Nữ giới từ nhỏ phải tập tánh nhu hòa thì suốt đời hưởng nhiều phước. Nếu không, chẳng những chính mình lắm bệnh, mà con cái cũng dễ bị chết hay lắm bệnh.
“Những phụ nữ trẻ tuổi nếu vừa nổi nóng xong liền cho con bú sữa mẹ, đứa bé có thể bị chết; là vì sự nóng giận khiến cho sữa bị trở thành chất độc. Sự nóng giận của con người vào lúc chưa phải bị đau khổ trí mạng còn độc đến thế, huống là cái đau mất mạng của những loài lợn, dê, gà, vịt, cá, tôm v.v… há có thể nào thịt chúng nó chẳng độc ư?
Hơn 10 năm về trước, tôi thấy một cuốn sách nói: “Một phụ nữ Âu Tây tánh tình nóng nảy quá mức, ngày nọ vừa nổi nóng xong, cho con bú, đứa bé chết ngay, chẳng biết vì nguyên do gì. Về sau lại sanh đứa khác, lại nhân lúc nóng giận xong cho con bú, đứa bé chết tươi; bèn đem sữa đi xét nghiệm thì thấy có chất độc, mới biết cả hai đứa con đều chết vì bú sữa độc”.
Gần đây, có một bà cụ đến quy y, tôi bảo cụ ăn chay vì thịt có chất độc và kể chuyện người phụ nữ Âu Tây do nóng giận mà sữa hóa thành chất độc làm chết hai đứa con để làm chứng.
Bà cụ ấy bảo bà ta cũng có hai đứa con cũng bị chết giống như vậy, vì ông chồng cụ tánh khí ngang ngược, man rợ, cứ hễ trái ý liền đánh vợ nhừ tử. Con thơ trông thấy khóc òa lên, liền cho con bú. Đứa bé chết liền!
Lúc ấy, cụ chẳng biết là chết vì sữa đã trở thành chất độc. Con dâu cụ cũng vì cho con bú mà chết mất một đứa. Đủ thấy con nít trong đời bị trúng sữa độc chết chẳng biết là bao nhiêu. Từ người phụ nữ Tây Phương phát giác trước tiên cho đến cụ bà này xác nhận, mới thấy thật minh bạch.
Vì thế, phụ nữ cho con bú sữa mẹ chớ nên nổi nóng. Nếu như đang giận dữ quá mức thì hôm ấy đừng có cho con bú, cần phải đợi đến hôm sau (19), tâm trạng lắng dịu, lúc hết cơn giận hờn thì mới cho con bú không ngại gì. Nếu ngay hôm đó cho con bú rất có thể làm chết con. Nếu không chết ngay, rất có thể là chết dần dần.
Do vậy, biết rằng: Trâu, dê v.v… lúc bị giết tuy chẳng nói được, nhưng chất độc do lòng oán hận kết lại trong thịt nơi thân chúng cũng chẳng ít ỏi gì! Kẻ biết tự thương mình cố nhiên phải nên kiêng ăn thịt vĩnh viễn để tránh khỏi các thứ tai họa trong đời này, đời sau!
Chuyện này rất ít người biết; vì thế, phải nêu rõ ra, mong sao mọi người lưu ý. Lấy đó làm chứng, cần biết rằng: Khi người ta nóng giận, chẳng những sữa có chất độc mà nước mắt, nước miếng cũng đều có chất độc. Nếu những thứ này rơi rớt vào mắt, vào thân trẻ nhỏ cũng gây hại chẳng cạn.
Có một vị bác sĩ đến quy y, tôi hỏi ông ta: “Trong sách thuốc có nói đến điều này hay không?” Ông ta đáp: “Không biết!” Trong thế gian chuyện vượt ngoài tình lý khá nhiều, chẳng thể vì chúng không hợp khoa học mà coi thường được!
Chẳng hạn như cách trị bệnh sốt rét thì dùng một tấm giấy trắng rộng hai tấc, viết ô mai (hai trái), hồng táo (hai trái), hồ đậu (tùy theo bệnh nhân bao nhiêu tuổi, viết bấy nhiêu hạt. Như 10 tuổi, viết 10 hạt. 20 tuổi viết 20 hạt) xếp lại.
Trước lúc cơn bệnh phát ra khoảng một tiếng đồng hồ, quấn trên bắp tay, nam bên trái nữ bên phải thì bệnh sẽ chẳng phát nữa. Trăm lần áp dụng, trăm lần hiệu nghiệm. Dù bệnh đã hai ba năm chẳng lành, cũng chữa lành được.
Chẳng phải bùa, chẳng phải chú, chẳng phải thuốc mà trị lành được bệnh ngặt, há có thể vận dụng lý thông thường để giải thích hay chăng? Sự thể trong thế gian đều khó thể nghĩ bàn cả!
Như mắt thấy, tai nghe là chuyện cực bình thường, ai ai cũng biết cả, nhưng nếu hỏi vì sao mắt thấy được, vì sao tai nghe được thì những người biết rất ít!
Trong Phật pháp cũng có những sự chẳng thể nghĩ bàn nhưng lại nghĩ bàn được, có những sự có thể nghĩ bàn nhưng lại chẳng thể nghĩ bàn được. Thần diệu nhưng minh bạch, tồn tại ngay trong con người, há nên dùng lẽ thường tình để suy lường ư!
(Thượng Hải Hộ Quốc Tức Tai Pháp Ngữ
– Ngày thứ sáu: Dùng Chân Đế và Tục Đế để phá trừ kiến chấp và trần thuật những chuyện linh cảm gần đây)
Sữa độc (sữa của người mẹ nóng giận) giết trẻ nhiều hơn do phá thai hay trấn nước con gái (20). Tiếc rằng những danh y từ xưa chưa từng nói đến chuyện này. Kẻ không biết nguyên nhân luôn đổ lỗi cho số mạng, chẳng biết đấy nào phải do số mạng.
Phàm nữ nhân tánh tình nóng nảy, con cái họ phần nhiều bị chết (nổi nóng lên cho con bú, con sẽ bị chết vì sữa hóa độc). Dù không chết, cũng lắm bệnh (nổi nóng nho nhỏ sẽ thành bệnh).
Nữ giới từ nhỏ phải tập tánh nhu hòa thì suốt đời hưởng nhiều phước. Nếu không, chẳng những chính mình lắm bệnh, mà con cái cũng dễ bị chết hay lắm bệnh. Gia đạo bất hòa đến nỗi suy vong, tai họa thường thấy hằng ngày; đây quả thật là nền tảng để lập gia, lập quốc vậy.
(Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên – Thư trả lời cư sĩ Ninh Đức Tấn (thư thứ 17)
(19) Chú thích của người biên tập:
Tổ Ấn Quang có giải thích thêm về chuyện sữa độc này trong «Thư trả lời cư sĩ Lý Đức Minh»: Thưa ông Đức Minh! Chuyện thế gian muốn làm cho không phạm lỗi thì đều phải tận hết một phen tâm lực, nếu chẳng chú tâm thì công ít, lỗi nhiều. Vào mùa Thu năm ngoái, Quang mới biết nỗi thảm của sữa độc giết chết trẻ con, vì thế đã nói tới trong dịp khai thị cho pháp hội Tức Tai. Như sau khi người mẹ nổi nóng đùng đùng, phải sau một ngày, đợi cho tới khi độc tánh của sữa đã hết mới cho con bú được. Mùa Xuân năm nay nghe nói người chết lẫn người bệnh nhiều lắm, do vậy soạn một tờ thông báo rộng rãi về chuyện sữa độc giết trẻ, khuyên ba ngày sau khi nóng giận mới cho bú. Thư ấy được in ra gởi cho một đệ tử ở Nam Kinh, ông ta đem thư ấy kể với vợ. Vợ ông ta vốn là người Tây Dương, bảo: “Đấy gọi là Sữa Bị Nung Nóng Vì Lửa Giận. Hễ nóng giận, phải đợi tâm bình khí hòa. Nếu không, lòng ôm mối hận, sữa khó thể chuyển thành tốt được! Nửa ngày sau khi đã bình tâm rồi mới có thể cho bú. Lúc cho bú, trước hết phải nặn sữa ra độ nửa chén trà đổ đi, rồi mới cho trẻ bú thì sẽ không bị họa hoạn gì. Nếu để sau ba ngày, vú sẽ bị căng nhức, đâm ra chẳng tốt đẹp gì!” Vì thế, cho thay đổi Chỉ Bản để in lần thứ hai ba vạn cuốn [Ấn Quang Văn Sao Tục Biên] sẽ không bị sai. (trung lược) Tất cả khai thị trong pháp hội Tức Tai và tờ thông cáo rộng khắp về chuyện sữa độc giết chết trẻ thơ đều phê rõ cao lên một dòng, phía dưới thì bôi bỏ chữ “sau ba ngày” để tránh hậu hoạn.”
(20) Đây là một hủ tục ở thôn quê Trung Hoa thuở xưa. Trong năm đói kém, nếu sanh ra con gái, đứa bé ấy sẽ bị bỏ mặc cho chết đói hay trấn nước cho chết, chỉ giữ con trai lại với mục đích nối dòng. Cách này cũng áp dụng nếu người mẹ sanh quá nhiều con gái nhưng chưa sanh được con trai.