Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Pháp môn nào, kinh điển nào khế cơ nhất?

Pháp môn nào, kinh điển nào khế cơ nhất? Phải là bộ kinh này. Trong bộ kinh này, từng câu, từng chữ đều do đức Phật nói, chẳng giả tí nào.

“Ký thử vô thượng chi điển, nhiêu ích đương lai” (mong cho cuốn kinh vô thượng này lợi lạc mai sau). Trong tương lai, hãy còn có chín ngàn năm nữa, thời Mạt Pháp là một vạn năm. Kẻ học Phật chúng ta chẳng thể không biết pháp vận của đức Phật, rất nhiều người nói tới ngày tận thế, trong Phật pháp không có cách nói này. Pháp vận của Phật hãy còn chín ngàn năm nữa. Những năm qua, tôi đã lớn tuổi, trí nhớ chẳng tốt lắm; trước kia, tôi nhớ rất rõ ràng, các vị trẻ tuổi hãy kiểm xem, theo ghi chép của người Trung Quốc, từ các trước tác của cổ nhân sẽ có thể tra ra, từ lúc Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ cho đến hiện tại, tôi nhớ hình như là ba ngàn ba mươi mấy năm, cụ thể là ba mươi mấy năm thì các vị hãy kiểm xem. Trong Niên Phổ của lão hòa thượng Hư Vân có nói ba ngàn ba mươi mấy năm. Pháp vận của Phật: Chánh Pháp là một ngàn năm, Tượng Pháp một ngàn năm, hiện thời đã qua hai ngàn năm, sau đó, còn có Mạt Pháp một vạn năm. Một vạn năm mới trải qua một ngàn lẻ ba mươi mấy năm, cho nên thời gian về sau vẫn còn dài, lẽ nào có ngày diệt vong? Trong thời kỳ Mạt Pháp dài như thế, Phật pháp có hưng, có suy, xưa kia Chương Gia đại sư đã bảo với tôi chuyện này. Ngài bảo tôi: Hiện tại Phật pháp đã suy đến chỗ cùng cực, nhưng chớ sợ, sẽ hưng khởi, Phật pháp sẽ lại hưng khởi, có hưng, suy, nhưng chẳng diệt. Tới khi nào sẽ diệt? Chín ngàn năm sau, Phật pháp thật sự diệt. Chúng ta tin đức Phật chẳng vọng ngữ, Như Lai là đấng chân ngữ, đấng thật ngữ, đấng như ngữ, đấng không nói dối, chúng ta tin tưởng Ngài. Vì thế, cụ Hạ mong bộ kinh này có được một bản tiêu chuẩn hoàn thiện vô cùng tốt đẹp. Bản này sẽ lợi lạc tương lai trong khắp chín ngàn năm sau.

Pháp môn nào, kinh điển nào khế cơ nhất? Phải là bộ kinh này. Trong bộ kinh này, từng câu, từng chữ đều do đức Phật nói, chẳng giả tí nào. Bản dịch gốc được dịch từ tiếng Phạn, trong bản tiếng Phạn có rất nhiều chỗ khác nhau, cho thấy Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng phải chỉ tuyên giảng kinh này một lần, mà là tuyên giảng nhiều lần. Nhìn từ năm bản dịch gốc, tối thiểu là ba lần tuyên giảng. Chúng ta bị thất truyền bảy bản, chẳng thấy nữa. Nếu cả bảy bản ấy hãy còn, có phải là còn có những chỗ chẳng giống nhau hay không? Quý vị có thể tìm thấy [bằng cớ chứng tỏ] kinh này đã được giảng hơn ba lần. Đây là đức Thế Tôn vô tận từ bi, chúng ta có hiểu rõ mới có thể sanh tâm cảm ơn. Chẳng do pháp môn này, chúng ta sẽ chẳng thể đắc độ, chắc chắn là vậy! Chúng ta có thể sanh lên trời, nhưng không thoát khỏi lục đạo luân hồi. Thoát lục đạo luân hồi rất khó, đoạn Kiến Tư phiền não chẳng dễ dàng [đoạn trừ]. Chẳng đoạn Kiến Tư, quý vị chẳng thoát khỏi luân hồi. Sanh lên trời thì có ai đã chưa từng sanh lên trời? Tất cả chúng sanh trên quả địa cầu này, quý vị nghĩ xem có ai chưa từng sanh lên trời? Trong quá khứ đều đã ở trên trời, hưởng hết phước trời, nghiệp chướng hiện tiền, lại đọa xuống, chuyện là như thế đó! Lên lên xuống xuống trong lục đạo! Có người nào chẳng từng đọa địa ngục? Có chứ, trong các đồng học học Phật của chúng ta có [người đã đọa địa ngục], làm sao biết? Do thôi miên nên biết. Người ấy được chuyên viên thôi miên đến mức độ sâu, rồi hỏi: “Bạn đang ở đâu?” Trong địa ngục. Trạng huống của địa ngục khổ vô cùng, chịu khổ trong địa ngục. Người ấy đi vào địa ngục, mà cũng lên thiên đường, thật đấy! Trong lục đạo, đường nào người ấy cũng đều đã từng trải; cho nên chẳng có chi là lạ lùng, hiếm có cả!

Liễu giải chân tướng sự thật này. Quý vị biết con người có chết hay không? Không chết, mà là luân hồi trong lục đạo. Cái thân xác thịt sanh tử, nhục thân có sanh diệt, đây là một hiện tượng bình thường, linh hồn (thần thức) bất diệt. Thưa quý vị, linh hồn là mê, khi mê gọi là linh hồn; hễ giác ngộ chẳng gọi là linh hồn, mà gọi là “linh tánh”, linh tánh bất diệt. Chưa thoát khỏi lục đạo thì gọi là linh hồn, vượt thoát lục đạo bèn gọi là linh tánh, đó là ai? Từ bậc A La Hán trở lên. Chỉ cần quý vị thoát khỏi lục đạo luân hồi, bèn là A La Hán. A La Hán được gọi là linh tánh, chẳng mê; cho nên A La Hán đắc Chánh Giác. A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề là mục tiêu chung và duy nhất của người học Phật chúng ta, học Phật để mong đạt được gì? Đạt được điều này. Dịch sang nghĩa tiếng Hán, [A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề] là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. A La Hán đắc Chánh Giác, Bồ Tát đắc cao hơn, Chánh Đẳng Chánh Giác. Sở đắc của Phật có thêm Vô Thượng, tức là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác vượt thoát mười pháp giới, trụ trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai, chúng ta cũng thường gọi cảnh giới ấy là Nhất Chân pháp giới. Bồ Tát vẫn thuộc trong tứ thánh pháp giới của mười pháp giới.

Đây là nói rõ với chúng ta: Pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật hãy còn chín ngàn năm nữa. Chín ngàn năm sau, khi thế gian này không còn Phật pháp, thật là khổ! Phật, Bồ Tát chẳng bỏ chúng sanh khổ nạn, cho đến lúc này, dù Phật, Bồ Tát chẳng hiện, vẫn có một vị đại diện. Tôi nghĩ vị này chư vị đều biết: Địa Tạng Vương Bồ Tát! Ngài thay Phật hóa độ chúng sanh, đại diện cho Phật, mãi cho đến khi đức Phật kế tiếp xuất thế. Đức Phật kế tiếp là Di Lặc Bồ Tát. Hiện thời có rất nhiều lời đồn đại Di Lặc Bồ Tát đã giáng hạ. Thưa quý vị, giả trất, chẳng thể tin tưởng được! Di Lặc Bồ Tát ứng hóa trong thế gian này là chuyện bình thường, chẳng hiếm lạ tí nào! Trong các truyện ký của Phật môn Trung Quốc đã ghi chép rất rõ ràng, Bố Đại Hòa Thượng là Di Lặc Bồ Tát hóa thân vào thời Tống. Nay chúng ta thờ tượng Bố Đại Hòa Thượng chính là thờ hóa thân của Di Lặc Bồ Tát. Chúng ta thấy Di Lặc Bồ Tát ở Tây Tạng, hoặc thấy tượng Di Lặc Bồ Tát của Phật Giáo Nam Truyền (Phật Giáo Nam Tông, Theravada), Ngài có hình dáng giống như Quán Thế Âm Bồ Tát, gầy nhom, chẳng phải là dáng vẻ [mập mạp này]. Do Ngài thị hiện tại Trung Quốc dùng hình dạng Bố Đại Hòa Thượng, nên dùng hình dáng ấy để tạc tượng. Theo truyện ký ghi chép, một hóa thân khác là Phó Đại Sĩ vào đời Đường, hiện thân cư sĩ, đó là Di Lặc Bồ Tát tái lai. Phật, Bồ Tát thường đến ứng hóa trong thế gian, nên dùng thân nào để độ được, bèn hiện thân ấy. Nói Di Lặc Bồ Tát chưởng quản thiên bàn[3], hay Di Lặc Bồ Tát giáng hạ nhân gian làm Phật, đều là giả. Di Lặc Bồ Tát sẽ giáng sanh cõi nhân gian làm Phật vào lúc nào? Trong Di Lặc Hạ Sanh Kinh[4] đã nói rất rõ ràng: Năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau. Trong thời gian không có Phật xuất thế, Địa Tạng Bồ Tát thay mặt. Chúng ta nhất định phải căn cứ trên những điều kinh điển đã ghi chép, đó là thật, chẳng phải giả.

Do Phật pháp còn có thời gian [tồn tại] dài như thế, trong thời kỳ Mạt Pháp, pháp môn này sẽ dần dần biến thành pháp môn chánh yếu. Vì sao? Các pháp môn khác tuy hay, nhưng chẳng hợp căn tánh, quý vị nương theo những pháp môn khác tu học hết sức khó khăn, rất khó thành tựu, nên Tịnh Tông biến thành chủ yếu. Trở thành chủ yếu mà nếu không có một kinh điển tiêu chuẩn để chúng ta nương theo, đúng là rất đáng tiếc. Do vậy, mới có “cảm”, cũng có nghĩa là nói do người tu hành trong chín ngàn năm của thời Mạt Pháp có nhu cầu, nhu cầu ấy là cảm, nên Phật, Bồ Tát có ứng. Sự “ứng” ấy chính là cư sĩ Hạ Liên Cư xuất hiện trên thế gian. Do chúng sanh có cảm, Ngài tới ứng hóa. Ngài tới thế gian này để làm chuyện gì? Để làm chuyện này! Chúng ta hiểu rất rõ ràng. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ biết, nhưng tôi không biết, tôi thỉnh giáo cụ, tôi hỏi: “Rốt cuộc cụ Hạ là vị nào tái lai?” Cụ Hoàng mỉm cười: “Hiện thời phải giữ kín, hiện thời chẳng thể nói được!” Chẳng thể nói, hiện thời cụ cũng đã khuất bóng rồi, tôi chẳng hỏi ai được! Chắc chắn [cụ Hạ] chẳng phải là phàm nhân. Quý vị hãy nghĩ xem: Vương Long Thư có phải là phàm nhân hay không? Ngụy Mặc Thâm có phải là phàm nhân hay không? Phàm nhân không thể làm được! Cụ Hạ Liên Cư hội tập một bản viên mãn như vậy, chúng tôi suy đoán: Nếu cụ chẳng phải là A Di Đà Phật tái lai, nhất định là Quán Thế Âm Bồ Tát tái lai, mới có trí huệ, mới có đức năng để làm chuyện to lớn này! Điều này cũng giống như thầy Lý thường nói với chúng tôi: Nói theo Lý thì thông suốt, nhưng trên mặt Sự chưa có chứng cứ, nhưng nói theo Lý thì hợp lý.

Lợi lạc tương lai, “nãi kế tiền hiền, trùng hành hội tập” (bèn kế tục tiền hiền, hội tập lần nữa). “Tiền hiền” là ba vị trước đó, trên thực tế là hai vị, tức Vương Long Thư và Ngụy Mặc Thâm, hội tập lần thứ ba. Đây là phiên bản thứ chín. Đoạn tiếp theo nói rõ tâm thái và những điều từng trải khi cụ Hạ hội tập lần nữa, cụ dùng tâm tư thái độ như thế nào? “Bình khí vạn duyên” (Ngăn bỏ muôn duyên), chúng ta thường nói là “buông xuống vạn duyên”, điều gì cũng đều buông xuống. “Yểm quan tam tái”, nghĩa là bế quan trong thời gian ba năm, dùng cách thức này để buông xuống hết thảy những thứ quấy nhiễu. Một mình, vì trong phần sau, cụ Hoàng có viết một câu: “Minh tâm cô nghệ” (lặng lẽ tiến hành một mình), đấy là chỉ có một người, không có đồng bạn. “Tịnh đàn kết giới” là cụ chân thành thực hiện công tác hội tập. Ba năm sau, hoàn thành bản thảo. Sau khi đã hoàn thành, “cảo kinh thập dịch”, nghĩa là trải qua mười lần sửa chữa, “phương khánh kinh thành” (mới mừng kinh đã được hội tập xong), kinh này mới thành tựu. Chẳng phải là ba năm bèn thành tựu, ba năm mới hoàn thành bản thảo đầu tiên, mất mười năm mới hoàn thành bản [hoàn thiện] này. Quý vị thấy Ngài rất nghiêm túc, đã biểu thị cho chúng ta thấy, biểu thị ý nghĩa gì vậy? Mười phần thành kính, bèn được mười phần lợi ích. Kinh này công đức viên mãn, chẳng thể có mảy may khinh mạn nào. Dùng cái tâm khinh mạn, chắc chắn quý vị chẳng thể làm thành công, chắc chắn có tỳ vết! Cụ Hạ hội tập chân thành như vậy, nay chúng ta thọ trì, cũng phải dùng tấm lòng chân thành như cụ Hạ để thọ trì mới đạt được lợi ích. Nếu chẳng có lòng chân thành như thế, quyển kinh bày ra trước mặt quý vị, đọc tụng mỗi ngày, chẳng có lợi ích! Chúng ta nhất định phải hiểu điều này!

Vì sao chúng ta học Phật học lâu năm như thế mà vẫn cứ hời hợt, bộp chộp? Trong tâm lý vẫn đầy ắp tham, sân, si, mạn, nghi? Học Phật đã lâu năm như thế mà Ngũ Độc có giảm được vài phần hay chăng? Không có! Giống hệt như chẳng học Phật thì kể ra vẫn còn chưa sao, sợ nhất điều gì? Bản thân ta mỗi năm mỗi lớn tuổi, càng phiền toái hơn, phiền não tập khí càng ngày càng nặng! Nếu là tình huống như vậy, chính mình phải hiểu rõ: Chẳng tránh khỏi luân hồi. Luân hồi vào đâu? Đời sau ta còn có thể được làm thân người hay không? Vậy là phải hỏi quý vị, quý vị tu Thập Thiện Nghiệp ra sao? Trong kinh, đức Phật đã dạy chúng ta, Trung Phẩm Thập Thiện sẽ được làm thân người, đời sau vẫn được làm người. Quý vị hãy tự suy nghĩ: Hãy dựa vào lương tâm của quý vị để chấm điểm Thập Thiện Nghiệp Đạo của bản thân, có được bảy mươi hay tám mươi điểm hay không? Có thể chấm đến bảy mươi, tám mươi điểm, đời sau quý vị chẳng mất thân người. Nếu nói ta chỉ được năm mươi điểm, chẳng chắc ăn! Cơ duyên đọa lạc vô cùng nhiều! Nếu đạt điểm trọn vẹn, sẽ là Dục Giới Thiên, đại đa số sanh về đâu? Lên trời Đao Lợi. Trời Đao Lợi thì phải được trọn điểm. Thực hiện Thập Thiện Nghiệp bằng cách nào? Đệ Tử Quy! Đệ Tử Quy là bước đầu thực hiện Thập Thiện Nghiệp. Một trăm mười ba điều của Đệ Tử Quy, quý vị có làm được hay không? Từ chỗ này mà suy nghĩ, quý vị sẽ run sợ, vì sao? Nếu chẳng thể vãng sanh, vẫn phải tiếp tục luân hồi, cơ duyên tam ác đạo quá nhiều! Duyên trong ba thiện đạo quá mỏng, làm thế nào đây? Đáng sợ hay chăng? Đáng sợ! Có thể sửa đổi hay không? Vẫn chẳng thay đổi thì có sợ cũng vô dụng!

So với pháp sư Oánh Kha đời Tống, chúng ta kém xa! Người ta quả thật là kẻ xuất gia, phá giới, hủy phạm Thanh Quy, tự biết do khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, hành vi của chính mình chắc chắn sẽ đọa địa ngục. Sư sợ, biết địa ngục khổ não, hỏi đồng tham đạo hữu có phương pháp nào cứu giúp hay không? Bạn đồng học cũng tuyệt lắm, tặng Sư một quyển Vãng Sanh Truyện, bảo Sư tự xem. Sư đọc bèn cảm động, cứ xem một bài, lại đau đớn khóc ròng, tâm sám hối nẩy sanh, hạ quyết tâm bế quan niệm Phật, ba ngày ba đêm chẳng ngủ, chẳng ăn, chẳng nghỉ ngơi, một câu Phật hiệu chân thành niệm đến cùng. Vì lẽ gì? Sợ nỗi khổ địa ngục! Cầu cứu mạng nên thật sự thực hiện. Ba ngày ba đêm niệm được A Di Đà Phật hiện đến. A Di Đà Phật thật sự từ bi, quý vị thật sự tu, Ngài sẽ thật sự quan tâm chăm sóc quý vị. A Di Đà Phật hiện đến bảo Sư: “Ông còn thọ mười năm nữa, hãy gắng niệm Phật. Chờ tới khi ông đã hết tuổi thọ, ta sẽ đến tiếp dẫn ông”. Oánh Kha nghe xong bèn xin với A Di Đà Phật, Sư nói: “Con chẳng cần mười năm thọ mạng. Nếu con sống thêm mười năm nữa, bản thân con không chống nổi dụ dỗ, mê hoặc, chẳng biết sẽ tạo bao nhiêu tội nghiệp, con chẳng cần mười năm thọ mạng, nay con đi theo Ngài”. A Di Đà Phật thông tình đạt lý, bảo Sư: “Được! Ba ngày sau ta đến đón ông”. Sư vui sướng, mở toang cửa phòng, bảo đại chúng: “Tôi niệm A Di Đà Phật ba ngày, cảm Phật hiện đến. Ba ngày nữa A Di Đà Phật sẽ tiếp dẫn tôi vãng sanh”. Đồng tham đạo hữu trong chùa ai nấy đều cảm thấy rất ngạc nhiên: “Thời gian ba ngày coi bộ chẳng dài, xem ngươi ba ngày sau có vãng sanh hay không?” Nhưng nghe ra lời lẽ của ông ta chẳng giống như gạt người, dường như là thật sự có chuyện như vậy. Tới ngày thứ ba, Sư yêu cầu đại chúng niệm Phật đưa Sư vãng sanh; đương nhiên đại chúng vui vẻ, được rồi, đều niệm Phật hồi hướng cho ông ta. Niệm Phật chưa đầy một khắc, Sư bảo mọi người: “A Di Đà Phật tới rồi, tôi thấy Ngài đón tôi đi” liền tịch, thật sự đi. Kinh Di Đà có nói: “Hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày”, là thật, chẳng giả. Pháp sư Oánh Kha biểu diễn cho chúng ta xem, thật sự sợ khổ địa ngục, buông xuống vạn duyên, nhất tâm niệm Phật, lập tức vãng sanh. Thọ mạng bao nhiêu cũng chẳng cần, ở trong thế gian này đều là tạo nghiệp! Chỉ cần bản thân chúng ta buông xuống, vứt bỏ muôn duyên, thật sự làm!

Ba năm trước, có một vị cư sĩ ở Thâm Quyến, là một người còn trẻ, ba mươi mấy tuổi, tức ông Hoàng Trung Xương, nghe trong Vãng Sanh Truyện có nói: “Niệm Phật ba năm bèn có thể vãng sanh”, ông ta bế quan coi thử ba năm có thể thành tựu hay không? Ở trong quan phòng hai năm mười tháng, còn thiếu hai tháng nữa mới mãn thời hạn, ông ta liền biết trước lúc mất, vãng sanh, cũng không sanh bệnh. Sau khi hỏa táng, lưu lại xá-lợi, nay đang được thờ trong một tiểu đạo tràng tại Thâm Quyến, chứng minh cho chúng ta thấy [ba năm thành tựu] là thật, chẳng giả! Ba năm trong quan phòng, mỗi ngày ông ta niệm kinh Vô Lượng Thọ một lần, ngoài ra, Phật hiệu chẳng gián đoạn. Phương pháp tôi đã dạy ông ta là phương pháp do pháp sư Đế Nhàn đã dạy người đồ đệ làm thợ vá nồi: Niệm mệt bèn nghỉ ngơi, chẳng phân biệt ngày hay đêm. Tỉnh dậy sẽ niệm tiếp, thật sự làm được “tâm vô nhị niệm”, chỉ một câu A Di Đà Phật. Ông ta khác với người thợ vá nồi ở chỗ mỗi ngày niệm kinh Vô Lượng Thọ một lần, thêm vào một bộ kinh Vô Lượng Thọ, nhưng Phật hiệu chẳng gián đoạn, bèn thành công. Vãng sanh khó hay không? Chẳng khó! Vấn đề là quý vị có chịu buông xuống hay không, mấu chốt ở chỗ này! Vứt bỏ vạn duyên là câu mấu chốt, chỉ cần làm được câu này là được rồi!

Vì thế, ở đây, bằng sáu câu, mỗi câu gồm bốn chữ, giới thiệu tâm thái và sự từng trải trong hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư. Sau khi kinh này được hoàn thành, bản [sửa chữa lần] thứ mười là bản hoàn thành, “thủ mông Tông Giáo câu triệt chi Huệ Minh lão pháp sư thủ trì hội bổn nhiếp ảnh ư Phật tiền, vị tác chứng minh” (trước hết, được lão pháp sư Huệ Minh là một vị thông triệt Tông lẫn Giáo, cầm bản hội tập chụp ảnh trước Phật đài để chứng minh). Lão hòa thượng Huệ Minh là một vị đại đức trong Phật môn thuở ấy. Trong bản in này không có [bức hình ấy]; khi tôi in [cuốn chú giải của cụ Hoàng] lần đầu, phía trước có bức ảnh lão pháp sư Huệ Minh tay nâng cuốn sách này chụp hình trước Phật đài để chứng minh. Bức hình này rất dễ tìm, chúng tôi in ra với số lượng khá nhiều. “Luật Tông đại đức Từ Châu lão pháp sư kế chi, chuyên giảng thử kinh ư Tế Nam, tịnh thân vi khoa phán” (Tiếp đó, bậc đại đức trong Luật Tông là lão pháp sư Từ Châu chuyên giảng kinh này ở Tế Nam, lại còn đích thân viết khoa phán). Khoa phán là phân định kết cấu, đề cương, và những chủ điểm trong một bộ kinh, nay chúng ta nói là phân đoạn, chia thành tầng lớp rõ ràng để giải thích bộ kinh này. Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có tặng tôi bản khoa phán này của lão pháp sư Từ Châu, chẳng phải là tặng bản gốc, mà là bản sao chụp, tôi cất giữ tại Úc. Đọc khoa phán, ta thấy: Thuở ấy, pháp sư Từ Châu giảng kinh này tại Tế Nam chẳng phải là giảng bằng bản hiện thời. Bản hiện tại là bản hoàn thiện đã được hiệu đính trong lần tu chỉnh thứ mười, [bản do ngài Từ Châu sử dụng] chính là bản trước của bản hiện tại. Vì sao? Chúng ta xem bản hiện thời, cụ Hạ chia ra chương tiết, nhà Phật gọi là phẩm, [bản hiện thời] có bốn mươi tám phẩm, còn bản do pháp sư Từ Châu đã dùng thuở ấy gồm ba mươi bảy phẩm, tức là toàn bộ bản kinh được chia thành ba mươi bảy phẩm. Vì vậy, cũng biết đấy chẳng phải là bản cuối cùng. Tôi dựa theo bản khoa phán của Ngài, lấy nó làm gốc để soạn một bản khoa phán rất tỉ mỉ, bản ấy đã được chỉnh lý hoàn thiện, tức là bản [khoa phán dựa trên bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ gồm] bốn mươi tám phẩm. Chúng ta có cuốn Khoa Hội được lưu thông rất rộng. Sau khi tôi viết xong, đã tặng một quyển cho lão cư sĩ Triệu Phác Sơ. Cụ Triệu trông thấy, hết sức vui vẻ, bảo kinh Vô Lượng Thọ nói chung đã được hoàn thiện. Quý vị thấy: Có bản hội tập, có chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ, tôi có giảng ký, vì trong quá khứ, tôi đã giảng mười lần. Có giảng ký, lại có khoa phán tỉ mỉ như vậy, cụ nói bộ kinh này điều gì cũng đều trọn vẹn, vui vẻ vô hạn!

Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 6
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang

Bài viết cùng chuyên mục

Tại sao nói Giới luật là mạng mạch của Phật pháp?

Định Tuệ

Thế giới Tây Phương Cực Lạc tam bối cửu phẩm hình thành thế nào?

Định Tuệ

Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni tiếng Phạn và tiếng Việt

Định Tuệ

Đại Sư Ấn Quang khai thị về Pháp môn niệm Phật

Định Tuệ

Công năng của Thần Chú Lăng Nghiêm

Định Tuệ

Tứ Đại là gì? Sống an lạc qua giáo lý tứ đại giai không

Định Tuệ

Người khác đã sai cũng là đúng, ta đúng thì cũng là sai

Định Tuệ

Lục Hòa Kính: Mỗi niệm không rời sáu điều này

Định Tuệ

Sống chết không đáng sợ, cái đáng sợ là sau khi chết rồi sẽ đi về đâu

Định Tuệ

Viết Bình Luận