Bản Kinh Kim Quang Minh Hiệp Bộ do ngài Bửu Quý tổng hợp lại từ ba bản dịch kinh Kim Quang Minh vào niên hiệu Khai Hoàng năm thứ 17 (597).
Tựa Kinh Kim Quang Minh Hiệp Bộ
Chùa Nhật-Nghiêm, bực Sa-môn Thích Ngạn-Tông trình bày Kinh Kim Quang Minh này, chữ trọn giáo cùng dóng lên tiếng trống vãng trong giấc mộng, lý tột cõi chơn không, pháp báu vọt ra trên đất. Quả đủ ba Thân, đền trả báo xưa không kém khuyết. Nhơn tròn mười Địa, tỏ bày khẩm đủ nhiều kiếp chuyên tu, nên chi danh hiệu kinh xưng gọi “Kim Quang Minh” là vua của các kinh. Đặng xứng nói đây mới biết người hay, khen rộng ngôi vị khó lường ấy vậy.
Chùa Đại-Hưng-Thiện, bực Sa-môn Thích Bửu-Quý, người gần đời nhà Châu, hiển lộ thần túc của Ngài Đạo-An, đáng kính là trang Minh-tượng, thiệt đúng là bực Lương-tài, dạo xem các kinh, chưa từng hở tay, cũng đáng gọi là bực Thân-tử của Cù-Đàm, mà cũng là Nhan-Quyền giòng họ Khổng vậy. Song, ngài Bửu-Quý thấy đời nhà Tấn thuở xưa, bực Sa-môn Chi-Mẫn-Độ, hiệp hai chi của Trung-Hoa, hai chi Thiên-Trước, bà nhà Duy-Ma, ba bổn làm một bộ, tạo thành năm quyển. Nay có Sa-môn là Tăng-Tựu lại hiệp hai bổn sám của Ngài La-Thập và ngài Da-Xá, bốn nhà Đại-Tập, thành bốn bổn làm một bộ, tạo thành sáu mươi quyển, nếu không phải là thâu góp từ giọt nước làm nên biển cả, thì cũng là nhóm góp từng vật mọn bồi đặng non cao. Văn nghĩa các kinh họp nơi đây trọn đủ, đây là dấu tích của bực Tiên-triết để lại, Ngài Bửu-Quý bèn nương theo đó dùng làm quy củ. Kinh Kim Quang Minh thấy có ba bổn:
Ban đầu ở đời nhà Lương có ngài Đàm-Vô-Sấm, dịch làm bốn quyển gồm mười tám phẩm. Kế đó đời nhà Châu, ngài Xà-Na-Khuất-Đa dịch làm năm quyển, thành hai mươi phẩm. Sau đến đời nhà Lương, ngài Chơn-Đế Tam Tạng, trong niêm hiệu Kiến-Phương dịch thêm các phẩm: Ba Thân Phân-Biệt, Phẩm Diệt-Nghiệp-Chướng, Phẩm Đà-La-Ni Tối-Tịnh-Địa, Phẩm Y-Không Mãn Nguyện, tất cả là bốn phẩm, bổ túc thêm cho các phần trước, làm thành hai mươi hai phẩm.
Lời tựa nói rằng: Đàm-Vô-Sám Pháp-sư xưng tụng Kinh Kim Quang Minh, tự thấy mình thiên bẩm kém khuyết, mỗi khi tìm văn xét nghĩa cho rằng lời nói này có bằng chứng mà khi so sánh lại thì không có ý chỉ, nên ôm mãi những điều mờ mịt trong lòng. Ngài Bửu-Quý hằng than thở: Khinh này sâu xa bí nhiệm, tại sao cuối cùng lại không có lời Phó Chúc? Xưa tuy có ba bổn dịch, nhưng nghĩa vẫn chưa trọn đủ, ngài nghĩ tưởng mãi đến Phạn-văn, nguyện muốn đặng gặp gỡ.
Đời Đại-Tùy ngự trị, có kinh mới đem đến, vua sắc Quan Sở-Ty tiếp tục cùng nhau phiên dịch. Đến niên hiệu Khai-Hoàng năm thứ mười bảy, nhơn có mở ra một pháp tràng khuyến thỉnh Tam Tạng Pháp sư Xà-Na-Khuất-Đa nước Kiền-Đà-La người ở Bắc Thiên Trước, đây nói rằng Chí-Đức, ngài tìm lại được bổn xưa, quả có phẩm Phó Chúc, sau đặng phẩm Ngân-Chủ-Đà-La-Ni, cho nên biết nguồn dòng của Pháp-điển bị tán lạc, môn phái bị chia cắt.
Tìm theo nguồn dòng, lý khó trọn đủ, nên nương thao ngài Tam Tạng Pháp Sư là bực huệ tánh tỏ rõ, học nghiệp cao xa, các Kinh Luận nội-điển, ngoại-điển phần nhiều thông suốt. Ngài ở tại Kinh đô, chùa Đại-Hưng-Thiện, lo việc phiên dịch, gồm những bổn đã dịch trước kia, hiệp thành hai mươi bốn phẩm, biên làm tám quyển.
Các bực Học-sĩ ở nơi Thành-Đô là ngài Phí-Trường-Phòng, thông rành văn-phạm góp phần nhuận văn, bực Sa-môn chùa Nhật-Nghiêm là Thích Ngạn-Tông giảo chính tinh luyện. Pháp bảo đã đủ, vui vẻ trong sự chiên chép kinh điển thâm sâu, ngài nguyện ngọn đèn chánh pháp nay truyền đặng lâu dài trong đời.
Nghi thức khai Kinh trì tụng
Bài tán lư hương
Lư hương vừa ngún chiên đàn,
Khói thơm ngào ngạt muôn ngàn cõi xa,
Lòng con kính ngưỡng thiết tha,
Ngưỡng mong chư Phật thương mà chứng minh.
Nam Mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần)
Chơn-Ngôn tịnh pháp giới: Án Lam (7 lần)
Chơn-Ngôn tịnh khẩu nghiệp: Tu rị, tu rị, ma ha tu rị, tu tu rị, ta bà ha (3 lần)
Chơn-Ngôn tịnh ba nghiệp: Án ta phạ, bà phạ, thuật đà ta phạ, đạt ma ta phạ, bà phạ thuật độ hám (3 lần)
Chơn-Ngôn phổ cúng dường: Án, Nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhật ra hồng (3 lần)
Bài kệ khai Kinh
Phật Pháp rộng sâu rất nhiệm màu,
Trăm nghìn muôn kiếp khó tìm cầu,
Nay con nghe thấy chuyên trì tụng,
Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm màu…
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)
Nam Mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo (3 lần)
Mời quý bạn đọc tụng trọn bộ Kinh Kim Quang Minh Hiệp Bộ – Tỳ-kheo-ni Như Ấn dịch tại file PDF dưới đây.
[pvfw-embed viewer_id=”4654″ width=”100%” height=”600″ iframe_title=”Tâm Hướng Phật” zoom=”auto” pagemode=”none”]