Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Vì sao đệ tử Phật phải nhớ ghi ngày Đức Phật thành đạo?

Suốt hơn 2500 năm, trải qua bao thăng trầm, nhưng ánh sáng Phật Pháp vẫn không ngừng soi lối cho nhân loại, từng bước đưa chúng sinh về đến bến bờ của an vui, của Giác Ngộ.

Từ xa xưa vô số thời gian không thể tính kể, con người cùng mọi chúng sinh ở các cảnh giới khác nhau đã luôn chìm trong đau khổ. Con người ta hễ sinh ra là lập tức có những đau khổ bủa vây lấy, tận cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.

Bao nhiêu cuộc chiến tranh kéo dài suốt lịch sử loài người, máu chảy thành sông, xác chết thành núi. Bao nhiêu dịch bệnh nối nhau phát sinh, chưa từng khi nào y học chữa được hết. Rồi bao lần thiên tai động đất, bao lần nạn đói hoành hành, bao lần sinh ly tử biệt… Đọc thêm: Ngày đức Phật thành đạo là vào ngày nào?

Ngay trong cuộc sống thường ngày, cũng luôn thường trực hàng trăm ngàn loại khổ đau khác nhau dày vò kiếp người: sinh – lão – bệnh – tử – ái biệt ly – oán tắng hội – cầu bất đắc – ngũ ấm xí thịnh khổ.

Dù cho cái chết có đến, cũng hoàn toàn không phải là chấm dứt. Nó chỉ là một cái mốc đánh dấu chuyển giao từ loại khổ này sang loại khổ khác mà thôi. Vì sau khi chết, linh hồn sẽ phải chuyển kiếp sang một cảnh giới mới.

Nếu sinh xuống địa ngục, sẽ là tột cùng của đau đớn với hàng triệu cực hình thảm khốc có thể kéo dài từ hàng trăm năm lên đến hàng tỉ năm.

Nếu sinh làm kiếp quỷ đói, sẽ phải nếm trải cảnh đói khát dai dẳng từ hàng trăm năm lên đến hàng triệu năm. Chưa kể đến nhiều nỗi dày vò khác như lạnh căm căm hoặc nóng hừng hực, bị quỷ thần tra tấn, đánh đập, trùng độc rúc rỉa v.v…

Nếu sinh làm kiếp súc sinh, bị bản năng khống chế, ăn thịt hoặc bị ăn thịt, cắn xé lẫn nhau, chịu cảnh ngu si, tăm tối.

Địa ngục, quỷ đói, súc sinh khổ không tả siết, nhưng dù may mắn hơn, sinh vào cõi người, cõi thần A Tu La hay sinh lên cõi trời, khổ đau cũng chỉ là ít hơn chứ không phải chẳng khổ.

Quan trọng nhất là dù sinh về cõi nào cũng đều có thời hạn. Khi thọ mạng đã hết thì dù là ở cảnh trời cao nhất cũng vẫn phải đầu thai xuống các cõi thấp, có khi sinh xuống đến tận địa ngục, quỷ đói, súc sinh mà chịu khổ.

Cứ thế kiếp kiếp nối nhau, hết sinh lên cảnh giới cao, lại sinh xuống cảnh giới thấp, không có điểm dừng. Vì luân hồi chuyển kiếp là bất tận, cho nên đau khổ của chúng sinh cũng là bất tận. Mỗi mỗi chúng sinh suốt vô số kiếp qua, khóc vì khổ đau, khóc vì mất nhau, nước mắt cộng lại nhiều hơn nước biển cả.

Vào thủa ấy, có một vị hiền nhân trí tuệ siêu việt, nhìn thấy được toàn cảnh khổ đau của chúng sinh khắp trong vũ trụ. Vì lòng từ bi thương xót chúng sinh vô hạn, người ấy phát tâm muốn cứu thoát tất cả chúng sinh vĩnh viễn không còn phải chịu bất cứ nỗi khổ đau nào nữa. Nhưng phải làm cách nào?

Gặp người nghèo đói, nếu bố thí tiền bạc, đồ ăn thức uống, quần áo vật dụng, giúp người ta no đủ được một vài ngày, vài tháng chứ sao no đủ được cả đời? Dù no đủ được một đời này cũng đâu no đủ muôn đời sau?

Gặp người bệnh tật, có chữa cho họ hết bệnh, cũng đâu có nghĩa họ sẽ không bao giờ bị bệnh trở lại. Huống chi luôn có những bệnh chẳng thuốc nào trị dứt ? Rồi thì cái chết vẫn tìm đến, không sớm thì muộn, không cách này thì cách khác, nào có ai trường sinh bất tử được đâu?

Rồi gặp người đau khổ vì ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc.v.v… biết lấy gì giúp họ xoa dịu hết đau khổ đây?

Chỉ có một cách duy nhất có thể chấm dứt tất cả khổ vĩnh viễn cho chúng sinh, đó là Đạo Bồ Đề. Chỉ khi chúng sinh giác ngộ được Đạo Bồ Đề, chứng thành Thánh Quả, mới có thể được giải thoát khỏi vòng vây của luân hồi sinh tử.

Thấu hiểu được điều đó, vị hiền nhân kia phát lên lời thệ nguyện, dù cho máu chảy đầu rơi, xương tan thịt nát suốt vô số kiếp, cũng quyết đi tìm Đạo Bồ Đề về cho chúng sinh, cứu chúng sinh vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau của luân hồi sinh tử.

Từ ấy, vị hiền nhân kia do nhân quả lời nguyện đã phát, trở thành một vị Bồ Tát, trải qua kiếp kiếp đời đời nối nhau trùng điệp, Ngài tu Bồ Tát Đạo tinh tấn không dừng nghỉ. Để tìm được Chánh Pháp sâu xa, vị Bồ Tát ấy sẵn lòng bỏ mạng cầu Đạo, kiếp kiếp nối nhau trải bao thử thách, đóng ngàn cây đinh trên người, khoét ngàn cái lỗ trên thân, nhảy vào hầm lửa cháy rực… Lột da làm giấy, cắt máu làm mực, chẻ xương làm bút, dùng để biên chép kinh điền, quyết lòng học Đạo.

Để gieo duyên hóa độ chúng sinh, Ngài chẳng tiếc của báu đến thân mạng, kiếp này Ngài nhảy xuống vực cho hổ đói xé xác, kiếp kia Ngài cắt da lóc thịt làm thức ăn cho đủ loại chúng sinh.

Ai xin gì Ngài đều chẳng từ chối, người nghèo thiếu đến xin, Ngài mở kho bố thí vàng bạc châu báu. Người muốn ngai vàng Ngài sẽ nhường ngôi, cho đến kẻ xin đầu, Ngài chặt đầu, ai xin da, Ngài lột da.

Đi khắp quả địa cầu, cắm một cái dùi xuống bất kì chỗ nào, cũng đều là chỗ vị Bồ Tát ấy từng vì chúng sinh mà bỏ mạng.

Trải qua số kiếp nhiều hơn số hạt bụi của Tam Thiên Đại Thiên thế giới nghiền nát ra, vị Bồ Tát ấy vì tìm cầu Đạo Bồ Đề cứu độ chúng sinh, đã tu hành viên mãn đầy đủ lục độ Ba La Mật thâm sâu, dùng Tứ Nhiếp Pháp gieo duyên nợ sâu dày với vô biên vô lượng chúng sinh, tích lũy công đức khổng lồ không sao tính đếm hình dung được hết, được Đức Phật Nhiên Đăng thủa quá khứ và rất nhiều chư Phật khắp mười phương khen ngợi, cùng thọ ký cho rằng: “ Ông về sau sẽ thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni.”

Cuối cùng, vào thời Hiền Kiếp, cõi nước tên là Ta Bà, khi con người thọ mạng trung bình khoảng trăm tuổi, vị Bồ Tát ấy đã tu hành viên mãn con đường Bồ Tát Đạo khó khăn, gian khổ, lâu xa thăm thẳm, mọi nhân duyên đã chín muồi. Ngài từ cung trời Đâu Suất sinh xuống nhân gian làm thái tử con vua Tịnh Phạn, nước Ca Tỳ La Vệ, được đặt tên là Tất Đạt Đa.

Dù lớn lên trong nhung lụa, nhưng Thái Tử chẳng màng đến vinh hoa quyền thế, năm 29 tuổi, Thái Tử từ bỏ hoàng cung với Ngai vàng đang chờ đón, bỏ lại mọi sung sướng tột đỉnh của bậc đế vương, xuất gia tu hành.

Trải qua 6 năm khổ hạnh tột cùng chưa ai làm được, xong vẫn không đạt được Giác Ngộ, chứng minh rằng con đường khổ hạnh không đưa đến giải thoát, Ngài chuyển hướng sang tu hành thiền định. Giữa khu rừng hoang vắng, dưới tán một cây đại thụ, Ngài trải cỏ làm tọa cụ, ngồi xuống rồi phát lời thề rằng:

– Dù cho da, thịt, xương, gân của ta có tan hoại và máu ta có khô cằn. Nếu không đạt quả vị Chánh Giác, ta sẽ không rời chỗ này.

Vì sao đệ tử Phật phải nhớ ghi ngày Đức Phật thành đạo?

Trong tư thế kiết già, Ngài nhập sâu vào trong thiền định, trải suốt 49 ngày đêm. Vào đêm cuối cùng, trước thời điểm định mệnh ấy, ma vương Ba Tuần cùng ma quân ùn ùn kéo đến, quyết phá không để ngài tiếp tục thiền định mà chứng được Đạo Quả, vượt thoát khỏi lưới ma.

Chúng hiện ra đủ thứ ma chướng, khi thì dụ dỗ bằng những thiên nữ sắc nước hương trời, khi thì hóa hiện thiên binh vạn mã hung tợn gào thét, bắn tên xối xả, nhưng bất luận là gì, Ngài vẫn ngồi yên bất động, không rời khỏi thiền định.

Do công đức, oai thần của Bồ Tát đã viên mãn, những mũi tên phóng đến chẳng thể bắn trúng Ngài, mà biến thành hoa rồi tan mất. Biết chẳng thể thay đổi được gì, Ma Vương hậm hực bỏ đi.

Cuối cùng, vào khoảnh khắc sao mai vừa ló rạng, một ánh sáng bừng lên, xé tan màn vô minh tăm tối đã che phủ từ muôn kiếp xa xưa, Người đã chứng Đạo Bồ Đề, thành Đấng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, hiệu là Thích Ca Mâu Ni Phật.

Từ ấy, bình minh của Chánh Pháp soi sáng khắp muôn nơi, trải suốt 45 năm, Người đem Đạo Bồ Đề truyền dạy khắp Tam Giới. Từ ấy, chúng sinh được biết đến con đường Giác Ngộ, giải thoát vĩnh viễn ra khỏi biển khổ luân hồi muôn kiếp. Từ ấy, vô lượng chúng sinh khắp các cảnh giới từ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, đến cõi người, A Tu La, các cõi trời đã quy y, trở thành đệ tử của Đức Phật, bậc Thiên Nhân Sư, Đấng Từ phụ muôn loài, hưởng được pháp vị Cam Lồ, hóa giải muôn thứ khổ đau.

Nương theo Chánh Pháp Như Lai, hàng ngàn vị đã chứng quả vị A La Hán, chấm dứt sinh tử đạt đến Niết Bàn, vô số vị phát Bồ Đề Tâm, nguyện sẽ theo chân Phật tu Bồ Tát Đạo cứu độ hết thảy chúng sinh.

Suốt hơn 2500 năm, trải qua bao thăng trầm, nhưng ánh sáng Phật Pháp vẫn không ngừng soi lối cho nhân loại, từng bước đưa chúng sinh về đến bến bờ của an vui, của Giác Ngộ.

Và đêm nay, mùng 8 tháng 12 Âm lịch, hơn 2500 năm sau đêm Phật Thành Đạo, đệ tử chúng con – những chúng sinh còn bị vô minh che lấp, trầm luân trong biển khổ, may mắn được khai sáng bởi Đạo Bồ Đề, bởi những chân lý mà Đức Như Lai trải muôn triệu kiếp khổ tu mới có được. Nhờ những chân lý ấy, cuộc đời chúng con vơi bớt đi bao nỗi khổ đau, tâm hồn chúng con xóa tan đi bao tăm tối.

Nhờ những chân lý ấy, mảnh đất tâm nơi chúng con được gieo xuống những hạt giống của Bồ Đề, để muôn kiếp sau vươn lên thành quả vị Giải Thoát, chấm dứt luân hồi khổ đau vĩnh viễn. Nối bước Đức Như Lai, đem lại an vui Giác Ngộ cho muôn loài.

Với lòng biết ơn vô hạn, với tâm kính ngưỡng thiết tha, đệ tử chúng con xin quỳ dưới chân Người, chí thành phát lên bốn điều nguyện, là hạt giống Bồ Đề Tâm nối dòng Phật Pháp, cúng dường Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, cúng dường Thường Trụ Thập Phương Tam Bảo:

“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.”

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !

Tâm Hướng Phật/St (Nguồn: Quang Tử)!

Bài viết cùng chuyên mục

Ma cảnh là gì? Làm sao để phân biệt cảnh ma hay cảnh thật?

Định Tuệ

Khuyên nên tại gia hoằng Pháp sống trong cõi trần học đạo

Định Tuệ

Giác mà không mê thì con người này liền thành Phật

Định Tuệ

Tại sao phải đứng bên cạnh người sắp mất để trợ niệm?

Định Tuệ

Thần thông từ đâu mà sanh ra?

Định Tuệ

Quan trọng nhất, không gì vượt qua pháp môn niệm Phật

Định Tuệ

Những công hạnh của Bồ Đề Tâm

Định Tuệ

Kinh Bát Đại Nhân Giác điều giác ngộ thứ ba giảng giải

Định Tuệ

Hãy sáng suốt suy nghĩ để tránh Khẩu nghiệp

Định Tuệ

Viết Bình Luận