Tụng Kinh ở nhà hay tụng Kinh ở chùa nếu tâm bạn thanh tịnh thì công đức bằng nhau, miễn sao tâm ta thanh tịnh không vọng tưởng suy nghĩ gì thì đó là công đức.
1. Tụng kinh ở nhà có công đức hay không?
Tụng Kinh ở nhà hay tụng Kinh ở chùa nếu tâm bạn thanh tịnh thì công đức bằng nhau, tụng Kinh hay niệm Phật, ngồi thiền không riêng gì ở chùa, nhà mà kể cả trong rừng, núi, đồng ruộng ta ngồi dưới bóng mát ta thực hành cũng được, miễn sao tâm ta thanh tịnh không vọng tưởng suy nghĩ gì thì đó là công đức.
Lợi ích tụng Kinh ở chùa làm cho ta dễ nhiếp tâm hơn, không bận rộn con cháu xung quanh, thần lực đại chúng hộ trợ cho bạn tu tinh tấn hơn, từ trường cộng tu giúp bạn an lạc hơn ở nhà.
Còn bạn tu ở nhà bạn khó tinh tấn, làm biếng trể nãi nhiều, nếu có điện thoại trong tâm cũng suy nghĩ không biết ai gọi mình, hoặc hờn trách từ sáng giờ không chịu điện thoại, đến giờ tu cái điện thoại…
Miệng thì tụng Kinh nhưng trong tâm nghĩ lung tung lên, hoặc con cháu trong gia đình đùa giỡn với nhau, cuối cùng xin Phật cho con nghĩ vài giây rồi con tu tiếp, hay chồng và các con mở tivi gây ồn ào… nhiều thứ chướng duyên làm bạn động niệm.
Quý vị tu đến cảnh giới ai làm gì mặc kệ không động tâm thì xin chúc mừng bạn, nhưng coi chừng bạn bị tâm lừa gạt, vọng tưởng mà không biết mình bị vọng tưởng, mà cứ tưởng tự giờ ta tụng Kinh chỉ chú tâm ngồi thiền, niệm Phật, tụng Kinh thôi, như vậy bạn cần phải tinh tấn tu thêm và nương ngoại cảnh mà tu sẽ tốt hơn nhiều.
Còn nhà bạn có phòng thờ riêng biệt không bị chướng duyên đời sống gia đình thì bạn chỉ cần tinh tấn và kiểm soát tâm ý mình, hãy làm chủ tâm, thay vì chúng làm chủ mình.
2. Ý nghĩa tụng Kinh
Dù theo truyền thống nào, điểm quan trọng mà người thọ trì Kinh cần chú ý là tụng Kinh để hiểu và ứng dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống. Do đó, trong khi tụng niệm, không nên quá chú trọng vào các nghệ thuật tán tụng, mặc dù nghệ thuật này có thể giúp cho người tụng lẫn người nghe dễ lắng tâm và phát khởi niềm tin tôn giáo.
Người đọc tụng cần phải chú trọng vào phần “cốt lõi nhất” của Kinh là nội dung và nghĩa lý của nó. Không có sự chú tâm thật sâu thì khó có thể lãnh hội được ý nghĩa nhiệm mầu trong Kinh. Người đọc tụng phải giữ ba nghiệp thanh tịnh, chú tâm hoàn toàn vào nghĩa lý của Kinh, tư duy và liên tưởng về nghĩa lý đó, để hiểu rõ lời dạy của đức Phật, biết cách ứng dụng và hành trì.
Bậc cổ đức thường dạy “tụng Kinh giả minh Phật chi lý” là nhằm vào ý này vậy. Chính sự ứng dụng lời Kinh vào cuộc sống mới thật sự đem lại phước báo, an lạc và giải thoát cho chúng ta. Do đó, ta không nên chỉ tụng niệm bằng miệng mà còn phải tụng niệm bằng tâm. Nói cách khác miệng tụng tâm hành mới chính là tụng Kinh đúng nghĩa.
3. Lợi ích của tụng Kinh
Người đọc tụng, thọ trì và truyền bá Kinh Phật sẽ gặt hái nhiều lợi ích cho mình và tha nhân:
– Nắm vững yếu nghĩa lời Phật dạy, nhờ đó, người thọ trì xóa bỏ cái nhìn phân cách, ngộ nhận giữa hai truyền thống. Tất cả chỉ có một nguồn chánh pháp, chỉ thuần nhất hương vị: an lạc, giác ngộ, giải thoát.
– Đọc tụng để lời nói, ý nghĩ, việc làm được trong sạch; để từ bỏ các điều ác, thực hành các hạnh lành, sống tùy hỷ, sống theo bi-trí-dũng, thương yêu, giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau; để làm hành trang cho cuộc sống, làm hương thơm cho đời.
– Đọc tụng để mở rộng tầm nhìn đúng đắn về con người, về thế giới, về nguyên nhân sai biệt cũng như yếu tố hình thành vũ trụ. Đọc tụng để xóa bỏ mê lầm, trở về chánh pháp, sống chánh tín, chánh mạng và an lạc.
– Đọc tụng để chuyển hóa nhận thức và hành động. Nhờ đó, cá nhân được thuần thiện, gia đình được đầm ấm, xã hội được an vui và nhân loại được thái bình, hạnh phúc trong chánh pháp Phật-đà.
Đọc tụng Kinh Phật có nhiều công đức như thế, kính xin tất cả mọi người hãy tinh tấn hơn nữa, trong việc đọc tụng, thọ trì và truyền bá lời Phật dạy!