Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Nhận biết và chuyển hóa tâm tính kiêu căng, ngạo mạn

Có thể vì nghiệp lực nặng nề, dục vọng che lấp tâm trí? Ngạo mạn là nguyên nhân của ngu muội và sẽ chuốc lấy thất bại thất thoái chính mình.

Trong đà phát triển xã hội hiện nay, không ít người được trang bị với bao nhiêu văn bằng kiến thức học vấn. Thế nhưng, khi bước vào thực tế của cuộc sống mưu sinh thì có trường hợp không trụ nổi một chỗ và bị nhiều người tìm cách cô lập cho dù họ có chuyên môn, quyền chức. Có thể vì quá hãnh tiến nên xem thường người khác và tự cho mình là “trung tâm”, đem chút kiến thức có được mà so kè đánh đố trình độ người khác cho dù người ấy đáng tuổi cha ông. Ấy là kẻ sanh lòng ngạo mạn, chấp ngã, tự thị, đố kỵ, xem người khác không bằng mình hoặc tự cho mình là kẻ “sinh không cùng thời” và kẻ khác bên mình là loại người “ngồi không đúng chỗ” để đau khổ kiểm điểm lại cái ngã của mình xem nó là cái giống gì mà khiến mình đau khổ đến thế!

Ông bà xưa có nói về dạng người kiêu căng, ngạo mạn này với câu: “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”. Họ tưởng mình học cao, là lãnh đạo thì đứng trước cấp dưới thậm chí kẻ ngang hàng cũng chẳng có gì để học hỏi. Thật sai lầm vì vốn kiến thức mà họ có được chẳng qua là sự sao chép cập nhật kinh nghiệm của người đi trước như chiếc ô tô đang chạy mà cứ bảo do mình sáng chế, ngôn ngữ kia do mình đặt ra. “Tôi sẽ thế này, tôi sẽ thế kia”. Tưởng mình là nhất, đặt đời vào thế “mục hạ vô nhân”.

Kiêu căng, ngạo mạn đến mức hỗn xược. Vì ngạo mạn mà phát sinh tâm phân biệt nghèo hèn thiểu học với tài năng giàu có, tự đào cho mình một hố sâu tội đồ vô minh chẳng biết hổ thẹn là gì để cứu lấy mình mà thêm cạn cợt về thương yêu với người. Vì ngạo mạn mà cách hành xử giữa người với người có nhiều bất công, chia rẽ.

Có thể vì nghiệp lực nặng nề, dục vọng che lấp tâm trí? Ngạo mạn là nguyên nhân của ngu muội và sẽ chuốc lấy thất bại thất thoái chính mình. Kẻ kiêu căng, ngạo mạn khi hành sự luôn lấy bản thân làm trung tâm, coi mình là cái đinh của thiên hạ, là đại hộ pháp mà thực chất chỉ quẩn quanh bên ngũ uẩn vô thường.

Nhận biết người kiêu căng, ngạo mạn

Luôn cho rằng mình đúng

Dấu hiệu đầu tiên và cũng dễ thấy nhất ở một người kiêu ngạo đó là trong bất cứ trường hợp nào cũng cho rằng quyết định hay lời nói của mình luôn đúng. Đây là một trong những điều kiêng kị trong đạo đức con người, tức là luôn tự tin thái quá vào bản thân một cách mù quáng phiến diện, không chịu chấp nhận lẽ phải, gạt phăng những ý kiến hay lời khuyên răn của những người xung quanh. Hơn thế nữa, những người kiêu căng thường hay tự “thổi phồng” bản thân, khó nhận thấy được khuyết điểm của mình và luôn đòi hỏi người khác phải nghe theo lời họ.

Theo như Phật giáo thì cũng có đề cập đến dạng kiêu căng này, được gọi là “Mạn quá mạn”. Ở dạng người kiêu căng này khá nguy hiểm, bởi vì dù có người thật sự hơn mình nhưng vì chấp ngã tự cao tự đại, tự ái nặng nề nên họ không bao giờ chịu tiếp thu ý kiến người khác. Đây cũng là một biểu hiện ích kỷ của con người và cần tránh xa.

Coi mình là trung tâm của vũ trụ

Biểu hiện thứ hai của những người kiêu ngạo đó là tự coi bản thân mình là trọng tâm của vũ trụ. Đây là cách nói ám chỉ những người nghĩ bản thân họ có quyền hạn đặc biệt. Trong họ luôn nghĩ mình hiển nhiên phải nhận được sự quan tâm của mọi người. Những người như thế này, khi làm đạt được một thành công nhất định nào đó, thường hay tự cho bản thân là có công lao to lớn mà người đời còn gọi là chứng bệnh “công thần”.

Một ví dụ điển hình của người này là ở giữa đám đông họ luôn đóng vai một người lãnh đạo tất cả, bắt mọi người “phục tùng” mệnh lệnh, bắt buộc tổ chức đó phải nghe theo ý kiến của bản thân như một điều hiển nhiên dù cho mọi người muốn hay không. Có thể nói người ngạo mạn không bao giờ đặt bản thân vào vị trí của người khác để thông cảm hay chia sẻ những khó khăn với cộng đồng, xã hội. Họ cũng không đủ khiêm nhường để chấp nhận thành quả của người khác hơn hay bằng mình. Dần dần, những người kiêu ngạo này sẽ trở thành những người tự tư tự lợi, cá nhân, ích kỷ và luôn ghen tị.

Bởi do thái độ kiêu ngạo đó, họ bị mọi người xa lánh, ghét bỏ. Đó là hậu quả của lòng cống cao ngã mạn quá coi trọng bản ngã mà ra!

Luôn xem thường những người khác

Thêm một dấu hiệu nữa của sự kiêu ngạo là ngoài bản thân mình họ sẽ coi thường tất cả mọi người xung quanh vì nghĩ mình giỏi hơn người. Họ thường có thái độ khinh thường người khác với tâm lý cố chấp, bảo thủ và độc đoán. Trong Phật giáo cũng có nhắc tới “Ngã mạn” và “Tà mạn”.

Ngã mạn là ý nói một người ỷ mình giỏi mà lấn lướt người khác, tự cho mình hơn người nên xem thường người khác một cách lộ liễu.

Đức Phật có dạy một người càng tài giỏi càng nên khiêm tốn và nên lấy sự tài giỏi đó làm đẹp cho xã hội.

Nhưng người ngạo mạn lại thích chứng tỏ cho mọi người thấy sự tài giỏi của mình bằng cách hạ thấp, khinh miệt những người xung quanh để tô điểm cho sự “xuất chúng” của bản thân.

Nếu như “Ngã mạn” nói về người có tài thật sự nhưng kiêu ngạo, thì “Tà mạn” ý chỉ một người có chút giỏi giang mà khinh khi người. Tức là một người không thực sự giỏi, nhưng lại luôn cho mình là tài giỏi. Nếu một người là “Ngãn Mạn” khi làm việc nào đó được thành công thì họ lên mặt hống hách, tự thấy mình là người tài ba, lỗi lạc bậc nhất, thì “Tà mạn” là người rất dễ để suy nghĩ chủ quan của mình dẫn đến đến một quyết định sai lầm.

Vô lễ với người trên

Trong con mắt của nhà Thần học Aurelius Augustine đã cho rằng “những người kiêu ngạo chỉ cần là người luôn cho mình là trọng tâm, tự thị thậm cao và biểu hiện khiến mọi người phải chê cười là ngu muội vô tri và cuồng vong vô lễ”.

người kiêu căng luôn cho mình là đúng, luôn đề cao bản thân và hạ thấp mọi người xung quanh mình, thì dù có là người lớn tuổi hay vai vế lớn hơn cũng không ngoại lệ. Điều này dễ dẫn tới việc bỏ qua lời răn dạy của người trên bởi vì điạ vị thấp hơn, hay không thành công bằng bản thân mình, dẫn đến cư xử không đúng mực và tạo nên hình ảnh xấu xí đối với những người xung quanh.

Không biết lắng nghe: chỉ nói về mình

Biểu hiện cuối cùng của những người kiêu ngạo là họ thích nói về những thành tích họ đạt được hơn là lắng nghe mọi người xung quanh. Họ sẽ không để tâm đến cảm xúc hay hoàn cảnh của người khác. Khi ra ngoài xã hội thường đánh giá mình quá cao, hợm hĩnh, kênh kiệu, hạch sách vô lý khiến cho mọi người có cảm giác đây là một người tự cao tự đại, rất khó chịu.

Đức Phật có dạy “Hạnh lắng nghe là một phương pháp thực tập quan trọng, có khả năng trị liệu và chuyển hóa. Nếu một người biết lắng nghe thì người ấy có thể hiểu và mang lại hạnh phúc cho chính mình cùng mọi người còn ngược lại chỉ khiến bạn bè và xã hội xa lánh”.

Kiêu ngạo quả là điều tồi tệ không nên có trong mỗi chúng ta, như Đức Phật đã nêu ra về sự thối thất trí huệ của bậc Bồ Tát:

“Không tôn trọng Phật Pháp, không kính Pháp sư, kiêu mạn tự cao, và khinh bỉ, làm thấp hèn kẻ khác”.

Vì thế hãy loại bỏ nó ra khỏi tâm hồn, nơi chỉ có sự khiêm nhường chia sẻ và tình thương tồn tại. Nên lắng nghe, đón nhận, tôn trọng lẫn nhau qua từng hành động và lời nói, cùng nhau tạo nên một thế tươi đẹp giữa con người với nhau.

Chúng ta cần phải đặt cái tôi của mình xuống, như vậy trí tuệ và lòng từ bi trong tâm mới được ban phát rộng rãi. Để tiết chế tính kiêu căng, ngạo mạn, chúng ta có thể thông qua việc bồi đắp lòng kính cẩn trong tâm; từ việc luôn nhớ tới công đức của chư Phật để tạo niềm vui, để loại bỏ những hổ thẹn trong lòng; nhìn thấy những đau khổ của chúng sinh, ngay lập tức đặt suy nghĩ cá nhân xuống, nghĩ đến lợi ích của người khác; lễ bái thân, khẩu, ý, cung kính chư Phật. Đại lễ trong Ngũ gia hành là cách tốt nhất để tiết chế tính kiêu căng, ngạo mạn.

Chuyển hóa kiêu căng, ngạo mạn

Để tránh được sự kiêu căng, ngạo mạn thì người Phật tử cần phải học đức tính khiêm hòa. Nhờ đức tính khiêm hòa mà việc tu hành của mình dễ dàng tiến bộ. Sống với tâm khiêm hòa, đời sống mình sẽ phù hợp với đạo lý chân thật, gia đình sẽ êm ấm an lạc, mọi người đều hoan hỷ hòa đồng, lấy tôn trọng và yêu thương mà đối đãi. Và, chỉ khi nào ý thức được tính tàm quý của mình, sống có chánh niệm, thì lúc ấy mới nhận ra “cái tôi chẳng là gì cả”, bấy giờ tinh thần lục hòa mới rõ bày làm tiêu tán đi cái ý nghĩ “mặc-kệ-nó”.

Đức Thế Tôn từng khuyến cáo, nếu trần gian này không có tàm quý thì chỉ có “con” mà không có “người”.

Mục tiêu tranh đấu của người Phật tử là diệt tham, sân, si, mạn, nghi và các biến tướng từ những tâm sở bất thiện. Tối sáng, có không, ác thiện chỉ nằm trong khoảnh khắc úp ngửa bàn tay… Tu sửa trong từng sát-na, tĩnh lặng mà nghe thấy suy xét lòng mình thử hỏi.

Người nhận mình là một Phật tử, trước hết phải giảm dần và tẩy xua lục dục cho đến khi sạch trong, khoác áo tịnh thiền siêng năng giáo lý Phật-đà mà từng bước thoát khỏi vòng vô minh. Muốn được như vậy thì bỏ tính kiêu mạn, không tự khen mình mà chê bai kẻ khác. Nếu không như thế sẽ vấp vào hố hầm sở tri chướng, đem chút vốn liếng nhỏ mà khoe người. Đó cũng là một cách sửa mình cũng là một cách cứu mình. Đọc lại câu chuyện dân gian kể về người bắn cung và người rót dầu vào lỗ đồng tiền, kỳ thật thì chẳng ai hơn ai khi đó là một thao tác được tập thành nhiều.

Trong phút giây bất chợt nào đó, soi lại mình, ngẫm tưởng lời Phật dạy “chúng sanh là Phật sẽ thành”, ai cũng có một Đức Phật trong tâm. Ta chỉ cần nhận biết và kính trọng mọi người, biết khiêm hạ tôn kính nhún nhường để tìm thấy một ngọn đèn sáng trong tâm họ và để thấy mình chẳng hơn gì người ấy mà cảm nhận sự công bằng gần gũi cảm thông đồng thời sẵn lòng tha thứ tha nhân nếu họ mắc lỗi lầm và cũng vì họ mà mình kiên trì tu tấn hơn.

“Thuở quá khứ, tiền thân Phật là Thái tử Tu-đại-noa nguyện tu hạnh bố thí bất nghịch như ý. Đề-bà-đạt-đa đến xin tất cả, xin luôn cái đầu của thái tử. Trong tâm niệm thánh thiện nhất, việc làm của Đề-bà-đạt-đa đã nâng tâm của thái tử lớn đến độ cao nhất, thành tựu pháp bố thí Ba-la-mật. Phải có người làm hạnh ác như Đề-bà-đạt-đa đến xin mới có dịp bố thí, tạo môi trường cho Bồ-tát hành đạo”. (Lược giải kinh Pháp hoa – HT.Thích Trí Quảng).

Nơi đây một mình, niệm câu “Nam-mô A Di Đà Phật”, lắng lòng chiêm ngưỡng hơi thở nhẹ nhàng trôi đến đâu trong thế giới an lành riêng mình đến khi thả tiếng chuông đồng xả buông phiền não, khoan khoái đứng dậy và nhận ra mình không nghĩa lý gì với kho tàng kiến thức của nhân loại, mình không nghĩa lý gì so với đức hạnh cao vời của tiền nhân, mình chỉ là hạt bụi trong cõi tịnh Như Lai.

Nguồn: Phatgiao.org.vn!

Bài viết cùng chuyên mục

Phải biết rằng cái thế gian này rất khổ

Định Tuệ

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 1 – Pháp Sư Tịnh Không

Định Tuệ

Hãy nên tự lượng sức mình, chớ nên thiên chấp một pháp

Định Tuệ

Đạo con người là đạo ngũ luân, chúng ta có làm được chăng?

Định Tuệ

Những duyên nghiệp khảo đảo gây chướng ngại cho người tu

Định Tuệ

Thiếu nợ thì nhất định phải trả

Định Tuệ

Khai thị cho người già: Buông bỏ mọi sự, chỉ lo niệm Phật cầu sanh Tây Phương

Định Tuệ

Nguyện thứ bảy: Thỉnh Phật trụ thế

Định Tuệ

Những tính chất đặc biệt của Đạo Phật

Định Tuệ

Viết Bình Luận