Ngày nay mọi người học Phật nhưng không có được lợi ích từ Phật pháp, nguyên nhân gì vậy? Không nhìn thấu, không buông xuống.
Phật pháp có tồn tại được đến ngày hôm nay, là được sự giúp đỡ của phương tiện truyền thông và truyền phát trên vệ tinh internet. Nhưng nền giáo dục trong xã hội là có sự hiểu lầm, xuyên tạc Tôn giáo, tạo thành chướng ngại nghiêm trọng.
Đến năm 26 tuổi, tôi gặp được tiên sinh Phương Đông Mỹ mới bắt đầu học Phật. Tôi theo Thầy học Triết Học, thầy giảng cho tôi nghe bộ triết học khái luận.
Bắt đầu nói từ triết học Tây Dương, nói đến Trung Hoa, nói đến Ấn Độ. Ấn Độ là nói đến triết học kinh Phật. Tôi nghe thấy đề tài này, tôi liền thưa với thầy: Phật giáo là Tôn giáo, là mê tín, sao có thể là triết học?
Thầy nói với tôi: Con còn trẻ (năm đó tôi 26 tuổi, Thầy nói tôi còn trẻ), con vẫn chưa biết Thích Ca Mâu Ni Phật là nhà triết học vĩ đại nhất trên thế giới.
Câu nói này trước giờ tôi chưa từng nghe ai nói. “Nhà triết học vĩ đại nhất, kinh điển đại thừa là đỉnh cao nhất của triết học thế giới, học Phật là sự hưởng thụ cao nhất của đời người”. Tôi vào cửa Phật là như vậy đó, cho nên không phải bước vào từ mê tín.
Sau đó không lâu tôi biết được đại sư Trương Gia, tôi liền thưa với đại sư Trương Gia: “Con theo Thầy Phương học về triết học, biết được triết học kinh Phật là đỉnh cao nhất, vĩ đại nhất trên thế giới, có cách nào để con nhanh chóng thâm nhập không?”.
Đại sư Trương Gia nghe xong câu hỏi của tôi, nhìn tôi mà không nói lời nào. Nhìn hơn nửa tiếng đồng hồ, thật sự mà nói ngài đang kiểm tra xem tôi có lòng nhẫn nại hay không? Có định lực hay không? Không có lòng nhẫn nại, không có định lực là xong rồi, ngài không nói nữa. Tôi cũng không tệ, tôi cứ ngồi đợi ngài.
Đợi hơn nửa tiếng đồng hồ, ngài nói một chữ: “Có!”. Tôi đợi hơn nửa tiếng thật không dễ chút nào, đợi một chữ được nói ra “có” rồi, nên rất vui mừng, tính nông nổi lại bộc phát. Lại khoảng 10 phút không nói gì, 10 phút sau ngài nói sáu chữ: “Nhìn cho thấu, buông cho xuống”. Chúng ta không có lòng nhẫn nại như đại sư, chúng ta nghe câu hỏi xong thì nhanh chóng đưa ra câu trả lời.
Tôi nói: Nhìn cho thấu, buông cho xuống, ý này con không hiểu cho lắm?
Ngài liền nói với tôi: Trong Phật pháp, nói đến phương pháp có ba chữ: Giới- Định- Tuệ. Vì sao trì giới? Vì để tu định. Vì sao phải tu định? Là để khai ngộ. Khai ngộ mới thật sự thành tựu.
Tôi hỏi ngài: Bắt đầu từ đâu? Làm sao nhìn thấu buông xuống? Đây là then chốt. Buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Vì sao vậy? Nó là vọng tâm, là sự nông nổi, nó sanh phiền não, không sanh trí tuệ. “Định”, định là chân tâm. Vì vậy “Nhân chi sơ tính bổn thiện, tính tương cận tập tương viễn”.
“Tính bổn thiện” đó là gốc, chúng vốn dĩ là như vậy, vốn dĩ có vô lượng trí tuệ. Trí tuệ không phải từ bên ngoài có được, bên ngoài không có trí tuệ, chỉ có tri thức. Vì vậy hiện nay có rất nhiều người trộn lẫn tri thức và trí tuệ với nhau. Không hiểu được rằng trí tuệ từ định mà sanh ra, dần dần sau đó khoảng 10 năm sau tôi mới lãnh hội được, lúc đó vì sao ngài không nói. Ngồi ở đó không nói lời nào, là cho chúng tôi buông xuống tâm nông nổi thì mới được khai trí tuệ. Quí vị mới hiểu được lời nói của ngài.
Tôi hỏi ngài về phương pháp, ngài nói “Có”, nhìn thấu buông xuống bắt đầu từ đâu? Từ khởi tâm động niệm, bắt đầu từ chỗ động ý niệm, rất gần với Thiền Tông. Định sanh trí tuệ, mắt thấy là trí tuệ, tai nghe cũng là trí tuệ, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần đều sanh trí tuệ.
Tuy rằng ngài không lên lớp dạy cho tôi, những buổi giao lưu này để chúng tôi thể hội dần dần. Ngài rất từ bi, một tuần gặp một lần, một tiếng đồng hồ. Nếu tôi không đến mà cũng không gọi điện thoại cho ngài, ngài sẽ hỏi tôi: “Sao con không đến lớp?”. Ngài rất từ bi. Vì vậy nhìn thấu và buông xuống rất quan trọng.
Ngày nay mọi người học Phật nhưng không có được lợi ích từ Phật pháp, nguyên nhân gì vậy? Không nhìn thấu, không buông xuống. Không nhìn thấu là không có trí tuệ, không buông xuống là không có công phu. Công phu là buông xuống, quả thật có thể nhìn thấu thì quí vị tự nhiên sẽ buông xuống. Quí vị buông xuống bao nhiêu thì trí tuệ mở ra bấy nhiêu, nó hỗ trợ cho nhau.
Khi tôi ra về đại sư nói với tôi: “Hôm nay tôi nói với cậu sáu chữ nhìn cho thấu, buông cho xuống, cậu cố gắng làm sáu năm”.
Ngài muốn tôi làm sáu năm, tôi theo ngài ba năm thì ngài vãng sanh rồi, nền tảng thật sự chính là nhìn thấu buông xuống. Nhìn thấu là hiểu rõ chân tướng sự thật, gọi là nhìn thấu. Buông xuống là không được để ở trong tâm, bất luận là việc gì, ý niệm gì cũng không để trong tâm. Nếu để ở trong tâm thì trí tuệ của quí vị bị che lấp rồi. Bây giờ chúng tôi biết trong tâm chứa cái gì, không để gì trong tâm cả. Nói là “tâm không không”rất trừu tượng, rất khó có được lợi ích, thật ra đó là công phu chân thật.
Hôm nay chúng ta hiểu rõ rồi, đưa A Di Đà Phật vào trong tâm, không có ý niệm nào khác chỉ một niệm này. Có thể khai mở trí tuệ không? Không nhất định, nhưng chắc chắn được vãng sanh. Vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc vấn đề hoàn toàn được giải quyết, điều này quan trọng. Quan trọng hơn tất cả, chính là dùng một câu Di Đà để thay thế, tất cả vọng tưởng phân biệt chấp trước chỉ một câu “A Di Đà Phật” là được rồi.
Chấp trước câu Phật hiệu này, tâm dần dần được thanh tịnh, tâm thanh tịnh sanh trí tuệ. Nhìn mọi thứ, nghe mọi thứ rất dễ dàng hiểu rõ, sẽ không bị cảnh giới lừa gạt, cũng không bị vọng niệm làm chướng ngại. Vì vậy Phật pháp thù thắng, tương ưng với văn hoá truyền thống Trung Hoa, đều là một đạo lý, một phương pháp.
Nhà Phật giảng “nhìn thấu buông xuống”, bước vào cửa Phật từ đây, thực hành từ đây. Quí vị xem nhà Nho, trong sách đại học nói “cách vật trí tri”, hoàn toàn tương đồng, “cách vật” là buông xuống, “trí tri” là nhìn thấu.
“Cách” là đánh nhau, đánh nhau với ai? Đánh với dục vọng của quí vị, đánh bại dục vọng thì tâm thanh tịnh, ý nghĩa là như vậy. Không phải kêu quí vị thật sự đi đánh nhau, vì vậy trí tuệ của người thế gian đâu mất rồi? Vốn dĩ đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai.
Trong kinh Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ và đức tướng của Như Lai, nhưng do vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc”. Quí vị nghĩ xem, vọng tưởng lợi hại biết bao!
Người hiện nay học Phật rất khó, từ nhỏ đã nhồi nhét vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Ai nhồi nhét? Ti vi, internet. Đầu óc của trẻ em hiện nay chứa đầy những thứ này, phiền phức rồi! Chúng rất dễ tạo nghiệp, chúng còn cho rằng chúng rất giỏi “Tôi tạo tội người khác không bắt được tôi”, chúng không biết được đạo lý nhân quả.
A Di Đà Phật!
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không.
Khai Thị Vào Bữa Tối Ngày 16-1-2018. Tại Chùa Cực Lạc Đài Nam.
Tâm Hướng Phật/St!