Thực thời ngũ quán chỉ cho 5 điều quán tưởng trước khi ăn cơm. Ăn cơm có quán niệm là ăn cơm trong chánh niệm, tỉnh thức, an lạc…
Thực thời ngũ quán là gì?
Thực thời ngũ quán chỉ cho 5 điều quán tưởng trước khi ăn cơm. Trong Thiền lâm, khi thụ trai thực, trước phải xướng tụng văn Thực thời ngũ quán và quán tưởng về nội dung của bài kệ 5 điều này.
Điều Phó chúc phạn trong Thiền uyển thanh qui quyển 1 (Vạn tục 111, 441 thượng) nói: Đợi khi nghe tiếng kiểng (chùy), chắp tay vái, sau đó tưởng Ngũ quán.
Văn Ngũ quán như sau: Nhất kế công đa thiểu lượng bỉ lai xứ. Nhị thổn kỉ đức hạnh toàn khuyết ứng cúng. Tam phòng tâm li quá tham đẳng vi tôn. Tứ chính sự lương dược vị liệu hình khô. Ngũ vị thành đạo nghiệp ứng thụ thử thực.
(Dịch ý: 1. Tính xem công lao mình nhiều hay ít, thức ăn này từ đâu đến? 2. Tự xét đức hạnh của mình có xứng đáng được cúng dường không? 3. Đề phòng tâm không phạm lỗi, không tham lam… 4. Coi thức ăn này chính là vị thuốc hay chữa bệnh hình khô. 5. Vì sự nghiệp thành đạo mà nhận thức ăn này.)
5 điều quán tưởng trước khi ăn cơm
Ăn cơm có quán niệm là ăn cơm trong chánh niệm, ăn cơm trong tỉnh thức, ăn cơm trong an lạc. Quán niệm như sau:
1. Nhìn bát cơm, hãy quán niệm về những nguồn lực đã làm cho có bát cơm, như: bác nông phu, con trâu, cái cày, hạt giống, đất, nước, ánh sáng, nhà máy xay lúa, phương tiện chuyên chở v.v… Quán niệm như vậy để thấy rằng, bát cơm đến với ta không phải là chuyện giản dị; không phải chỉ cần bỏ ra đồng bạc là có được bát cơm. Sự hiện hữu của bát cơm trước mặt ta đồng thời là sự hiện hữu của cả vũ trụ, trong đó có sự hiện hữu của ta. Bát cơm nuôi sống ta, đồng thời bảo cho ta biết là ta đang mang một nguồn ơn nghĩa vô tận mà ta có nhiệm vụ phải đáp đền.
Khi đã thực tập thuần thục, ta có thể quán niệm điều này bằng một ý tưởng ngắn gọn: “Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác.”
2. Nhìn bát cơm, hãy quán niệm về bản thân ta, xem có tư cách xứng đáng để ăn bát cơm ấy không. Ta nên lặp lại câu nói ở trên: “không phải chỉ cần bỏ ra đồng bạc là có được bát cơm.” Có những người giàu có tiền muôn bạc triệu nhưng không có tư cách xứng đáng để ăn bát cơm, hoặc có lúc không có được bát cơm để ăn.
Trong thiền môn có câu châm ngôn: “Bất tác bất thực” (không làm thì không ăn). Ý nghĩa của câu châm ngôn này là chính ta phải bỏ công sức ra để góp phần vào việc làm cho có bát cơm, để ta không phải hổ thẹn khi bưng bát cơm lên đưa vào miệng. Bưng bát cơm lên mà không thấy hổ thẹn tức là ta được ăn cơm trong an lạc.
Như trên vừa nói, sự hiện hữu của bát cơm trước mặt ta cũng đồng thời là sự hiện hữu của cả vũ trụ, vì vậy, không cứ gì phải trực tiếp cày cấy, xay lúa giã gạo mới là đóng góp công sức vào bát cơm, mà ta có thể cống hiến bất cứ khả năng nào mà ta có, cùng với thì giờ và tâm lực cho cuộc đời, là ta đã góp phần vào việc làm cho có bát cơm rồi vậy.
Khi đã thực tập thuần thục, ta có thể quán niệm điều này bằng một ý tưởng ngắn gọn: “Xin nguyện sống xứng đáng để thọ nhận thức ăn này.”
3. Nhìn bát cơm, dù ta đã quán niệm và tự biết mình có tư cách xứng đáng để ăn bát cơm, nhưng không vì thế mà cho rằng “ta có quyền ăn cho thỏa thích!” Ta nên tiếp tục quán niệm để biết xót thương những người đang chịu đói khát ở khắp nơi trên thế giới.
Quán niệm như thế ta sẽ bỏ được tính tham lam và phát triển tình thương trong ta, để một ngày nào đó, có thể lắm, ta sẽ làm được một cái gì để góp phần vào việc thay đổi tình trạng bất công của cuộc sống hiện nay.
Khi đã thực tập thuần thục, ta có thể quán niệm điều này bằng một ý tưởng ngắn gọn: “Xin nhớ ngăn ngừa những tật xấu, nhất là tật tham lam.”
4. Ngồi trước bát cơm mà lòng tham đã bị dập tắt thì hành giả sẽ thấy được rằng, bát cơm quả thật là phương thuốc mầu nhiệm để nuôi dưỡng và trị bệnh gầy yếu cho cơ thể. Khi đã thấy rõ như vậy, hành giả sẽ biết quí trọng thức ăn, và càng cẩn trọng trong việc chọn lựa thức ăn – nghĩa là chỉ ăn những thức ăn nào có tính chất nuôi dưỡng mà không gây tật bệnh cho cơ thể.
Cẩn trọng như thế là vì hành giả luôn luôn có ý thức rằng, nếu hành giả khỏe mạnh, an vui thì những người liên hệ chung quanh cũng khỏe mạnh, an vui; nếu hành giả bệnh tật, đau khổ thì họ cũng bị ảnh hưởng y như vậy.
Khi đã thực tập thuần thục, ta có thể quán niệm điều này bằng một ý tưởng ngắn gọn: “Chỉ xin ăn những thức ăn có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh.”
5. Nếu sự đam mê ăn uống không làm cho hành giả tu học và hành đạo được thì đói khát cũng không thể nào làm cho hành giả tu học và hành đạo được. Cho nên, khi nhìn bát cơm để trước mặt, hành giả hãy quán niệm để thấy đó là nguồn năng mầu nhiệm để nuôi sống và bảo vệ thân mạng. Thân mạng có được bảo vệ thì đạo nghiệp mới viên thành. Không riêng gì cho hành giả, mà bát cơm cũng còn là nguồn năng mầu nhiệm để nuôi sống và bảo vệ thân mạng của bao nhiêu triệu người đang bị đói khổ trên thế giới, cũng như của muôn loài chúng sinh khác.
Bệnh đói là một chứng bệnh vô cùng thê thảm trong đời sống nhân loại và mọi loài chúng sinh! Nếu ngồi trước bát cơm mà thấy được điều đó thì hành giả sẽ phát khởi tình thương rộng lớn và tâm nguyện vì đời phụng sự, đem khả năng và tâm lực giúp người cứu vật, cho đến khi thành tựu đạo nghiệp.
Khi đã thực tập thuần thục, ta có thể quán niệm điều này bằng một ý tưởng ngắn gọn: “Vì muốn thành tựu đạo nghiệp nên thọ nhận thức ăn này.”
Ý nghĩa của ngũ quán
Ngũ Quán chính là thông điệp đánh thức chúng ta quay về với thực tại, không tán tâm, tạp thoại khi ăn để thầm nguyện cầu cho thí chủ và xét soi lại bản thân mình. Chúng ta cũng biết rằng: “Vạn vật sống nhờ vào thức ăn”. Cho nên, ở chốn thiền môn, trước cửa trai đường thường khắc hai câu đối:
“Ngũ quán nhược tồn thiên kim dị hóa
Tam tâm vị liễu, trích thủy nan tiêu.”
Nghĩa là nếu chúng ta luôn giữ đủ năm phép quán thì dù ăn ngàn vàng cũng tiêu. Nếu trong khi ăn không làm chủ tâm, để cho tham sân si khởi lên thì dù có uống một giọt nước cũng khó tiêu. Đây là nhằm cảnh tỉnh người xuất gia khi bước vào trai đường phải tỉnh thức trong khi dùng cơm để không bị đọa lạc.
Đức Phật đã từng lấy ví dụ cho A Na Luật rằng: “Thí như con mắt dùng ngoại cảnh làm thức ăn, lỗ mũi dùng mùi hương làm thức ăn, lỗ tai dùng âm thanh làm thức ăn, miệng dùng vị nếm làm thức ăn, cơ thể dùng xúc chạm làm thức ăn …” ( Trích Thập đại đệ tử truyện – NXB Tôn giáo 2012, trang 218) cũng như vậy, trong tu tập, chúng ta cần một cơ thể tráng kiện để tu tập vì “có thực mới vực được đạo”. Để mở đường cho lộ trình tu tập hoàn thiện bản thân, chúng ta thọ nhận vật phẩm từ đàn na tín thí. Họ nhịn ăn, nhịn mặc, làm lụng vất vả, san bớt phần ăn của bản thân để cúng dường chúng ta, chúng ta hãy quán sự cực khổ, nhọc mệt ấy làm động lực cho sự tu tiến của bản thân. Đối với người xuất gia, điều căn bản là tu tập sao chế tác được năng lượng bình an, để bước đến chân trời “bất sinh bất diệt”.
Chúng ta có thể thấy, ngày nay, có nhiều người đến chùa cũng xuất gia nhưng không tinh tấn tu học. Họ xuất gia với tâm bất thiện, hơn thua, ngã mạn. Họ gây bao chuyện rắc rối, lôi thôi cho chùa, tu học với tâm bất thiện như vậy, thật là uổng phí. Họ tranh chấp, cãi vã, gây nên sự chia rẽ trong Tăng đoàn. Cũng có nhiều người, đi học không phải để giải thoát mà mưu cầu lợi ích cho bản thân. Họ ỷ vào nguồn lương thực do đàn na cung cấp. Họ cống cao, ngã mạn, bản thân họ bị lửa sân si đốt cháy, nay lại còn lan tỏa đến người xung quanh. Họ ở chùa cao cửa rộng, thong thả quanh năm, trong khi đàn na tính thí vất vả làm ăn, nhà tranh vách đất. Lấy sự cực nhọc của họ để cung phụng cho chúng ta, thử hỏi xem, chúng ta liệu có xứng đáng thọ nhận hay không? Nếu chúng ta không tỉnh táo quán xét, e rằng “phi mao đới giác, phụ trái hàm oan” thì thật uổng phí cho một đời xuất gia vậy.
Là một người xuất gia chân chánh, vì sự nghiệp hoằng dương giáo pháp, cứu độ chúng sanh, chúng ta phải nỗ lực tu tập, siêng năng tụng kinh, lạy Phật để trở thành mảnh ruộng phước điền màu mỡ, không phụ công ơn đàn việt, xứng đáng thọ nhận bữa cơm của đàn na tín thí mà không cảm thấy hổ thẹn. Bằng không sẽ như Tỳ kheo Đề Bà phải làm cây nấm để trả ơn cho ông trưởng giả Phạm Ma.
Chỉ với năm phép quán trên, Đức Phật đã giáo dục về trách nhiệm và bổn phận của chúng ta trong đời sống tu tập. Ngũ Quán là nền tảng giúp chúng ta suy xét về công lao, đức hạnh của mình xem chỗ nào thiếu sót mà sửa đổi. Hơn thế nữa, Ngũ Quán giúp chúng ta phòng ngừa tâm mình mà trong đó tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến,… làm gốc. Để từ đó, chúng ta nhận ra rằng, việc thọ thực là giúp nuôi cơ thể khỏi căn bệnh đói, để tu tập thành đạo nghiệp. Bấy nhiêu đó thôi, đã làm cho chúng ta vượt khỏi dòng thác của Vô thường, của phiền não, và là chiếc bè đưa chúng ta đến bờ giác. Chúng ta mỗi người xuất gia hãy nỗ lực để hoàn thiện tự thân và giúp tha nhân cùng đi trên đường giải thoát mãi mãi được an vui.
Tâm Hướng Phật/Th!