện tiền, cổ nhân nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, phải giác ngộ nhanh chóng, ta có thể ngưng dứt, chẳng tạo nghiệp nữa!
Từ Không môn, người ấy chấp trước Không, “ư thị nhân bất vi môn, thông đồ cánh tắc” (do vậy, môn ấy chẳng thích hợp cho người đó, đường thông hóa nghẽn), tức là đọa trong “hầm vô vi”. Đối với người ấy mà nói thì Không chẳng phải là môn để kẻ ấy ngộ nhập, vì kẻ ấy chấp trước Không. Chấp trước Không, bèn gặp ngay chướng ngại, “tắc” là chướng ngại. “Nhược trừ Không tướng” (nếu trừ tướng Không), người ấy có thể buông tướng Không xuống, biết tướng Không cũng là bất khả đắc, tướng Không cũng là duyên sanh. “Thị thời tùng Vô Tướng môn nhập” (khi ấy bèn theo cửa Vô Tướng để vào), có thể được! Chỉ cần chẳng chấp trước Không là được, có thể chứng quả A La Hán, hoặc có thể chứng quả Bích Chi Phật. “Nhược ư Vô Tướng tướng” (nếu đối với tướng Vô Tướng), người ấy biết tướng Vô Tướng, nhưng chấp trước, chấp gì vậy? Chấp vào tướng Vô Tướng thì cũng không được; chỉ cần có chấp trước tức là sai lầm mất rồi. “Tâm trước sanh hý luận” (tâm chấp trước, sanh ra hý luận), chấp vào tướng Vô Tướng có thể sanh ra hý luận. Hý luận là nói giỡn chơi, chẳng phải là sự thật. “Thị thời trừ Vô Tướng tướng” (khi ấy, trừ bỏ tướng Vô Tướng), cũng có thể buông tướng Vô Tướng xuống, tâm thanh tịnh hiện tiền, đó gọi là “Vô Tác môn”. Đấy là nói ba loại người có căn tánh khác nhau, đều có thể nhập ba môn giải thoát trong Tiểu Thừa.
Tiếp đó, cụ Hoàng Niệm Tổ giải thích: “Cái vị Không, Vô Tướng, Vô Nguyện” (ấy là nói Không, Vô Tướng, Vô Nguyện), sánh ví những môn ấy như cửa nẻo. “Do thử pháp môn, khế nhập chư pháp Thật Tướng chi Niết Bàn thành” (do pháp môn này mà khế nhập thành Niết Bàn Thật Tướng của các pháp), Thật Tướng của các pháp là Pháp Tánh, “khế nhập” là minh tâm kiến tánh, tỷ dụ minh tâm kiến tánh giống như thành Niết Bàn. “Nhược nhân tùng Không môn nhập, diệc bất kiến Không tướng” (nếu người theo cửa Không để vào, cũng chẳng thấy tướng Không), trực nhập như vậy, từ Không môn nhập mà chẳng chấp trước Không, đó mới là thật sự chứng nhập. Nếu có Không để đắc, thì cái “đắc Không” ấy là chấp tướng! “Nhược đắc Không tướng” (nếu đắc tướng Không), tức là quý vị chẳng thể nhập! Cái Không ấy là chấp trước; do đã chấp vào Không, quý vị chẳng thể chứng nhập. “Nhược trừ Không tướng” (nếu trừ tướng Không), đó là “tùng Vô Tướng môn nhập” (từ Vô Tướng môn để vào), Vô Tướng vẫn là Không môn. Thay đổi danh từ, vì trước đó, quý vị đã chấp vào tướng Không, nay đã giác ngộ, tướng Không cũng buông xuống, nên gọi là “tùng Vô Tướng môn nhập”. “Thảng trước ư Vô Tướng chi tướng, tức Vô Tướng tướng” (nếu chấp vào tướng của Vô Tướng thì đó chính là tướng Vô Tướng), quý vị chấp vào Vô Tướng, chấp vào tướng Vô Tướng, điều này rất vi tế, như vậy là quý vị đã vướng vào tướng của Vô Tướng, cũng chẳng thể nhập, cũng nẩy sanh chướng ngại. Ắt cũng phải diệt trừ tướng Vô Tướng, đấy chính là “tùng Vô Tác môn trực nhập thử thành” (từ cửa Vô Tác, vào thẳng thành này). Vô Tác cũng là Vô Nguyện thì mới có thể trực nhập Thật Tướng của các pháp. “Cố viết: Nhập Không, Vô Tướng, Vô Nguyện pháp môn” (nên nói là “nhập Không, Vô Tướng, Vô Nguyện pháp môn”). Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa đều có ba môn giải thoát ấy, tức là ba thứ đường lối để giải thoát, chỉ là nghĩa lý cạn hay sâu khác nhau! Hoặc là từ Không để nhập, hoặc từ Vô Tướng để nhập, hoặc từ Vô Nguyện để nhập, đều có thể thành tựu.
Thông thường, trong học tập kinh giáo, chúng tôi nói đơn giản hơn mà cũng rất rõ ràng, chẳng đi vòng vèo như vậy. Đức Phật dạy chúng ta, người thượng thượng căn thiện căn sâu dầy, có thể đồng thời buông khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước xuống, trong Phật pháp gọi điều này là “đốn xả”. Xả là buông xuống, đốn tu, đốn ngộ, đốn chứng. Ý niệm vừa chuyển, phàm phu bèn thành Phật. Thuở ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật đã vì chúng ta biểu diễn cảnh giới này. Vào đời Đường, Lục Tổ Huệ Năng đại sư của Thiền Tông đã vì chúng ta biểu diễn, cũng là chuyện này, tuyệt đối chẳng phải là kẻ bình phàm có thể làm được! Bản thân kẻ bình phàm hiểu rất rõ, phiền não, tập khí nặng nề dường ấy, muốn đoạn mà chẳng đoạn được, vì sao người ta ngay lập tức đoạn được? Hễ đoạn, bèn vĩnh viễn đoạn trừ. Do làm không được, bèn biết chúng ta chẳng phải là bậc thượng thượng căn. Không chỉ là chúng ta chẳng có phần nơi thượng thượng căn, mà đối với thượng căn, chúng ta cũng chẳng sánh bằng. Nói thực tại, chúng ta là kẻ trung hạ căn, phải hiểu rõ điều này. Kẻ trung hạ căn thì phải buông xuống từng chút một. Quý vị không buông xuống, sẽ chẳng vào được cửa, mà cũng chẳng thể quay đầu, nhất định phải buông xuống!
Buông xuống, phải từ ngoài vào trong; trước hết, hãy buông xuống từ bên ngoài. Khi mê là từ trong ra ngoài, khi buông xuống thì phải từ ngoài vào trong. Tầng ngoài cùng nhất là lục đạo. Lục đạo hình thành như thế nào? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, những thứ ấy hình thành lục đạo luân hồi. Lục đạo do chính mình tạo, vốn chẳng có lục đạo. Lục đạo chẳng do Phật tạo, mà cũng chẳng do Thượng Đế tạo, cũng chẳng do vua Diêm La tạo, mà do tự tánh biến hiện, do khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, kinh Hoa Nghiêm dạy như vậy. Như thế nào thì mới có thể thoát ly lục đạo? Buông chấp trước xuống bèn thoát ly, cũng có nghĩa là trong cuộc sống hằng ngày, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, chúng ta chớ nên chấp trước. Chúng ta rốt cuộc là căn tánh gì? Căn tánh trung hạ chúng ta vẫn chẳng làm được! Nói thật thà, chúng ta là căn tánh hạ hạ, nghiệp chướng quá nặng. Phải học buông xuống từng chút một, phải buông xuống mỗi ngày, phải buông xuống mỗi tháng, phải buông xuống mỗi năm. Quý vị buông xuống càng nhiều, tín tâm sẽ dần dần sanh khởi, vì sao? Tâm thanh tịnh, phiền não ít đi, trí huệ hiện tiền. Phiền não ít, trí huệ sanh, khá lắm! Quý vị sẽ có tín tâm đối với sự buông xuống, cuộc sống ngày càng tự tại hơn.
Nói cụ thể, buông xuống là gì? Buông xuống là bố thí, bố thí là buông xuống. Chúng ta tham luyến tài sản, bỏ chẳng được để buông xuống, phải học! Học buông xuống! Đối với vật ngoài thân, phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Buông ra, [bèn lo lắng, bản thân ta] chẳng có gì nữa thì sẽ ra sao? Đừng lo lắng! Bởi lẽ, ở đây, nhân quả sẽ giúp đỡ chúng ta. Trong mạng ta đã có, càng buông ra, sẽ càng có nhiều. Chớ nên nói “càng buông ra, sẽ không có nữa”, chẳng thể nào! Đó là vi phạm nguyên tắc nhân quả. Khẳng định là càng buông ra, sẽ càng nhiều, càng nhiều, càng buông ra, quyết định chớ nên tích lũy. Trong kinh Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa, đức Phật đã dạy: “Tích tài táng đạo” (tích lũy tiền của, đạo bị chôn vùi). Vì sao người tu hành không thể thành tựu? Lúc chẳng có tiền tài, buông xuống còn khá dễ dàng, dù sao cũng đâu có gì! Khi càng có tiền, càng chẳng nỡ bố thí; vì thế, kẻ ấy thoái chuyển! Tài sản thật sự hại người, hại quý vị chẳng thể khai ngộ, hại quý vị chẳng thể chứng quả, thậm chí hại quý vị chẳng thể vãng sanh, quý vị nói xem: Có phiền phức hay không?
Phải buông tài xuống, pháp cũng phải buông xuống. Quý vị thấy ở đây nói đến tướng Không, đều là pháp. Tướng Vô Tướng cũng là pháp. Nếu quý vị chẳng buông xuống, sẽ nẩy sanh chướng ngại, chẳng có cách nào đắc quả Nhị Thừa. Nó là pháp, pháp cũng phải buông xuống. Buông pháp xuống, đắc thông minh, trí huệ. Vì thế, Phật, Tổ dạy chúng ta: “Thâm nhập một môn, huân tu lâu dài”. Ta chỉ nắm lấy một môn, toàn bộ những môn khác đều buông xuống. Buông xuống là gì? Ta đi đến cùng một môn này thì toàn bộ đều đạt được, nguyên lai là chuyện như thế đó. Nếu không buông xuống thì sao? Khi không buông xuống, từ đầu đến cuối, quý vị chẳng đạt đến đích, thứ gì quý vị cũng chẳng đạt được. Quý vị thấy đó, buông của cải xuống bèn được của cải, buông hết thảy các pháp xuống bèn được thông minh, trí huệ. Còn phải có tâm từ bi giống như Phật, Bồ Tát, tâm từ bi sẵn có trong tự tánh, thấy người khác gặp khổ nạn, nhất định phải giúp đỡ. Đó là gì? Đó là tu vô úy bố thí, khiến cho hết thảy khổ nạn chúng sanh lìa khỏi sợ hãi. Vì vậy, các đồng học phát tâm, muốn lập cô nhi viện hay mở viện dưỡng lão, đó là chuyện tốt, đó là gì? Đó là vô úy bố thí, quả báo là khỏe mạnh, sống lâu. Quý vị có thể chăm sóc kẻ khác đang bệnh khổ, có thể giúp đỡ người khác giác ngộ. Chẳng giác ngộ là chuyện khổ sở, là cội nguồn của hết thảy các nỗi khổ. Giúp đỡ người khác giác ngộ là trừ dẹp cội nguồn khổ, trừ dẹp cội rễ của khổ và lạc, chuyện này thuộc về đại vô úy bố thí, quả báo thù thắng chẳng thể nghĩ bàn!
Những Lý mà đức Phật đã nói trong kinh giáo là chân lý, Sự là thật sự, thực tại, chẳng hư giả mảy may! Chúng ta học tập, tôi đã trải qua năm mươi chín năm, chứng thực chẳng giả tí nào! Xã hội hiện thời động loạn, tai nạn trên địa cầu nhiều ngần ấy, chúng ta thấy rõ ràng. Thấy gì? Biết do nhân gì, do nguyên nhân gì tạo thành nông nỗi ấy, cũng hiểu rõ nên dùng phương pháp gì để đối đãi. Giải quyết những tai nạn trên địa cầu chẳng khó, ngay cả các tinh cầu vận hành trong vũ trụ, quỹ đạo bị sai lệch, chúng ta cũng đều có cách khiến cho chúng khôi phục bình thường, những tai nạn nhỏ nhặt trên địa cầu thấm vào đâu! Quý vị nhất định phải biết: Tất cả hết thảy tai nạn đều do tâm hạnh chẳng lành cảm vời! Nếu chuyển biến tâm thái, tai nạn sẽ lập tức tiêu trừ. Ở chỗ này, nhất định phải trước hết là hiểu rõ ràng, minh bạch lý luận và chân tướng sự thật. Vì quý vị chẳng hiểu rõ, tín tâm chẳng thể sanh khởi! Tín tâm chẳng sanh khởi, ý niệm của quý vị chuyển biến, dẫu có chuyển, nhưng chẳng kiên cố, vẫn còn có hoài nghi. Nỗi hoài nghi ấy phá hoại thiện niệm của quý vị, dẫu chẳng thể phá hoại hoàn toàn, nhưng đã giảm bớt năng lượng ấy trên một mức độ lớn. Chỉ có tín tâm kiên định, chẳng có mảy may hoài nghi thì sức mạnh ấy sẽ khiến cho con người hết sức kinh ngạc!
Do vậy, những báo cáo nghiên cứu của các nhà khoa học cận đại có ích rất lớn đối với sự tu học của chúng ta. Những Lý và Sự giống như thế này được họ nói rất rõ ràng, chúng ta vừa nhìn vào liền hiểu rõ, kinh Phật vốn đã nói tới [những chuyện ấy] từ ba ngàn năm trước, nhưng chúng ta do dự, chẳng quyết đoán, chẳng dám sử dụng. Khoa học hiện thời vừa chứng minh, chẳng còn bàn cãi chi nữa, giúp chúng ta đoạn nghi, sanh tín. Đối với sự thành tựu trong một đời này của chúng ta, đặc biệt là thành tựu trong niệm Phật vãng sanh, tín tâm vẹn mười. Niệm niệm chẳng có ý niệm nào khác, chỉ có thế giới Cực Lạc là nhà của chúng ta, A Di Đà Phật là vị thầy, là gia trưởng của chúng ta. Vãng sanh thế giới Cực Lạc là trở lại quê nhà, đúng vậy, chẳng giả! Há lẽ nào chẳng có phần? Nói chung, quê nhà luôn có phần của chúng ta, vấn đề là quý vị có nhận biết hay không? Người Hoa nói: “Lang thang rất lâu ở bên ngoài, nay đã nhận biết tổ tiên, trở về nguồn cội”. Vãng sanh thế giới Cực Lạc là “nhận biết tổ tiên, trở về với cội nguồn”, đúng thế, chẳng giả! Trước kia, đúng là đã mê mất, nay quý vị đã có tín tâm kiên định, lẽ nào chẳng thành tựu? Chúng ta học đoạn Tam Không tam-muội này tới đây.
Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa!
Pháp Sư Tịnh Không!
Xin hãy thường niệm A DI ĐÀ PHẬT