Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Tha lực, tự lực là gì? Khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo

Trong Phật giáo, tự lực và tha lực thường được nhắc đến. Thoạt đầu ta cứ nghĩ đây là hai khái niệm hoàn toàn đối lập và không liên quan gì với nhau, nhưng sự thật chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

1. Khái niệm về tự lực và tha lực

Tự lực là gì? Tự lực là chỉ cho sự nỗ lực của chính bản thân mình nhằm đạt được mục đích hay điều gì đó. Ví dụ trong học tập, nếu ta cố gắng chăm chỉ thì có thể đạt được thành tích tốt trong thi cử.

Tha lực là gì? Tha lực là chỉ cho sự tác động của yếu tố bên ngoài đến tự thân, và tùy theo mức độ của sự tác động mà bản thân ta chịu sự ảnh hưởng nặng hay nhẹ. Ví dụ nếu ở trong một môi trường giáo dục tốt thì tri thức, nhân cách đạo đức… của chúng ta dễ phát triển theo chiều hướng tích cực.

Trong Phật giáo, tự lực và tha lực thường được nhắc đến. Thoạt đầu ta cứ nghĩ đây là hai khái niệm hoàn toàn đối lập và không liên quan gì với nhau, nhưng sự thật chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

2. Phật giáo Nguyên thủy đề cao vai trò tự lực

Trong Phật giáo Nguyên thủy, tinh thần tự lực được thể hiện qua câu “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Lời dạy này nhằm khuyến khích hàng đệ tử phải nỗ lực tu tập, tự chuyển hóa chính mình, nương theo Chánh pháp để đạt giải thoát: “Vậy này Ᾱnanda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một điều gì khác”.

Lời di huấn này của Đức Thế Tôn khẳng định tinh thần tự nỗ lực và tự giác ngộ. Hàng đệ tử Phật cần phải tự mình soi sáng cho chính mình bằng cách nương tựa Chánh pháp. Chỉ bằng việc dùng Chánh pháp để tu tập mới có thể đạt được tuệ giác, thấy được nguyên nhân của khổ đau, đó là do nghiệp: “Này các Tỷ-kheo, các chúng sinh là chủ của nghiệp, là những kẻ thừa tự của nghiệp, là sinh căn của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm làm nghiệp gì, thiện hay ác, họ là những kẻ thừa tự của nghiệp ấy”.

3. Tự lực và tha lực trong Phật giáo Đại thừa

Nếu Phật giáo Nguyên thủy đề cao tinh thần tự lực thì đến giai đoạn Phật giáo Đại thừa lại xuất hiện thêm yếu tố tha lực, tức phải nhờ sức mạnh bên ngoài trợ duyên mới có thể đạt được giải thoát.

Tịnh Độ tông là tông phái nhấn mạnh tinh thần tha lực, tức nương tựa vào hạnh nguyện độ sinh của Đức Phật A Di Đà để được vãng sinh về quốc độ của Ngài. Trong kinh A Di Đà, Đức Phật dạy:

“Xá Lợi Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đến Đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu của Đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không tạp loạn. Thời người đó đến lúc lâm chung, Đức Phật A Di Đà cùng hàng Thánh chúng hiện thân ở trước người đó. Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi nước Cực lạc của Đức Phật A Di Đà”.

Theo Tịnh Độ tông, một người cho dù thiện hay ác, tốt hay xấu, nếu đặt niềm tin tuyệt đối và hết lòng trì niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà thì có thể sinh về thế giới Cực lạc. Trong kinh Diệu pháp liên hoa, phẩm Phổ môn, yếu tố tha lực cũng được nói đến:

“Phật bảo ngài Vô Tận Ý Bồ-tát. Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sinh chịu các sự khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ-tát này một lòng xưng danh. Quán Thế Âm Bồ-tát tức thời xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát”.

Tương tự như vậy, những bản kinh Đại thừa khác như Kinh Dược Sư (Mười hai lời nguyện của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương), Kinh Địa Tạng (Nguyện lực cứu khổ địa ngục của Địa Tạng Vương Bồ-tát), kinh Phổ Hiền hạnh nguyện (Mười hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát) v.v… cũng đề cập đến yếu tố tha lực.

Tha lực, tự lực là gì? Khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo

4. Nhân của tự lực và duyên của tha lực

Nếu cứ căn cứ vào “Tự Lực” mà nói: Lúc bình thường có lòng tin kiên cố có cõi Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, thâm tín có Phật A Di Đà, một lòng một dạ chí nguyện thiết tha sinh sang nước Phật, gặp Phật Di Đà, mong Phật thụ ký, mà chí thành nhất tâm niệm Phật, cầu sinh tịnh độ, gặp Phật Di Đà. Từng câu từng chữ từ tâm mà phát khởi, từ miệng mà xuất ra, từ tai mà đi vào, từng niệm, từng niệm liên tục không có gián đoạn, âm điệu nhu hòa ái nhã, thanh điệu mẫn khỗ thương yêu. Mỗi niệm mỗi niệm đều đầy đủ chí nguyện thiết tha, từng câu từng câu Phật hiệu đều là nguyện sinh nước Phật, mong Phật từ bi gia trì nhiếp thọ, nguyện Phật thương xót phóng tay tiếp dẫn.

Di Đà Như Lai thương yêu chúng sinh, như mẹ nhớ con, chúng sinh tín nguyện trì danh, nhớ Phật niệm Phật, như con nhớ mẹ, hai thứ đó mà ức niệm sâu sắc, không có khác nhau, thì sẽ có sự cảm ứng đạo giao, ngay liền lập tức được Phật nhiếp thọ. Cũng không cần biết có những cảnh khổ vui hay thuận nghịch, đều nên dứt bỏ tất cả các thứ duyên ở bên ngoài, không được tùy theo cảnh chuyển mà tâm mình cũng chuyển, mà hầu hết ở các thời, các chỗ phải chuyên cần xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, thu nhiếp sáu căn, niệm niệm liên tục, lâu ngày công phu sẽ thuần thục, đến khi lúc mạng chung mới có thể bỏ hết duyên trần, đề khởi niệm Phật. Lâm chung nếu chính niệm chẳng mất, ắt sẽ mong Phật tiếp dẫn, chỉ cần trong khoảng búng một móng tay, thì ngay lập tức sinh về nước Phật Tây Phương Cực Lạc của đức Di Đà.

Người bệnh khi chuẩn bị lâm chung, những người đứng bên cạnh vì họ mà trợ niệm, một là có thể giúp bệnh nhân khởi lên tâm niệm Phật, hai là có thể giúp bệnh nhân sám hối tội chướng; nếu nghiệp chướng của họ mà tiêu trừ, thì đài sen bằng vàng cùng chư thánh chúng, tịnh độ thánh cảnh, tự nhiên hiện lên trước mắt họ.

Nếu như lúc lâm chung mà cũng được như lúc khỏe mạnh, lòng tin chân thật, nguyện sinh gặp Phật thiết tha, lại có tâm khẩn thiết niệm Phật vãng sinh, đó chính là một cái tâm niệm Phật cuối cùng, cũng chính là nhân của “Tự Lực”.

Lại có trường hợp khi lúc bình thường khỏe mạnh, là người không biết tín nguyện niệm Phật, hay có tín nguyện niệm Phật mà công phu chưa được thuần thục, đến lúc lâm chung được gặp các bậc thiện hữu tri thức khai đạo chỉ bày cho, mà tâm liền sinh lòng hoan hỷ vui vẻ, phát khởi chính tín, khuyên nên buông bỏ tất cả mọi thứ, nhất tâm niệm Phật, cầu sinh tịnh độ. Lúc đó những người bạn đồng tu cùng với gia đình niệm danh hiệu Phật, và để từ mười đến mười hai tiếng đồng hồ không có lay động di chuyển, cũng chẳng khóc than, đó chính là cái duyên của “Tha Lực”.

Đến khi lâm chung, có đầy đủ không khuyết cái nhân của “Tự Lực” và cái duyên của “Tha lực” thì ắt sẽ có sự cảm ứng đạo giao, mong Phật tiếp dẫn. Trước và sau khi niệm Phật tức liền vãng sinh sang thế giới Tây Phương của đức Phật A Di Đà. Nếu trong mỗi chúng ta đều có đầy đủ những điều kiện nhân duyên kể trên, thì vạn người tu vạn người vãng sinh.

Khi khỏe mạnh bình thường, tuy có tín nguyện niệm Phật, nhưng đến khi lâm chung, bệnh khổ bức bách, cái tâm niệm Phật không thể phát khởi được, hoặc ham muốn dục lạc ở thế gian, thương con nhớ cháu, của cải vật chất, công ăn việc làm không buông bỏ được. Đó chính là không đủ cái nhân của “Tự Lực”. Nếu khi lâm chung không có các bậc thiện hữu tri thức đến khai đạo, lại cũng không có người trợ niệm – niệm danh hiệu Phật giúp cho, lại gặp phải gia đình không hiểu biết xoay vần di chuyển, khóc than kêu gào phá hoại chính niệm của mình, lúc đó có miệng mà không nói được, sự đau đớn thống khổ càng gia tăng gấp bội, đó chính là không đầy đủ cái duyên của “Tha Lực” vậy.

Lại có trường hợp đến khi lâm chung có cái nhân của “Tự Lực” mà thiếu đi cái duyên của “Tha Lực”, hay người có công phu thuần thục nắm chắc được việc vãng sinh, không cần đến sự trợ duyên của việc trợ niệm, nhưng vì người nhà lay gọi chuyển động khóc lóc kêu gào phá hoại hết chính niệm của mình, thì đó đều gọi là có nhân mà không có duyên vậy, cũng không được vãng sinh.

Đến lúc lâm chung, nếu đơn độc nhờ vào sự khai đạo chỉ bày của thiện hữu tri thức, gia quyến cũng giúp cho trợ niệm, không chuyển động, cũng chẳng khóc than, đó là cái duyên chẳng tốt lắm sao? Nhưng vì bệnh khổ bức bách, yêu thương luyến tiếc tình ái thế gian, tiền tài của cải, mà không buông bỏ được, do đó mà không phát khởi được tâm tín nguyện niệm Phật, như đó gọi là “Có duyên mà không có nhân”, hạng người này cũng không được vãng sinh.

Hoằng nguyện của đức Phật A Di Đà cũng như vầng trăng sáng, chẳng có chỗ nào là không soi rọi; chúng sinh niệm Phật cũng ví như mặt nước sâu thẳm vẳng lặng không có gợn sóng, nước lặng thì trăng sẽ hiện lên. Tâm chúng ta cũng ví như vậy, nếu tâm thanh tịnh, Phật tính của chúng ta sẽ hiện bày. Người niệm Phật căn cơ thuần thục, cảm thông tương ứng, thừa nguyện lực của Phật đều được vãng sinh.

5. Kết luận

Tự lực và tha lực là hai yếu tố có liên quan đến sử dụng sức lực của mình hoặc nương nhờ vào sức lực của người khác. Điểm quan trọng là hai yếu tố này bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Một người muốn đi qua con sông lớn ngoài sự quyết tâm cần phải có phương tiện, phương tiện đó được xem như là tha lực, người đi trên chiếc thuyền phải vận dụng một cách khéo léo để cùng với chiếc thuyền di chuyển đến đích an toàn. Tha lực được ví như hình ảnh là chiếc thuyền để nương nhờ đó mà qua sông, hoặc là nhờ vào ngón tay để thấy được mặt trăng. Cũng vậy, Đức Phật tùy vào những hạng người có căn cơ, trình độ khác nhau mà rộng nói các pháp môn để cho chúng ta tu tập, các bộ kinh Đại thừa đã chủ trương và đề cập đến như: Kinh Pháp Hoa, kinh A Di Đà, kinh Hoa Nghiêm… Cho nên, điểm tương đồng ở đây là trong tự lực có tha lực và ngược lại trong tha lực có tự lực.

Điểm khác biệt giữa tự lực và tha lực không nằm ngoài ý nghĩa của nó. Một là tự sức lực của chính mình, hai là sức lực của chư Phật và Bồ tát. Trong Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa đều chủ trương tinh thần tự lực trong tu tập, bên cạnh đó Phật giáo Đại thừa lại phát triển và rộng mở thêm tinh thần tha lực trong tu tập, sử dụng nhiều phương pháp tu tập và hành trì để phù hợp căn cơ của mọi chúng sanh.

Tự lực và tha lực là hai yếu tố không thể thiếu trong lộ trình tìm kiếm ánh sáng giải thoát. Ngoài ý chí và nghị lực tiến tu, hành giả cần phải nương vào giáo pháp, nương vào nguyện lực mới đạt được thành quả mỹ mãn. Tha lực được xem như một phương tiện để giúp tự lực phát huy tác dụng. Luôn có sự thống nhất giữa tự lực và tha lực, tự tha song hành, không thiên lệch. Như vậy, tha lực luôn mang ý nghĩa của tự lực và ngược lại, hai yếu tố đó bổ trợ cho nhau để thúc đẩy sự thăng hoa của mỗi hành giả trên bước đường tu nhân học Phật.

Thiết nghĩ, trong sự tu tập và hoằng hóa lợi sanh thì yếu tố tự lực đóng vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, cũng cần những tác nhân trợ duyên – chính là tha lực thì mới đạt lợi ích thiết thực.

Theo tamhuongphat.com/TH!

Bài viết cùng chuyên mục

Quỷ là gì? Vì sao chúng có thể biến hóa thành người, súc sanh?

Định Tuệ

Kinh Bát Đại Nhân Giác điều giác ngộ thứ tư giảng giải

Định Tuệ

Lược đàm về Tham phiền não – Đối trị dục nhiễm, tham vi tế

Định Tuệ

Thế giới Tây Phương Cực Lạc cùng với thế gian chúng ta hiện nay có khác biệt gì không?

Định Tuệ

Tại sao mình lại cần phải mau thoát vòng luân hồi sanh tử?

Định Tuệ

Pháp môn Niệm Phật là pháp môn ngay đời này thành Phật

Định Tuệ

Những công năng khi trì niệm Thần Chú Dược Sư

Định Tuệ

Lược đàm về Si phiền não – Phải diệt niệm buồn chán

Định Tuệ

Lòng tin, cửa vào Tịnh độ: Sự trọng yếu của lòng tin

Định Tuệ

Viết Bình Luận