“Phát Bồ-đề tâm” quan trọng hơn bất cứ điều gì. Trong Quán Kinh nói ba câu về Bồ-đề tâm là: chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm.
“Phát Bồ-đề tâm” quan trọng hơn bất cứ điều gì. Hôm nay nói một cách đơn giản với các vị về Bồ-đề tâm. Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh thuộc về năm kinh một luận, là kinh văn tu chính trong Tịnh Độ chúng ta. Trong Quán Kinh nói ba câu về Bồ-đề tâm là: chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm. “Chí thành tâm” là thể của Bồ-đề tâm. “Thâm tâm” là tự thọ dụng, chính là bạn dùng tâm gì đối với chính mình. “Hồi hướng phát nguyện tâm” là đối với người khác, là tha thọ dụng. Có thể có dụng, thể là chí thành, so với Khởi Tín Luận nói thì có chút không như nhau. Khởi Tín Luận nói thể của Bồ-đề tâm là “trực tâm”; tự thọ dụng là “thâm tâm”, cùng với trong kinh đã nói là như nhau; tha thọ dụng gọi là “đại bi tâm”. Chúng ta đem kinh luận hợp lại để xem, ý nghĩa rất rõ ràng. “Trực tâm” chính là tâm chân thành, chính là tâm chí thành. “Thâm tâm” thì kinh và luận nói đều như nhau. Nhưng tha thọ dụng thì cách nói không như nhau, kinh nói “hồi hướng phát nguyện tâm” là tha họ dụng, luận thì nói “đại bi tâm” là tha thọ dụng. Như vậy chúng ta biết được hồi hướng phát nguyện chính là đại bi tâm, tâm từ bi chính là hồi hướng phát nguyện. Tuy nhiên ý nghĩa hồi hướng phát nguyện thì hay, hết thảy công đức lợi ích mà chúng ta tu tích được bản thân không nên hưởng thụ, mà cho người khác hưởng thụ, đây là hồi hướng. Trong việc hồi hướng tuy rằng nói có ba loại hồi hướng: hồi hướng Bồ-đề, hồi hướng chúng sanh, hồi hướng thực tế, nhưng quan trọng nhất là phải hồi hướng chúng sanh. Ta có phước thì cùng hưởng với tất cả chúng sanh, không nên tự hưởng một mình, trong việc này thật sự có niềm vui, tương ưng với hồi hướng Bồ-đề, với hồi hướng thực tế.
Cổ Đại đức đối với kinh luận chú giải rất nhiều, chú giải rất sâu. Việc giảng đã không dễ, đương nhiên việc nghe càng khó mà hiểu được, đặc biệt là về “thâm tâm”. Thế nào gọi là “thâm tâm”? Trong Đại Kinh Giải của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ chúng ta có thể xem thấy, chú giải của Ngài rất đáng để cho chúng ta làm tham khảo. Về Bồ-đề tâm, tôi nói với mọi người gồm mười chữ: tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi. Tôi dùng mười từ này thì mọi người dễ hiểu hơn. “Chân” thì không phải “giả”, “thành” thì không phải “hư”, không thể nào hư giả. Phải dùng tâm chân thành để đối đãi với hết thảy người, hết thảy việc, hết thảy vật. Người khác lừa gạt ta, ta vẫn dùng chân tâm đối đãi với họ, như vậy chẳng phải ta đã bị thiệt thòi, bị mắc lừa rồi sao? Đúng vậy, bạn nghĩ đến thiệt thòi, mắc lừa thì bạn hãy nghĩ đến sáu điều [cảm ân] mà tôi vừa mới nói. Học Phật là học cái gì? Chính là học bị thiệt thòi, chính là học bị mắc lừa, bị thiệt thòi bị mắc lừa một cách rõ ràng minh bạch chứ tuyệt đối không phải ở trong mê hoặc. Bị thiệt thòi, bị mắc lừa một cách lơ mơ hồ đồ thì bạn thật sự là đã bị thiệt thòi, đã bị gạt rồi. Bị thiệt thòi mắc lừa rất rõ ràng minh bạch thì bạn không bị thiệt thòi, bạn cũng không bị mắc lừa, vả lại còn nâng cao đức hạnh của chính mình, nâng cao cảnh giới của chính mình, vậy thì làm gì có thiệt thòi, bị lừa chứ. Đạo lý này không thể không biết, không thể không học. Sau khi học rồi thì bạn mới giống như Khổng Lão Phu Tử nói: “Học rồi thường luyện tập, chẳng phải vui lắm sao”, vui sướng vô cùng! Bạn xem người thế gian bị thiệt thòi mắc lừa thì chau mày ủ rủ, còn Bồ-tát bị thiệt thòi mắc lừa thì lại hoan hỷ vô cùng, đều không như nhau. Một người không hiểu được chân tướng sự thật, một người thì minh bạch rõ ràng, phàm Thánh không giống nhau là ở chỗ này. Đây là việc mà chúng ta không thể không hiểu, cho nên nhất định phải dùng tâm chân thành để đối với người. Người ta có lừa gạt ta cũng được, đối đãi với ta như thế nào cũng được, chúng ta quyết không so đo tính toán, đó là học không chấp trước, không phân biệt. Việc không khởi tâm động niệm thì làm không được, đây là nói lời thực, việc này không làm được. Chỉ cần có thể làm được không chấp trước, không phân biệt, bất luận sống chung với ai, bị thiệt thòi như thế nào đi nữa bạn đều rất tự tại rất an lạc. Vì sao vậy? Thật sự nếu trong tâm có điều gì khó chịu thì hãy đọc mấy câu trong Kinh Kim Cang một lần: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” (tất cả những gì có hình tướng đều là hư vọng), “ nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện ưng tác như thị quán” (tất cả pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt, bóng; như sương, như diện chớp; nên quán sát như vậy). Đọc vài câu này thì tâm sẽ bình, không còn chấp trước nữa, tâm khai ý giải, vui sướng vô cùng. Bị thiệt thòi, mắc lừa đều là nghiệp chướng của chính mình, nghiệp chướng đã tiêu trừ, nghiệp chướng tiêu rồi thì bạn nói xem vui biết bao, tâm được thanh tịnh, trí huệ tăng trưởng. Cho nên nhất định phải dùng tâm chân thành, nhất định không thể có tâm oán hận, không được oán trời trách người, oán trách người khác là một lỗi lầm rất lớn. Chúng ta phải thường nghĩ đến việc chịu sự khổ nạn cực lớn của Nhẫn Nhục tiên nhân khi bị vua Ca-lợi cắt xẻo thân thể trong Đại Thừa giáo. Bạn có thể nghĩ đến việc này thì bạn hóa giải được rồi.
Câu chuyện vua Ca-lợi cắt xẻo thân thể của Nhẫn Nhục tiên nhân trong Kinh Đại Niết Bàn nói rất tường tận, Kinh Kim Cang chỉ nhắc qua mà thôi, nhưng rất nhiều chú giải của Kinh Kim Cang thì lại nói rất tường tận. Sự tổn hại này là nghiêm trọng nhất, Nhẫn Nhục tiên nhân không hề có lỗi gì, bị oan ức, đây gọi là oan uổng, Ngại chịu sự tổn hại quá lớn. Ngày nay chúng ta gọi là xử tử lăng trì, không phải dễ dàng dùng một dao giết bạn chết, mà dùng con dao nhỏ cắt xẻo từng miếng thịt trên người của bạn, cắt đến khi chết, Ngài phải chịu sự sỉ nhục lớn như vậy. Nhẫn Nhục tiên nhân đã dùng tâm thái như thế nào? Một chút oán hận cũng không có, không có báo thù, cam tâm tình nguyện chấp nhận hình phạt. Vả lại Ngài còn phát nguyện, “tương lai ta thành Phật người đầu tiên ta độ chính là ông”, đây là việc chúng ta phải nên học. Tai họa đến như vậy mà có thể tiếp nhận thì những sự tổn hại nào khác cũng chỉ là chuyện nhỏ nhặt vặt vãnh, có đáng gì đâu, làm gì có đạo lý không thể nhẫn được? Việc này phải hiểu, chúng ta chân thật học tập đức Phật, Nhẫn Nhục tiên nhân là tiền thân của Thích-ca Mâu-ni Phật. Khi Ngài tu đạo Bồ-tát, trước khi thành Phật, bị vua Ca-lợi cắt xẻo thân thể, Thích-ca Mâu-ni Phật không có mảy may sân hận, nên Ngài đã thành Phật trước thời hạn. Vốn dĩ Thích-ca Mâu-ni Phật là vị Phật thứ 5 trong 1.000 vị Phật Hiền kiếp. Vị thứ 4 là Bồ-tát Di Lặc, kết quả là lúc nhẫn nhục Ba-la-mật của Thích-ca Mâu-ni Phật viên mãn thì Ngài vượt lên trước, Ngài đã thành Phật trước Bồ-tát Di Lặc, Bồ-tát Di Lặc đổi thành phía sau, việc này trong Kinh Di Lặc Hạ Sanh có ghi chép. Tương lai đại khái khoảng 5.670.000.000 năm thì Bồ-tát Di Lặc sẽ đến thế gian này thị hiện thành Phật. Thích-ca Mâu-ni Phật thì thành Phật trước thời hạn. Lời nói của Nhẫn Nhục tiên nhân đã được thực hiện, khi Thích-ca Mâu-ni Phật thành Phật thì người đầu tiên được độ là tôn giả Kiều-trần-như. Trong hội của Thích-ca Mâu-ni Phật, Kiều-trần-như là người đầu tiên chứng quả A-la-hán. Kiều-trần-như chính là vua Ca-lợi năm xưa. Thích-ca Mâu-ni Phật không những không có một chút tâm oán hận, mà “khi ta thành Phật ta sẽ độ ông trước tiên”, bạn học Phật không học từ chỗ này thì bạn học từ đâu? Việc nhỏ nhặt không như ý liền nổi giận, tâm liền oán hận, bạn học Phật kiểu gì vậy? Vậy thì bạn không biết học rồi, đây tuyệt đối không phải là học Phật.
Trong lúc giảng tôi đã nói qua không biết bao nhiêu lần, có ai chịu nghe chứ? Lời tôi nói là thật, không có một ai thật sự đang học Phật, đều là giả cả. Tôi cũng biết, giả cũng tốt, trồng được thiện căn trong A-lại-da thức, [tôi] biết được bạn trong đời này không thể nào thành tựu. Cho nên thiện căn chín muồi là đời đời kiếp kiếp chứ không phải một đời. Bạn một đời này nếu sau khi nghe xong lập tức hồi tâm chuyển ý, y giáo phụng hành thì thiện căn được tích lũy trong đời đời kiếp kiếp quá khứ của bạn đến nay đã chín muồi rồi. Chúng ta hiện tại đều là những người chưa chín muồi, vẫn phải huân tập, đời sau e rằng bạn vẫn chưa thể thành tựu, còn chưa biết phải huân tập đến bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp nữa mới chín muồi được.
Hôm qua tôi đã nói qua với các vị, Thiện Đạo Đại sư nói rất hay, ba bậc chín phẩm vẫn là do gặp duyên không đồng. Nếu bạn gặp được duyên thù thắng, thiện căn của bạn sẽ chín muồi trước thời hạn. Thiện căn cho dù không đủ, có thể bồi dưỡng thêm trong đời này, gia tăng tốc độ bồi dưỡng để thiện căn chín muồi trước thời hạn. Đối với sự việc này tôi rất có kinh nghiệm, tôi học Phật 54 năm rồi, nếu thật sự theo cách xem tướng đoán mạng của ngày trước mà nói thì tôi chỉ có thể sống được 45 tuổi. Giả sử vào năm 45 tuổi tôi ra đi, nếu có thể vãng sanh thì đại khái là Phàm Thánh Đồng Cư Độ hạ phẩm vãng sanh. Vì sao vậy? Thiện căn phước đức nhân duyên đều chưa đủ tiêu chuẩn. Do học Phật mà tuổi thọ được kéo dài, tôi đã sống thêm được 30 năm. Trong 30 năm này thiện căn phước đức của tôi đã được nâng cao rõ rệt, cho dù không thể vãng sanh đến Thật Báo Trang Nghiêm Độ, nhưng thượng phẩm ở Phàm Thánh Đồng Cư Độ thì tôi có phần. Phương Tiện Hữu Dư Độ thì không dám nói, Thật Báo Độ cũng không dám nói, nhưng thượng phẩm ở Phàm Thánh Đồng Cư Độ thì nhất định là tôi có phần. Chúng tôi đem kinh điển ra đối chiếu với việc bản thân mình xử sự đối người tiếp vật trong cuộc sống thường ngày, chúng tôi thấy đã nắm phần chắc. Vì vậy thọ mạng vẫn là rất quan trọng.
Việc tu hành ở thế gian này có mãnh lực lớn hơn ở thế giới Cực Lạc. Cổ Đại đức đã nói, chân thật nỗ lực tu hành một ngày ở thế giới Ta-bà, thật tu nghĩa là thật làm thì có thể bằng với việc tu hành ở thế giới Cực Lạc 100 năm. Vì sao vậy? Vì thế giới Cực Lạc không có nghịch duyên, không có ai đến tôi luyện bạn, còn nơi này thì lên rất cao mà xuống cũng rất thấp, nếu bạn không đọa xuống thấp thì bạn sẽ lên rất cao, vừa đọa thì đọa xuống ba đường ác rồi, lên rất cao xuống rất thấp. Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì rất ổn định, không có chuyện lên cao xuống thấp nên tiến độ ở đó vẫn cứ chầm chậm. Cho nên thế giới này vẫn có chỗ tốt, đối với người chân thật làm thì có chỗ tốt. Căn cứ vào kinh giáo mà Tổ sư Đại đức đã nói, người ở thế gian này của chúng ta nếu chân thật dũng mãnh tinh tấn trong một đời này thì có thể nâng chính mình lên đến thượng bối vãng sanh của Thật Báo Độ. Cổ Đại đức cũng lấy ví dụ, như Ngài Trí Giả, Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ, Ngài Liên Trì Đại sư, các Ngài chính là ví dụ về sự nâng lên rất cao. Thế nên phải chú trọng cuộc sống thường ngày, phải thật làm, tu tâm chân thành. Người khác dùng tâm hư ngụy đối với ta, ta vẫn chân thành đối với họ, không được mảy may hư dối, không được có một chút tự tư tự lợi, niệm niệm đều vì người khác mà nghĩ, không nên vì mình mà nghĩ. Đây là sửa lại cho đúng trong việc tu hành. Trước khi học Phật, khởi tâm động niệm đều là nghĩ cho chính mình, không nghĩ cho người khác. Hiện tại chúng ta biết, vì mình mà nghĩ thì sai rồi, chúng ta hãy niệm niệm nghĩ cho người khác, không nên nghĩ cho mình. Vì người khác mà nghĩ thì đúng, vì người khác mà nghĩ thì tiền đồ của bạn là một màu xán lạn. Vì mình mà nghĩ thì tiền đồ là một màu tối tăm, phải chuyển ý niệm trở lại.
Chân thành là nền tảng của Bồ-đề tâm. Chúng ta dùng đề kinh của Kinh Vô Lượng Thọ, đối với chính mình là “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, đây chính là thâm tâm. Phải tu tâm thanh tịnh của chính mình, tâm thanh tịnh thì thân liền thanh tịnh, chúng ta mong muốn mình được khỏe mạnh sống lâu, điều này có thể làm được. Tâm thanh tịnh thì thân thanh tịnh, nhất định không bị ô nhiễm, không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài. Hãy nhớ kỹ lời giáo huấn của cổ Đại đức, “biết ít chuyện thì phiền não ít, quen nhiều người thì thị phi nhiều”, đây là phương pháp hay giúp cho tâm thanh tịnh. Bao nhiêu chuyện này chuyện nọ trong thế gian chúng ta không cần phải biết, biết nhiều rồi thì tâm của bạn sẽ loạn, tâm của bạn không được thanh tịnh. Người nào không cần quen biết thì không nên quen biết, quen biết nhiều người thì thị phi nhiều, không cần phải đi làm quen. Cho nên các vị đồng học phải hiểu mà lượng thứ cho tôi, tôi không quen biết ai. Khi gặp mặt thì tôi nhận ra gương mặt của bạn, bạn tên họ là gì thì xưa nay tôi chưa từng hỏi, tuyệt đối không hỏi số điện thoại của bạn hoặc là hỏi nhà bạn ở đâu, không hỏi những điều này, như vậy thì tâm mới thanh tịnh. Tôi đã ít nhất là 40 năm rồi không xem báo, không xem truyền hình, cả phát thanh cũng không nghe qua, mỗi ngày thiên hạ đều thái bình, ngày tháng như vậy thật tốt. Vì thế các vị thì sống trong thời loạn, còn tôi thì sống trong thời thịnh thế. Cuộc sống của tôi giống như ở thế giới Cực Lạc vậy, cái gì cũng đều không biết. Tốt! Tâm được thanh tịnh. Cho nên phải giữ gìn tâm mình được thanh tịnh.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 343)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Tâm Hướng Phật/St!